Khát nước cạnh những dòng sông

THANH HUYỀN - MẬU TRƯỜNG 27/03/2024 05:42 GMT+7

TTCT - Sau nhiều tháng nắng gắt và không có mưa, nước mặn xâm nhập ngày càng sâu vào Đồng bằng sông Cửu Long. Cà Mau và Bến Tre là hai tỉnh bị ảnh hưởng sớm và nặng nhất cho đến thời điểm này.

Ruộng lúa của ông Nguyễn Văn Cảnh chết khô vì thiếu nước ngọt. Ảnh: THANH HUYỀN

Ruộng lúa của ông Nguyễn Văn Cảnh chết khô vì thiếu nước ngọt. Ảnh: THANH HUYỀN

Nước ngọt: "kêu" giá nào cũng phải đổi

Xẩm tối, ông Lê Tuấn Anh ở ấp Thanh Tùng, xã Biển Bạch (huyện Thới Bình, Cà Mau) xách phân nửa xô nước, cái áo đầy bụi đất vắt một bên vai, vừa bước vừa lẩm bẩm: "Riết thua con gà, tắm có xô nước mà không cho". Ông vừa đi làm cỏ mướn về, thấy vợ đang chờ đổi nước nên xin một xô để tắm nhưng vợ ông chỉ cho nửa xô.

Bà Giàu, vợ ông Tuấn Anh, phân trần: "Nước ngọt phải đi mua giá cao mà ngày nào ổng cũng tắm tới hai lần thì tiền đâu chịu nổi. Tiết kiệm vậy mà mỗi tháng đã tốn hơn 400.000 tiền đổi nước cho cả nhà ba người. Để ổng tắm thoải mái nữa thì hết tiền đong gạo".

Bà Giàu nói tháng này nắng, gặp nước mặn nên đất đai trong vùng không trồng trỉa được gì, nghề làm mướn của hai vợ chồng bữa có việc bữa không. Thu nhập mỗi tháng khoảng 3 triệu đồng mà tiền nước và tiền điện mỗi tháng đã tốn gần triệu bạc.

Ông Lê Thành Văn, trưởng ấp Thanh Tùng, cho biết ấp này đã có đường ống nước sạch kéo tới tận nhà dân nhưng do hạn mặn khắc nghiệt nên đã hơn ba tháng nay, toàn tuyến đường ven sông (gần 4km) của ấp bị cắt nước hoàn toàn. Khu vực này lại không khoan được giếng ngầm nên các hộ dân phải đổi nước ngọt do các chủ ghe chở từ nơi khác tới với giá 50.000 đồng/m3. Hộ nào ít người, xài tiết kiệm lắm mỗi tháng cũng tốn hết 300.000 đồng tiền mua nước, hộ đông người, nhất là các gia đình có con nhỏ, thì mỗi tháng tốn 500.000-700.000 đồng là thường.

Hạn mặn đã khiến cây cối trong ấp này héo khô, nuôi con heo, con gà cũng không được vì không có nước cho nó uống. Cuộc sống của người dân mùa hạn mặn đảo lộn, tối ngày họ quanh quẩn chuyện đổi nước, tiết kiệm nước và không có tiền. Những hộ kha khá còn mua lu, khạp để trữ nước mưa hoặc mua một lần vài khối để dùng, các hộ nghèo và cận nghèo của ấp không có nhiều thùng chứa nên phải xài nhin nhín chờ tới ngày ghe nước vô đổi lần sau.

Người dân xã Biển Bạch cho biết những tháng mùa mưa, nước máy dẫn tới nhà chỉ phải trả 7.000 đồng/m3, mỗi gia đình xài xả láng cũng chỉ trả khoảng 70.000 đồng/tháng là nhiều. Nhưng vào mùa khô này, cả vùng thiếu nước, ghe chở nước ngọt tới bán, kêu giá nào người dân cũng phải đổi.

Ấp Thanh Tùng có nhóm 16 hộ sống biệt lập ở khu đất nuôi tôm nên các ghe nước không tiện đường đi. Cứ chục ngày, dân trong xóm phải đi rảo các kênh lớn, gặp ghe chở nước thì kéo về xóm để mỗi nhà đổi vài ba khối. Để tiết kiệm nước ngọt, họ tắm, giặt, rửa chén bằng nước mặn ở vuông tôm rồi tráng sơ qua nước ngọt. Mỗi người chỉ được xài "tiêu chuẩn" một xô nước ngọt một ngày. "Người lớn còn chịu được, chỉ tội mấy đứa nhỏ tắm nước phèn nước mặn riết nên da đen như tràm cháy, nổi mẩn ngứa khắp mình", một người dân trong xóm nói.

Thiệt hại lớn

Tình trạng khát nước ngay cạnh những con kênh ăm ắp nước cũng xảy ra ở huyện Trần Văn Thời của Cà Mau. Ông Nguyễn Văn Cảnh, xã Khánh Bình Tây, có hơn 1,5ha lúa đông xuân đang khô héo vì thiếu nước ngọt. "Cuối năm, nghe giá lúa vụ này đang tăng cao tôi mừng thầm. Ai dè lúa đang làm đòng thì mặn xâm nhập, hết nước ngọt để bơm vô ruộng, lúa trổ bông không được rồi chết khô giữa đồng. Tôi phải xoay ra làm phụ hồ để có tiền chi phí cho bốn miệng ăn trong nhà", ông kể.

Gần đó, đám ruộng hơn 1ha của gia đình ông Huỳnh Tấn Hội cũng bỏ trống vì không có nước ngọt để tưới. Mỗi năm, gia đình ông Hội trồng xen canh lúa và rau màu nhưng năm nay thu hoạch lúa xong thì gặp nước mặn nên không trồng rau được.

Ông Hội tính thu nhập của gia đình ông năm nay bị giảm hơn một nửa do hạn mặn, thiếu nước. Xung quanh người ta cũng khoan giếng, bơm trữ nước lại trong các ao, đìa nhưng chi phí cao quá, làm không có lãi. Các hộ xung quanh nhà ông Hội cũng bỏ trống phần lớn chuồng trại vì con gà con vịt uống nước mặn cũng quay ra chết, nuôi heo tắm bằng nước mặn bị phồng, lở da không lớn được…

Ghe nước ngọt bán nước cho một hộ dân xã Biển Bạch (Thới Bình, Cà Mau).  Ảnh: THANH HUYỀN

Ghe nước ngọt bán nước cho một hộ dân xã Biển Bạch (Thới Bình, Cà Mau). Ảnh: THANH HUYỀN

Hỏi chuyện thiếu nước mùa hạn mặn, bà Nguyễn Thị Phượng (51 tuổi, ở Ba Tri, Bến Tre) chỉ tay về dãy ống xi măng bên hông nhà, nói: "Nhìn đây là biết chúng tôi đã sống sót qua bao mùa hạn mặn, thiếu nước ra sao". Nhà bà Phượng nằm cạnh một con kênh luôn đầy ắp nước nhưng chỉ sử dụng được khoảng sáu tháng mỗi năm, thời gian còn lại nước bị nhiễm mặn, không thể dùng vào bất cứ việc gì.

"Năm 2016, trong đợt hạn mặn lịch sử, gia đình tôi điêu đứng bởi trong nhà không còn giọt nước ngọt nào để dùng. Nước bình "cháy hàng", có tiền cũng không mua được, các xe bồn chở nước ngọt đến bán tận nhà cũng không thể mua nhiều vì không có chỗ chứa", bà Phượng kể lại.

Những mùa khô tiếp theo, bà Phượng chạy tiền mua bồn nước bằng nhựa, rồi cứ mỗi năm cho thợ đến đổ thêm một ống xi măng chứa khoảng 3 khối nước với giá hơn 2 triệu đồng. Đến nay, các bồn, ống xi măng của nhà bà Phượng có thể chứa tổng cộng hơn 20 khối nước, coi như tạm an tâm để chống chọi qua mùa khô năm nay. "Bồn và ống tốn gần 20 triệu đồng, ngang giá một con bò giống", bà Phượng so sánh.

Gia đình ông Nguyễn Văn Hậu (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) nuôi đàn bò hơn 10 con nên phải xây một bể xi măng 20 khối để trữ nước ngọt bên cạnh mấy chục ống xi măng hứng nước mưa. Những công trình chứa nước ngốn của gia đình ông Hậu vài chục triệu đồng, nhưng chỉ vừa đủ để gia đình ông và đàn bò vượt qua mùa khô hạn.

Hơn 3.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt

Ông Trần Văn Tuấn, chủ tịch UBND xã Biển Bạch (huyện Thới Bình, Cà Mau) xác nhận đã mấy tháng nay hàng trăm hộ dân của xã không có nước máy sử dụng do các trạm cấp bị thiếu nước. Xã cũng biết người dân phải mua nước của các ghe với giá cao gấp nhiều lần so với giá nước máy nhưng chính quyền "không còn cách nào khác". Địa chất khu vực xã Biển Bạch không thể khoan được giếng để khai thác nước ngầm. Điều này khiến những hộ nghèo sẽ càng khó khăn hơn khi phải tốn rất nhiều tiền mua nước ngọt sinh hoạt.

Ông Phan Hoàng Vũ, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, cho biết toàn tỉnh có hơn 3.000 hộ dân thiếu nước ngọt để sinh hoạt. Xã Biển Bạch có 1.847 hộ dân thì hơn 450 hộ thiếu nước ngọt sinh hoạt.

Ông Vũ cho biết hạn mặn đã khiến nhiều kênh rạch khô cạn dẫn đến sạt lở, sụp lún. Tính đến nay Cà Mau có 131 tuyến kênh với hơn 500 điểm bị sụt lún, sạt lở (đều ở huyện Trần Văn Thời), thiệt hại ban đầu hơn 19 tỉ đồng. Hầu như tất cả các tuyến kênh mương nội đồng vùng ngọt hóa ở tỉnh Cà Mau đều bị khô cạn, trơ đáy.

Thiếu nước ngọt khiến đời sống của người dân bị đảo lộn, ảnh hưởng nhiều đến đầu tư phát triển kinh tế. Toàn tỉnh Cà Mau có 247 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, có 92 công trình (hơn 37%) cấp nước hoạt động không hiệu quả hoặc dừng hoạt động phần lớn do thiếu nước. ■

Dãy ống xi măng dùng để trữ nước ngọt tại nhà ông Hậu (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre). Ảnh: M.T.

Dãy ống xi măng dùng để trữ nước ngọt tại nhà ông Hậu (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre). Ảnh: M.T.

Nhiều phương án giải quyết nước ngọt cho các đô thị

Hai TP Bến Tre và Mỹ Tho có tổng cộng hơn 100.000 hộ dân chỉ nằm cách biển trên dưới 50km mùa khô thường bị nước mặn bủa vây. Hai nhà máy nước tại hai đô thị này luôn có phương án nguồn nước dự phòng mùa hạn mặn để bảo đảm cấp nước ngọt liên tục và đầy đủ cho cư dân đô thị.

Ông Lê Văn Khiết, giám đốc Công ty MTV Cấp nước Tiền Giang, cho biết nhà máy xử lý nước tại TP Mỹ Tho đã tạm thời phải ngưng hoạt động vào đầu tháng 3 vì nguồn nước thô từ sông Tiền đã bị nhiễm mặn cao. Công ty này phải sử dụng nguồn nước từ các nhà máy nước Bình Đức và Đồng Tâm ở phía thượng nguồn sông Tiền để xử lý và cung cấp nước sạch cho hơn 51.000 hộ dân tại TP Mỹ Tho.

Theo lãnh đạo Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre, trong đợt hạn mặn năm nay công ty lấy nước thô từ thượng nguồn sông Tiền để xử lý, cung cấp nước sạch cho 50.000 hộ dân ở TP Bến Tre. Hai trạm bơm Tân Phú và Cái Cỏ bơm nước về hai nhà máy nước An Hiệp và Sơn Đông để xử lý, nước sạch sẽ được cung cấp cho TP Bến Tre. Ngoài ra, Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre cũng sử dụng sà lan vận chuyển nước thô từ các vùng không bị nhiễm mặn để cấp cho các nhà máy xử lý nước.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận