Những mùa Trung thu xưa nơi xóm nhỏ Gia Định

PHẠM CÔNG LUẬN 29/09/2023 18:15 GMT+7

TTCT - Hết hè, mùa tựu trường là Tết Trung thu đến. Đứa con nít nào cũng háo hức, nhất là khi trong nhà thấy người lớn soạn khuôn bánh, lò nướng ra để làm bánh dẻo, bánh nướng, bánh con heo...

Trung thu 1966 với trẻ em chơi lồng đèn xếp. Ảnh: Douglas Ross

Trung thu 1966 với trẻ em chơi lồng đèn xếp. Ảnh: Douglas Ross

Nghỉ hè, đám con nít ở cái xóm nhỏ vùng Gia Định này không những được tha hồ vui chơi mà còn được hưởng mấy cái tết. Tết Đoan ngọ mùng 5 tháng 5, người trong xóm hái mấy loại lá, bỏ vào cái thau nhôm xâm xấp nước, bắt con thằn lằn bỏ vào cho nó lội trong mớ lá cây rồi lấy nước trong thau dấp vào mắt, thi nhau nháy mặt trời buổi trưa. Ai nấy ăn cơm rượu, ăn bánh ú nước tro chấm đường thơm mùi lá tre. Vài nhà treo cành xương rồng trên cửa ra vào bên cạnh miếng kiếng vẽ hình bát quái để trừ tà ma.

Đến rằm tháng 7 ăn lễ Vu lan. Tụi con nít lại lang thang các xóm hẻm để "giựt cô hồn". Đứa nào ba má không cho tham gia thì ngóng mỏ đợi bạn mang khúc mía, trái cóc về ăn ké.

Hết hè, mùa tựu trường là Tết Trung thu đến. Đứa con nít nào cũng háo hức, nhất là khi trong nhà thấy người lớn soạn khuôn bánh, lò nướng ra để làm bánh dẻo, bánh nướng, bánh con heo.

Hội hoa đăng thắp sáng xóm nhỏ

Người lớn bây giờ thắc mắc sao con nít không còn thích Tết Trung thu nữa. Quay lại một chút về quá khứ là hiểu ngay.

Nửa thế kỷ trước, ở Sài Gòn - Gia Định xóm hẻm nào cũng còn nhiều cây cối, có chỗ có bụi tre, bụi chuối, mấy cây gòn cao vút. Chỉ ngoài phố xá mới có đèn đường tù mù vàng vọt. Trong hẻm mấy khi có đèn công cộng trừ vài cư xá dành cho công chức hay sĩ quan cao cấp. Trời sụp tối, chỉ khi mấy bóng đèn néon trong các ngôi nhà tỏa ánh sáng ra ngoài thì người đi đường mới nhận ra được chỗ nào có vũng nước, chỗ nào con chó đang nằm để tránh. Xóm nhỏ còn nhiều góc tối khi đêm xuống.

Trong hoàn cảnh đó, Tết Trung thu thật sự là hội hoa đăng của đám con nít. Xóm nghèo ban đêm bừng lên từng vùng ánh sáng đỏ vàng xanh của những chiếc lồng đèn lợp giấy bóng kiếng trong veo lung linh tuyệt đẹp. Gương mặt đám con gái mười hai mười ba tuổi hồng lên trước ánh lửa xinh hẳn lên trong mắt đám con trai "con nít quỷ". 

Mùi đèn cầy thơm dịu quanh quẩn trong làn không khí mát mùa mưa. Một số đứa nôn nao chơi đèn trước rằm cả chục ngày, mỗi tối tụ tập bạn bè quanh bậc thềm một nhà trong xóm chỉ để đốt đèn và tán dóc. Chưa kịp mua lồng đèn, có đứa ra tiệm chạp phô Xẩm Tư mua chục cây đèn cầy nhỏ sáp trong đủ màu rồi mang ra nhỏ vài giọt lên bậc thềm là đủ để vui.

Một tiệm bán bánh trung thu ở Sài Gòn năm 1969  trưng bày hình ảnh các phi hành gia lên Mặt trăng. Trước Tết Trung thu 1969 mấy ngày, phi thuyền Apollo 11 của Mỹ là tàu vũ trụ đầu tiên chở người đổ bộ xuống Mặt trăng vào ngày 20-9-1969 (Ảnh tư liệu từ manhhai flickr)

Một tiệm bán bánh trung thu ở Sài Gòn năm 1969 trưng bày hình ảnh các phi hành gia lên Mặt trăng. Trước Tết Trung thu 1969 mấy ngày, phi thuyền Apollo 11 của Mỹ là tàu vũ trụ đầu tiên chở người đổ bộ xuống Mặt trăng vào ngày 20-9-1969 (Ảnh tư liệu từ manhhai flickr)

Đầu tháng tám âm lịch những năm đầu thập niên 1970, dãy phố đường Võ Di Nguy (nay là Phan Đình Phùng) từ ngã tư Phú Nhuận lên chợ Phú Nhuận biến thành phố lồng đèn rực rỡ. Hầu như các nhà mặt tiền ở đoạn đường này, dù là tiệm tạp hóa, tiệm bánh hay tiệm giày cũng treo lồng đèn trên cao trước nhà để bán. Đèn lấy về từ Chợ Lớn và vài xóm người Bắc.

Ban đêm, chủ tiệm gắn đèn điện vào đèn trung thu khiến cả dãy phố sáng rực. Đa số là đèn lợp giấy bóng kiếng đủ màu hình cá chép, con thỏ, ngôi sao, đồng tiền ba mặt... Đèn cá hóa long mắc hơn mấy loại đèn khác vì là đèn lớn, vây cá có cả lớp lông trắng viền quanh. 

Lồng đèn xếp gợi hình ảnh xưa trong mấy hộp bánh trung thu tả cảnh Trung Hoa thời nhà Minh. Mắc nhất là đèn kéo quân hình khối lục giác làm bằng giấy bóng mờ và nan tre, dựa vào hơi nóng tỏa ra không đều mà đẩy quân đi. Quân làm bằng giấy hình người xếp lại, khi mở ra cho nhiều hình quấn chung quanh một trục tròn xoay đều quanh trục chính giữa đèn, giữa đèn là một bóng đèn tỏa nhiệt.

Lồng đèn không biết giàu nghèo

Xóm tôi chơi lồng đèn cũng có hạng. Nhà nào khá một chút thì ba má mua lồng đèn cho con chơi, đứa lớn chơi lồng đèn giấy kiếng, con nít sáu bảy tuổi chơi đèn xếp, xinh xinh nhưng dễ bị cháy vì đế đèn không vững.

Chơi đèn mua ngoài tiệm hoài cũng chán nên anh tôi, lúc đó khoảng 15, 16 tuổi, tuyên bố sẽ tự làm vài cái. Anh định lên miệt Bà Quẹo kiếm tre về làm khung nhưng lại ngại đường xa. Cuối cùng, anh mua hơn chục khoanh kẽm, kẽm lớn để nắn khung, kẽm nhỏ buộc mối nối. Nếu cần đoạn thẳng, chỉ cần xuống bếp tìm ống đũa chôm vài cây là đủ. 

Nắn xong khung đèn, anh mua giấy bóng kiếng xanh đỏ dán lợp chung quanh. Hồ khô, anh đốt nến bên trong và điều kỳ diệu xảy ra. Giấy bóng kiếng gặp hơi nóng căng ra như tấm kính thủy tinh trong veo ôm trọn thân đèn. Anh pha bột màu với a dao, dùng cọ tô điểm các chi tiết trên lồng đèn như mắt mũi, miệng, râu của con vật, cái xoáy trên lông thỏ, vẩy hay đuôi cá.

Một dịp Trung thu, anh tuyên bố sẽ làm lồng đèn con rồng và mất mấy ngày với nó. Đầu rồng làm riêng, gắn vào thân sau. Thân rồng dài tới một mét rưỡi, có bốn chân và đuôi rồng xòe tròn. 

Lợp xong giấy bóng đỏ, đốt đèn, rồng hiện lên bóng lưỡng, căng mọng như một khối thủy tinh tuyệt đẹp. Anh vẽ tỉ mỉ mặt rồng thật dữ, mắt trố, vẩy kín toàn thân. Có tới ba chỗ gắn đèn cầy bên trong, dọc theo thân rồng. Làm xong, dùng giấy báo bọc lại che bụi, đợi ngày Trung thu.

Trẻ em trước quầy hàng bán đồ chơi Tết Trung thu. Ảnh tư liệu đầu thế kỷ 20. Nguồn: Lê Văn Thao, Nguyễn Bá Ngọc và Enter Việt Nam. Trước rằm tháng tám âm lịch hằng năm, người ta cho trẻ em ra chợ sắm đồ chơi và quà trung thu. Đây là cảnh chụp một cửa hàng đồ chơi ở phố Hàng Mã xưa, trung tâm bán đồ chơi bằng giấy thủ công và kim loại mỏng (do ảnh hưởng của lối làm đồ chơi phương Tây). Đồ chơi Việt Nam truyền thống hoàn toàn làm bằng giấy, tre, đất và bột kẹo

Trẻ em trước quầy hàng bán đồ chơi Tết Trung thu. Ảnh tư liệu đầu thế kỷ 20. Nguồn: Lê Văn Thao, Nguyễn Bá Ngọc và Enter Việt Nam. Trước rằm tháng tám âm lịch hằng năm, người ta cho trẻ em ra chợ sắm đồ chơi và quà trung thu. Đây là cảnh chụp một cửa hàng đồ chơi ở phố Hàng Mã xưa, trung tâm bán đồ chơi bằng giấy thủ công và kim loại mỏng (do ảnh hưởng của lối làm đồ chơi phương Tây). Đồ chơi Việt Nam truyền thống hoàn toàn làm bằng giấy, tre, đất và bột kẹo

Trong xóm tôi có những đứa tự chế lồng đèn, vì thích chứ không phải do không có đèn chơi. Cách đơn giản nhất là ra quán nhậu của cô Tư Lam Phương ngoài đường Trương Tấn Bửu xin vài lon bia Budweiser, về nhà mài một đầu cho mở miệng. Dùng dao rạch thân lon từ trên xuống dưới những đường song song, ấn cho cái lon lùn đi, những rãnh cắt phình ra tạo thành thân đèn hình trái bí. 

Chỗ cắm đèn thì lấy mảnh nhôm cắt từng khía ở nửa mảnh, uốn cong lại thành đế cắm, chỗ bị khía bẻ ra như cánh hoa dán vào đáy lon. Đầu lon cột hai đầu dây để gắn que cầm nữa là xong. Có đứa gắn dưới đèn một lon sữa bò nằm ngang có trục bên trong nối với cây gậy dài để đẩy đi. Khi đẩy lon sữa bò phía dưới, ma sát sẽ làm xoay cái lồng đèn lon bia phía trên, ánh sáng bên trong tỏa ra xoay vòng rất đẹp. 

Có đứa khéo hơn, cũng lấy vỏ lon bia hay vỏ lon sữa bò làm đèn, dùng dùi đục lỗ hình ông mặt trời tỏa ánh sáng, con bươm bướm xòe cánh, mấy con chuồn chuồn... khi đốt đèn bên trong hình sẽ hiện ra.

Đến ngày 14 tháng tám, tôi khiêng con rồng ra, rủ thêm đứa bạn cùng cầm cái đèn dài ngoằng cho vui. Mấy đứa nhỏ chơi lồng đèn xếp, hầu hết chơi đèn dán giấy bóng kiếng, vài đứa chơi đèn lon. Có đứa mang ra cái lon sữa bò, cắm cây đèn cầy bên trên cũng thành cái đèn. Ánh sáng mới là nhân vật chính trong một đêm huyền diệu như vậy. 

Lũ trẻ xếp thành hàng dài, cầm đèn vừa đi vừa hát: "Ánh trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng cuội già, ôm một mối mơ...". Đi vòng vòng chán, cùng ngồi xuống bậc thềm tán chuyện. Lạ là không thấy đứa nào so bì lồng đèn lớn hay nhỏ, mắc tiền hay tự chế. Cũng không ai chơi theo nhóm lồng đèn nhà giàu hay lồng đèn nhà nghèo. 

Đến khi ánh lửa gần tàn, mấy đứa con gái mang từ nhà ra bịch kẹo cứng, một góc bánh dẻo, bánh trung thu để cùng nhấm nháp. Đêm nay trăng sáng lại không mưa. Một đêm Trung thu giản dị như vậy sẽ còn được nhớ mãi trong đám trẻ Gia Định, nay đã ở tuổi sáu mươi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận