Số phận hẩm hiu

STEFAN HARMUTH (ĐỨC) 15/04/2017 02:04 GMT+7

TTCT - Thường các danh hài tài năng luôn thổ lộ giữa chốn riêng tư rằng thực ra trong sâu thẳm tâm hồn, họ chính là những người buồn tủi nhất.

n
 


 Điều vừa khẳng định lại rất “khớp” với trường hợp của chàng hề Haiko Pise. Khi còn mài đũng quần trên giảng đường, Haiko Pise tham dự đều đặn mọi kỳ liên hoan sinh viên nghiệp dư, trình diễn một thứ nghệ thuật chọc cười đậm chất bẩm sinh, cũng như diễn đạt xuất sắc thể loại ngôn ngữ hài hước “chẳng giống ai”.

Rồi kỳ thi tốt nghiệp cũng tới. Chàng sinh viên cuối khóa Haiko Pise trình bày trước hội đồng giám khảo màn tiểu luận Bên tường thành cổ, cùng các tình tiết như “chọc lét công chúng” - theo lời phê nhận định của vị giáo sư chủ khảo. Anh ra trường hạng ưu cùng tấm bằng đỏ “dễ kiếm cơm”.

Trở về trình diện ban giám đốc rạp xiếc thành phố quê hương, chốn đô thị loại 1 vốn nổi danh khắp nước vì chuộng nhân tài.

Bài sát hạch Bên tường thành cổ đã được giới đồng nghiệp có mặt vừa cười... hô hố vừa vỗ tay hoan hô, một điều hi hữu chưa từng xảy ra trong đoàn xiếc: diễn viên cũ cổ vũ đồng nghiệp mới.

Chỉ riêng vị giám đốc quyền uy là chẳng bao giờ thấy vỗ tay khen ai cả, nhưng ông mặc nhiên phải để Haiko Pise ký “hợp đồng tạm ước” theo chủ trương chung nhằm thu hút chất xám, cũng như buộc phải cho Bên tường thành cổ xuất hiện trong chương trình chính thức hằng đêm kể từ đầu tháng sau.

Phần nhằm lăngxê tiết mục mới chứng tỏ đoàn luôn nỗ lực dàn dựng hết mình; phần khác - chủ yếu hơn: “Lỡ trên có hỏi... - như nguyên văn lời bộc bạch trong buổi giao ban đầu tuần kế tiếp từ miệng vị trưởng đoàn - Bởi trường hợp Haiko Pise sở hữu bằng đỏ đã đến tai ngài giám đốc sở văn hóa, người cha đỡ đầu của đoàn ta”.

Trọn cả ba tháng ròng tiết mục Bên tường thành cổ được ưu ái xuất hiện hằng ngày đã đem lại nguồn thu chủ yếu cho đoàn, khiến vị lãnh đạo sở chủ quản phải thốt lên: “Thị hiếu văn hóa thay đổi đến chóng mặt.

Hết nhạc trẻ đến tân cổ giao duyên, chán phim “mì ăn liền” chuyển qua mê hát có múa minh họa... Giờ tới lượt xiếc hề đang thịnh hành trong công chúng yêu nghệ thuật, thật chẳng uổng công khi tôi là người đề xướng việc thành lập đoàn xiếc thành phố”.

Đoàn xiếc bỗng dưng trở thành “cỗ máy in tiền” cho mọi chi phí của ngành văn hóa địa phương đang trên đà xã hội hóa; chỉ riêng thu nhập của Haiko Pise là... vẫn thế! Anh không được hưởng quy chế “ưu đãi nhân tài”: có quyền ra giá cátsê/show diễn, bởi đơn giản Haiko Pise vẫn thuộc dạng nhân viên thử việc và ăn lương theo ngạch tập sự mới ra trường trong ngành.

“Lơ tơ mơ là người ta cắt béng hợp đồng lao động chính thức của cậu ngay, đừng có mà tưởng bở và... a dua hão huyền với đám nghệ sĩ lọc lõi thủ cựu lâu năm kia - Một danh hài đã “về chiều” thành thật khuyên Haiko Pise kèm lời cảnh báo - Cậu chớ có dại dột mà húc vô cái thành trì - cơ chế ấy!”.

Quả đúng vậy, hằng tháng anh vẫn nhận mức lương “cầm hơi” của một nhân viên tập sự... vô thời hạn, do chỉ tiêu xét tuyển biên chế trong ngành đã bị siết lại; song song là tiền bồi dưỡng “gọi cho có” về đặc thù nghề nghiệp, dĩ nhiên là cực bèo vì diễn hài là một trò ít nguy hiểm trong các vai xiếc - theo thang bậc quy định chung về mức thù lao ngành nghề.

Rồi phú quý sinh lễ nghĩa. Trong bối cảnh “tiền vô như nước” của đoàn, viên giám đốc cự phách liền quyết chí làm một cuộc cách tân rạp xiếc: nhập mới 100% toàn bộ các trang thiết bị tổng thể - liên hoàn dạng kỹ thuật số. Tòa “Lâu đài xiếc” hoành tráng, uy nghi tỏa bóng xuống vùng ven đô.

Cảnh kẹt xe lúc sẫm tối cũng bắt đầu xuất hiện nơi đây, do lượng người truyền tai nhau và đổ đến thư giãn cùng Bên tường thành cổ cứ tăng dần theo... cấp số nhân.

Cuộc “hậu cách tân” mới lại được nhà quản lý nghệ thuật xiếc tài ba nói trên phát động. Lần trước thiên về “hướng ngoại”, lần này ông chuyên tâm tới việc “hướng nội”, có nghĩa là sẽ liên quan tới từng tiết mục cụ thể trong đoàn...

Nhưng hỡi ôi, cú giáng này đã đánh bật vai trò chọc cười “bằng xương bằng thịt” của Haiko Pise: một robot - hề “Made in Japan” điều khiển từ xa được tức tốc nhập về. Và rồi hợp đồng lao động chính thức của Haiko Pise chẳng thấy ai đả động đến nữa...

Khi anh đã yên vị tại một gánh hát tạp kỹ chốn tỉnh lẻ, cũng là lúc tòa “Lâu đài xiếc” bề thế bị rao bán đấu giá vì kinh phí duy trì rất tốn kém do quá... ế khách. Đây cũng chính là niềm thiểu não lớn nhất của danh hề một thuở Haiko Pise, luôn được giới đồng nghiệp thời hậu kỹ nghệ liệt vô dạng “nỗi buồn biết tỏ cùng ai...”.■

BẾN HẢI (st)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận