Nhờ AI "vẽ lại" trật tự thế giới

TÙNG LÊ 05/07/2023 10:09 GMT+7

TTCT - Lịch sử không có chữ "nếu", nhưng với AI, ta được quyền "nếu" thoải mái.

Loạt ảnh "Sẽ ra sao nếu Somalia chinh phục châu Âu" trên @what_if.ai

Loạt ảnh "Sẽ ra sao nếu Somalia chinh phục châu Âu" trên @what_if.ai

Stable Diffusion và Midjourney có thể giúp ta trả lời những câu hỏi, chẳng hạn thế giới sẽ ra sao nếu các cường quốc phương Tây không nắm quyền, bằng hình ảnh trực quan sinh động. Đây là một ngách khai thác mới nổi lên, giữa hàng chục cách tận dụng khả năng vô hạn của AI tạo sinh.

Mường tượng một lịch sử khác

Tài khoản @what.if_ai, hiện có hơn 28.000 người theo dõi trên TikTok, là cái tên đáng chú ý trong giới dùng AI để hình dung lại lịch sử. Các video nổi bật nhất của kênh này đều đề cập đến lịch sử xâm lược thực dân, đồng thời tưởng tượng ra một "vũ trụ song song" nơi quyền lực được hoán đổi.

"Chuyện gì xảy ra nếu Ấn Độ thống trị Vương quốc Anh?" là tiêu đề một video được gần 2 triệu người xem của tài khoản này (từ đây tạm gọi là kênh What If). Trả lời ngay câu hỏi này trong video là một loạt hình ảnh giả tư liệu, tường thuật lại một lịch sử chưa từng diễn ra: một cuộc cách mạng công nghệ thổi bùng sức mạnh quân đội của Ấn Độ. London nhanh chóng gục ngã trước thủy quân Ấn, kế đến là các gia đình tài phiệt Ấn thống trị Vương quốc Anh. Nữ hoàng Elizabeth được gả vào hoàng gia Ấn Độ trong bộ sari truyền thống của đất nước Nam Á. The Beatles không tồn tại, thay vào đó là The Bhangra Boys; bộ truyện ăn khách về cậu bé phù thủy nay cũng có bản "đổi màu da" mang tên Harpreet Patel.

Ngoài video Ấn Độ - Anh ở trên, What If cũng đặt thêm câu hỏi: Sẽ ra sao nếu ác mộng tồi tệ nhất của Donald Trump thành hiện thực - Mexico xâm lược nước Mỹ? Trả lời: Đàn ông Mexico sẽ ngồi trong các văn phòng, trong khi đàn ông Mỹ da trắng đi làm các công việc nặng nhọc. Ngôi sao nhạc pop vĩ đại nhất thế giới sẽ mang tên Miguel Jacson.

Một hình dung lịch sử "nếu Mexico thắng cuộc chiến với Mỹ năm 1948". Ảnh: @what_if.ai

Một hình dung lịch sử "nếu Mexico thắng cuộc chiến với Mỹ năm 1948". Ảnh: @what_if.ai

Trong một vũ trụ khác, nơi Somalia xâm lược và thống trị phương Tây: Thành Rome chuyển đổi kiến trúc thành Hồi giáo, trong khi nước Ý trở thành nông trường cung cấp thực phẩm cho "mẫu quốc" tại lục địa đen.

"Người xem của tôi ở khắp nơi trên thế giới. Một số sống tại các nước cựu thuộc địa như Somalia, Ấn Độ hay Ireland, họ thường mong muốn mường tượng ra một lịch sử khác. Có thể họ không muốn trở thành kẻ bị đô hộ, mà muốn làm người xâm lăng" - chủ kênh nói với Rest of World.

Vốn làm việc trong ngành IT, người này cũng có đam mê đặc biệt với công nghệ AI tạo sinh; tuy nhiên mong muốn giữ kín danh tính vì lo ngại thông tin quốc tịch của mình có thể làm dấy lên nghi ngờ về thiên kiến trong video của kênh.

Phần bình luận trong video trên What If tràn ngập các yêu cầu làm thêm video của khán giả khắp thế giới. "Điều gì sẽ xảy ra nếu Ethiopia xâm lược Ý?", một người xem bình luận. "Sẽ ra sao nếu Paraguay đánh thắng cuộc chiến với Argentina, Brazil và Uruguay?", một người xem TikTok khác đề xuất.

Chủ kênh cũng cho biết mình thường lấy hầu hết ý tưởng làm video từ khán giả. Sau khi tìm hiểu về một vấn đề lịch sử nhất định, họ sẽ nhờ ChatGPT viết kịch bản, sau đó dùng Midjourney để tạo hình ảnh tương ứng. 

Trước khi có các công cụ AI này, các video trên What If có thể sẽ phải huy động nguyên một đội sản xuất, bao gồm người nghiên cứu và viết kịch bản, người vẽ minh họa, chưa kể một người cắt ghép, dựng video. 

"Giờ đây một người như tôi, vốn không có kinh nghiệm nghệ thuật gì, cũng có thể tạo ra nội dung thu hút hàng triệu view, chỉ nhờ vào trí tưởng tượng của mình. Ai cũng làm được, tôi chỉ nhanh chân đến trước thôi" - người này chia sẻ.

Đổi vai, rồi sao nữa?

Video "viết lại lịch sử" kiểu này thường rất dễ lan truyền mạnh bởi chúng lấp đầy khoảng trống trong trí tưởng tượng con người, theo Nayana Prakash, nhà nghiên cứu đang thực hiện đề tài tiến sĩ về kể chuyện trên Internet tại Oxford Internet Institute (Anh). 

"Chúng ta thường không mấy khi nghĩ về các nước Global South [thuật ngữ thay thế các nước đang phát triển hay thế giới thứ ba] như trọng tâm của quyền lực thế giới, hay vùng đất của tương lai" - cô nói với Rest of World.

Một hình dung lịch sử "nếu đế chế Maya không sụp đổ". Ảnh: @what_if.ai

Một hình dung lịch sử "nếu đế chế Maya không sụp đổ". Ảnh: @what_if.ai

Cô cũng đặc biệt chú ý đến một tiểu tiết thường thấy trong dạng video này: Các tòa nhà chọc trời hiện đại được đặt vào không gian thẩm mỹ của các nền văn minh xưa. "Sẽ ra sao nếu nền văn minh Maya chưa từng sụp đổ", một video TikTok đặt câu hỏi, đi kèm hình ảnh cảnh quan đô thị hiện đại pha trộn các họa tiết và kỳ quan của văn hóa Maya. 

"Tôi cho rằng các video này cho ta một cái nhìn khác về tính hiện đại. Thông thường nếu phải định nghĩa về hiện đại tính, chúng ta sẽ vô thức gắn chúng với các giá trị Mỹ hoặc phương Tây" - Prakash nhận định.

Không ít người dùng với công nghệ AI trong tay đã sẵn sàng viết lại thiên kiến "dĩ Âu vi trung" này. Jerald Mira, một nhà thiết kế đồ họa tại Manila (Philippines), đã gây chú ý khi đăng tải video "Sẽ ra sao nếu Philippines chưa từng bị Tây Ban Nha xâm lược?" lên TikTok, thu về gần 300.000 lượt xem. (Bản dài hơn trên YouTube cũng thu về số lượt xem tương tự). 

Ở "vũ trụ song song" này, các sắc dân bản địa của Philippines tiếp tục phát triển và đạt được nhiều thành tựu tiến bộ mà không cần sự "khai hóa văn minh" của phương Tây. Người xem Philippines không giấu nổi sự tự hào trong phần bình luận.

"Bản thân là người Philippines, tôi luôn quan tâm đến lịch sử đa diện và phức tạp của nước mình, với nhiều thế kỷ bị đô hộ và đàn áp bởi các thế lực nước ngoài. [Người Philippines] cần chất vấn và thách thức các tư tưởng thống trị trong cách chúng ta hiểu về quá khứ dân tộc mình" - Mira nói. Một người xem đồng tình: "Tôi là người dân tộc T'boli... chúng tôi vẫn đang bảo vệ văn hóa và di sản dân tộc, và không bao giờ quên đi cội rễ của mình".

Nhờ AI "vẽ lại" trật tự thế giới - Ảnh 4.

Thể loại nội dung "xét lại lịch sử" vốn không mới trên mạng xã hội. Trên YouTube, chúng thường xuất hiện dưới dạng video dài 10-20 phút xoay quanh một sự kiện lịch sử trọng đại, trong đó người thắng trở thành kẻ thua và ngược lại. 

Các nội dung này tương đối nặng thông tin, với số liệu, ảnh tư liệu và bản đồ có ghi chú chi tiết. Trên TikTok, thể loại này lại tập trung vào hình ảnh chi tiết và bắt mắt nhằm vẽ nên một "vũ trụ song song" hoàn chỉnh cho người xem.

Dù lật ngược thế cờ quyền lực, nhưng các video này lại không thật sự mang tính cách mạng: Chúng không tưởng tượng ra một tương lai không có kẻ xâm lược, mà chỉ tráo đổi vị trí của kẻ xâm lăng và người bị đô hộ. Những người lính Somalia hay Ai Cập cổ đại khoác lên mình dáng vẻ của một đội quân thiện chiến, với súng ống và mũ giáp tối tân như của phương Tây hiện đại.

"Tôi cho rằng chúng ta không đủ khả năng tưởng tượng ra một lịch sử quá khác so với thứ chúng ta thực sự từng trải qua. Chiến thắng hoặc thành công trông sẽ ra sao nếu không có xâm lược và đô hộ? Một đất nước có quyền lực trông như thế nào nếu quyền lực không dựa trên việc khống chế một đất nước khác? Chúng ta chỉ đơn giản là đang đổi các vai trong một vở kịch lịch sử đã có sẵn" - Prakesh nhận định.

Nhờ có AI, những người sáng tạo nội dung nay có quyền năng vẽ nên những thế giới thú vị mới - không chỉ viết lại thế giới thực tại, mà còn có thể hòa trộn, "bốc rễ" thế giới tưởng tượng từ một bộ truyện, bộ phim ăn khách sang một bối cảnh không ai ngờ tới.

Tháng 3 vừa qua, kênh Demon Flying Fox trên YouTube đăng tải video dài chưa đầy 1 phút, trong đó nhân vật quen thuộc của bộ truyện Harry Potter đồng loạt "trổ mã" với xương gò má tượng tạc, vai rộng, trên người khoác lên những trang phục sắc cạnh cao cấp của nhà tạo mốt Ý Balenciaga.

Trên nền nhạc house mê hoặc, các nhân vật như Harry, Ron hay Hagrid lập tức tạo cảm giác quen thuộc, nhưng hình hài mới và cảm giác "gợn gợn" của hình ảnh lại tạo ra cảm giác siêu thực, mê hoặc thường thấy của tranh ảnh AI. Video đến nay đã thu về hàng triệu lượt xem, đồng thời trở thành cảm hứng cho hàng loạt video "ăn theo" trên YouTube và TikTok. (Trong đó có series Game of Thrones lấy bối cảnh nước Ý, hay các người hùng Marvel trong vũ trụ Versace).

Demon Flying Fox, ngoài đời là nhiếp ảnh gia sống tại Berlin, cho biết anh làm các video này ban đầu chỉ để chứng minh cho công chúng thấy khả năng vô biên của AI. Các video "làm chơi" bằng Midjourney, ElevenLabs và D-ID của ảnh đang cho anh mức doanh thu YouTube ngang bằng một công việc toàn thời gian.

"AI tạo sinh đang được sử dụng để hòa phối các gu thẩm mỹ đối chọi lại với nhau, tạo ra một hình ảnh khó quên in sâu vào não bộ, từ đó dễ trở nên viral" - cây viết Dani Di Placido của Forbes bình luận về hiện tượng này.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận