Lo Elon Musk độc chiếm bầu trời

NGUYỄN VŨ 17/08/2023 05:37 GMT+7

TTCT - Elon Musk hiện nay là người duy nhất có thể quyết định cắt Internet của toàn bộ một quốc gia hay hàng loạt khách hàng.

Ảnh: Indian Times

Ảnh: Indian Times

Ngoài biển khơi, trên sa mạc, ở miền nông thôn hẻo lánh, vùng rừng núi… làm gì có Internet kết nối bằng cáp quang truyền thống. Kết nối Internet cũng có thể bị cắt đứt hoàn toàn khi có chiến tranh, thiên tai hay đơn giản là đứt cáp, hư hỏng kỹ thuật. 

Những lúc đó ai cũng phải trông chờ vào Internet vệ tinh. Trong lĩnh vực này, Elon Musk với hệ thống Starlink đang giữ ngôi bá chủ, ngày càng gây lo ngại về sự tập trung quyền lực to lớn vào một cá nhân như thế.

Kể từ năm 2019, hầu như tuần nào hãng SpaceX của Elon Musk cũng phóng hàng chục vệ tinh nhỏ, mỗi cái cỡ bằng chiếc tủ lạnh lên quỹ đạo tầng thấp. Đến nay đã có hơn 4.500 vệ tinh như thế đang bay trên bầu trời, làm nên một mạng lưới kết nối Internet vệ tinh gọi là Starlink. 

Chúng liên lạc với các đĩa thu phát tín hiệu trên mặt đất, từ đó cung cấp kết nối Internet cho người dùng trên bất kỳ địa điểm nào trên thế giới. Kế hoạch của Elon Musk là phóng lên quỹ đạo chừng 42.000 vệ tinh trong những năm sắp tới.

Vì sao Musk thành công?

Mới chính thức cung cấp dịch vụ từ năm 2021, nay kết nối Internet vệ tinh của Musk đã có mặt tại hơn 50 nước, kể cả Mỹ, Nhật, nhiều nước ở châu Âu, một phần ở châu Mỹ Latin. Dịch vụ Starlink phát triển mạnh ở châu Phi, nơi kết nối Internet truyền thống yếu kém hơn các nước khác. 

Khách hàng của Starlink nay đã lên đến 1,5 triệu thuê bao, ngoài các cá nhân còn bao gồm các hãng tàu biển, quân đội nhiều nước, các hãng hàng không… Đã có nhiều máy bay phản lực cỡ nhỏ của các tỉ phú có kết nối Internet khi bay là nhờ dịch vụ của Starlink; một số du thuyền hạng sang cũng khoe kết nối Internet theo kiểu này.

Tốc độ tải về của Starlink hiện chừng 100 megabits/giây, tương đương với hầu hết các kết nối Internet bằng cáp. Với người dùng cá nhân, họ phải mua đĩa kết nối giá chừng 600 đô la và phí hằng tháng chừng 75 đô la. Giá cho doanh nghiệp và các tổ chức hay quốc gia cao hơn nhiều.

Vệ tinh viễn thông đã có mặt từ thập niên 1960, kích cỡ lớn hơn, bằng chiếc xe buýt và được phóng lên quỹ đạo cao hơn (chừng 35.000km) nên muốn kết nối với mặt đất thì cần đĩa thu phát sóng lớn, tốc độ lại rất chậm. Vệ tinh viễn thông loại này bay quanh quỹ đạo cùng với tốc độ quay của quả đất nên nhìn từ mặt đất vệ tinh dường như đứng yên một chỗ (vệ tinh địa tĩnh).

Vệ tinh nhỏ, phóng lên ở quỹ đạo thấp hơn (từ 500 đến 2.000km) thì liên lạc với mặt đất dễ dàng hơn, chỉ cần đĩa thu phát tín hiệu nhỏ, cơ động. Nhưng do ở quỹ đạo thấp, mỗi vệ tinh chỉ bao phủ một vùng nhỏ; phải cần rất nhiều vệ tinh để tạo ra sự kết nối liên tục, thông suốt. 

Chúng bay quanh Trái đất mỗi vòng mất chừng 90 phút nên nhìn từ dưới đất, chúng như những ngôi sao băng bay ngang bầu trời. Tín hiệu được liên tục chuyển giao từ vệ tinh này sang vệ tinh khác khi chúng bay qua nơi có lắp đặt đĩa thu phát. Đây chính là đặc điểm tạo ra tình trạng gần như độc quyền cho hệ thống Starlink của Elon Musk.

Đĩa thu sóng của Starlink

Đĩa thu sóng của Starlink

Từ những năm 1990 sang những năm 2000, hàng loạt công ty viễn thông tìm cách khai thác công nghệ Internet vệ tinh quỹ đạo thấp nhưng hầu hết đều thất bại vì giá thành phóng vệ tinh vào không gian quá cao; họ lại không có khả năng tự phóng vệ tinh để kiểm soát giá thành. 

Bước đột phá của Elon Musk là chế tạo được tên lửa sử dụng nhiều lần, phóng vệ tinh lên không gian rồi thu hồi tên lửa để chuẩn bị cho lần phóng khác. Vì thế giá thành đưa vệ tinh vào không gian của SpaceX ngày càng giảm, không hãng nào cạnh tranh nổi.

OneWeb, một hãng của Anh gặp khó khăn về tài chính đến mức Chính phủ Anh phải giải cứu, sau đó bán cho một nhóm các nhà đầu tư. Hãng Amazon của Jeff Bezos cũng có công ty phóng tên lửa Blue Origin, cũng có kế hoạch làm một hệ thống Internet vệ tinh để cạnh tranh, đặt tên là dự án Kuiper nhưng cho đến nay chưa đưa được vệ tinh nào vào không gian.

Quyền lực thể hiện ở Ukraine

Có thể quan sát tình hình ở Ukraine để hiểu được quyền lực của Elon Musk khi ban phát khả năng kết nối Internet cho một quốc gia. Ukraine hiện đang có chừng 42.000 đĩa thu phát tín hiệu từ Starlink, tạo nên mạng lưới kết nối Internet cho các bệnh viện, doanh nghiệp, các tổ chức cứu trợ và đặc biệt là quân đội Ukraine. Một chỉ huy quân sự Ukraine nói với tờ New York Times: "Nếu không có Starlink, chúng tôi không bay được, không liên lạc được".

Thoạt tiên chi phí cho kết nối Starlink ở Ukraine do Elon Musk trả, nhưng mấy tháng sau SpaceX nói họ không thể kham nổi và yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ cấp kinh phí. Hãng này ước tính chi phí kết nối mỗi năm lên đến 400 triệu đô la. Cuối năm ngoái, chừng 1.300 đĩa thu phát mua qua một công ty của Anh ngừng hoạt động sau khi Chính phủ Ukraine không trả được phí hằng tháng 2.500 đô la cho mỗi đĩa.

Hiện nay, theo New York Times, Musk dùng công nghệ "rào chắn địa lý" để đóng mở kết nối Starlink tại các khu vực chiến sự tùy theo tình hình, nhiều lần hạn chế quyền truy cập hệ thống Starlink tại Ukraine. 

Ông từng từ chối yêu cầu của quân đội Ukraine muốn mở kết nối Starlink gần Crimea, ảnh hưởng lớn lên chiến lược của Ukraine với vùng này. Đó là bởi Musk sợ Ukraine dùng Internet để điều khiển drone mang bom đánh phá đội tàu của Nga ở Biển Đen, gây thương vong cho con người.

Số vệ tinh của Starlink tính đến 26-7-2023: 4.491 cái, theo CelesTrak. Ảnh cắt từ video của New York Times

Số vệ tinh của Starlink tính đến 26-7-2023: 4.491 cái, theo CelesTrak. Ảnh cắt từ video của New York Times

Elon Musk hiện nay là người duy nhất có thể quyết định cắt Internet của toàn bộ một quốc gia hay hàng loạt khách hàng. Ngoài ra ông nắm quyền kiểm soát một lượng thông tin nhạy cảm khổng lồ do Starlink đem lại. Có lần Musk khoe trên Twitter: "Với Tesla, Starlink và Twitter, tôi có thể có dữ liệu kinh tế toàn cầu theo thời gian thực trong một cái đầu nhiều hơn bất kỳ ai khác".

Có ít nhất 9 nước ở châu Âu và Trung Đông đã đem vấn đề Starlink ra bàn với quan chức Mỹ trong 18 tháng qua, đặt vấn đề quyền lực quá lớn của Musk đối với công nghệ này. Tuy thế ít nước nào chính thức lên tiếng vì không muốn làm phật lòng Musk.

Chính các quan chức Mỹ cũng ít đề cập đến Starlink vì họ muốn cân đối lợi ích trong nước cũng như lợi ích địa chính trị hệ thống Starlink gián tiếp đem lại cho nước Mỹ. Hiện nay Chính phủ Mỹ là khách hàng lớn nhất của SpaceX vì NASA đang dựa vào các tên lửa của công ty tư nhân này để đưa người và hàng vào không gian, kể cả bay lên Trạm vũ trụ quốc tế ISS. Quân đội Mỹ dựa vào SpaceX để phóng các vệ tinh do thám; Bộ Quốc phòng Mỹ ký nhiều hợp đồng đủ loại với Starlink.

Khó lòng cạnh tranh, khó lòng giám sát

Các công ty riêng lẻ ắt không thể cạnh tranh nổi với SpaceX, nhất là về giá cả nên chỉ còn khả năng các nước tung ra các dự án tương tự như Starlink để phá vỡ thế độc quyền. Năm ngoái Liên minh châu Âu, do lo ngại về Starlink và cá tính của Elon Musk, đã để ra một khoản kinh phí 2,4 tỉ euro (2,6 tỉ đô la) nhằm xây dựng một chuỗi các vệ tinh Internet cho cả dân dụng và mục đích quân sự trong dự án Iris. Năm 2020 Trung Quốc đăng ký với các cơ quan quốc tế dự án phóng 13.000 vệ tinh Internet của nước này.

Ngược với nỗi lo độc quyền, chính phủ nhiều nước khác cũng lo Starlink can thiệp vào chính trị nước họ một cách gián tiếp. Chẳng hạn lúc các cuộc biểu tình chống chính phủ nổ ra ở Iran, Elon Musk cho trang bị đĩa thu phát, giúp các nhà hoạt động ở nước này duy trì được kết nối Internet. Vì thế Chính phủ Iran lên án Starlink xâm phạm chủ quyền của họ.

Năm ngoái, Trung Quốc muốn Elon Musk cam kết sẽ không kích hoạt Starlink trên đất nước họ. Musk có mối quan hệ làm ăn sâu rộng với Trung Quốc - hiện một nửa lượng xe điện Tesla là được sản xuất ở Thượng Hải. Tuy thế Trung Quốc cũng khiếu nại lên Liên Hiệp Quốc, cho rằng SpaceX phóng quá nhiều vệ tinh lên quỹ đạo, chiếm chỗ và ngăn cản không cho các nước khác tiếp cận không gian. 

Hai sự cố từng diễn ra vào năm 2021 khi vệ tinh Starlink suýt va chạm với Trạm không gian Trung Quốc. Thổ Nhĩ Kỳ từng từ chối Musk khi ông muốn cung cấp kết nối Starlink sau các trận động đất ở nước này làm gián đoạn kết nối Internet. Họ lo ngại không kiểm soát được Starlink nên có thể làm tin xấu lan truyền.

Elon Musk từng nói vào năm 2018 rằng Starlink là dự án được kỳ vọng sẽ đem lại doanh thu cho SpaceX để tài trợ cho tham vọng đưa người lên sao Hỏa. Trong điều khoản dịch vụ của Starlink có kèm một câu liên quan đến sao Hỏa: Người dùng phải đồng ý rằng sao Hỏa là một hành tinh tự do không bị ràng buộc bởi thẩm quyền của bất kỳ chính phủ nào trên Trái đất. Sao Hỏa còn ở xa nhưng trên Trái đất, Starlink đã đem lại quyền lực lớn cho người giàu nhất hành tinh này.

Mỗi vệ tinh trong hệ thống Starlink dự kiến hoạt động được trong vòng 3,5 - 5 năm, sau đó sẽ bị phá hủy, nên SpaceX phải liên tục phóng vệ tinh mới lên để thay thế. Số lượng vệ tinh lớn đến nỗi nhiều người tưởng nhầm chúng là UFO (vật thể bay không xác định, thường ám chỉ các đĩa bay của người ngoài hành tinh). Các nhà thiên văn đang than phiền chúng quá sáng, làm bầu trời khó quan sát hơn trước. Các cơ quan hàng không vũ trụ lo ngại chúng có thể gây ra các vụ va chạm trong tương lai.
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận