Khi sông suối cũng có quyền như con người

CHIÊU VĂN 01/04/2017 01:03 GMT+7

TTCT - Sau 140 năm thương lượng, người Maori bản địa ở New Zealand đã khiến chính quyền phải thừa nhận một số quyền pháp lý tương đương với con người cho dòng sông Whanganui, diễn biến chưa từng có tiền lệ trên thế giới.

Người Maori chở hoàng tử Anh Harry (thứ hai từ phải sang) trên sông Whanganui -japantimes.co.jp
Người Maori chở hoàng tử Anh Harry (thứ hai từ phải sang) trên sông Whanganui -japantimes.co.jp

Tuần trước, ngày 15-3, hàng trăm đại biểu người Maori đã bật khóc vì vui mừng khi đòi hỏi của họ được chính quyền công nhận - sông Whanganui từ nay sẽ có những quyền được pháp luật bảo vệ không khác gì con người.

Người Maori đã coi con sông này, dài 290km và là con sông lớn tứ ba ở New Zealand, là tổ tiên của họ từ rất lâu đời.

“Lý do chúng tôi muốn điều này là vì chúng tôi coi dòng sông là tổ tiên của mình, và đã luôn như thế - báo Anh The Guardian dẫn lời Gerrard Albert, trưởng đoàn đàm phán của bộ tộc Whanganui iwi -

Chúng tôi đã tìm kiếm một sự tương thích trong luật pháp để khiến mọi người hiểu góc nhìn của chúng tôi coi dòng sông như một thực thể sống, và đó là cách tiếp cận đúng đắn, thay vì mô hình truyền thống của 100 năm qua đánh giá nó từ khía cạnh quyền sở hữu và quản lý”.

Tư cách mới của dòng sông đồng nghĩa nếu có người xâm hại nó, luật pháp New Zealand sẽ coi đó là hành vi xâm hại với bộ tộc Whanganui iwi. Chris Finlayson, bộ trưởng phụ trách các cuộc thương lượng hiệp ước vùng Waitangi, nói quyết định này đã chấm dứt cuộc chiến pháp lý kéo dài nhất trong lịch sử New Zealand.

Người Maori tuyên bố quyền sử dụng của họ với vùng rừng núi và lưu vực sông Whanganui ở Đảo Bắc dựa trên Hiệp ước vùng Waitangi ký năm 1840, trong đó thiết lập chủ quyền của hoàng gia Anh với New Zealand, nhưng đảm bảo cho các bộ tộc Maori được tiếp tục sử dụng đất đai và tài nguyên trên đó.

Đằng sau việc đòi sự công nhận cho dòng sông, người Maori cũng muốn đền bù cho những đất đai họ đã mất và sự đối xử bất công với họ - hoàn toàn trái hiệp ước Waitangi. Chính quyền New Zealand trước đó đã chính thức xin lỗi vì những vi phạm với hiệp ước này từ phía nhà chức trách.

Vào đầu những năm 1900, các du khách đổ tới vùng sông này để du lịch - chèo thuyền, các hoạt động dần trở nên một mốt thời thượng trên dòng sông.

Bộ phim River Queen (2005), với các ngôi sao Samantha Morton và Kiefer Sutherland, thậm chí còn được quay ở dòng sông này.

“Các bộ tộc ở Whanganui lấy cảm hứng từ dòng sông lớn để đặt tên cho họ, để có thêm sức mạnh thể chất và tinh thần, con sông chảy qua những rặng núi của miền trung Đảo Bắc ra biển. Trong hàng thế kỷ người ta đã chèo thuyền dọc sông Whanganui, bắt lươn và cá, xây dựng những ngôi làng hai bên bờ sông và chiến đấu vì nó” - trang web Te Ara của Bộ Văn hóa và di sản New Zealand giới thiệu.

Nhưng cùng với sự xuất hiện của du khách, tình trạng ô nhiễm cũng gia tăng. “Tới năm 1970, dòng sông gần như đã chết” - báo New Zealand Herald cho biết năm 2011. Chủ một nhà máy xử lý nước thải trong vùng, Phil Gilmore, bình luận rằng dòng sông đã chịu đựng “150 năm ô nhiễm liên tục”.

“Quyết định này thừa nhận con sông sẽ có các đặc điểm pháp lý riêng tương ứng với quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của một con người hợp pháp - Finlayson nói trong một tuyên bố - Cách tiếp cận trao quyền pháp lý của con người cho dòng sông này là có một không hai... phản ánh quan điểm mang tính truyền thống, phong tục, và trên thực tế của bộ tộc rằng sông Whanganui là một thực thể sống. Đây là một phát kiến mang tính dẫn dắt với thế giới về một hệ thống sông”.

Vì một dòng sông không biết nói và sẽ không thể kiện ai ra tòa nếu bị xâm hại, hai người bảo hộ cho các quyền này sẽ được chỉ định đại diện cho sông, một từ chính quyền và một từ bộ tộc Whanganui iwi.

Albert giải thích thêm rằng các bộ tộc người Maori coi họ là một phần của vũ trụ, và tin rằng núi non, sông hồ và biển cả cũng có cảm xúc như con người. Luật mới vinh danh và phản ánh thế giới quan đó, và có thể là tiền lệ cho nhiều bộ tộc Maori khác theo bước những người Whanganui iwi.

“Chúng tôi đều có nguồn gốc đâu đó từ vũ trụ - Albert nói - Và như thế thay vì coi chúng tôi là ông chủ của thế giới tự nhiên, chúng tôi chỉ là một phần của nó.

Chúng tôi muốn sống như các tổ tiên ban đầu của mình. Và đó không phải là chống lại sự phát triển hay chống lại việc sử dụng dòng sông vì mục đích kinh tế, mà là bắt đầu coi nó như một sinh vật sống, và cân nhắc tương lai của nó với lòng tin đó là trung tâm”.

Cũng trong thỏa thuận, chính quyền đồng ý sẽ chi 80 triệu đôla New Zealand (56 triệu USD) để đền bù cho các thiệt hại với dòng sông từ trước tới giờ, 30 triệu đôla New Zealand (21 triệu USD) nhằm cải thiện tình trạng hiện thời, và thêm 1 triệu đôla New Zealand nữa (700.000 USD) để xây dựng khung pháp lý đầy đủ cho dòng sông.

“Chúng tôi đã không phải thay đổi thế giới quan của mình, và mọi người đã bắt kịp để nhìn mọi thứ đúng như cách nó phải thế” - New Zealand Herald dẫn lời Adrian Rurawhe, một nghị sĩ người Maori.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận