Diễn đàn quốc phòng Hương Sơn: Một tiếng nói khác

NGUYỄN THÀNH TRUNG 12/11/2023 09:54 GMT+7

TTCT - Tân Hoa xã cho biết năm nay Diễn đàn quốc phòng Hương Sơn (Bắc Kinh, từ 29 tới 31-10), quy tụ các phái đoàn từ hơn 100 quốc gia, gồm 22 bộ trưởng và 14 lãnh đạo quân sự cấp cao - đông đảo nhất lịch sử diễn đàn này tính từ năm 2006.

Khẩu hiệu của Diễn đàn Hương Sơn năm nay là "An ninh chung, hòa bình lâu dài". Ảnh: CGTN

Khẩu hiệu của Diễn đàn Hương Sơn năm nay là "An ninh chung, hòa bình lâu dài". Ảnh: CGTN

8/10 quốc gia thành viên ASEAN (trừ Brunei và Philippines) đã cử bộ trưởng quốc phòng tới dự.

Diễn đàn năm nay diễn ra vào thời điểm nhạy cảm với Trung Quốc, khi nước này đang trống ghế bộ trưởng quốc phòng. Tướng Lý Thượng Phúc bị cách chức chỉ vài ngày trước khi diễn đàn khai mạc. Thay cho ông là các tướng Trương Hựu Hiệp và Hà Vệ Đông, xếp thứ hai và ba trong Quân ủy Trung ương, cơ quan lãnh đạo quân sự tối cao của Trung Quốc.

Một ý chí mới

Với chủ đề "An ninh chung và hòa bình lâu dài", Diễn đàn Hương Sơn năm nay thể hiện ý chí của Trung Quốc trong thực thi vai trò lãnh đạo an ninh khu vực qua một nền tảng đa phương cho đối thoại, thúc đẩy quan hệ giữa giới chức quân sự và các hình thức hợp tác an ninh khác. 

Qua đó, Bắc Kinh muốn kiến tạo hình ảnh Trung Quốc là quốc gia yêu hòa bình, hỗ trợ cho đối thoại thúc đẩy hiểu biết về an ninh, quân sự tầm thế giới.

Số lượng các đoàn tham dự quả thể hiện Trung Quốc đã có những thành công nhất định trong thu hút các quốc gia đang phát triển ở Nam bán cầu, nhất là khi nhìn vào bức tranh rộng hơn của cuộc cạnh tranh ảnh hưởng Mỹ - Trung.

Trong bài phát biểu khai mạc tại Bắc Kinh, tướng Trương Hựu Hiệp, phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, mô tả Trung Quốc là nước kiến tạo tích cực cho hòa bình thế giới, ngầm ám chỉ trái ngược với Mỹ và các đồng minh. Tướng Trương nói mà không nêu đích danh: "Một số quốc gia cố tình tạo ra tình trạng bất ổn và can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác". 

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu thì không cần lịch sự như vậy, ông phát biểu chỉ trích đích danh Mỹ và NATO tại diễn đàn: "Washington trong nhiều năm đã cố tình làm suy yếu và phá hủy nền tảng của an ninh quốc tế và ổn định chiến lược, bao gồm cả hệ thống các thỏa thuận kiểm soát vũ khí".

Một tiếng nói khác?

Riêng với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, một diễn đàn có tính cách "dung nạp" hơn có lẽ là Đối thoại Shangri-La (SLD), được tổ chức thường niên ở Singapore từ năm 2002. 

Trong khi Diễn đàn Hương Sơn do Nhà nước Trung Quốc tổ chức và chủ trì, thì tổ chức SLD là một cơ quan nghiên cứu, Viện IISS. Ngoài tính trung lập, SLD cũng được coi là cởi mở hơn, khi những đối thoại an ninh có thể diễn ra thật sự, với nội dung và chủ đề đa dạng hơn.

Thêm vào đó Hội nghị An ninh Munich (tổ chức lần đầu năm 1963), các cuộc đối thoại này đang dần định hình là những gặp gỡ và trao đổi quan trọng nhất về an ninh trên thế giới hiện giờ. 

Các phiên họp của Diễn đàn Hương Sơn năm nay đề cập đến các vấn đề từ hợp tác an ninh đến vai trò của các nước đang phát triển trong an ninh toàn cầu, cũng như phương hướng và mục tiêu cho an ninh và phát triển khu vực. Như muốn tạo điểm nhấn tách biệt với SLD, diễn đàn mời các phái đoàn từ mọi châu lục và các chủ đề địa chính trị được lựa chọn cẩn thận để tạo sự cân bằng.

Nhà bình luận chính trị nổi tiếng người Trung Quốc Trịnh Vĩnh Niên, cựu giáo sư Đại học Quốc gia Singapore (NUS), phát biểu trong sự kiện khởi động vào chủ nhật 29-10 tại Diễn đàn Hương Sơn: "Thế giới ngày nay đầy rẫy bạo lực và nghèo đói là nguyên nhân chính dẫn đến những xung đột đẫm máu. Đất nước càng nghèo thì càng nhiều bạo lực", và không quên tố cáo phương Tây: "Chính hệ thống độc quyền kinh tế lâu đời của phương Tây đang thúc đẩy rất nhiều nước đang phát triển tìm kiếm giải pháp và học hỏi mô hình phát triển của Trung Quốc".

Báo Hong Kong South China Morning Post (SCMP) bình luận khi Bắc Kinh tổ chức một diễn đàn an ninh cấp cao thể hiện ảnh hưởng của mình ở Nam bán cầu, họ được hy vọng sẽ giúp các quốc gia đang phát triển có diễn đàn để lên tiếng trong một thế giới đầy biến động, điều mà các cường quốc toàn cầu đã không lưu tâm đủ.

Chuyên gia quốc phòng Li Jie ở Bắc Kinh nói với SCMP rằng Trung Quốc có thể tạo ra sự khác biệt: "Sự tham gia của các bộ trưởng quốc phòng Armenia và Azerbaijan cho thấy Bắc Kinh là bên tạo ra hòa bình tích cực hơn trong các cuộc xung đột toàn cầu". 

Ông cũng nhắc những nỗ lực của Trung Quốc nhằm đưa tới một lệnh ngừng bắn trong cuộc chiến đang diễn ra ở Trung Đông giữa Israel và Hamas. Ông Li nhấn mạnh: "Càng xung đột, Trung Quốc càng muốn can thiệp vì có thể gây ảnh hưởng nhiều hơn. Trung Quốc [cũng] là quốc gia có khả năng nhất để tham gia vào quá trình tái thiết sau chiến tranh ở những quốc gia bị tàn phá".

Những xung đột cũ

Tuy nhiên Trung Quốc cũng không quên lên tiếng kêu gọi các quốc gia tham dự phản đối chính sách phân ly tách rời của Mỹ với họ. Zhao Yufei, quan chức của ban tổ chức, cho biết diễn đàn kêu gọi các nước đang phát triển phản đối tình trạng đối đầu phân khối và "tâm lý Chiến tranh lạnh" - hai lý lẽ chỉ trích mà Bắc Kinh hay đưa ra với Mỹ.

Bên cạnh đó, Trung Quốc không quên sử dụng diễn đàn để ủng hộ "mối quan hệ không giới hạn" với Nga. Wan Qingsong, phó giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Nga, Đại học Sư phạm Hoa Đông, Thượng Hải, cho biết: "Mục đích là sử dụng một nền tảng như vậy để lấy lòng dư luận ở các nước Nam bán cầu và ngăn chặn những thay đổi đặc biệt bất lợi cho Nga".

Tóm lại, ngoài những mục đích nâng cao hình ảnh, và xây dựng vai trò dẫn dắt với các quốc gia đang phát triển ở Nam bán cầu, Diễn đàn Hương Sơn là nơi Trung Quốc nhắc lại quan điểm của họ với các quốc gia tham dự. 

Tướng Trương Hựu Hiệp và giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc vẫn kiên quyết rằng vấn đề Đài Loan, mà Bắc Kinh tuyên bố là một phần lãnh thổ, là bất khả thương nghị. Tướng Trương nói Đài Loan là "lợi ích cốt lõi" với Trung Quốc, đồng thời cảnh báo các nước không nên "cố tình khiêu khích nước khác về các vấn đề nhạy cảm". 

Tờ Global Times của Trung Quốc dẫn lời trung tướng Hà Lôi cảnh báo trong bài phỏng vấn khi diễn đàn đang diễn ra rằng nếu Trung Quốc sử dụng vũ lực với Đài Loan, đó sẽ là "cuộc chiến thống nhất, hợp pháp và công chính".

Bởi thế, tuy được kỳ vọng nói chuyện hòa bình, Diễn đàn Hương Sơn vẫn là nơi vang lên vô số những diễn ngôn đanh thép và quyết đoán. ■

Mỹ và đồng minh cũng có mặt ở Hương Sơn, nhưng không phải với các nhân vật cấp cao. Đại diện của Washington là một quan chức cấp rất thấp: bà Cynthia Xanthi Carras chỉ là giám đốc quốc gia về Trung Quốc tại Văn phòng Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Một số nước lớn ở châu Âu cử phái đoàn nhỏ, trong khi dẫn đầu đoàn NATO là Wendin Smith, giám đốc chính sách an ninh. Điều này không khó hiểu khi các quốc gia, tổ chức phương Tây lo ngại về mức độ cởi mở của diễn đàn, cũng như e ngại Trung Quốc dùng Hương Sơn để chỉ trích họ.
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận