G20 New Delhi bàn gì?

C.VĂN 13/09/2023 18:06 GMT+7

TTCT - Ngày 9-9, các thành viên G20, diễn đàn bao gồm các nền kinh tế lớn nhất thế giới, sẽ tề tựu về New Delhi trong cuộc gặp thượng đỉnh thường niên rất được chú ý.

Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

G20 được thành lập vào năm 1999 để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Nhóm G7 của các nền kinh tế phát triển lúc bấy giờ mới chịu chấp nhận rằng thế giới không thể chỉ có mình họ lãnh đạo, nên đã mở ra một cuộc đối thoại với các cường quốc kinh tế khác nhằm giải quyết những vấn đề có tính toàn cầu. 

Nhóm ban đầu gồm 22 thành viên vào năm 1997, rồi tăng lên thành 33 sau một thời gian ngắn vào năm 1999, và cuối cùng còn lại 19 nước và Liên minh châu Âu kể từ tháng 9 năm đó. Tổng cộng các quốc gia này chiếm khoảng 80% tổng sản lượng kinh tế thế giới.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008, G20 nổi lên là định chế nền tảng tạo điều kiện cho những hợp tác thiết yếu giữa ngân hàng trung ương và bộ trưởng tài chính các nước thành viên. Kể từ đó, nhóm đã đạt được những bước tiến, tuy còn nhiều hạn chế, trong các mục tiêu chính sách như tự do hóa thương mại, hỗ trợ nhau củng cố hệ thống tài chính nội địa, và đối phó tội phạm tài chính.

G20 năm nay đặc biệt đáng chú ý. Trước tiên, Thủ tướng chủ nhà Ấn Độ Narendra Modi đã quảng bá vai trò chủ tịch của Ấn Độ suốt một năm qua rất hiệu quả. Thay vì coi ghế chủ tịch là chuyện "đến hẹn lại lên", ông Modi và đảng cầm quyền Bharatiya Janata (BJP) đã tận dụng cơ hội để thể hiện Ấn Độ như một cường quốc toàn cầu mới. 

Trước thượng đỉnh, đã có 200 hội nghị diễn ra ở 56 thành phố Ấn Độ; áp phích quảng bá G20 và chân dung khổng lồ ông Modi xuất hiện khắp cả nước; có cả những cuộc thi viết luận văn và khóa học về G20 được tổ chức tại trường phổ thông.

Ấn Độ từ lâu đã là một nhân tố quan trọng trong quan hệ đối ngoại của các nước đang phát triển, qua tư cách thủ lĩnh phong trào không liên kết. Nhưng những năm gần đây, New Delhi đang nhanh chóng xích lại gần các nước phương Tây như Pháp, Úc, và nhất là Mỹ. 

G20 sẽ là diễn đàn để họ liên tiếng cho cả khối các nước đang phát triển phương nam trong nhiều vấn đề trọng yếu hiện giờ: tài chính cho biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, cải cách các ngân hàng phát triển đa phương (như kế hoạch tăng gấp ba các khoản cho vay bền vững cho các nước nghèo).

Tuy nhiên, thành công của thượng đỉnh sẽ không chỉ phụ thuộc vào quyết tâm của nước chủ nhà. Ấn Độ muốn thúc đẩy thương mại toàn cầu bằng cách tái cấu trúc các chuỗi cung ứng, đẩy mạnh phát triển xanh - bao gồm tài chính cho chống biến đổi khí hậu, cơ sở hạ tầng số và hạ tầng năng lượng; và đảm bảo nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực.

Nhưng tất cả những vấn đề đó đòi hỏi sự hợp tác mà thế giới hiện chưa có, với bối cảnh có lẽ đã chia rẽ hơn nhiều so với hơn 20 năm trước, khi G20 lần đầu nhóm họp. 

Một bóng đen sẽ bao phủ hội nghị là cuộc chiến ở Ukraine. Nga mới đây đã đình chỉ việc tham gia Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, góp phần khiến vấn đề an ninh lương thực cho các nước đang phát triển trở thành nỗi lo lớn, đến mức chính Ấn Độ đã ban bố lệnh cấm xuất khẩu gạo, làm dấy lên một đợt tăng giá gạo toàn cầu chưa từng thấy. 

Trong khi đó, Pháp chẳng hạn, đã công khai khẳng định sẽ không ký bất kỳ tuyên bố chung nào ở G20 không lên án cuộc chiến của Nga ở Ukraine giống như đã có trong tuyên bố Bali 2022.■

Trong một thập kỷ nắm quyền vừa qua, BJP và ông Modi đã tự do hóa nhiều chính sách liên quan tới đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư mạnh tay vào hạ tầng, thúc đẩy số hóa với nền kinh tế lớn thứ năm thế giới. "Tất cả những điều này diễn ra đúng lúc", Pravin Krishna, giáo sư kinh tế quốc tế ở Trường Nghiên cứu quốc tế cấp cao, Đại học Johns Hopkins, nhận định. "Cùng G20, Ấn Độ sẽ muốn thể hiện bộ mặt nền kinh tế đã có tiến bộ, một nơi tốt hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài, một cơ sở sản xuất quốc tế mới, thay thế cho Trung Quốc, điều họ đã khao khát nhiều năm".
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận