Làm sao kiểm soát chuyện trồng lúa phát thải thấp?

HUY THỌ 20/04/2024 05:50 GMT+7

TTCT - Nếu tất cả những người trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện đúng theo quy trình trồng lúa ngập khô xen kẽ thì giảm một lượng CH4 rất lớn, chiếm khoảng 40% lượng khí thải. Nhưng làm thế nào để bảo đảm điều đó?

Ông Nguyễn Thanh Mỹ - nhà sáng lập, chủ tịch HĐQT Công ty Rynan Technologies. Ảnh: Quang Định

Ông Nguyễn Thanh Mỹ - nhà sáng lập, chủ tịch HĐQT Công ty Rynan Technologies. Ảnh: Quang Định

Ngập khô xen kẽ là phương pháp do Viện Lúa quốc tế (IRRI) đưa ra cho các quốc gia trồng lúa thực hiện, nhằm hướng đến việc cân bằng phát thải khí nhà kính trong ngành lúa gạo - ngành mà các chuyên gia cho là chiếm đến 10% lượng khí phát thải trên toàn thế giới. Tuy nhiên, làm sao kiểm tra, đo đạc được việc tuân thủ phương pháp trồng ngập khô xen kẽ để đạt mục tiêu giảm phát thải?

Ông Nguyễn Thanh Mỹ - nhà sáng lập, chủ tịch HĐQT Công ty Rynan Technologies tại Trà Vinh - đã cười và bảo "đó là việc chúng tôi đã và đang làm". Rynan Technologies được chọn tham gia một dự án do Liên Hiệp Quốc tài trợ, nhằm kiểm soát lượng khí phát thải trong việc trồng lúa ở 6 quốc gia gồm Nhật Bản, Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Bangladesh.

Ông Mỹ nói: "Theo các nhà khoa học Viện IRRI, ruộng lúa ngập nước ngăn cản không khí thâm nhập đất, tạo điều kiện lý tưởng để các loại vi khuẩn ăn chất hữu cơ và tạo ra khí methane (CH4 - 1 tấn CH4 có tác động làm nóng toàn cầu gấp 25 lần so với một tấn CO2). Mà cây lúa thật sự không phải lúc nào cũng cần ngập nước. Vì vậy, họ đã nghiên cứu ra quy trình ngập khô xen kẽ, lúc nào cây lúa cần nước ngập thì mới để nước dâng cao, còn không thì phải rút nước ra khỏi cánh đồng. Nếu tất cả những người trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện đúng theo quy trình trồng lúa ngập khô xen kẽ thì giảm một lượng CH4 rất lớn, chiếm khoảng 40% lượng khí thải".

Kiểm soát phát thải trong trồng lúa thế nào?

Ông có thể cho biết cụ thể công việc của Rynan Technologies trong dự án? Làm sao để kiểm soát được những cánh đồng áp dụng đúng phương pháp trồng lúa theo quy trình ngập không xen kẽ, để từ đó mới tính ra được lượng khí thải được giảm?

- Nói chính xác là trong dự án này, phía Việt Nam còn có sự tham gia của Trung tâm Ứng dụng công nghệ vũ trụ TP.HCM thuộc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Qua các trung tâm này, chúng tôi đã nhận được những bức ảnh chụp từ vệ tinh của Mỹ, châu Âu, Nhật Bản hằng ngày, hằng giờ không chỉ của 6 quốc gia trong dự án thể hiện mức nước trên từng cánh đồng.

Tuy nhiên, những bức ảnh từ vệ tinh ít nhiều đều chưa thật chuẩn xác. Vì vậy, trên cánh đồng sẽ có những trạm gắn cảm biến để đo mực nước. Những trạm gắn cảm biến này do Rynan nghiên cứu, sản xuất và cung cấp. 

Hiện tại, chúng tôi đã đặt được 79 trạm, cụ thể 8 ở Bangladesh, 4 ở Nhật Bản, 3 ở Indonesia, 4 ở Thái Lan; riêng tại Việt Nam là 60 trạm, trong đó 20 ở An Giang, 30 ở Kiên Giang, 10 ở Bạc Liêu.

Kết hợp thông số từ ảnh vệ tinh và các trạm cảm biến mặt đất, dự án hoàn toàn kiểm soát được những người trồng lúa có áp dụng đúng theo quy trình ngập khô xen kẽ của IRRI hay không. 

Khi có đầy đủ dữ liệu, chứng minh được việc giảm bao nhiêu % lượng khí phát thải trong việc trồng lúa ở 6 quốc gia trong dự án là hoàn toàn khả thi.

Trạm gắn cảm biến để đo mực nước và giao diện trên phần mềm quản lý.  Ảnh: Rynan Technologies

Trạm gắn cảm biến để đo mực nước và giao diện trên phần mềm quản lý. Ảnh: Rynan Technologies

Việc giảm khí thải và tiến tới Net Zero đâu chỉ dựa vào mỗi chuyện thực hiện quy trình trồng lúa ngập khô xen kẽ?

- Đúng vậy. Chuyện đó chỉ mới giải quyết được 40% vấn đề. 60% còn lại là phải giảm bằng được lượng phân bón, lượng thuốc bảo vệ thực vật và cả chuyện đốt đồng. 

Với vấn đề phân bón, người trồng lúa phải vùi phân vào trong đất, sử dụng các loại phân bón thông minh để không bị dư thừa vô ích (phân bón thông thường sẽ bị bốc hơi, bị trôi theo nước…).

Hay xử lý rơm rạ cũng là một vấn đề. Rơm được bán chỉ chiếm một lượng nhỏ nên người nông dân thường chọn giải pháp đốt đồng, dẫn đến phát thải khí CO2; còn rạ vùi xuống đất lại phát sinh khí CH4. Hiện chúng tôi cũng đang có dự án với IRRI xử lý rơm rạ, ví dụ sản xuất chậu cây bằng rơm rạ.

Phải hoàn thiện chuyển đổi số rồi mới tính

Như những gì ông nói, mọi vấn đề liên quan đến việc tính toán, kiểm soát lượng khí phát thải đều liên quan đến công nghệ, số hóa, nói theo cách mà hiện nay ở Việt Nam thường nói là chuyển đổi số?

- Chính xác. Không chuyển đổi số một cách toàn diện, cơ bản thì không thể tham gia thị trường tín chỉ carbon, nhằm hướng đến cam kết Net Zero vào năm 2050, bởi khi kết nối với thế giới, chỉ có một ngôn ngữ để chứng minh việc chúng ta đã làm những gì trong vấn để kiểm soát khí thải, đó chính là ngôn ngữ số.

Trong câu chuyện chuyển đổi số có 4 bước, gồm Số hóa dữ liệu - Số hóa quy trình - Dữ liệu lớn - Quản lý vận hành số. Để trơn tru được cả 4 bước, đó là một thử thách lớn với Việt Nam. 

Ở đây tôi chỉ xin nói về vấn đề nông nghiệp. Sau 3 năm, tôi có thể vui mừng thông báo rằng Rynan Technologies đã hoàn tất việc số hóa cho nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp. Nhưng còn các tỉnh thành khác thì sao? Đó là một câu hỏi mà đi tìm câu trả lời không hề dễ dàng.

Một chuyện rất thời sự là hạn mặn đang hoành hành ở Đồng bằng sông Cửu Long. Trong lúc này mà hào hứng nói về chuyện phát triển trồng lúa thì có vẻ không hợp cho lắm?

- Tôi xin nhắc lại một vấn đề mà đã có rất nhiều người nói, đó là Đồng bằng sông Cửu Long cần thích ứng với biến đổi khí hậu bằng cách không chỉ chăm chăm vào lúa, mà phải nghĩ đến phát triển nuôi tôm. Tuy nhiên, nuôi tôm cũng có thách thức riêng, như việc phát thải khí nhà kính trong ngành nuôi tôm cao hơn trồng lúa rất nhiều. 

Hay một vấn đề lớn nữa mà chúng ta chưa giải quyết được là con giống bị bệnh. Còn đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao mà Chính phủ đề ra, tôi nghĩ là có thể làm được, nếu tất cả cùng quyết tâm, mà trong đó đáng quan tâm nhất là chuyển đổi số một cách cơ bản và toàn diện.

Nhưng trong chuyện hạn mặn, tôi cũng xin nói thêm rằng đừng quá thổi phồng sự căng thẳng. Nếu tất cả các địa phương có sự chuẩn bị tốt, tình hình sẽ không quá tồi tệ. Tôi rất vui để nói ra một điều, Trà Vinh không kêu than chuyện hạn mặn là vì mấy năm nay tỉnh này đã có 21 trạm quan trắc đo độ mặn, tất cả thông tin đều được số hóa. Đâu phải vào mùa hạn thì mặn xâm nhập suốt 24/24 đâu. 

Ví dụ như hôm nay (15-4) vào lúc rạng sáng, có nhiều nơi độ mặn đo được dưới 1/1000. Khi ấy, người ta bơm nước vào, thế thôi. Mọi người không tin cứ về Cầu Kè, Trà Vinh mà xem, cứ 1 giờ đồng hồ thì cán bộ thủy lợi ra bảng thông báo viết cho bà con theo dõi, rằng giờ này độ mặn là bao nhiêu, khi độ mặn xuống thấp thì cứ thế mà bơm vào ruộng đồng, kênh rạch.

Thật ra, nếu chuyển đổi số một cách quyết liệt hơn nữa thì cũng không cần đến vị cán bộ thủy lợi ra viết thông báo, mà tất cả sẽ tự động hóa: độ mặn cao thì máy bơm nghỉ, độ mặn thấp thì máy bơm hoạt động. 

Tất cả các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long nếu làm được như thế thì tôi tin là không phải quá lo lắng với hạn mặn.

Lợi ích của bản đồ số nông nghiệp

Trang vdapes.com - nền tảng chuyển đổi số nông nghiệp của Đồng Tháp do Rynan Technologies phát triển - có rất nhiều thông tin: từ lượng côn trùng trên các cánh đồng đến rộng - dài - sâu của từng con kênh, con mương trên địa bàn Đồng Tháp. Ngoài ra còn có dữ liệu cho thấy ấp, xã nào đang trồng lúa gì, đang ở thời gian nào…

Hoài Thiên, một kỹ sư của Rynan Technologies, cho biết: "Với bản đồ này, thương lái dễ dàng theo dõi vùng nào sắp gặt lúa, đi vào đó bằng ghe xuồng cỡ nào…; các nhà buôn phân bón thì biết vùng nào sắp cần thứ gì… Với người nông dân, họ có thể biết được cánh đồng của mình hiện đang có những loài sâu bọ nào, có đáng ngại hay không. Ngay việc sử dụng phân bón, nông dân không cần phải gõ tên từng loại vì họ vốn cũng không rành; chúng tôi về tập huấn, hướng dẫn họ chụp hình gởi về, Rynan dùng AI để cập nhật vào hệ thống. Trong chuyển đổi số trong nông nghiệp, thử thách lớn nhất là làm sao cho người nông dân hội nhập vào hệ thống một cách nhuần nhuyễn. Để làm được điều này, chúng tôi đã lần lượt tập huấn cho hơn 5.000 người, hướng dẫn chi tiết từ cách cài đặt app đến việc sử dụng, đơn giản hóa tối đa để phù hợp cho mọi người".

Làm sao kiểm soát chuyện trồng lúa phát thải thấp?- Ảnh 3.

Chuyên mục Việt Nam Xanh được thực hiện với sự đồng hành của PRO VIỆT NAM.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận