Nhu cầu về hội: Luật để người dân làm việc tử tế

NGUYỄN ĐIỆP HOA 03/10/2016 20:10 GMT+7

TTCT - Đầu tháng 9, dự thảo sửa đổi Luật về hội đã được công bố trong sự chờ đợi của rất nhiều tổ chức xã hội và cá nhân. Phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra tuần trước về dự thảo luật này cũng nhìn nhận “không nên trì hoãn việc trình ra Quốc hội luật này”. Dẫu đã có một số điểm thay đổi tích cực, song vẫn còn nhiều băn khoăn và kỳ vọng nhiều hơn ở chất lượng của dự thảo.

Teamwork Concept
 

 Vì sao xã hội cần các hội nhóm?

Mái ấm Truyền tin do xơ Cư, một nữ tu, đứng đầu được thành lập từ 15 năm trước ở Q.Bình Tân (TP.HCM), là nơi nương tựa cho rất nhiều trẻ cơ nhỡ. Nhờ mái ấm, những đứa trẻ bị bỏ rơi đã lớn lên như trong một gia đình, được đến trường.

Nhưng suốt 15 năm, cơ sở của xơ Cư chưa được chính quyền cấp phép dù xơ đã nộp đơn hết cửa này đến cửa khác. Hệ lụy là những đứa trẻ lớn lên ở đây không được đăng ký hộ khẩu, không có giấy tờ tùy thân.

Đến khi có hai em chuẩn bị thi vào đại học thì được biết không có giấy tờ thì không được thi. Cực chẳng đã, các em đành kêu lên tận Thành ủy, rốt cuộc mái ấm được cấp phép. Riêng ở Q.Bình Tân hiện có tới 13 cơ sở từ thiện khác đang chờ được cấp giấy phép hoạt động trong khi vẫn chăm lo, bao bọc những đứa trẻ. Cần nói thêm rằng nếu không có giấy phép, họ khó nhận được tài trợ!

Có nhiều nhóm, tổ tương trợ cộng đồng không được cấp phép để có tư cách pháp nhân chỉ vì những lý do mơ hồ. Quỹ phát triển cộng đồng ở Hà Nội bị từ chối vì “chưa cần thiết, chưa phù hợp”; Hội điếc câm (TP.HCM) không thể hoàn thành được hồ sơ sau 8 năm cố gắng vì “không có người đủ năng lực”, hoặc Hội phải có đủ 100 hội thành viên từ các tỉnh, trong khi VN chỉ có 63 tỉnh thành...

Từ những câu chuyện đó, việc ban hành Luật về hội được kỳ vọng sẽ góp phần tạo ra động lực mới cho người dân thuộc mọi tầng lớp tham gia giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội ở Việt Nam.

Các hội mới hình thành sẽ hỗ trợ Nhà nước trong những vấn đề đạo đức nghề nghiệp, chống thực phẩm bẩn hoặc gian dối trong đời sống xã hội - những vấn đề mà riêng luật pháp sẽ không thể giải quyết đầy đủ, cần có chuẩn mực đạo đức xã hội được đời sống hội tạo ra nhằm điều chỉnh hành vi.

Đời sống hội cũng sẽ thúc đẩy sự tương trợ trong cộng đồng, tạo ra vốn xã hội giàu có và nhân văn, giúp các cá nhân cùng cộng đồng chống chịu và vượt qua các cú sốc trong cuộc sống. Việc hình thành các hội tự chủ còn giúp góp phần vào việc kiểm tra, giám sát, hạn chế việc câu kết của các nhóm lợi ích, giúp xã hội vận hành cân bằng, minh bạch và hiệu quả hơn.

Môi trường thành lập hội tự do cũng sẽ tự khai thông các nguồn lực trong xã hội, giúp chi trả cho hoạt động hội theo hướng cạnh tranh và hiệu quả, không tiêu tốn ngân sách nhà nước, không làm méo mó lợi ích do sự bất cân bằng trong tự do hiệp hội tạo ra.

Vẫn còn gây khó

Dự thảo được kỳ vọng sẽ giúp tháo gỡ các ách tắc và tạo điều kiện tốt hơn cho đời sống hội của người dân, để người dân thể hiện quyền tự do hiệp hội, một quyền cơ bản đã được ghi nhận trong điều 25 Hiến pháp năm 2013 và Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR) mà Việt Nam là thành viên.

Tuy nhiên, ông Lê Quang Bình, chủ tịch Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (PPWG) - một mạng lưới có hơn 500 thành viên hoạt động nhằm thúc đẩy sự tham gia của người dân đóng góp cho quá trình phát triển đất nước, nói: “Với những quy định đưa ra trong dự thảo Luật về hội mới nhất, chúng tôi cho rằng khả năng khai thông cho năng lực sáng tạo và nguồn lực đóng góp cho xã hội từ nhân dân vẫn bị hạn chế”.

Theo ông, chẳng hạn dự thảo quy định việc đăng ký thành lập hội phải qua hai bước, bước một (quy định ở điều 14) yêu cầu công dân phải nộp đủ hồ sơ, được cấp “giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội”, rồi mới được tổ chức đại hội thành lập hội.

Sau khi tổ chức đại hội thành lập hội, hội lại phải báo cáo kết quả đại hội để cơ quan chức năng (Bộ Nội vụ hoặc sở nội vụ) công nhận “điều lệ và người đại diện theo pháp luật” của hội (điều 17 và 21). Nếu cơ quan chức năng không cấp “giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội” hoặc không “công nhận điều lệ hội và người đại diện theo pháp luật” thì hội sẽ không có tư cách pháp nhân.

Như vậy, thực chất đây là cơ chế “xin - cho” và người dân phải “xin - cho” hai lần. Điều này sẽ tiếp tục gây khó khăn, tốn kém cho cả công tác quản lý lẫn người dân, trong khi Nhà nước đang chủ trương đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Vì thế, dự thảo nên bỏ điều 13 và sửa điều 16, điều 17 theo hướng “ghi nhận sự đăng ký thành lập của hội” chứ không phải “phê duyệt điều lệ và người đại diện pháp luật của hội” như hiện nay.

Về điều kiện thành lập hội, dự thảo quy định (khoản 4, điều 23) về tiêu chuẩn của người đại diện pháp luật của hội (người đứng đầu hội) phải “có sức khỏe, điều kiện để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ" và "có hiểu biết chuyên môn nghiệp vụ và uy tín trong lĩnh vực hội hoạt động”.

Đây là những khái niệm mơ hồ, dễ gây tranh cãi và sẽ dễ có những đánh giá chủ quan khác nhau, đi ngược lại nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử trong quyền tự do hiệp hội. Những người khuyết tật có thể bị từ chối quyền lập hội vì cho rằng họ “không có sức khỏe”.

Theo chuẩn mực quốc tế, quyền tự do hiệp hội bao gồm cả quyền tự do tiếp cận các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước phục vụ hoạt động của hội.

Hiện tại, điều này còn bị bỏ trống trong dự thảo. Dự thảo ghi nhận nhiều chính sách tích cực của nhà nước nhằm đảm bảo tự do hiệp hội của người dân (điều 7) tuy nhiên lại chưa có cơ chế cụ thể khuyến khích nguồn lực quan trọng nhất cho hội là từ doanh nghiệp, cá nhân trong nước và các nguồn tài trợ nước ngoài.

Do nguồn lực tài chính là quyết định với hầu hết các hội muốn hoạt động hiệu quả, dự thảo cần có điều khoản cho phép hội tự do tiếp nhận các khoản viện trợ trong và ngoài nước từ các cơ quan hoạt động hợp pháp ở Việt Nam và quốc tế mà không cần phải phê duyệt lại, để tạo điều kiện cho việc triển khai hoạt động nhanh chóng.

Dự thảo hiện tại quy định ở khoản 5, 6 điều 21 yêu cầu cơ quan chuyên trách phê duyệt điều lệ và lãnh đạo của hội sau mỗi lần đại hội và khoản c điều 28 quy định nếu “tổ chức đại hội khi chưa có ý kiến chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” thì hội bị đình chỉ có thời hạn và giải thể hội. Theo PPWG, điều này vi phạm nguyên tắc “tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm” của hội.

Về quyền tự do hoạt động của hội, cả PPWG và TS Hoàng Ngọc Giao - viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển - đều cho rằng hiện tại, điều 15 quy định theo nguyên tắc “đăng ký ở đâu hoạt động ở đó” sẽ hạn chế hội giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội, môi trường vượt qua địa bàn hành chính.

Chính vì vậy, cần cho phép hội tự chọn địa bàn hoạt động trong hồ sơ đăng ký. Bên cạnh đó, quyền lập hội và quyền hội họp là hai quyền không thể tách rời.

Trên thực tế, nếu hội phải xin nhiều giấy phép con để triển khai hoạt động thì sẽ khó khăn, hạn chế hiệu quả và đóng góp của hội. Chính vì vậy, Luật về hội cần khẳng định “hoạt động hội nghĩa là hội có quyền triển khai hoạt động của mình đúng với pháp luật và điều lệ của hội”.

Để người nghiêm túc làm việc tử tế

Tại hội thảo “Góp ý cho dự thảo Luật về hội: Góc nhìn từ người dân và chuẩn mực pháp lý”, các ý kiến cho rằng dự thảo cần thể hiện rõ hơn nữa những quy định liên quan tới các hội nhóm, tổ chức của người dân, thay vì hiện nay vẫn còn tư duy hội chỉ như những tổ chức nghề nghiệp, chuyên môn có quy mô lớn.

Cũng là cách hạn chế mối phiền toái mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng phải kêu: Cứ về hưu là ra làm chủ tịch hiệp hội, xin thành lập hội, rồi xin nhà, xin xe, thậm chí xin cả biên chế...

Cốt lõi của việc xây dựng luật là để tất cả chúng ta đều muốn sống tốt hơn, làm được nhiều điều tử tế hơn, vì mục đích chung nhiều hơn.

Giám đốc một trung tâm cộng đồng tại Huế nói: “Chính vì vậy cần đơn giản thôi, ít phép thôi để các tổ chức chủ động và tự chịu trách nhiệm trước luật. Càng nhiều giấy phép thì chính quyền càng nhiều quyền lực, công chức dễ lạm dụng. Khi đó, các tổ chức nghiêm túc sẽ ít dần đi, số lách luật sẽ tăng lên vì người nghiêm túc phải đóng cửa, không thể làm tử tế được”.■

Một phần của bức tranh lớn

Theo con số đưa ra tại nhiều hội thảo, nếu tính cả các hội đăng ký, chưa đăng ký, không đăng ký thì ở Việt Nam có thể có hàng trăm nghìn hội dưới rất nhiều hình thức khác nhau như câu lạc bộ, tổ, nhóm, mạng lưới, trung tâm, mái ấm, các nhóm sở thích, tổ chức hỗ trợ cộng đồng, phi chính phủ, quỹ... ngoài những tổ chức chính thức do Nhà nước lập ra.

Theo điều tra “Đời sống hiệp hội từ góc nhìn của người dân” do PPWG thực hiện tháng 8-2016, tỉ lệ tham gia sinh hoạt cao nhất của người dân là hình thức tổ, nhóm, câu lạc bộ (35%), tỉ lệ hoạt động tích cực nhất của người dân cũng ở hình thức này (37%). Chỉ 1% không tham gia bất kỳ hoạt động tổ, nhóm nào.

Trong khi đó, các tổ chức có tư cách pháp nhân như tổ chức phi chính phủ (NGO) hoặc các quỹ lại gặp khó khăn do các giấy phép con khi hoạt động.

Theo nghị định 93/2013/NĐ-CP thì một tài trợ nhân đạo, phát triển muốn đến được người dân phải qua ba tầng phê duyệt: ủy ban điều phối viện trợ NGO nước ngoài, cơ quan chủ quản/cấp phép, và chính quyền địa phương.

Đại diện một NGO ở Hà Nội kêu: “Chúng tôi xin tiền đã khó, mà việc xin Nhà nước để được trao tiền còn khó hơn. Xin nhà tài trợ chỉ cần một bộ hồ sơ, nhiều khi chỉ cần nộp qua email, trong khi xin Nhà nước để cho tiền phải làm đến tám bộ hồ sơ khác nhau, xin phép bảy, tám bộ khác nhau. Chỉ cần một ông nói không coi như là xong, bao nhiêu công sức đi toi”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận