Nhận diện người nghèo

TTCT - Trong nghiên cứu về người nghèo lâu nay trên thế giới cũng như tại Việt Nam, việc xác định đối tượng người nghèo thường dựa trên các yếu tố định lượng, dựa vào thu nhập để xác định “ngưỡng nghèo khổ”.

Cách tiếp cận định lượng như vậy sẽ dẫn đến một khó khăn là không thể xác định được chân dung chung của người nghèo, không thể so sánh người nghèo tại các khu vực, các xã hội có trình độ phát triển khác nhau, có nền văn hóa hay lối sống không giống nhau.

Ảnh: Compassion UK

 

Vì vậy đã xuất hiện những nghiên cứu định tính nhằm xác định những đặc trưng của người nghèo dựa trên toàn bộ lối sống, quan niệm, lối ứng xử thường ngày của họ... 

Chính từ đây, thuật ngữ “nền văn hóa nghèo khổ” (the culture of poverty) đã ra đời thông qua các công trình nghiên cứu định tính về người nghèo đô thị tại Mexico và Puerto Rico của nhà xã hội học - nhân học người Mỹ Oscar Lewis. 

Nền văn hóa nghèo khổ là một “mô hình sinh sống” (design of living) của người nghèo được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, mô tả bức tranh đời sống của người nghèo mà theo đó, nhóm người nghèo thường có những đặc trưng sau:

- Luôn sống trong tâm trạng bị gạt ra bên lề và không thuộc về xã hội.

- Luôn cảm thấy xa lạ ngay trên chính quê hương mình và thường tin rằng các thiết chế xã hội hiện hữu không thỏa mãn những mong đợi và nhu cầu của họ.

- Luôn cảm thấy không được trợ giúp, giúp đỡ đủ; tình trạng thất nghiệp cao, lương thấp.

- Luôn nghĩ rằng mình ở vị trí thấp kém trong thang bậc xã hội, cảm thấy chẳng có quyền lực hay tiếng nói gì trong xã hội và chẳng xứng đáng với xã hội.

- Không có cái nhìn dài hạn mà luôn chọn thái độ sống vì cái hiện tại, cái trước mắt.

- Tin tưởng mạnh mẽ vào định mệnh.

- Về đời sống gia đình, nét nổi bật là tỉ lệ ly hôn cao, trẻ em và phụ nữ bị bỏ rơi, do đó gia đình thường trở thành kiểu gia đình “mẫu hệ”.

- Có xu hướng kết hôn rất sớm, làm cha mẹ ở độ tuổi thanh niên (teen parents); hôn nhân chủ yếu là “cặp đôi tự do”, có khi là cùng huyết thống.

- Nhiều thế hệ sống chung nên qui mô gia đình thường lớn.

- Cha mẹ thường lạm dụng quyền lực trong quá trình nuôi dạy con cái, rất ít có sự truyền thông với con cái, con cái thường bị đánh đập.

- Trẻ em gần như không biết đến giai đoạn tuổi thơ (childhood) do phải tham gia lao động rất sớm và thường có kinh nghiệm tình dục rất sớm.

- Thường không quan tâm đến nền giáo dục chính thức, vì vậy con cái họ ít được trang bị những kỹ năng để thành công trong xã hội.

- Có rất ít ý thức về lịch sử, thường chỉ biết đến những vấn đề của mình, hàng xóm của mình, lối sống của mình.

- Không hề có ý thức giai cấp.

- Quan niệm thành công là nhờ cơ may chứ không do nỗ lực bản thân.

- Ít có thói quen tiết kiệm.

- Thường không có thói quen tích lũy lương thực, thường có thói quen mua thực phẩm với số lượng ít và mua nhiều lần trong ngày.

- Việc thế chấp tài sản cá nhân rất phổ biến, thường thiết kế hệ thống tín dụng tự phát để vay mượn khi có nhu cầu.

- Về các đặc điểm khác có thể liệt kê như nạn nghiện rượu, thường sống ở nơi có mật độ dân số cao, thường dùng đến bạo lực để giải quyết các xung đột, bạo hành đối với nữ giới, có tư tưởng tập quần, tin vào sự thống trị của nam giới, trong cộng đồng thì các gia đình có gốc gác lâu đời thường chiếm ưu thế...

Oscar Lewis cho rằng những đặc trưng trên gần như đúng với mọi cộng đồng nghèo ở các nước đang phát triển, và những đứa trẻ khi lên sáu, bảy tuổi gần như đã nhập tâm những khuôn mẫu đó nên có thể nói nền văn hóa nghèo đói có tính liên thế hệ là vì vậy.

(*) Khoa Xã hội học, Đại học Mở TP.HCM

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận