Người Nhật và “cuộc đời thứ hai”

TTCT - Hiện tượng “già hóa dân số” là một trong những hiện tượng xã hội nước Nhật đang phải đối mặt. Sách trắng về tình trạng già hóa dân số của Nhật cho biết năm 2016, dân số nước Nhật trên 127 triệu người thì số người trên 65 tuổi chiếm 26,7%.

Nhóm nhạc nghiệp dư với tuổi đời trung bình 70 ở thành phố Nago -Nguyễn Đỗ An nhiên
Nhóm nhạc nghiệp dư với tuổi đời trung bình 70 ở thành phố Nago -Nguyễn Đỗ An nhiên

 

Những con số đáng lo ngại, hàng loạt tin tức về cái chết cô đơn lâu ngày mới được phát hiện của những ông, bà cụ dễ khiến người ta có cái nhìn ảm đạm về cuộc sống ở tuổi xế chiều của người Nhật. Thế nhưng, đó chỉ là một mặt của hiện tượng già hóa dân số này.

Bởi thật ra, ở Nhật bạn dễ dàng bắt gặp những người gọi là “cao tuổi”, là “già” với độ tuổi trên dưới 70 đi đứng nhanh nhẹn, hoạt động xã hội, văn thể mỹ một cách tích cực và năng động không hề thua kém thế hệ trẻ. Và đương nhiên, họ không cho rằng mình đã già, mà chỉ là đang háo hức bắt đầu “cuộc đời thứ hai”.

Ai cũng có cuộc đời riêng

Thế hệ những người cao tuổi ở Nhật hiện nay vốn là thế hệ góp phần tạo nên một nước Nhật hùng mạnh về kinh tế cách đây vài thập kỷ. Chính vì vậy, điều kiện kinh tế - điều kiện đầu tiên quyết định cuộc sống về già sung túc cả về vật chất lẫn tinh thần của họ, gần như được đảm bảo.

Sau ba, bốn chục năm lao động cật lực, khi về hưu thế hệ này bắt đầu hưởng thụ cuộc sống trong một xã hội văn minh do chính họ đã góp phần tạo nên. Với số tiền tích lũy được, số người cao tuổi này không những không gặp khó khăn trong việc duy trì cuộc sống mà ngược lại, còn có thể đem lại cơ hội nghề nghiệp cho nhiều người trẻ.

Thay vì để tiền chết trong ngân hàng, họ đem đi đầu tư, mở công ty, cơ sở kinh doanh trong hay ngoài nước. Cùng với số tiền vốn là những kinh nghiệm làm việc, kinh nghiệm sống cũng được phát huy ở mức cao nhất có thể.

Cuộc sống sau khi về hưu của người Nhật không bó buộc trong một mảnh vườn, căn nhà, quây quần bên con cháu theo mô hình kinh điển Á Đông.

Thoạt nhìn, mối quan hệ gia đình, giữa cha mẹ và con cái, ông bà và cháu chắt ở Nhật có vẻ lỏng lẻo, không “thắm đượm” như Việt Nam ta khi con cái đến tuổi trưởng thành là ra ở riêng, bất luận giàu nghèo, khó khăn ra sao.

Lập gia đình rồi lại càng phải ở riêng cho nên không có chuyện mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu diễn ra thường xuyên, lại càng không có chuyện “cháu hư tại bà”. Nhưng như vậy không có nghĩa người Nhật sống không tình cảm. Hằng tuần, hằng tháng hoặc mỗi dịp lễ tết, những ông bà ngoại, ông bà nội Nhật sẵn sàng nhận trông cháu 1, 2 ngày, dẫn các cháu đi du lịch, mua sắm.

Những ngày hội thao, hội diễn văn nghệ của các trường mẫu giáo, tiểu học không hề thiếu vắng hình ảnh các ông, bà cụ khệ nệ xách làn cơm nắm, căng lều trải bạt cùng gia đình ủng hộ hoặc tham gia vào tiết mục chạy tiếp sức ba thế hệ, để rồi sau cuộc vui, ai về nhà nấy.

Tôi cảm nhận người Nhật xây dựng một nền tảng nhận thức rõ ràng rằng ai cũng có cuộc đời của riêng mình, thậm chí có đến hai cuộc đời để sống, không thể vì con vì cháu cả đời được. Và đương nhiên, cũng không thể nhờ con cậy cháu được.

Nhiều người nói: nếu mình không hạnh phúc sao con cháu mình hạnh phúc được? Tôi tin bạn đọc cũng sẽ cảm nhận được sự sâu sắc trong suy nghĩ này của người Nhật.

Cứ mỗi lần nói chuyện với một người Nhật (được cho là) cao tuổi, tôi luôn bị bất ngờ trước sự trẻ trung của họ. Nào bà Funayama, năm nay 78 tuổi, chủ nhà home-stay của tôi ở Osaka cách đây mười mấy năm, bắt đầu học tiếng Pháp từ năm 60 tuổi, một tuần đi xem phim Pháp một lần.

Lịch sinh hoạt của bà luôn kín từ sáng đến tối, từ thứ hai đến chủ nhật. Bữa sáng của bà gồm nhiều món, bánh mì, sữa chua, cà phê, nước trái cây và chủ yếu là trái cây, trên dưới năm loại. Sau đó, do lưng đã còng nên bà đẩy một xe hành lý - xe này vừa làm gậy chống vừa làm xe chở giỏ xách, hành lý - để ra ga gặp bạn, lại cà phê trò chuyện, hoặc đi thư viện, công viên tùy tình hình thời tiết.

Bà sẵn sàng tiếp bạn bè quốc tế từ xa, cho ngủ trọ miễn phí ngay tại tầng hai nhà bà ở. Bạn bè của bà, đương nhiên, cũng là những con người kiến thức phong phú và trẻ trung, tràn đầy năng lượng ở độ tuổi trên dưới 70, mỗi tháng gặp nhau một lần để đọc sách tiếng Anh.

Nào ông Ishikawa Bunyo, cựu phóng viên chiến trường Việt Nam, năm nay cũng 78 tuổi, một năm ít nhất hai lần dẫn một đoàn bạn bè, người quen đi du lịch Việt Nam.

Thời gian ở nhà ít hơn thời gian ông đi khắp các tỉnh thành Nhật Bản để triển lãm, nói chuyện, cùng chia sẻ những mối bận tâm về chính trị nước nhà cho các thế hệ. Chà, nếu đề cập một người nổi tiếng như vậy thì cũng khó thuyết phục nhỉ. Vậy tôi xin phép quay lại một người quen khác, ông Gibo ở Okinawa, năm nay 72 tuổi, luôn nở nụ cười thân thiện “xin chào” mỗi khi gặp gia đình tôi.

Ông Gibo bắt đầu học tiếng... Tây Ban Nha cách đây 6, 7 năm thông qua chương trình học miễn phí của trường đại học ở địa phương dành cho người trên 65 tuổi. Ông luôn “than vãn” về sự chậm tiến của mình nhưng cũng lấy đó làm lý do để theo đuổi tất cả các lớp học như vậy.

Ngoài ra, nếu có dịp đến Nhật, chắc chắn bạn sẽ bắt gặp những người lớn tuổi tham gia hoạt động tình nguyện vào giờ đi học của học sinh tiểu học. Đây là một hoạt động tình nguyện vô cùng ý nghĩa, đem lại sự an tâm cho phụ huynh và học sinh trong khu vực vào giờ đến trường.

Những ông, bà cụ trên dưới 65 tuổi chia nhau ra trực ở các giao lộ, ra hiệu ưu tiên cho học sinh khi băng qua đường. Và hơn hết, lời chào buổi sáng, chúc đi học vui vẻ, lời cảm ơn của hai thế hệ cách xa nhau hàng mấy thập niên góp phần làm cho nước Nhật vẫn luôn đáng ngưỡng mộ.

Cựu phóng viên chiến trường Ishikawa Bunyo (78 tuổi) tại triển lãm cá nhân 2015 -Nguyễn Đỗ An Nhiên
Cựu phóng viên chiến trường Ishikawa Bunyo (78 tuổi) tại triển lãm cá nhân 2015 -Nguyễn Đỗ An Nhiên

 

60 vẫn “chạy” tốt

Có lẽ bất kỳ du học sinh nào ở Nhật cũng đều có otousan (bố), okaasan (mẹ) Nhật của riêng mình. Những otousan, okaasan này thật sự là những người đại diện cho một thế hệ cống hiến hết mình vì thế giới chứ không riêng nước Nhật.

Chính những người lớn tuổi đáng kính này đã và đang là cầu nối giao lưu giữa Nhật Bản và các nước, giữa thế hệ xưa và nay, góp phần tạo nên một nước Nhật “phú quốc hữu đức” mà ông Inamori Kazuo - tác giả cuốn Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế (NXB Trẻ, 2016), năm nay 84 tuổi, đề cập.

Khi viết những dòng này, tôi nhớ về ba mẹ Nhật của mình, ông bà Nagano ở Osaka. Tôi luôn biết ơn otousan và okaasan đã giúp tôi mở mang tầm mắt, làm phong phú tâm hồn không chỉ bằng những chuyến du lịch khắp các tỉnh thành nước Nhật mà bằng những lời chỉ dạy chân tình, đầy ắp yêu thương.

Theo Sách trắng xã hội người cao tuổi, năm tài khóa 2016, tỉ lệ người trên 60 tuổi vẫn tiếp tục làm việc như sau: nam giới: 60-64 tuổi là 72,4%; 65-69 tuổi là 49%, ở nữ giới: 60-64 tuổi là 47,3%; 65-69 tuổi là 29,8%. Đây là tỉ lệ được đánh giá cao và có chiều hướng tăng những năm gần đây, nhất là khi luật lao động mới nghĩa vụ hóa việc tuyển dụng những người có nguyện vọng kéo dài tuổi hưu từ 60 lên 65 được chính thức áp dụng từ năm 2015.

Điều này cũng dẫn đến sự thay đổi to lớn trong chế độ tuyển dụng lao động của các công ty, doanh nghiệp Nhật. Trong số khoảng 150.000 công ty có số nhân viên 31 người trở lên thì hết 147.740 công ty đã thực thi chính sách này và số công ty mà tất cả người lao động trên 60 tuổi có nguyện vọng đều tiếp tục được tuyển dụng là 108.086 công ty.

Ngoài ra, theo thống kê, số người trên 60 tuổi “muốn làm việc cho đến khi nào còn có thể làm việc” nhiều nhất với tỉ lệ 28,9%; số người “muốn làm đến khoảng 65 tuổi”, “muốn làm đến khoảng 70 tuổi” đều ở mức 16,6% và tỉ lệ người cao tuổi có nguyện vọng làm việc là 71,9%.

Lý do lớn nhất cho việc muốn tiếp tục lao động, làm việc là “muốn có thu nhập” với tỉ lệ 49% cũng được Sách trắng đề cập, so sánh với tỉ lệ 54,4% người cao tuổi Thụy Điển hay 48,9% người cao tuổi Đức muốn tiếp tục làm việc là “vì công việc thú vị”. Nhưng không có nghĩa người cao tuổi Nhật gặp khó khăn về kinh tế. 71% trong số họ cho rằng “không cảm thấy lo lắng về đời sống kinh tế”. ■

“Ngày kính lão” ở Nhật được áp dụng là ngày nghỉ lễ toàn quốc từ năm 1963 với chủ trương “kính trọng những người cao tuổi đã cống hiến cho xã hội trong thời gian dài và chúc mừng tuổi thọ”. Ban đầu được quy định là ngày 15-9 hằng năm, nhưng từ năm 2003 được đổi thành ngày thứ hai của tuần thứ ba trong tháng 9 để tương ứng với chế độ “Happy monday” (Ngày thứ hai hạnh phúc).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận