Mikhail Gorbachev qua đời: Ghi chép vụn từ một kỷ nguyên

TTCT - "Một kỷ nguyên thật sự đã kết thúc". "Phải, trọn một kỷ nguyên". "Và không phải là kỷ nguyên vui vẻ gì". Đó là ý kiến của ba người bạn Nga trong nhóm chat của chúng tôi sau khi hay tin ông Mikhail Gorbachev qua đời hôm 30-8.

Mikhail Gorbachev qua đời: Ghi chép vụn  từ một kỷ nguyên - Ảnh 1.

Ông Putin đến viếng ông Gorbachev với tư cách cá nhân. Ảnh: CNN

Điều đó lý giải phần nào câu trả lời từ một cuộc thăm dò bỏ túi của kênh Telegram báo Vzglyad (Nga) hôm 31-8. Câu hỏi: Thái độ của bạn với cá nhân ông Mikhail Gorbachev? Trả lời: tôn trọng: 5% (232 phiếu); khinh ghét: 49% (2.376); thiện cảm: 2% (73); tức giận: 16% (779); thờ ơ: 28% (1.364).

Tỉ lệ trên được ghi nhận trên con số 4.824 người tham gia tới sáng 2-9. Khó nói tỉ lệ đó phản ánh chính xác tới đâu tâm trạng của người Nga với cựu tổng thống Liên Xô đầu tiên và cuối cùng, nhưng chắc cũng có phần nào sự thật trong đấy. 

Như ba người bạn Nga của tôi, họ làm những nghề khác nhau, tuổi tác cũng chênh lệch, nhưng đều là trí thức Nga, đã sống qua những năm "Perestroika" ở giai đoạn này hay giai đoạn khác của đời mình. Họ cơ bản không chấp nhận đánh giá một cách đơn giản giai đoạn lịch sử họ đã sống qua chỉ bằng những phạm trù đối nghịch "thích" - "ghét", "ủng hộ" - "phản đối", "đúng" - "sai".

Từ "luật cấm rượu" đến tem phiếu mua đường

Trong ký ức đã phôi pha nhiều của chúng tôi, những du học sinh Việt trên đất Liên Xô thập niên 1980, làn gió "Perestroika" (Cải tổ) và "Glasnost" (Công khai) quét qua một xã hội mà sự trì trệ đã đòi hỏi phải thay đổi, nhưng thay đổi thế nào là câu hỏi quá hóc búa.

Ngày 23-4-1985, tại Hội nghị toàn thể của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Mikhail Gorbachev công bố chương trình cải cách rộng rãi với khẩu hiệu "đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước". Ba tuần sau, nhân chuyến thăm Leningrad, trong cuộc họp với đảng ủy khu vực, lần đầu tiên ông sử dụng từ "Perestroika". 

Báo chí Liên Xô khi đó hầu như số nào cũng chi chít bài viết giải thích ý nghĩa và mục đích của lời kêu gọi đấy: "Rõ ràng, thưa các đồng chí, tất cả chúng ta cần phải chấn chỉnh lại. Tất cả". Từ "Perestroika" (Перестройка) xuất phát từ "перестраиваться" - chấn chỉnh lại, chỉnh đốn lại - đi vào đời sống Liên Xô từ đó.

Khi ấy, chúng tôi chưa ý thức hết được tác động của chiến dịch chính trị - xã hội rồi sẽ làm rung chuyển cả thế giới. Nó bắt đầu có phần "vô thưởng vô phạt" với chúng tôi, những người tưởng như ngoài cuộc: cuộc vận động chống nạn nghiện rượu, dân gian quen gọi là "luật cấm rượu" (Сухой закон).

Ngày 7-5-1985, Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô thông qua nghị quyết "Về các biện pháp khắc phục chứng say rượu, bài trừ tình trạng nghiện rượu". Chiến dịch là phản ứng trước tình trạng tiêu thụ rượu gia tăng mạnh. 

Số liệu chính thức khi đó: từ năm 1960 đến 1980, lượng rượu tiêu thụ ở Liên Xô, không bao gồm rượu nấu lậu, tăng từ 4,6 lít lên 10,5 lít/người (thực tế có thể tới 14 lít/người). Tỉ lệ tử vong do nghiện rượu tăng từ 6,9/1.000 dân năm 1964 lên 10,8 năm 1984. 

Báo chí Liên Xô khi đó quảng bá rộng rãi khẩu hiệu của chiến dịch chống rượu: "Tỉnh táo là chuẩn mực cuộc sống", thậm chí tem bưu điện cũng được sử dụng để kêu gọi toàn dân "tỉnh táo".

Kết quả của chiến dịch chống rượu, như báo cáo sau đó, là tuổi thọ của người Liên Xô tăng từ 67,7 năm 1984 lên 69,8 tuổi năm 1987, tỉ lệ tử vong giảm, lượng tiêu thụ các sản phẩm có cồn giảm... 

Nhưng những nghiên cứu "ngoài luồng" sau này chỉ ra kết quả không hồng như báo cáo. Tác giả Konstantin Kalinin, trong nghiên cứu "Luật cấm rượu 1985 và những tai hại nó mang tới cho đất nước" đăng trên cổng thông tin proza.ru tháng

10-2021, cho rằng các con số được công bố thời ông Gorbachev "không chính xác", với mục đích thực sự là nhằm "làm sụp đổ nền kinh tế Liên Xô, đồng thời tạo thái độ tiêu cực đối với chủ nghĩa xã hội". 

Ít ra, một điều mà ngay dưới thời ông Gorbachev không ai phủ nhận, là chiến dịch đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho việc sản xuất rượu ở Liên Xô. Diện tích trồng nho giảm từ 200.000ha xuống còn 168.000ha.

Theo nghiên cứu của Kalinin, chiến dịch cấm rượu đã góp phần gây khủng hoảng nền kinh tế Liên Xô những năm 1987-1988: Cho đến năm 1985, rượu cung cấp khoảng 25% thu ngân sách từ thương mại bán lẻ. 

Lợi nhuận từ ngành sản xuất và bán vodka ở Liên Xô trước luật cấm rượu là hơn 85% và vodka chiếm 56% tổng lượng rượu được tiêu thụ. Vodka trên thực tế đã "trợ giá" gián tiếp cho hầu hết các loại thực phẩm khác ở Liên Xô, vốn được bán với giá thấp hơn đáng kể so với giá thành và ngân sách phải bù phần chênh lệch. 

Đến giữa năm 1986, do ngân sách hao hụt, bắt đầu xuất hiện làn sóng không thể thanh toán cho hàng hóa, đến cuối năm 1986 thì ngân sách sụp đổ. Giá dầu thế giới giảm từ 30 xuống còn 12 USD/thùng vào năm 1986 bồi thêm một đòn nữa, dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế sâu rộng ở Liên Xô năm 1987.

Đến năm 1988, sinh viên nước ngoài chúng tôi bắt đầu trực tiếp "nếm trải" cuộc khủng hoảng. Từ việc được thoải mái ăn kẹo, bánh với học bổng 90 rúp/tháng từ năm 1983, đến năm 1988, cũng với mức học bổng đó, chúng tôi bắt đầu phải nhận tem phiếu để mua... đường. 

Còn việc người Liên Xô có uống ít đi không thì không ai chắc. Chán nản bởi các cấm đoán, họ nhanh chóng thay thế rượu chính thức bằng rượu lậu!

Dài dòng như thế để thấy tình hình lúc đó phức tạp thế nào, dù chỉ từ một cuộc vận động thoạt nghe thật hợp tình hợp lý.

Lãng mạn hay non nớt?

Nhưng người ta chỉ thấy kết quả/hậu quả sau này. Còn trong chính những ngày "Perestroika" và "Glasnost", làn gió mới của không khí tự do, tràn qua từ cánh cửa vừa hé mở ở một xã hội quen khép kín đã làm không ít người Liên Xô say mê.

Với giới trẻ, họ còn choáng ngợp bởi một hiện tượng độc đáo trong đời sống văn hóa: Nhà nước chính thức nhìn nhận sự tồn tại của nhạc rock, cho phép thành lập các câu lạc bộ rock. Nhiều festival rock được tổ chức. 

Còn nhớ Liên hoan nhạc rock Podolsk (1987, được phát sóng trên khắp các phương tiện truyền thông Xô Viết) khi đó được gọi là "Woodstock Liên Xô", so sánh với festival âm nhạc định hình nền văn hóa Mỹ hiện đại diễn ra năm 1969. 

Ngôi sao nhạc rock Viktor Tsoi thủ vai chính trong bộ phim màn ảnh rộng Igla, trong phim hầu hết diễn viên đóng vai chính mình, trở thành hiện tượng của điện ảnh Xô Viết năm 1989. Cũng trong phim, lần đầu tiên ở Liên Xô đề cập đến chủ đề về thảm họa sinh thái của biển Aral.

Cũng từ 1986, Liên Xô cho phép thành lập các hội nhóm cùng sở thích, tạo điều kiện xuất hiện các nhóm "tiểu văn hóa" ("subculture"). Các phong trào không chính thức của giới trẻ: hippies, punks, metalhead... rộ lên. 

Ở các ký túc xá sinh viên khi đó đông đảo sinh viên nước ngoài - dù đa số là các nước Á, Phi, Đông Âu, Mỹ Latin, chỉ một số ít từ các nước phương Tây. Từ các phòng ký túc xá, các thể loại nhạc du ca của ca sĩ bất đồng chính kiến Vladimir Vysotsky hòa lẫn với tiếng thét tự do của các nhóm rock Liên Xô mới nổi Alisa, Aquarium, Kino, DDT... 

Tivi ở các sảnh ký túc xá chật sinh viên theo dõi chương trình truyền hình "Câu lạc bộ những người nhanh trí và vui vẻ" (KVN). Cuộc thi hài hước của giới trẻ này, đặc biệt là sinh viên đại học, ứng biến theo chủ đề, cười cợt thói hư tật xấu của xã hội, được phép phát sóng lại từ 1986 sau một thời gian dài đóng cửa, đã trở thành biểu tượng của Glasnost. Không khí cởi mở thật sự lan tỏa, gây choáng ngợp.

Cuối tháng 12-1988, sinh viên năm cuối khoa ngữ văn Nga chúng tôi được tin về việc dỡ bỏ lệnh cấm phổ biến cuốn Một ngày trong đời Ivan Denisovich của Alexander Solzhenitsyn. Năm 1989, các chương của tiểu thuyết Quần đảo Gulag bắt đầu được đăng trên tạp chí Novy Mir (Thế giới mới). 

Trước đó, năm 1988 Bác sĩ Zhivago của Boris Pasternak cũng xuất bản trên tạp chí này. Những ai đã đọc Thời Second-hand của Svetlana Alexievich, về việc sinh viên Liên Xô chuyền tay nhau sách cấm, sẽ hiểu được không khí cởi mở giai đoạn này.

Trong số những đánh giá tích cực về di sản Gorbachev, có thành tựu của ông trong chấm dứt Chiến tranh lạnh, xóa bỏ bức màn sắt đông - tây, thúc đẩy tư duy mới, được thư ký báo chí tổng thống Nga Dmitry Peskov gọi là "chủ nghĩa lãng mạn Gorbachev". 

Sức lan tỏa của chủ trương "công khai", "cởi mở" là có thật. Điều kiện thông tin khi đó không như hiện đại, chỉ có thể nắm bắt thực tế bằng người thật việc thật. Chúng tôi nhớ đã tụ tập ở ký túc xá của một bạn Việt Nam, người "đủ điều kiện" để mua vé về thăm nhà ở TP.HCM năm 1987. 

Khi trở qua, anh hào hứng kể về những bài báo trong loạt Những việc cần làm ngay của tác giả N.V.L. Chúng tôi đã say sưa ngồi nghe anh bạn "người thật việc thật" về những đổi mới của đất nước mình, trong bầu không khí mà chúng tôi đang cảm thấy rất rõ nơi nước bạn.

Tiếc là niềm vui không kéo dài. Rất nhanh, cơn hừng hào "Perestroika" bắt đầu nhường chỗ cho hoài nghi, rồi thất vọng. Ngày 9-7-1986, Ban Kinh tế Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô báo cáo: 

"Tháng 6 năm nay, các trường hợp chậm trả lương cho công nhân viên chức trở nên thường xuyên hơn... Ban Kinh tế thấy có nhiều vướng mắc liên quan tới việc thanh toán tiền lương ở Ukraine, Moldova, Latvia, Litva và nhiều khu vực của Nga. Tình trạng này được giải quyết bằng việc phát hành thêm tiền vào lưu thông". 

Nhưng việc tăng lượng cung tiền càng gây thiếu hụt hàng hóa, đỉnh điểm là giai đoạn 1989-1991, ảnh hưởng đến hầu hết hàng hóa tiêu dùng trên cả nước.

Từ năm 1988, đường bắt đầu được bán theo tem phiếu. Sau đó thì hầu như mọi hàng hóa đều phải dùng tem phiếu, cấp tại nơi đăng ký và làm việc hằng tháng. Thịt, xúc xích, bơ động vật và thực vật, bánh mì, thuốc lá, trứng, thậm chí cả diêm, xà phòng, muối, bột giặt, ngũ cốc và khoai tây, đều được bán theo phiếu tùy khu vực. Sau khi Liên Xô sụp đổ, thâm hụt thương mại không dừng lại mà tiếp tục kéo dài đến năm 1994.

Nhiều bài học lịch sử rất lâu sau mới có thể chứng ngộ, nhưng bài học "luật cấm rượu" thì đã được cựu tổng thống Liên Xô nghiệm ra ngay trong thời ông. Năm 2015, trong cuộc phỏng vấn với Komsomolskaya Pravda, Gorbachev thừa nhận rằng chiến dịch chống rượu năm 1985 là sai lầm: 

"Đúng vậy, không cần thiết phải đóng cửa buôn bán và làm rượu lậu gia tăng. Mọi thứ lẽ ra nên được thực hiện dần dần. Không phải bổ rìu vào đầu". Rộng lớn hơn, về "Perestroika", trên một trong những bài báo cuối cùng của ông, với tựa đề "Hiểu Perestroika, bảo vệ tư duy mới" đăng ngày 2-8-2021 trên Global Affairs, Gorbachev đã gián tiếp thừa nhận sai lầm dù chỉ trong một câu: "Nếu phải bắt đầu lại thì tôi sẽ làm khác đi rất nhiều".

Nhưng lịch sử làm gì có "bắt đầu lại". ■

Bình luận về di sản Mikhail Gorbachev, báo Mỹ Wall Street Journal khái quát: "Gorbachev tìm cách cải tổ nhà nước cộng sản. Nhưng những nỗ lực của ông đã dẫn tới một làn sóng những diễn biến không thể vãn hồi, đưa Liên Xô đến chỗ sụp đổ, định hình lại cục diện địa chính trị và đưa Mỹ trở thành siêu cường duy nhất trên thế giới. Việc Gorbachev từ bỏ sử dụng vũ lực, nới lỏng kiểm duyệt truyền thông và văn hóa, và sự ủng hộ của ông với thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân lịch sử với Hoa Kỳ khiến ông được ca ngợi ở nước ngoài và được trao Nobel Hòa bình năm 1990".

Tờ The New York Times (Mỹ) thừa nhận: "Reagan hiểu hoàn cảnh của Gorbachev và tìm cách lợi dụng. Reagan tăng chi tiêu quân sự của Mỹ, đào sâu thêm thâm hụt trong nước với hy vọng rằng bất kỳ nỗ lực nào của Liên Xô để theo kịp thời đại sẽ dẫn nó tới chỗ phá sản".

Đài Anh BBC, ngoài những khen ngợi, nhắc lại rằng Gorbachev ủng hộ việc sáp nhập Crimea vào Nga.

Báo chí Đức thì dễ hiểu là nhấn mạnh việc cựu tổng thống Liên Xô ủng hộ việc thống nhất nước Đức. "Mikhail Gorbachev là người Nga được yêu mến nhất ở Đức. Không được yêu mến ở quê nhà, nhưng ở Đức, ông được coi là một trong những chính trị gia lỗi lạc của thời đại chúng ta và là cha đẻ của thống nhất ", Đài Deutsche Welle nhận xét.

"Một người có thể thay đổi thế giới ư? Đúng. Ông ấy có thể. Không bạo lực, không xe tăng, 350.000 binh sĩ Liên Xô đã rút khỏi Đức. Tự do cho hàng triệu người ở Trung và Đông Âu. Sự thống nhất nước Đức là điều không tưởng nếu không có Mikhail Gorbachev" - lãnh đạo đảng chính trị hàng đầu ở Đức CDU, Armin Laschet, đánh giá.

Le Figaro của Pháp gọi Gorbachev là "nhà chiến thuật hơn là chiến lược". Trong "những cải cách ngoan cố của mình, [ông] đã xa rời khát vọng của những dân tộc mà ông thức tỉnh".

Le Monde thì tin rằng "đánh giá về vai trò của Gorbachev trong lịch sử là một vấn đề của địa lý". Tờ báo này viết: "Châu Âu và Hoa Kỳ sẽ ghi nhớ ông vì sự kết nối Đông - Tây, chấm dứt cuộc chiến Afghanistan và thống nhất của nước Đức. Trong không gian hậu Xô Viết, cái nhìn lại hoàn toàn khác. Sự sụp đổ của một đế chế? Chính ông. Sự hỗn loạn sau đó? Lại là ông. Hoài niệm về đế chế đã mất, nước Nga nhìn nhận sự sụp đổ của Liên Xô, được chôn cất vào ngày 25-12-1991, là hậu quả của việc Mikhail Gorbachev đầu hàng phương Tây".

Sergei Stankevich - nhà khoa học chính trị và cố vấn của tổng thống Nga 1991-1993, cho rằng "Gorbachev quá lành với vai diễn lịch sử rơi vào tay mình".

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã không dự lễ tang của ông Gorbachev vào ngày 3-9 ở Nhà Công đoàn, mà chỉ bày tỏ sự tôn trọng mang tính cá nhân bằng lễ viếng riêng vào hôm 1-9.

Ông Putin đã đến Bệnh viện Lâm sàng trung ương, nơi quàn thi thể Gorbachev, đặt hoa và đứng nghiêng đầu vài phút trước linh cữu. Trong lời chia buồn trước đó, ông Putin nói: "Trong những năm tháng cuộc đời, Gorbachev đã vượt qua chặng đường khó khăn và để lại dấu ấn đáng kể trong lịch sử đất nước".

Trong số những người nổi tiếng đến tiễn đưa Gorbachev vào ngày 3-9, có cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev. Đặc biệt, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cũng xuất hiện và là nguyên thủ châu Âu duy nhất trong lễ tiễn biệt.

AiF tường thuật: "Trong số những người đến viếng có một người đàn ông dắt theo đứa con gái nhỏ, ông nói mình "đến chào từ biệt Gorbachev để thấy mình trở lại tuổi 16"… Hai giờ được dành cho lễ chia tay nhà lãnh đạo quá cố, nhưng buổi lễ phải kéo dài thêm một giờ. Dòng người tiễn đưa cứ phải kéo vòng hoa qua lại máy dò kim loại, đến khi phải tắt máy dò và bỏ lên xe tải. Những người dự lễ tang vỗ tay tiễn đưa tổng thống Liên Xô trong hành trình cuối cùng trên phông nền tình cờ: "Một đất nước không còn nữa". Đó là tên của hiệu cà phê đối diện với tòa Nhà Công đoàn".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận