Đảo chính ở Gabon: Một chính biến "cung đình"?

TƯỜNG ANH 10/09/2023 11:14 GMT+7

TTCT - Ủy ban Chuyển đổi và phục hồi các thể chế Gabon (CTRI) đã công bố bổ nhiệm tướng Brice Oligui Nguema, chỉ huy Lực lượng vệ binh cộng hòa, làm tổng thống lâm thời, trong cuộc đảo chính quân sự ngày 30-8.

Dân Gabon xuống đường sau đảo chính. Ảnh: CNN

Dân Gabon xuống đường sau đảo chính. Ảnh: CNN

Ở châu Phi, đây là cuộc đảo chính thứ hai trong vòng một tháng và không biết là thứ mấy chỉ trong một năm qua. Tuy vậy, nó có những nét "đặc sắc Gabon".

Sáng sớm 30-8 giờ địa phương là thời điểm công bố kết quả bầu cử tổng thống 26-8 mà ông Ali Bongo Ondimba - lãnh đạo đất nước từ năm 2009 - dự kiến được tuyên đắc cử nhiệm kỳ 3 với 64,2% phiếu ủng hộ. Tuy nhiên, thay cho tổng thống, 12 sĩ quan cấp cao đã phát biểu trước toàn quốc lúc 4h sáng trên kênh truyền hình quốc gia Gabon 24.

Họ tuyên bố hủy kết quả bầu cử, giải thể chính phủ và quốc hội, đóng cửa biên giới, dừng phát sóng các đài Pháp RFI và France 24, ban hành lệnh giới nghiêm và chặn quyền truy cập Internet. 

Họ nói cuộc đảo chính là cần thiết để ngăn chặn xung đột nghiêm trọng trong nước, do "sự quản lý vô trách nhiệm, khó lường dẫn đến sự gắn kết xã hội tiếp tục suy thoái". Truyền hình Gabon đưa hình ảnh người dân vui mừng đổ ra đường phố thủ đô Libreville. Tất cả các áp phích và biển quảng cáo bầu cử có hình ông Ali Bongo mà họ gặp trên đường đều bị phá hủy.

Ngay sau đó, trên Internet lan truyền tin nhắn video chiếu cảnh Tổng thống Ali Bongo cho biết đang bị quân đội quản thúc tại nơi cư trú. Ông kêu gọi "tất cả bạn bè" và cộng đồng quốc tế "làm ầm lên" để cứu ông.

Không khẩu hiệu chống Pháp và cờ Nga

Nhiều hãng truyền thông lập tức nhận định cuộc đảo chính ở Gabon tương tự các cuộc binh biến trước đó ở Mali, Burkina Faso, Niger, là cú đánh vào ảnh hưởng của Paris trên lục địa đen. 

Tuy nhiên, theo quan sát của Nikolai Shcherbkov - nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện các nước châu Á và châu Phi, Đại học Quốc gia Matxcơva, đã không xuất hiện khẩu hiệu chống Pháp hay cờ Nga trong cuộc chính biến như từng thấy ở Niger, Mali, Burkina Faso… Nhà bình luận chính trị Mikhail Moshkin thì nhận định đây là vấn đề mâu thuẫn nội bộ của Gabon.

Động cơ và nguyên nhân của đảo chính Gabon có khác so với những vụ trước đó ở vùng Sahel. Tại Mali, Burkina Faso và Niger, đảo chính quân sự diễn ra trong bối cảnh chính quyền bất lực trước mối đe dọa thánh chiến, còn tâm trạng quần chúng là không ưa Pháp. Gabon thì không bị chủ nghĩa khủng bố đe dọa và là một nước tương đối phát triển và ổn định ở lục địa đen.

Nhà nghiên cứu Shcherbkov cho rằng cuộc đảo chính xảy ra bởi 56 năm trị vì của dòng họ Bongo ở Gabon. Chế độ độc tài giúp gia tộc Bongo nắm quyền hơn nửa thế kỷ (từ năm 1967 - Gabon giành được độc lập từ Pháp năm 1960) đã nhiều lần bị thách thức, mà đảo chính quân sự thất bại năm 2019 là một tín hiệu. 

Trước Ali Bongo, cha ông là Omar Bongo đã cai trị đất nước 42 năm. Gabon trở thành mảnh đất màu mỡ cho "doanh nghiệp gia đình" Bongo. Điều tra của cảnh sát tài chính Pháp năm 2007 cho thấy nhà Bongo sở hữu 39 bất động sản ở Pháp, 70 tài khoản ngân hàng và 9 chiếc ô tô hạng sang trị giá tổng cộng 1,5 triệu euro, theo Reuters.

"Cách mạng cung đình"?

Nhà báo chuyên về châu Phi Viktor Vasiliyev dẫn các nguồn tin nói Omar Bongo có từ 30 đến 53 đứa con với nhiều phụ nữ khác nhau, gồm ba lần kết hôn chính thức. Gia tộc Bongo trở nên đông đảo và bắt đầu chia thành các nhóm cạnh tranh nhau, mà đại diện các chi ngành đều đòi hỏi của cải và các vị trí béo bở trong chính quyền.

Ví dụ, cho đến năm 2019, cơ quan tình báo Gabon do Frederic Bongo Ondimba đứng đầu. Người đứng đầu Cơ quan Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và tần số vô tuyến quốc gia là Alex Bongo Ondimba. 

Arthur Bongo từ phi công lái máy bay riêng của Tổng thống Ali Bongo trở thành giám đốc công ty hàng không quốc gia DGA Air Services, rồi giám đốc công ty điện thoại nhà nước. Vợ Arthur Bongo là Virginia Bongo Ondimba thì đứng đầu Ngân hàng BGFI, nơi Ali Bongo và em gái ông Pascaline là cổ đông, cứ thế, đến vô cùng.

Đệ nhất gia đình Gabon có bốn người con. Con trai cả của Ali và Sylvia Bongo là Noureddine Bongo Valentin, từ tháng 12-2019 được bổ nhiệm điều phối viên chính về các vấn đề của tổng thống.

Ngay cả tướng Nguema cầm đầu cuộc đảo chính cũng xuất thân từ tỉnh Haut-Ogue, cái nôi của gia tộc Bongo, và làm nên sự nghiệp nhờ tướng Andre Oyini, trợ lý của Omar Bongo quá cố! (Trong hàng ngũ CTRI còn có Aime-Vivian Oyini, hiện giữ chức tham mưu trưởng quân đội, là con trai cố tướng Andre Oyini). Nguema là nhân vật chính trị có ảnh hưởng lớn ở Gabon, được đào tạo tại Học viện Hoàng gia Morocco.

Quá nổi tiếng, ông từng bị Ali Bongo phái đi làm tùy viên quân sự ở Morocco vào năm 2009, rồi sau đó ở Senegal, và chỉ quay lại Gabon vào năm 2019 nhờ sự can thiệp của Brice Lakkrush Alikhanga, bạn thời thơ ấu của ông và lúc đó là chánh văn phòng của Ali Bongo. 

Tất cả họ, Nguema, Aime-Vivian Oyini và Alikhangi, đều thân thiết với "cậu cả" Noureddine Bongo Valentin và đệ nhất phu nhân, bà Sylvia Bongo. Điều này khiến giới bình luận quốc tế nói đây chỉ là một cuộc "cách mạng cung đình".

Nguema là người năng động trong kinh doanh và rất thân thiết với Mỹ, nơi ông có ba ngôi nhà ở bang Maryland tổng giá trị hơn 1 triệu đô la. Washington không mất gì khi Nguema lên làm tổng thống. 

Trong khi tập đoàn dầu mỏ Pháp Total Energies cho biết họ đã sẵn sàng sơ tán nhân viên khỏi Gabon, thì hãng Mỹ Assala Energy (thuộc Tập đoàn Carlyle) lại bình tĩnh cho biết cuộc đảo chính không ảnh hưởng đến họ: "Chúng tôi xin xác nhận rằng tất cả nhân viên đều an toàn, hoạt động của chúng tôi vẫn tiếp tục như bình thường".

Nguema bắt đầu triều đại của chính ông với lệnh khôi phục phát sóng các kênh phát thanh và truyền hình quốc tế, mở cửa lại biên giới và ngưng chặn Internet. Ngày 2-9, ông nói về kế hoạch tổ chức lại các thể chế quyền lực trong nước: "Việc giải thể các tổ chức chỉ là tạm thời. Chúng tôi đang… tổ chức lại để khiến chúng dân chủ hơn và phù hợp hơn với các tiêu chuẩn quốc tế".

Thất bại của Macron?

Những diễn biến nói trên góp phần giải thích vì sao các cường quốc phương Tây, trừ Pháp, đều không đưa ra tuyên bố gay gắt chống phe đảo chính Gabon như trường hợp Niger.

Dù không có khẩu hiệu chống Pháp, song thực tế không thể phủ nhận là ảnh hưởng của Pháp ở lục địa đen đang xói mòn. Tờ Le Monde đã nói tới sai lầm của Tổng thống Emmanuel Macron.

Sau cuộc đảo chính Gabon, tờ này dẫn lại phát biểu trước hội nghị đại sứ Pháp tại Paris ngày 28-8, nơi ông Macron đánh giá gay gắt khác thường về châu Phi. Vị tổng thống Pháp lần đầu tiên cho phép mình nói một câu thô thiển ở một diễn đàn cao cấp: "Chúng ta phải sống giữa những thằng ngu!". Le Monde kết luận: "Paris thật sự tuyệt vọng bởi thất bại trong chính sách châu Phi".■

Gabon là một quốc gia ven biển nhỏ ở Trung Phi với dân số chỉ 2,2 triệu người. Dầu mỏ tạo ra khoảng 50% GDP của đất nước, nhưng nước này còn giàu quặng uranium, vàng và quặng mangan (lớn nhất thế giới). Là một trong những nước giàu nhất châu Phi, Gabon đứng thứ tư châu lục về GDP bình quân đầu người, khoảng 15.000 USD, nhưng thu nhập cao mà phân bổ không đồng đều khiến tỉ lệ dân số dưới mức nghèo khổ chiếm 1/3.
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận