Kỷ niệm 75 năm thành lập: Sinh nhật buồn của NATO

TTCT - Tuần qua tại Brussels, Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã kỷ niệm 75 năm thành lập (4-4-1949 - 4-4-2024), với sự lớn mạnh đáng kể: từ 12 lên 32 thành viên, như Tổng thư ký Jens Stoltenberg tự hào.

Tuy nhiên, công dân Đan Mạch đang làm việc tại đất nước thành viên mới của NATO Thụy Điển, tiến sĩ Jan Oberg, lại không thấy an toàn hơn. Ngược lại, ông cho rằng đây là một sinh nhật buồn của NATO. Tuổi Trẻ Cuối Tuần giới thiệu các luận điểm của ông.

Ảnh: Newsweek

Ảnh: Newsweek

NATO bước sang tuổi 75 - giữa cuộc khủng hoảng sâu sắc nhất từ trước đến nay, bất kể họ nói gì. Trong ngần ấy năm, chúng ta đã nhiều lần nghe nói rằng "Người Nga - Liên Xô/Hiệp ước Warsaw và nay là nước Nga - đang đến!".

Nhưng Liên Xô/Nga... chưa bao giờ xâm lược NATO hay một quốc gia trung lập ở châu Âu. Khi Chiến tranh lạnh lần thứ nhất kết thúc tốt đẹp cách đây 30 năm, các kho lưu trữ được mở ra..., không tìm thấy kế hoạch tấn công bất ngờ và chiếm đóng bất kỳ quốc gia nào. 

Nếu những dự đoán của ta liên tục sai trong 7 thập niên qua, liệu ta có nên hỏi đặt câu hỏi: Tại sao ta luôn sai lầm? Tại sao ta chi hàng nghìn tỉ để "tự vệ" trước một mối đe dọa không bao giờ xảy ra?

Không còn là một liên minh phòng thủ

NATO không "phòng thủ" và trong 25 năm qua đã vi phạm hiệp ước của chính họ. Nếu đọc Hiệp ước năm 1949 của NATO, thì về cơ bản nó là bản sao của Hiến chương Liên Hiệp Quốc. 

Nó lập luận rằng xung đột nên được chuyển đến LHQ và giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, sau đó bổ sung điều 5, nêu rõ nếu một thành viên NATO bị tấn công thì các thành viên khác sẽ bảo vệ thành viên đó.

Những lời này của liên minh quả thực mang tính phòng thủ, nhưng kể từ hoạt động ngoài khu vực đầu tiên - 78 ngày ném bom Nam Tư từ 24-3 đến 10-6-1999 - liên minh quân sự này đã theo đuổi các chính sách tấn công và vi phạm hiệp ước của chính họ.

Sự tham gia rầm rộ của các nước NATO vào Ukraine, sử dụng nước này như một đầu cầu hoặc chiến trường ủy nhiệm để làm suy yếu Nga hoặc cố gắng đánh bại nước này một lần và mãi mãi - là đỉnh điểm của chính sách này.

Một liên minh... không thể được mô tả là "phòng thủ" khi: (1) Nó hoạt động bên ngoài khu vực địa lý bao gồm các thành viên của chính nó; (2) tiến hành các hoạt động quân sự tấn công; (3) thiếu thẩm quyền pháp lý, như ở Nam Tư; (4) xây dựng trên cơ sở răn đe thay vì phòng ngự; (5) theo đuổi chính sách phòng thủ đánh chặn và triển khai quân sự diện rộng; và (6) dựa vào vũ khí hạt nhân.

Trong khi họ dùng từ "phòng thủ" trong các tài liệu nội khối và khi nói chuyện với dân chúng trong nước, không quốc gia nào từng đối mặt với NATO có thể coi các hoạt động quân sự của họ là "phòng thủ".

Cuộc tập trận chống lại những bóng ma

Trước cuộc chiến Nga - Ukraine, chi tiêu quân sự của Nga chỉ bằng khoảng 6% của NATO. Cả lúc đó lẫn hiện giờ, Nga đều không phải mối đe dọa với bất kỳ quốc gia NATO nào, nhưng NATO không thể sống thiếu kẻ thù. 

Ukraine - nơi một số thành viên NATO đã làm việc khoảng 30 năm để chuẩn bị cho nước này trở thành thành viên, bất chấp những lo ngại về an ninh của Matxcơva - đã trở thành biểu hiện cụ thể cho sự ngạo mạn của NATO.

Vì vậy, một liên minh hứa hẹn sự ổn định, an ninh và hòa bình... giờ đây lại là tác nhân góp phần tạo ra tình huống nguy hiểm nhất ở châu Âu kể từ năm 1945.

NATO hiện đang tổ chức cuộc tập trận quân sự lớn nhất trong nhiều thập niên, "Người bảo vệ kiên định 2024" (Steadfast Defender 2024), với sự tham gia của 90.000 binh sĩ từ tất cả các thành viên, từ 24-1 đến 31-5. 

Mục đích của cuộc tập trận có thể được tìm thấy trên trang chủ của NATO: "Steadfast Defender 2024 sẽ chứng tỏ khả năng triển khai lực lượng nhanh chóng từ Bắc Mỹ và các khu vực khác của liên minh để củng cố khả năng phòng thủ của châu Âu". 

"Đây sẽ là minh chứng rõ ràng về sự thống nhất và sức mạnh xuyên Đại Tây Dương của chúng ta, quyết tâm của chúng ta tiếp tục làm tất cả những gì cần thiết để bảo vệ lẫn nhau, các giá trị của chúng ta và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ".

Đầu tiên, đó là về "bản thân chúng ta" - sự đoàn kết, khả năng, sức mạnh, sự quyết tâm và giá trị. Sau lời tiên tri tự ứng nghiệm và thất bại trong việc biến Ukraine thành một cuộc chiến ủy nhiệm của NATO chiến đấu chống Nga thay mặt cho liên minh, cuộc tập trận này mang tính hù dọa. Liên minh tự tin đến mức thậm chí không cần phải nhắc tới Nga trong văn bản chính thức.

Trong đầu giới tinh hoa của tổ hợp quân sự - công nghiệp - truyền thông - học thuật (MIMAC) có trụ sở tại NATO không hề có ý nghĩ rằng họ đang chiến đấu với những bóng ma không hề hiện diện. Với bất kỳ ai có khả năng phân tích rõ ràng và hợp lý, Nga đã có quá đủ những lo toan.

NATO lẽ ra phải giải thể cách nay 30 năm vì "raison d'etre" (lý do tồn tại) của tổ chức này đã biến mất: Liên Xô và Hiệp ước Warsaw đã giải thể. Cách thức triển khai tấn công thay vì răn đe phòng thủ kết hợp với việc không ngừng phổ biến vũ khí hạt nhân và thông thường dựa trên các mối đe dọa bịa tạc, đã lỗi thời. 

Liên minh rất cần nâng cao lòng tự tin đang chìm trong khủng hoảng bằng cách giả vờ rằng Mỹ sẽ đến giải cứu châu Âu khi "người Nga đang đến". Tuy nhiên, Mỹ hiện đang bỏ bê Ukraine để tập trung vào Trung Đông, Gaza và Trung Quốc.

Tổ chức những cuộc tập trận như vậy là một cách để báo hiệu cho chính người dân rằng "chúng tôi nhìn thấy mối đe dọa" và "chúng tôi bảo vệ các bạn", bất chấp thực tế là kẻ thù được phát minh ra. Đó là cách moi tiền của người đóng thuế nếu không có mối đe dọa nào.

Tóm lại, nếu muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho hòa bình. Còn chuẩn bị cho chiến tranh, bạn sẽ gặp kẻ thù và phải tài trợ để nuôi sống MIMAC. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận