Tại cái đèn?

TRÚC AN 15/04/2017 01:04 GMT+7

TTCT - Phải chăng đèn tín hiệu đã mất tác dụng? Hay là ý thức của người tham gia giao thông được nâng lên rõ rệt nhờ... mất điện?

 

 

1 Gần cuối buổi chiều, thành phố tự dưng mất điện, bao nhiêu công việc ách tắc trở ngại, trong đó có giao thông. Mất điện đồng nghĩa đèn tín hiệu ở các điểm giao nhau không hoạt động. Vấn đề khá hệ trọng khi mà đúng thời điểm tan ca, tan sở, tan trường, ai cũng nhào ra đường để về nhà.

Sẽ rất nguy hiểm cho những điểm nút giao thông vì một khi đèn tín hiệu tắt thì cơ sự chẳng lành rất dễ xảy ra. Nhưng không, ở một ngã tư trung tâm thành phố, người điều khiển phương tiện vẫn đi rất cẩn trọng.

Họ giảm tốc độ, đi rà rà bánh xe qua ngã tư. Họ nhường nhau rồi dành lối cho người đi bộ hoặc xe thô sơ cùng đi. Không có người phóng nhanh vượt ẩu qua ngã tư. Và còi cũng không bấm inh ỏi nữa. Khác hẳn với những ngày thường, khi mà đèn tín hiệu bật màu đỏ vẫn có vài người cố tình ngang nhiên vượt qua ngã tư.

Phải chăng đèn tín hiệu đã mất tác dụng? Hay là ý thức của người tham gia giao thông được nâng lên rõ rệt nhờ... mất điện?

Có lẽ vấn đề nằm ở chỗ niềm tin trong con người ta. Mỗi người tham gia giao thông đều có hai niềm tin. Thứ nhất, tin vào đèn tín hiệu. Thứ hai, tin vào những người tham gia giao thông khác.

Giả sử một người điều khiển xe chạy đến ngã tư, đèn vừa chuyển sang tín hiệu đỏ, họ vẫn tiếp tục cho xe chạy vì nghĩ rằng ở hướng đường cắt nhau bên kia đèn chỉ mới chuyển sang xanh.

Và họ tin rằng những người bên hướng đường kia chưa kịp đi, nên nếu mình vượt cũng chẳng nguy hiểm. Ngược lại, ở bên hướng đường kia, đèn đỏ và đồng hồ đèn tín hiệu chỉ mới nhảy về số 3, còn ba giây nữa mới chuyển sang xanh, nhưng cũng có người đã cho xe vượt ngã tư vì họ tin những người ở phía đường cắt bên này đã cho xe dừng hẳn khi thấy đèn tín hiệu vàng.

Hai hướng suy nghĩ này xảy ra cùng lúc chính là nguyên nhân gây tai nạn ở các nút giao thông. Một khi người ta chỉ biết tin vào người khác mà không tin vào bản thân mình, không tự nhắc nhở mình chấp hành giao thông sẽ dẫn đến hậu quả xấu.

Nhưng tại sao đến khi mất điện, các đèn tín hiệu không hoạt động thì mọi người lại đi đứng rất cẩn thận? Là tại vì lúc đó người ta không còn tin vào đèn tín hiệu (tất nhiên), nên tất cả niềm tin được chuyển về phía những người tham gia giao thông khác.

2 Cũng là chuyện giao thông và đèn tín hiệu. Đó là trường hợp ban đêm đi trên đường, người điều khiển phương tiện đều có hai cách sử dụng đèn: chiếu xa và chiếu gần.

Khi học luật giao thông để lấy giấy phép lái xe, chúng ta đều được học rất kỹ rằng nếu hai người chạy xe ngược chiều và đối diện nhau thì nhất thiết phải bật đèn chiếu gần.

Về khoa học, cách bật đèn đó sẽ làm mắt của người đối diện không bị lóa đèn. Về văn hóa, nó thể hiện tính nhường nhịn, tôn trọng nhau.

Thế nhưng thực tế không phải ai cũng làm được điều này. Nhất là về những con đường nông thôn, ban đêm mạnh ai nấy chạy, đèn xe ai nấy sáng. Cứ bật đèn chiếu xa để chạy cho dễ mà không cần biết đến người chạy đối diện. Dẫn đến tình trạng nhiều người bị đèn làm lóa mắt và xảy ra tai nạn.

Giả sử hai người cùng điều khiển xe đi ngược chiều đối diện nhau. Người này bật đèn chiếu gần.

Đúng ra người kia cũng phải bật đèn chiếu gần, nhưng rồi sự ích kỷ trỗi dậy, nghĩ rằng mắt mình đã nhìn rõ, còn lại kệ người ta. Và cái người lúc nãy có ý thức đã bật đèn chiếu gần mà không thấy người đối diện có phản ứng, lập tức lại bật đèn chiếu xa để... rọi cho nó chết! Thế là không còn tin nhau và gây khó khăn cho nhau.

Suy nghĩ một chút để thấy nếu mình bật đèn chiếu gần chính là tự bảo vệ mình trước tiên. Vì nếu bật đèn chiếu xa, người đối diện bị lóa mắt có thể đâm xe vào mình. Thế có phải mang họa không.

Chuyện là thế. Có thể đổ lỗi tại mấy cái đèn. Đó là chuyện của cái đèn. Nhưng thật ra đó là chuyện của người tham gia giao thông, cụ thể là lòng tin. Do lòng tin của con người không vững nên mới đổ lỗi tại cái đèn. Tin nhau mà sống, có thành ngữ như vậy.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận