Thấy gì từ chuyến xuất hành đầu năm của ông Jokowi

DANH ĐỨC 20/01/2024 19:15 GMT+7

TTCT - "Chiều nay, tôi và một số đại biểu sẽ có chuyến thăm làm việc tại Philippines, Việt Nam và Brunei Darussalam", Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) tuyên bố tại sân bay Halim Perdanakusuma hôm thứ ba 9-1 tuần rồi.

Tổng thống Jokowi ký sổ lưu niệm trong sự chứng kiến của chủ nhà Marcos Jr. tại dinh tổng thống Philippines ngày 10-1. Ảnh: Reuters

Tổng thống Jokowi ký sổ lưu niệm trong sự chứng kiến của chủ nhà Marcos Jr. tại dinh tổng thống Philippines ngày 10-1. Ảnh: Reuters

Chuyến công du đầu năm này của ông Jokowi càng có ý nghĩa khi nó diễn ra một tháng trước cuộc tổng tuyển cử dự kiến sẽ được tổ chức tại Indonesia ngày 14-2 để bầu ra tổng thống, phó tổng thống, Hội đồng Hiệp thương Nhân dân (tức quốc hội Indonesia).

Công việc dang dở với Philippines

Ông Jokowi giải thích lý do chuyến xuất hành đầu năm: "Chuyến thăm gần đây nhất của chúng tôi tới ba quốc gia này đã hơn 5 năm. Các nhà lãnh đạo của họ cũng đã đến thăm Indonesia, thậm chí có người tới thăm tới 5 lần, bao gồm cả các thủ tướng và tổng thống", theo nguồn đã dẫn. 

Có thể nghĩ rằng Tổng thống Jokowi, ngoài chuyện hồi đáp ngoại giao, còn muốn hoàn thành những việc dang dở khi mà chỉ một tháng nữa là ông sẽ rời cương vị, đúng 10 năm tính từ ngày ông nhậm chức sau khi đắc cử lần đầu năm 2014.

Trước hết, ông cho biết "chuyến thăm làm việc tới Philippines đánh dấu kỷ niệm 75 năm quan hệ ngoại giao giữa Indonesia và Philippines". Được biết, hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 24-11-1949, bốn năm sau khi Indonesia tuyên bố độc lập, và ba năm sau khi Philippines giành độc lập.

Thực tế mà nói, trên cõi đời này, có quan hệ nào toàn bích đâu, nên nếu nói rằng suốt 75 năm đó, quan hệ hai nước đã là tối hảo, e rằng không trung thực. 

Tờ Rappler 5-9-2022 của Philippines, nhân chuyến thăm Indonesia của Tổng thống nước này Ferdinand Marcos Jr. tháng 9-2022, đã nhắc lại những lúc "thăng trầm" trong quan hệ hai nước: 

"Theo nhà quan sát chính trị Indonesia Ikrar Nusa Bhakti trong một cuốn sách xuất bản năm 2017..., một nguyên nhân gây căng thẳng giữa hai nước trong quá khứ là khi chính quyền của tổng thống Hoa Kỳ lúc bấy giờ là Dwight Eisenhower sử dụng các căn cứ quân sự của Mỹ ở Subic và Clark ở Philippines để thực hiện hoạt động của Cục Tình báo trung ương Hoa Kỳ (CIA) nhằm hỗ trợ phe nổi dậy ly khai Pemerintahan Semesta (Permesta) ở đảo Sulawesi của Indonesia từ năm 1957 đến năm 1959".

Giáo sư sử học Đại học Sacramento (Mỹ) Michael G. Vann giải thích mối oan cừu trên: 

"CIA đã hỗ trợ một số phiến quân này. Người Mỹ coi Sukarno là mối đe dọa tiềm tàng vì những tuyên bố cực đoan của ông, vì vậy họ sẵn sàng giúp đỡ các thế lực gây bất ổn cho Indonesia". 

"Mọi chuyện lên đến đỉnh điểm vào năm 1958, khi hai nhóm cách mạng, Permesta và Chính phủ Cách mạng Cộng hòa Indonesia, hợp lực. Lúc này có hai vùng chính của Indonesia nổi dậy công khai là Sumatra và Sulawesi". 

"Cuộc dấy loạn đã bị dập tắt trong vòng vài tháng, nhưng cuộc chiến du kích vẫn tiếp tục đến tận năm 1961. Một người con gái của ông Sukarno là bà Sukmawati Sukarnoputri - em gái bà Megawati Sukarnoputri (tổng thống Indonesia 2001-2004) đã quả quyết rằng CIA chịu trách nhiệm về các vụ bạo loạn, nổi dậy và đảo chính ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latin vì Mỹ phản đối Phong trào Không liên kết (NAM) của các quốc gia mà Sukarno là thành viên sáng lập" (Sydney Morning Herald Tribune 30-10-2017).

Ông Sukarno (thứ hai từ phải sang) và các lãnh đạo của Phong trào Không liên kết. Ảnh: Reddit

Ông Sukarno (thứ hai từ phải sang) và các lãnh đạo của Phong trào Không liên kết. Ảnh: Reddit

Trở lại với quan hệ hiện giờ giữa Indonesia và Philippines, ngay từ năm 2015, tức vài tháng sau khi nhậm chức nhiệm kỳ đầu tiên, ông Jokowi đã chọn Philipines để xuất hành trong cương vị mới này. 

Phòng truyền thông Phủ tổng thống Philippines 9-2-2015 đưa tin: "Tổng thống Jokowi đã đến thăm cấp nhà nước Philippines hôm chủ nhật theo lời mời của Tổng thống Benigno S. Aquino III. Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của Tổng thống Jokowi tới Philippines kể từ khi ông nhậm chức tổng thống Indonesia vào tháng 10-2014. 

Philippines là điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến công du 3 nước Đông Nam Á của ông. Nhà lãnh đạo Indonesia cũng thăm Malaysia và Brunei Darussalam". Lần đó, ông Jokowi gặp Tổng thống Aquino để thảo luận các vấn đề hai bên cùng quan tâm, như lao động nhập cư, hợp tác hàng hải, quốc phòng, thương mại và đầu tư, giao lưu nhân dân.

Còn lần này, ông sang thăm Philippines và thảo luận với người đồng cấp Marcos Jr. các vấn đề cố cựu, không chỉ giữa hai nước. Tầm nhìn ASEAN được họ nhắc đến, với điểm nhấn là thông báo của ông Jokowi sau hội đàm: 

"Chúng tôi đồng ý... xúc tiến nhanh việc đánh giá lại các thỏa thuận hoạt động tuần tra biên giới chung và tăng cường hợp tác quốc phòng, bao gồm thiết bị phần cứng phục vụ cho quân sự".

Philippines và Indonesia có đường biên giới chung trên biển (chủ yếu là biển Celebes ở miền nam Philippines) dài tới 1.162km. 

Đã có những tranh cãi không thể tránh khỏi khi phân định đường biên giới này, với cơ sở pháp lý có thể lần về ít ra là từ Hiệp ước Paris 1898, nhưng cách hai bên xử lý vấn đề có thể được coi là một mẫu mực trong quan hệ song phương, với những nhượng bộ qua lại suốt 8 phiên họp khẩn trương của ủy ban biên giới hai bên giai đoạn 2011-2014. 

Thỏa thuận cuối cùng về đường biên giới trên biển được ký kết ngày 23-5-2014, coi như tháo gỡ mọi bất trắc có thể xảy ra giữa hai quốc gia đông dân nhất ở Đông Nam Á.

Và chuyến thăm Hà Nội

Rời Philippines, Tổng thống Indonesia Widodo trực chỉ Hà Nội, nơi ông được nghe Chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng nhắc lại "Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ truyền thống và đối tác chiến lược với Indonesia trên nền tảng truyền thống lịch sử, các giá trị và lợi ích tương đồng, sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau cũng như cam kết chung về luật pháp quốc tế". 

Ảnh: The Jakarta Post

Ảnh: The Jakarta Post

Sau đó, hai ông cùng nhất trí "cần sớm đưa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước lên tầm cao mới", tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực quan trọng như quốc phòng - an ninh, hợp tác biển; tăng cường trao đổi kinh nghiệm về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia; không cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào sử dụng lãnh thổ nước này để chống phá nước kia.

Hai bên nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt 15 tỉ USD hoặc cao hơn qua giảm rào cản thương mại và tạo thuận lợi xuất nhập khẩu các mặt hàng chủ chốt của nhau, trong đó có thương mại gạo. 

Về vấn đề này, bản tin của phía Indonesia cho biết: "Theo tổng thống, cuộc gặp đã dẫn đến thỏa thuận hợp tác giữa hai nước, trong đó có các biện pháp thúc đẩy các mục tiêu thương mại song phương mới. Tổng thống Jokowi cũng cho biết ông hoan nghênh nhiều khoản đầu tư hơn nữa giữa hai nước, các công ty lớn và các "kỳ lân" từ Indonesia đã đầu tư đáng kể vào Việt Nam".

"Tôi tin tưởng rằng họ (các doanh nghiệp Việt Nam) sẽ được bảo vệ và an toàn và tôi muốn mời các công ty Việt Nam tăng cường đầu tư vào Indonesia" - ông Widodo nói. Có lẽ đây chính là một trong những điểm nhấn quan trọng nhất trong cuộc viếng thăm của ông Widodo.

Có ít nhất hai cảm nhận có thể từ phát biểu này: Đã qua rồi thời kỳ mà Việt Nam chỉ là điểm đến của các nhà đầu tư, nay là thời kỳ các doanh nghiệp Việt Nam đã có thể nghĩ tới chuyện đầu tư ra nước ngoài. 

Như chính phát biểu của ông tổng thống Indonesia: "Tôi muốn mời các công ty Việt Nam tăng cường đầu tư vào Indonesia... Tôi hoan nghênh cam kết đầu tư của VinFast nhằm xây dựng hệ sinh thái xe điện và pin tại Indonesia".

Việc ông Jokowi tới nhà máy xe điện của Vinfast còn là một khẳng định rằng giờ là thời kỳ "có qua, có lại" trong đầu tư - kinh doanh; cũng như một lời nhắc nhở các bên tham gia cần tuân thủ luật chơi chung. 

Bởi thế mà Thông cáo chung giữa hai nhà lãnh đạo đã có thêm ý "Giảm rào cản thương mại". Nếu hoàn tất quá trình chuyển hóa tư duy, luật pháp, và thói quen làm việc ở cả hai bên, mục tiêu 15 tỉ USD hy vọng sẽ là một cái mốc không có gì xa vời.

Một "dang dở" đáng lưu ý khác nay cũng đang hoàn thành là "Chúng tôi đã đi đến thống nhất tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản... Biên bản ghi nhớ về hợp tác nghề cá là động lực lớn để khuyến khích hợp tác và đầu tư trong lĩnh vực này", ông Jokowi nói. 

Đã từng có những rắc rối lớn nhỏ trong lĩnh vực đánh cá và hàng hải trên biển giữa hai bên, nhưng nay rõ ràng hợp tác có lợi hơn là làm tình hình căng thẳng thêm. 

Khi các vấn đề đàm phán nhiêu khê lớn nhỏ lần này được chủ trì bởi những nhà lãnh đạo của một thế hệ mới, ở cả hai nước, cởi mở hơn nhiều so với những năm tháng chưa xa, thì tiến bộ là điều có thể trông thấy trước mắt. ■

Indonesia đã luôn là một tiếng nói trọng yếu của thế giới đang phát triển trong những cuộc thương thuyết với phương Tây đòi quyền lợi cho "thế giới thứ ba" này.

Còn nhớ, Phong trào Không liên kết (NAM) được thành lập và tổ chức hội nghị đầu tiên (Hội nghị Belgrade) vào năm 1961, dưới sự lãnh đạo của Josip Broz Tito người Nam Tư, Gamal Abdel Nasser người Ai Cập, Jawaharlal Nehru người Ấn Độ, Kwame Nkrumah người Ghana và Sukarno người Indonesia.

Từ đó đến nay, Indonesia vẫn duy trì vai trò dẫn dắt trong NAM, ngay cả khi khó khăn nhất, như tin "Tổng thống Joko Widodo kêu gọi Phong trào Không liên kết tăng cường đoàn kết chính trị trong cuộc chiến chống lại COVID-19" trên website của nhiều tòa đại sứ Indonesia hồi đầu đại dịch: "59 năm trước, NAM được thành lập để chống lại kẻ thù chung chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân mới. Hôm nay, kẻ thù chung của chúng ta là COVID-19", bản tin dẫn lời Tổng thống Jokowi nói tại hội nghị thượng đỉnh NAM được tổ chức đặc biệt trong bối cảnh xử lý dịch COVID-19.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận