Đông Nam Á: Quyết tâm bớt phụ thuộc than đá, xăng dầu

D. KIM THOA 11/06/2022 17:00 GMT+7

TTCT - Đông Nam Á là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và tình trạng giá xăng dầu tăng mạnh trong thời gian qua. Đây là động lực thực tế để các nước trong khu vực, dù đối mặt nhiều thách thức, đặc biệt về nguồn lực tài chính, vẫn quyết tâm chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo.

Không hẹn mà gặp, các năm qua nhiều nước Đông Nam Á đã công bố các chính sách năng lượng mới đặt ra những mục tiêu tham vọng cho lộ trình chuyển đổi năng lượng sạch. Về tổng thể, khu vực kỳ vọng trong giai đoạn 2050 - 2065 sẽ lần lượt đạt được mức phát thải ròng bằng 0.

Những mục tiêu tham vọng

Để đạt mục tiêu này, chắc chắn ngành điện Đông Nam Á sẽ phải có những nỗ lực rất lớn trong bối cảnh hầu hết các nước khu vực hiện vẫn lệ thuộc chủ yếu nguồn cung điện từ nhiên liệu hóa thạch.

 
 Nhà máy điện gió lớn nhất của Việt Nam đã bắt đầu hoạt động tại tỉnh Ninh Thuận ngày 16-4-2021. Ảnh: Cổng thông tin chính phủ

Theo báo cáo trong quý 1-2022 của Hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit (có trụ sở tại London, Anh) về tình hình điện tại Đông Nam Á, năm 2020 nhiệt điện than chiếm hơn một nửa nguồn cung điện ở Đông Nam Á: ở Indonesia là 61%, Philippines là 56%, Malaysia là 51% và Việt Nam là 50%. 

Một số nước khác tuy đã bớt phụ thuộc vào than đá nhưng lại lệ thuộc vào khí đốt tự nhiên như Singapore với 96% và Thái Lan là 53%.

Bộ Năng lượng và tài nguyên khoáng sản (ESDM) của Indonesia đã đề xuất lộ trình hướng tới tỉ lệ 100% năng lượng tái tạo trong hỗn hợp năng lượng thông qua Đại chiến lược năng lượng quốc gia (GSEN) với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060 hoặc sớm hơn. 

GSEN ước tính từ năm 2030 phần bổ sung công suất điện sẽ hoàn toàn đến từ năng lượng tái tạo và tổng công suất lắp đặt từ năng lượng xanh sẽ đạt 587GW vào năm 2060. Các nhà máy điện than thuộc Công ty điện than nhà nước Perusahaan Listrik Negara (PLN) do đó dự kiến sẽ sớm “nghỉ hưu” trước thời hạn.

Thái Lan dự kiến tăng dần tỉ lệ năng lượng tái tạo lên 50% hỗn hợp năng lượng trong nước vào năm 2050 để thực hiện những cam kết về khí hậu. 

Bộ Năng lượng Thái Lan cũng đã công bố các kế hoạch hướng tới hai mục tiêu là đạt trung hòa carbon và phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 lần lượt vào các năm 2050 và 2065. Ngoài việc tăng cường nhập khẩu điện từ Lào, Thái Lan cũng sẽ đầu tư cho công nghệ sạch tiên tiến trong sản xuất điện.

Tương tự, Ủy ban Năng lượng 2050 của Singapore cũng đã công bố báo cáo “Lộ trình chuyển đổi năng lượng tới năm 2050” với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 trong ngành điện vào năm 2050. 

Ủy ban này cho rằng việc đạt được mục tiêu đó là thực tế và khả thi về kỹ thuật trong khi vẫn đảm bảo an ninh năng lượng và giá cả phải chăng cho người tiêu dùng.

Điểm sáng Việt Nam

Mới nhất, ngày 2-6, báo Anh The Economist có bài viết nhận định Việt Nam đang là quốc gia dẫn đầu xu thế chuyển đổi sang năng lượng sạch tại Đông Nam Á, ngay cả khi nhiều nước khác trong khu vực vẫn còn chần chừ chưa muốn giã từ nhiên liệu hóa thạch.

Bài báo nêu rõ trong 4 năm từ 2017 - 2021, lượng điện mặt trời được tạo ra tại Việt Nam đã có bước đột phá từ con số 0 lên tới gần 11% tổng nguồn cung điện. 

Con số này không chỉ cho thấy tốc độ phát triển điện mặt trời ở Việt Nam đã tăng nhanh vào loại nhất thế giới, mà còn là tỉ lệ lớn hơn mức ở các nền kinh tế lớn như Pháp hay Nhật. Cho tới năm ngoái, Việt Nam đã trở thành nước sản xuất điện mặt trời lớn thứ 10 thế giới, theo The Economist.

Thực tế, để khẳng định quyết tâm của Việt Nam với quá trình chuyển đổi năng lượng, tháng 11-2021 Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã cam kết sẽ dừng xây mới các nhà máy nhiệt điện than và đặt mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

“Các quốc gia Đông Nam Á khác cũng đang nỗ lực trong vấn đề này có thể học hỏi một số bài học từ Việt Nam” - The Economist viết, nhấn mạnh việc Việt Nam đã tăng được gấp 4 lần công suất điện gió và mặt trời kể từ năm 2019. 

Bài báo cho rằng “thành tựu xuất sắc” về chuyển đổi năng lượng xanh Việt Nam có được thời gian qua phần lớn là nhờ vào ý chí chính trị và các chính sách khuyến khích, thúc đẩy dựa trên cơ chế thị trường.

Chẳng hạn, nghiên cứu của hai tác giả Paul Burke và Thang Do của Đại học Quốc gia Úc chỉ ra vào năm 2017 Chính phủ Việt Nam bắt đầu trả tiền cho các nhà cung cấp điện mặt trời với mức giá 9,35 USD/kWh. 

Mức giá này khá hời, nếu căn cứ chi phí thông thường để sản xuất 1 kWh điện mặt trời rơi vào khoảng từ 5-7 cent. Nhờ đó, chỉ trong vòng hai năm 2019 và 2020, khoảng 100.000 tấm pin thu điện mặt trời mái nhà đã được lắp đặt, nâng công suất điện mặt trời ở Việt Nam lên 16GW.

Bên cạnh đó, việc có những thay đổi chính sách tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam cũng đã góp phần tạo nên sự thay đổi tích cực.

Những thách thức

Quyết tâm chuyển đổi xanh là rất rõ khi nhìn vào những tuyên bố của các chính phủ Đông Nam Á. Tuy nhiên, cũng còn một số “lấn cấn” ở những điểm chưa thật rõ ràng trong chiến lược hành động của một số nước.

Chẳng hạn, báo cáo của IHS Markit đã chỉ ra đề xuất GSEN của Indonesia chưa thấy nêu những giải pháp cho các vấn đề cơ bản: đảm bảo sự ổn định và tin cậy của lưới điện khi có các nguồn năng lượng tái tạo hòa vào. 

Nó cũng không mô tả giải pháp cụ thể để vượt qua rào cản tài chính trong quá trình phát triển năng lượng tái tạo.

Vì lẽ đó, cho tới khi có một mô hình năng lượng xanh được chứng minh là khả thi và có những chính sách cụ thể, sẽ rất khó để toàn bộ thị trường chuyển đổi sang 100% năng lượng tái tạo như kỳ vọng.

Vẫn còn tồn tại tâm lý dùng dằng chưa quyết liệt xung quanh chính sách năng lượng và khí hậu tại một số nước. Vẫn còn những nơi chính sách trợ giá nhiên liệu hóa thạch liên quan tới các lợi ích chính trị nhất định. 

Việc tìm ra giải pháp để giúp những người đang hưởng lợi từ nhiên liệu hóa thạch cũng sẽ được hưởng lợi từ năng lượng tái tạo là động lực thiết thực thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh mau chóng hơn.

Trở lại với câu chuyện Việt Nam, The Economist cho rằng dù đã đạt được những thành tựu nổi bật, nhưng để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm. 

Thực tế cho thấy nhu cầu năng lượng trong nước của Việt Nam trong thập niên qua đã tăng khoảng 10% mỗi năm, theo tính toán của Hãng tư vấn Dezan Shira. Làm thế nào để vừa đảm bảo đủ năng lượng cho nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng trong khi dần xóa bỏ lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch là một thách thức không nhỏ.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận