Những ngày hỗn loạn ở OpenAI

XÊ NHO 27/11/2023 10:53 GMT+7

TTCT - Trước khi có "đảo chánh" - từ mà nhiều báo dùng để chỉ lùm xùm ở OpenAI - liệu có sóng ngầm gì không? Cần phải nhìn lại lịch sử OpenAI khá xa, tận khi nó vẫn còn là ý tưởng trong đầu của Sam Altman.

Ảnh Sam Altman đăng trên Twitter cá nhân ngày 20-11.

Ảnh Sam Altman đăng trên Twitter cá nhân ngày 20-11.

Có thể chúng ta phải tạm thời quên đi sự tham lam của các công ty công nghệ theo đuổi tăng trưởng, lợi nhuận bất chấp sự an nguy của người tiêu dùng thì mới cảm nhận được nguyên do cuộc xung đột triết lý kinh doanh ở những người sáng lập OpenAI dẫn đến việc sa thải CEO Sam Altman và các diễn biến ồn ào sau đó.

Tính đến hết ngày 20-11 theo giờ Mỹ, "drama" ở start-up công nghệ cha đẻ của ChatGPT có trọn 72 giờ làm báo giới và người theo dõi chóng mặt với các cú lật liên tiếp trong diễn biến. Có thể tạm tóm tắt thế này: chiều tối thứ sáu, hội đồng quản trị OpenAI quyết định sa thải Sam Altman; suốt cuối tuần, thiên hạ đồn Altman có thể "quay xe"; nhưng rốt cuộc, tới thứ hai, điều đó không xảy ra.

Hội đồng quản trị OpenAI vẫn giữ nguyên quyết định sa thải anh, đồng thời cử Emmett Shear làm CEO thay Mira Murati (người từng giữ chức giám đốc công nghệ của OpenAI) vì Murati tỏ ra ủng hộ Altman. 

Ngay sau đó Microsoft tuyên bố mời Sam Altman, Greg Brockman (chủ tịch OpenAI, người cũng từ nhiệm sau khi Altman bị sa thải) về lãnh đạo một bộ phận nghiên cứu AI độc lập, kể cả tiếp nhận các nhân viên OpenAI khác muốn về đầu quân.

Cứ tưởng Microsoft không mất đồng xu nào mà hầu như lôi kéo được các nhân vật chủ chốt của một công ty trị giá hơn 80 tỉ đô la, thì câu chuyện tiếp tục có "cú twist" cuối cùng vào hôm 22-1 (giờ Mỹ): Sam Altman quay về chốn xưa, và OpenAI thay máu ban quản trị.

Ồn ào ở OpenAI coi như tạm kết thúc. Nhưng trước khi có "đảo chánh" - từ mà nhiều báo dùng để chỉ lùm xùm ở OpenAI - liệu có sóng ngầm gì không? Cần phải nhìn lại lịch sử OpenAI khá xa, tận khi nó vẫn còn là ý tưởng trong đầu của Sam Altman.

Khởi đầu là phi lợi nhuận

Năm 2015, Sam Altman lúc đó chỉ mới 29 tuổi có một giấc mơ: xây dựng một trí tuệ nhân tạo (AI) siêu việt có thể thay con người giải quyết mọi vấn đề của loài người một cách hoàn hảo. Lúc đó công nghệ máy tính đã có những bước tiến đột phá giúp giấc mơ tạo ra một AI như thế nằm trong tầm tay. 

Tuy nhiên, để việc phát triển AI trong bàn tay tham lam của các gã công nghệ khổng lồ là điều Altman lo ngại; họ có thể vì lợi nhuận mà bất chấp các rủi ro, các nguy cơ AI có thể gây ra cho con người.

Altman bắt đầu nói chuyện với những người cùng chí hướng, tìm cách thành lập một phòng thí nghiệm, phi lợi nhuận, chỉ chú tâm phát triển AI và chia sẻ kết quả cho cộng đồng. Một trong những người như thế là Elon Musk, nhà sáng lập Tesla và SpaceX. 

Musk tỏ ra lo ngại khi trò chuyện với Larry Page, nhà đồng sáng lập Google bởi ông này không quan tâm đến các rủi ro của AI, xem robot cũng có những quyền như con người. Lúc đó Google lại đang tập hợp hầu hết các tài năng trong lãnh vực AI. Elon Musk đồng ý đầu tư 100 triệu đô la để khởi sự.

Với một loạt các nhà đầu tư mạo hiểm ban đầu như thế, Sam Altman và một số chuyên gia AI cùng lý tưởng chuẩn bị thành lập OpenAI với niềm tin họ sẽ thành công trong việc xây dựng một trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI). Trong số này có Greg Brockman, giám đốc công nghệ của cổng thanh toán Stripe. 

Brockman nhận lời làm giám đốc công nghệ cho OpenAI và sau này là chủ tịch hội đồng quản trị. Thế nhưng người Sam Altman mong muốn mời về nhất là một kỹ sư người Mỹ gốc Nga, Ilya Sutskever, người sau này là nhà khoa học chủ chốt của OpenAI và được cho là đứng sau quyết định sa thải Sam Altman.

Bốn nhân vật OpenAI, từ trái sang: Ilya Sutskever, Sam Altman, Mira Murati và Greg Brockman. Nguồn: Wired

Bốn nhân vật OpenAI, từ trái sang: Ilya Sutskever, Sam Altman, Mira Murati và Greg Brockman. Nguồn: Wired

Sutskever là học trò của Geoffrey Hinton, người được xem là cha đẻ của AI hiện đại nhờ các công trình nghiên cứu về học sâu (deep learning) và mạng thần kinh. Sutskever từng là đồng tác giả một nghiên cứu đột phá cho thấy cách thức một mô hình AI có thể học nhận biết hình ảnh chỉ bằng cách cho nó xem một lượng khổng lồ các ảnh có chú thích.

Giữa năm 2015, Altman gởi email mời Sutskever - khi đó đã là nhà nghiên cứu chính của Google Brain - ăn tối cùng Elon Musk, Greg Brockman và các nhân vật chủ chốt khác. Họ bàn chuyện liệu Google và dự án DeepMind đã tiến đến mức không ai bắt kịp hay liệu họ có thể thành lập một thứ gì đó, như lời Musk, để đối trọng lại với Google. Sau đó Sutskever nhận lời tham gia OpenAI.

OpenAI chính thức ra mắt tháng 12-2015 với 9 nhà sáng lập như một nỗ lực biến AI thành một sản phẩm mà toàn thế giới có thể tiếp cận một cách an toàn. Như vậy, hai từ then chốt vào lúc đó là "mã nguồn mở" và "phi lợi nhuận" - OpenAI sẽ không đăng ký các bằng sáng chế, có bất kỳ đột phá gì họ sẽ chia sẻ với toàn thế giới.

Lập luận của Altman lúc đó là "nhân chi sơ tính bản thiện" - nếu OpenAI cung cấp vũ khí AI cho mọi người, những kẻ muốn lợi dụng AI để làm việc xấu sẽ bị số đông "thiện lương" đè bẹp. Nhìn chung, các nhà sáng lập OpenAI chia sẻ lý tưởng việc nghiên cứu AI sẽ đem lại lợi ích cho nhân loại chỉ khi hoạt động nghiên cứu không bị dấy bẩn vì động cơ lợi nhuận, sức ép của cổ đông, bất chấp lợi ích của xã hội.

Nửa "phi", nửa "vì" lợi nhuận

Con đường phi lợi nhuận đầy gian nan. Tiền lương của 25 người trong OpenAI, dù họ đều đồng ý nhận ở mức thấp hơn mức thị trường, vẫn chiếm gần hết chi phí hoạt động. Những năm đầu tiên, họ chỉ biết nghiên cứu và xuất bản các nghiên cứu.

Bước đột phá diễn ra vào đầu năm 2017 khi 8 nhà nghiên cứu của Google tung ra công trình sẽ là nền tảng để OpenAI xây dựng mô hình ChatGPT sau này. Đại khái họ dùng các cơ sở dữ liệu khổng lồ để huấn luyện các mô hình ngôn ngữ này, quy mô càng lớn, khả năng của mô hình AI càng hoàn thiện. 

Như thế OpenAI phải thay đổi cơ chế hoạt động, không còn việc nghiên cứu các công trình riêng lẻ, nay mọi sức lực tập trung vào huấn luyện mô hình ngôn ngữ, một công việc có thể buồn tẻ, không có gì là đẹp đẽ như hoàn thành một nghiên cứu mới lạ nhưng đem lại kết quả có thể thấy rõ, ngày càng ấn tượng.

Đến đầu năm 2018, Elon Musk tỏ ý muốn thâu tóm OpenAI - theo lời Musk giải thích, là để ưu tiên cho việc phát triển AI an toàn nhưng cũng có thể do ông đánh hơi thấy tiềm năng to lớn của OpenAI. Khi Altman và các thành viên sáng lập khác phản đối, Musk cắt đứt quan hệ, kể cả nguồn tài trợ cả tỉ đô la.

Do OpenAI chưa có doanh thu, mọi người phải xoay xở tìm nguồn vốn hoạt động. Mô hình phi lợi nhuận là một trở ngại lớn: ít nhà đầu tư mạo hiểm nào chịu rót tiền vào một công ty sẽ không chia lãi cho họ. 

Thế là đến tháng 3-2019, OpenAI nghĩ ra một phương cách đối phó, một mặt OpenAI duy trì mô hình phi lợi nhuận trong vai trò công ty mẹ rồi sẽ thành lập một công ty vì lợi nhuận lo hết mọi hoạt động trước nay của OpenAI. Lợi nhuận sẽ được chặn ở một ngưỡng nào đó, dù không nói rõ nhưng cũng lên đến mức ngàn tỉ đô la, bất kỳ khoản tiền nào kiếm được sau đó sẽ quay về đầu tư trở lại cho OpenAI phi lợi nhuận.

Ảnh: Axios

Ảnh: Axios

Kể từ đây đã xuất hiện sự xung đột khó hòa giải: thúc đẩy sự phát triển của công ty vì lợi nhuận sẽ đi ngược lại với sứ mệnh ban đầu của OpenAI. Vì thế, trả lời phỏng vấn các báo, hầu như mọi thành viên hội đồng quản trị OpenAI đều nhấn mạnh đến sứ mệnh cao cả của họ: bảo đảm OpenAI giữ nguyên tinh thần ban đầu của sứ mệnh họ cam kết. Điều lệ của OpenAI cho phép họ làm điều đó, tức dù không có cổ phần hay cổ phần ít nhưng họ sẽ có tiếng nói quyết định.

Câu chuyện các nhà đầu tư sau đó sẵn sàng rót vốn tiền tỉ cho OpenAI, trong đó Microsoft rót đến 13 tỉ đô la, nâng mức vốn hóa của OpenAI lên khoảng 80 tỉ đô la, rồi OpenAI tung ra ChatGPT làm xôn xao cả làng công nghệ, rồi thương mại hóa thành công ChatGPT Plus… đã được nói đến nhiều, trở thành một phần của lịch sử phát triển AI.

Trong mảng lịch sử này, Sam Altman đóng một vai trò quan trọng dù anh không phải là người trực tiếp làm ra ChatGPT. Xuất hiện khắp nơi, ngay cả ra điều trần trước Quốc hội Mỹ, đưa ra vừa các tuyên bố lạc quan về tiềm năng AI vừa các lời lo ngại về những mối nguy của AI lên tương lai loài người, Altman trở thành phát ngôn viên cho cả công nghệ AI tạo sinh non trẻ.

Bất ngờ phải ra đi

Chính vì thế ai nấy đều bất ngờ trước tin hội đồng quản trị OpenAI sa thải Altman. Hàng loạt thuyết âm mưu được đưa ra nhưng lý do có thể đoán được nếu theo dõi câu chuyện OpenAI từ lúc thành lập. 

Theo The New York Times, mối căng thẳng giữa Sam Altman và các thành viên hội đồng quản trị, đứng đầu là Ilya Sutskever ngày càng tăng: Sutskever lo ngại công nghệ AI của OpenAI có thể gây nguy hiểm cho loài người trong khi Altman không chú ý đầy đủ đến mối nguy đó, cứ đẩy mạnh việc thương mại hóa ChatGPT.

Nói cách khác, các thành viên hội đồng quản trị OpenAI phi lợi nhuận muốn duy trì sự "thanh cao" của OpenAI, giữ vững nguyên tắc mã nguồn mở, chia sẻ cho cộng đồng trong khi Altman chủ trương hợp tác với Microsoft, trao bản quyền khai thác cho một ông lớn công nghệ. 

Elon Musk từng nhận xét công khai Twitter: "Điều này xem ra trái ngược với "mở" - OpenAI xem ra đã bị Microsoft nuốt chửng". Trên CNBC, Musk nói rõ hơn: "Coi như ta lập một tổ chức để cứu rừng nhiệt đới Amazon. Nhưng thay vào đó, ta lại trở thành công ty khai thác gỗ, đốn hạ cánh rừng và bán sạch".

Trước đó năm 2019 một số nhân viên cựu trào của OpenAI, kể cả trưởng bộ phận nghiên cứu, ra đi thành lập một công ty AI đối thủ tên là Anthropic. Họ nói với báo chí rằng OpenAI đã thương mại hóa quá mức và trở thành nạn nhân của việc dịch chuyển sứ mệnh.

Chiều tối thứ sáu, chính Sutskever là người đọc quyết định Altman phải ra đi vì "không thẳng thắn nhất quán trong thông tin cho hội đồng quản trị, cản trở khả năng của hội đồng để thi hành trách nhiệm". Sau đó Greg Brockman và vài ba nhân vật chủ chốt khác từ chức để phản đối quyết định này.

Sam Altman và CEO Microsoft Satya Nadella tại hội nghị nhà phát triển OpenAI ngày 6-11-2023. Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images

Sam Altman và CEO Microsoft Satya Nadella tại hội nghị nhà phát triển OpenAI ngày 6-11-2023. Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images

Tối 20-11, CEO Microsoft Satya Nadella trả lời phỏng vấn CNBC, nói rằng chuyện Sam Altman quay lại OpenAI với ông "sao cũng được", dù trước đó tuyên bố anh này sẽ về với đội của ông. "Cái này tùy vào lựa chọn của hội đồng quản trị, ban lãnh đạo và nhân viên OpenAI" - ông nói. Nadella nói thêm: "Chúng tôi đã chọn hợp tác rõ ràng với OpenAI và muốn tiếp tục làm như vậy, và rõ ràng, điều đó phụ thuộc vào việc người của OpenAI ở lại đó hay đến với Microsoft".

Dù Altman có quay về vai trò CEO của OpenAI hay không, vấn đề của nơi này vẫn còn nguyên đó khi chưa giải quyết được mâu thuẫn phát triển và lợi nhuận. Cơ cấu quản trị của OpenAI không trao quyền cho cổ đông, tức các nhà đầu tư, mà giữ quyền đó cho hội đồng quản trị chủ trương phi lợi nhuận. 

Tuy nhiên, nên nhớ Sam Altman không trực tiếp nắm giữ cổ phiếu nào của OpenAI, trong khi để tuyển được Ilya Sutskever từ Google sang, OpenAI phải trả lương hằng năm cho ông này đến 1,9 triệu đô la ngay từ đầu.

Hội đồng quản trị OpenAI từng phải suy nghĩ lại sau phản ứng của nội bộ cũng như của cộng đồng công nghệ, kể cả nguồn bơm tiền là Microsoft. OpenAI vẫn đang lỗ nặng vì chi phí huấn luyện, duy trì ChatGPT là rất lớn; không có tiền của nhà đầu tư, khó lòng giữ được tính cách phi lợi nhuận để bảo đảm sự phát triển AI trong an toàn. Có lẽ phải chờ đến phiên bản GPT-5 để nhờ nó cung cấp câu trả lời êm đẹp cho xung đột ở OpenAI.

Hơn 700 người trong số 770 nhân viên của OpenAI ký vào một lá thư đe dọa họ sẽ nghỉ việc sang làm cho Microsoft nếu hội đồng quản trị OpenAI không phục chức cho Altman và từ nhiệm.

Điều bất ngờ là có cả Ilya Sutskever trong danh sách những người ký tên; ông này bày tỏ sự hối tiếc sâu sắc đã tham gia vào quyết định sa thải Altman của hội đồng quản trị. Tình tiết này khiến ai theo dõi sự vụ cũng đau đầu, rốt cuộc ai chánh ai tà, và có phải mọi thứ thật sự như nó diễn ra, hay còn âm mưu gì lẩn khuất?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận