Luật về Hội: Chân kiềng thứ ba

LÊ KIÊN 02/08/2016 03:08 GMT+7

TTCT - PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES), cho rằng muốn phát triển bền vững thì phải có sự hài hòa giữa Nhà nước - thị trường - các tổ chức xã hội, giống như ba chân kiềng.

k
k

Thưa ông, tại sao bây giờ lại có nhu cầu bức thiết ban hành Luật về hội?

- Trước đây trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, chúng ta nhấn mạnh vai trò Nhà nước với việc bao cấp gần như tất cả mọi thứ.

Tất cả đều xoay quanh Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, tập trung cho nhiệm vụ lớn nhất là giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Sau khi đất nước thống nhất, cách thức tổ chức như trên không còn phù hợp, việc duy trì chế độ bao cấp đã đưa đất nước đến bờ vực khủng hoảng. Nhận ra điều này, chúng ta tiến hành đổi mới, thừa nhận vai trò của thị trường trong việc tạo động lực sản xuất kinh doanh, giải phóng sức lao động.

Đến thời điểm này, đứng trước nhiều thách thức, nhiều vấn đề kinh tế - xã hội, môi trường đặt ra. Khi mục tiêu phát triển bền vững phải đặt lên hàng đầu, chúng ta mới đủ thực tế để nhận thức rằng không thể thiếu sự phát triển lành mạnh, đúng quy luật của chân kiềng thứ ba: đó là sự phát triển của các tổ chức xã hội.

Chính chân kiềng thứ ba này sẽ giúp xã hội phát triển lành mạnh, bởi nó sẽ giúp kiểm soát tốt vấn đề môi trường, thực hiện công bằng xã hội... đồng thời giúp Nhà nước ngày càng hoàn thiện hơn thông qua các hoạt động như giám sát, phản biện.

Lập hội là mục đích tự thân của xã hội trong quá trình xã hội đó vận động, phát triển. Nhóm người này thích đi bơi, nhóm người kia thích đua xe đạp, rồi thích đi phượt với nhau, thích tham gia hoạt động từ thiện, thích bình luận thơ văn, thích bảo vệ môi trường...

Con người có nhu cầu liên kết với nhau theo mục đích của từng nhóm, từng hội. Nhà nước thừa nhận hay không thừa nhận, có luật hay chưa có luật thì người ta vẫn tự nguyện tham gia, cùng sinh hoạt với nhau. Tôi được biết ngay trong Quốc hội cũng có các nhóm như nhóm nữ đại biểu Quốc hội, nhóm đại biểu tuổi Tý..., họ cũng có các hoạt động, giao lưu riêng.

Nếu Quốc hội sớm ban hành luật, trong đó có những điều khoản thúc đẩy mặt tích cực của hội, hạn chế mặt tiêu cực thì sẽ giúp xã hội ta phát triển bền vững, lành mạnh hơn.

Cũng giống như trước đây khi chưa có thị trường thì không có Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư; nhưng khi thấy rằng trong thị trường cần phải thúc đẩy cái hay, hạn chế cái dở để đất nước sớm bằng bạn bằng bè thì Quốc hội đã ban hành các đạo luật này và không ngừng sửa đổi, bổ sung.

Nay đất nước đứng trước quá nhiều vấn đề của phát triển bền vững, chúng ta cần ban hành Luật về hội để củng cố chân kiềng thứ ba hết sức quan trọng ấy.

Ông Đặng Ngọc Dinh-Nguyễn Khánh
Ông Đặng Ngọc Dinh-Nguyễn Khánh

 Việc xây dựng Luật về hội đã được đặt ra vài chục năm nay nhưng vẫn chưa có hồi kết, theo ông, nguyên nhân chính ở đâu?

- Dự án luật này cứ lận đận mãi, theo tôi là do nhận thức, ảnh hưởng nặng nề của tư duy bao cấp như trên đã nói. Trong chiến tranh, trong thời bao cấp, nhiều người nhận thức rằng Nhà nước lo được hết, từ cây kim sợi chỉ đến bữa ăn cho nhân dân, nhiều người tin rằng Nhà nước làm được tất cả.

Chính vì vậy, họ quan niệm rằng các tổ chức xã hội phải do Nhà nước lập ra để phục vụ các nhiệm vụ của Nhà nước, trọng tâm là làm công tác dân vận. Điều này có nghĩa Nhà nước coi các tổ chức xã hội là những nơi có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu và thực hiện.

Thực tế cho thấy chủ trương, chính sách của Nhà nước không phải lúc nào cũng hoàn thiện, hoàn hảo. Chính vì vậy các tổ chức, đoàn thể của nhân dân ra đời ngoài mục đích tự thân của họ còn có vai trò giúp Nhà nước hoàn thiện chính sách, chủ trương, pháp luật.

Các tổ chức xã hội có vai trò quan trọng trong việc phản biện các chính sách và giám sát việc thực hiện các chính sách đó, thể hiện vai trò và tiếng nói của người dân, kiểm soát hoạt động của Nhà nước và doanh nghiệp, khiến hai chân kiềng này hoạt động lành mạnh, đúng pháp luật.

Ông nghĩ gì về con số thống kê cho thấy các hội đoàn đã xài hết bình quân 14.000 tỉ đồng/năm từ ngân sách nhà nước?

- Tôi đề nghị cắt bỏ cơ chế ngân sách hỗ trợ các hội như hiện nay là cứ hằng năm Nhà nước cấp cho một khoản tiền, rồi ưu ái trụ sở, xe công... Nếu các hội đoàn tham gia công việc Nhà nước giao thì phải theo cơ chế dịch vụ, hợp đồng, giao khoán, có làm việc mới có tiền, không thì tự lo. Như vậy chỉ hội nào năng động, chứng minh được hoạt động hiệu quả, thu hút được hội viên thì mới “sống” được, không thì phải giải thể, tránh được gánh nặng cho cả Nhà nước và xã hội.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận