Luật chưa tường minh, công chức làm kiểu nào cũng sai

NGUYỄN NGỌC ĐIỆN 07/12/2023 06:00 GMT+7

TTCT - Làm theo luật này thì trái luật kia, các văn bản dưới luật cũng có nội dung mâu thuẫn nhau khiến công chức không biết phải làm sao cho đúng.

Người dân đánh giá mức độ hài lòng sau khi làm thủ tục hành chính tại UBND quận 4.  Ảnh: TỰ TRUNG

Người dân đánh giá mức độ hài lòng sau khi làm thủ tục hành chính tại UBND quận 4. Ảnh: TỰ TRUNG

Làm theo luật này thì trái luật kia, các văn bản dưới luật cũng có nội dung mâu thuẫn nhau khiến cán bộ không biết phải làm sao cho đúng.

Việc cán bộ đùn đẩy công việc vì không biết làm sao hoặc vì sợ làm sai một lần nữa lại được đem ra bàn trước Quốc hội. Nhiều ý kiến phê phán loại cán bộ này, cho rằng cần phải thay họ bằng những cán bộ dũng cảm, dám nghĩ, dám làm để hệ thống quản lý không còn bị ách tắc, trì trệ.

Nhưng ai thay? Ai dám bảo đảm là người được thay không tiếp tục đi theo con đường của người tiền nhiệm, nghĩa là tiếp tục chần chừ, do dự, không dám quyết đoán? Và có đúng là chỉ cần thay người dám nghĩ, dám làm thì tình trạng ách tắc, trì trệ của hệ thống quản lý sẽ được khắc phục?

Bên cạnh những cán bộ không chịu làm để nhũng nhiễu thì hệ thống đang vận hành ở Việt Nam đúng là có những "vấn đề kỹ thuật" rất riêng liên quan mật thiết với hiện tượng cán bộ, công chức, viên chức không làm vì không biết làm sao hoặc vì sợ làm sai. Những khuyết tật của hệ thống pháp luật được cho là nguyên nhân chính của vấn đề này.

Luật thiếu tính đồng bộ

Việc biên soạn luật chủ yếu là công việc của Chính phủ. Trên thực tế, Chính phủ giao cho các bộ chủ trì soạn thảo luật tùy theo lĩnh vực quản lý. Trong dự thảo luật, bộ chủ trì chỉ nhắc đến những việc thuộc thẩm quyền của mình, không "lạm bàn" đến công việc của bộ khác.

Với kiểu làm luật như thế, thì áp dụng luật để xử lý một vụ việc thuộc quản lý của nhiều bộ ngành, nghĩa là áp dụng các quy định trong các luật khác nhau, sẽ giống như ráp những miếng lego không khớp. Người thừa hành loay hoay lắp ráp không xong nên người dân lãnh hậu quả.

Quản lý nhà đất là ví dụ điển hình. Theo sự phân công, Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý đất đai bao gồm hệ thống đăng ký đất đai. Bộ này chủ trì biên soạn Luật Đất đai nên xây dựng khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ liên quan đến đất trong đó có đăng ký quyền sử dụng đất và các quyền khác liên quan đến đất.

Trong khi đó, Bộ Xây dựng được giao chủ trì biên soạn Luật Nhà ở và thiết kế khung pháp lý chi phối các quan hệ liên quan đến nhà, không đả động gì đến đất, cũng không quy định về việc đăng ký tài sản.

Nhưng trong thực tiễn, quyền sở hữu bất động sản của người dân phổ biến hai loại: hoặc một tổng thể gồm có nhà và đất, hoặc chỉ có nhà (để ở hoặc để kinh doanh như trường hợp condotel, officetel, shophouse) mà không có đất. Nếu có cả nhà và đất, người dân làm giấy hồng để đăng ký quyền sử dụng đất, căn nhà được xem là tài sản gắn liền (như là thứ "hàng kèm").

Còn nếu chỉ có nhà mà không có đất, nghĩa là nhà trên đất của người khác, trong luật dân sự gọi là có "quyền bề mặt", thì người sở hữu nhà không thể đăng ký độc lập tại cơ quan đăng ký đất đai. Lý do là cơ quan này không biết phải đăng ký như thế nào trong điều kiện sổ đăng ký được lập dựa trên công việc gốc là quản lý đất chứ không phải quản lý nhà.

Rốt cuộc, người dân có nhà mà không có đất chỉ có thể giữ bản chính hợp đồng mua bán nhà được công chứng, như là bằng chứng ngoại tư pháp về quyền sở hữu của mình đối với nhà, và dùng nó để giao dịch.

Chuyện dở khóc dở cười như thế đáng lý đã có thể tránh nếu việc xây dựng khung pháp lý về quản lý nhà nước đối với nhà đất được thực hiện một cách đồng bộ. Ở Pháp, cũng giống như ở Việt Nam, hầu hết các dự án luật đều do Chính phủ biên soạn để trình cho Quốc hội.

Nhưng tất cả các dự án luật dưới danh nghĩa Chính phủ đều được đặt dưới sự chủ trì của Bộ Tư pháp; các bộ có liên quan giữ vai trò phối hợp. Có một nhạc trưởng sẽ tránh được nạn trống đánh xuôi, kèn thổi ngược.

...và chưa tường minh

Tình trạng luật không tường minh, nghĩa là quy định không rõ, không đủ để xử lý vấn đề đặt ra trong cuộc sống, hoặc thậm chí quy định này mâu thuẫn với quy định kia, là tình trạng chung và muôn thuở.

Lý do là luật không bao giờ theo kịp cuộc sống; người làm luật cũng chỉ là con người và có thể phạm sai sót. Để có thể giải quyết thấu đáo những vấn đề cuộc sống đặt ra trong điều kiện luật quy định không rõ, thiếu hoặc mâu thuẫn, người có thẩm quyền phải áp dụng tập quán, tương tự pháp luật hoặc lẽ công bằng.

Tiêu chí số 1 để đánh giá chất lượng của việc áp dụng pháp luật cũng như hiệu quả của hệ thống quản lý là đáp ứng đầy đủ các yêu cầu chính đáng của người dân.

Ở Việt Nam, nếu gặp luật không tường minh thì người có thẩm quyền xử lý thường xin ý kiến cấp trên. Cấp được xin ý kiến lại tiếp tục xin ý kiến cấp cao hơn hoặc đẩy sang cơ quan khác, ngành khác.

Hệ quả của cách giải quyết công việc này là trong nhiều trường hợp, không thấy người nào ở một vị trí quyền lực có được tư thế đĩnh đạc, tự tin quyết định cách giải quyết vấn đề và yêu cầu các cơ quan liên quan phải thực hiện.

Ở các nước, người có thẩm quyền ra quyết định xử lý vụ việc trong khuôn khổ thực hiện phận sự công phải tuân thủ quy trình ra quyết định. Còn nội dung quyết định như thế nào là quyền hạn của người ra quyết định trên cơ sở pháp luật.

Cấp trên và cơ quan thanh tra cũng chỉ kiểm tra về việc tuân thủ quy trình. Quyết định được đưa ra nhân danh một chức vụ công phải luôn được suy đoán là đúng. Chỉ có tòa án mới được phán quyết nội dung quyết định đó là đúng hay sai chứ cấp trên hoặc thanh tra không có quyền kết luận.

Luật có tường minh như vậy thì công chức mới dám quyết định những việc thuộc thẩm quyền của mình khi có những trường hợp luật chưa quy định hoặc các văn bản có nội dung chưa khớp với nhau. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận