Người thổi sáo bên đường

NAM THỤ 18/04/2017 21:04 GMT+7

Ông già mù, cụt chân. Ông ngồi ven đường ray tàu lửa, phía sau lưng ông là một trại nuôi cá sấu nổi tiếng. Ông ngồi đó từ sáng đến quá trưa. Ông thổi sáo, tiếng sáo buồn buồn.

 


 

Lâu lâu ông ngưng thổi khi nghe tiếng xe dừng đèn đỏ ồn ồn, ông chìa xấp vé số ra, rồi lại thu về. Ông cũng ngưng thổi khi nghe tiếng còi tàu vọng từ xa xa.

Ông để chiếc sáo xuống và ngơ ngác quay đầu về hướng tiếng còi, ông ngại tiếng còi cao cắt nát tiếng sáo hay nghĩ về một chuyến đi?

Tôi vẫn thường ghé ông mua hai tờ vé số. Sáng ấy cũng thế, đưa tiền cho ông, ông hỏi: “Có thối tiền không cậu?”. Tôi bảo đủ rồi đó ông già, tôi vẫn gọi ông như thế, không thối đâu.

Nghe tiếng xe tôi còn nổ, ông thở dài: “Hôm qua có cậu đưa tờ 20 ngàn mà nói tui lấy 10 tờ đi. Tui không để ý, hồi sau đo lại tiền mới biết không có tờ 100 ngàn nào cả. Coi như mất hơn cả ngày ngồi bán”.

Ông già biết tiền bằng cách so kích cỡ các tờ tiền. Nguyên văn câu nói của ông là vậy, ông già gọi người lừa mình - một người mù và cụt chân, thổi cây sáo buồn thiu - bằng “cậu”. Cách gọi tử tế và đầy nhún nhường. Tôi cũng chỉ biết thở dài, hỏi ông sao mấy hôm rày hay vắng.

Ông già nói: “Trở trời cái chân hành đau quá, sắp tới còn nghỉ nữa. Phải ở nhà bôi dầu quấn thiệt chặt mới đỡ cậu ơi”.

Tôi mua thêm tờ vé số và bảo “nếu trúng tui chia tiền với ông già cho đỡ cực, mà chắc lâu á”. Ông cười, là tôi đoán thế, rất khó đoán định cơ mặt và đôi mắt kia là nụ cười hay sự khóc. Ông bảo “từ từ cậu, có công mài sắt...”, đèn đã chuyển xanh và xe sau bấm còi, tôi đi!

Gần đây, nhiều người nhắc câu thơ của Lưu Quang Vũ: “Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa / Tại sao cây táo lại nở hoa?”, một ông già và cây sáo lao động tử tế, một câu thơ an ủi, thì mấy niềm hi vọng tôi mua từ ông già chắc cũng có lý do đẹp đẽ hơn việc chỉ mong chờ vào điềm may vậy.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận