Thuốc nội - chật vật tìm lối

Báo cáo gần nhất của Bộ Y tế về tình hình sử dụng thuốc nội trong hệ thống bệnh viện các tuyến chỉ ra những con số chênh lệch rất lớn: tại các bệnh viện tuyến huyện, trạm y tế xã, tỉ lệ sử dụng thuốc nội lên đến 70-80%, nhưng ở bệnh viện trung ương tỉ lệ này chưa đến 30%. Tại các bệnh viện mắt, ung bướu, tim... chỉ 5% thuốc nội được sử dụng.

Phóng to
Sản xuất thuốc Pegnano điều trị viêm gan B tại Công ty TNHH công nghệ sinh học dược Nanogen (Khu công nghệ cao TP.HCM - Ảnh: THANH ĐẠM

Ngành dược VN có quá nhỏ bé? Thống kê của Bộ Y tế cho thấy VN hiện có 180 doanh nghiệp (DN) sản xuất thuốc tân dược và đông dược, trong đó 103 DN đạt tiêu chuẩn GMP (thực hành tốt sản xuất thuốc). Ngoài ra còn có năm DN chuyên sản xuất văcxin, sinh phẩm y tế.

Năm 2010, giá trị thuốc sản xuất trong nước đạt hơn 919 triệu USD, đáp ứng hơn 48% nhu cầu sử dụng thuốc trong nước (dù gần 90% nguyên liệu hóa dược để sản xuất thuốc phải nhập khẩu). Thị trường dược phẩm VN đang có một dự báo khả quan: đạt hơn 2 tỉ USD trong năm 2011.

Vừa lớn đã cạnh tranh nhau

Năm 2009, khoảng 1.000 bệnh viện từ trung ương đến bệnh viện huyện ở VN sử dụng 12.749 tỉ đồng tiền thuốc thì thuốc ngoại nhập chiếm đến 8.174 tỉ, chiếm tỉ lệ 64,1%.

Năm 2010, tổng số tiền thuốc sử dụng tại bệnh viện tăng lên 15.496 tỉ đồng (bằng 121% so với năm 2009) thì tiền thuốc ngoại cũng tăng lên 9.805 tỉ, tương đương 63,3% chi phí tiền thuốc tại bệnh viện.

10 năm qua, ngành công nghiệp bào chế thuốc trong nước đã liên tục tăng trưởng với tốc độ khá cao (trung bình 17-19%/năm). Những năm gần đây các DN dược trong nước đã liên tục đầu tư, cải tiến và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất thuốc, nhập khẩu thiết bị, công nghệ sản xuất thuốc hiện đại cũng như sản xuất nhượng quyền các thuốc.

Nhiều DN đã ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới, sản xuất theo nhiều dạng bào chế mới như thuốc tiêm bột, thuốc đông khô, khí dung, thuốc vi nang, thuốc tác dụng tại đích, thuốc phóng thích hoạt chất chậm... Ngay cả các cơ sở sản xuất thuốc đông dược cũng đã hướng tới các dạng bào chế hiện đại hơn như viên nén, viên nang cứng, viên bao tan trong ruột...

Ngoài việc sản xuất các thuốc generic (theo công thức có sẵn của thuốc nước ngoài đã chứng minh hiệu quả và hết thời hạn bản quyền), một số DN đã đầu tư sản xuất các nhóm thuốc chuyên khoa tim mạch, tiểu đường, thần kinh, nội tiết... với nhiều dạng bào chế mới. Từ năm 1996, GMP được áp dụng nên chất lượng thuốc sản xuất trong nước đã được nâng cao đáng kể.

Tuy nhiên, dù có tới 180 DN sản xuất thuốc đang hoạt động nhưng nền công nghiệp dược VN mới chỉ phát triển ở mức “trung bình thấp”. Trong cuộc đua tranh hoàn toàn bất cân sức với thuốc ngoại, hành trình đơn lẻ của các DN dược trong nước chính là một câu trả lời. Đó là tình trạng mà Bộ Y tế đánh giá là “loay hoay với việc sản xuất trùng lắp các thuốc generic”.

Các DN đều lao vào sản xuất các loại thuốc thông thường (hạ nhiệt giảm đau, kháng sinh, kháng viêm, vitamine và thuốc bổ, thuốc đường hô hấp, thuốc tác dụng trên dạ dày - ruột, thuốc ngoài da, chống dị ứng, thuốc tác dụng đến máu, thuốc về mắt, nội tiết...), số chú ý đầu tư sản xuất các loại thuốc có dạng bào chế đặc biệt, thuốc chuyên khoa đặc trị rất ít.

Các nhóm thuốc gây mê, giải độc đặc hiệu, thuốc chống ung thư, chế phẩm máu, cả chục hoạt chất kháng sinh như Spectinomycin, Procain, Benzyl Penicillin, Penicillin chậm, Clofazimine, Dapson... chưa có DN nào sản xuất được.

Trong bức tranh phát triển sản xuất tự phát, thiếu định hướng của ngành dược trong nước tồn tại đủ thứ vấn đề: cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý, loại thì sản xuất thừa mứa, loại mà thực tế điều trị đặc hiệu đòi hỏi ngày càng nhiều lại không có; các DN đều có quy mô nhỏ, sản xuất còn manh mún; đa số các mặt hàng là thuốc generic, hàm lượng kỹ thuật thấp. Những yếu tố quan trọng khác như chiến lược quảng bá, giới thiệu thuốc còn tụt lại quá xa so với thuốc ngoại.

PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho rằng thuốc sản xuất trong nước chưa thuyết phục được bác sĩ kê toa do “những nhược điểm đã trở thành định kiến”, cho rằng nguyên liệu để sản xuất thuốc trong nước chủ yếu mua từ Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước châu Á nên chất lượng không bằng thuốc của các nước châu Âu. “Nhiều DN dược trong nước đã mua nguyên liệu sản xuất từ các nước châu Âu. Ngay cả nhiều loại dược phẩm được gọi là “thuốc ngoại” cũng sử dụng nguyên liệu của Trung Quốc và các nước châu Á”.

Bên cạnh thực tế này, Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM cho biết tính đến tháng 6-2011 mới có 46 sản phẩm thuốc của 12 DN được đánh giá tương đương sinh học (*) tại viện. Điều ngăn trở các DN đưa đến thử tương đương sinh học có thể do chi phí nghiên cứu cao (200-400 triệu đồng/mẫu) hoặc do chính họ cũng chưa tự tin vào chất lượng sản phẩm của mình...

Kết quả khảo sát năm năm qua của viện về chất lượng thuốc cho thấy nhiều DN trong nước đã sản xuất tốt các dòng chế phẩm viên phóng thích nhanh, nhưng những chế phẩm viên phóng thích kéo dài vẫn là bài toán khó đối với đa số. Và khi một sản phẩm bị đánh giá “không tương đương”, DN sẽ phải nghiên cứu lại toàn bộ công thức, kỹ thuật bào chế.

Phóng to
Công nhân thao tác trên dây chuyền vô thuốc tại nhà máy Công ty cổ phần dược phẩm dược liệu Pharmedic (Q.12, TP.HCM) - Ảnh: Thanh Đạm

“Giá rẻ cũng không bán được thuốc”

Lãnh đạo một bệnh viện tuyến trung ương ở Hà Nội cho hay bệnh nhân đến bệnh viện ông hầu hết phải dùng thuốc ngoại do bệnh đã ở giai đoạn nặng. Thuốc nội có chăng là vùng vẫy ngoài thị trường OTC (thuốc không kê đơn) và ở bệnh viện tuyến dưới. Nhưng chính vị lãnh đạo này cũng thừa nhận nhiều loại thuốc sản xuất trong nước có chất lượng hơn đứt sản phẩm nhập ngoại từ Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh...

Đã có DN bỏ ra hàng trăm triệu đồng để thực hiện thử tương đương sinh học với thuốc gốc cùng loại, giá lại rẻ hơn nhiều nhưng “hàng hóa vẫn ế ẩm”. Ông này lấy ví dụ sản phẩm của một công ty dược đầu tư GMP vào loại sớm nhất ở VN, lại nhanh nhạy đón đầu thuốc hết thời hạn bảo hộ bản quyền, sản xuất toàn sản phẩm mới vào loại “hot” như thuốc trị tiểu đường, ung thư, kháng sinh có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, giá thành hạ nhưng cũng rất khó vào bệnh viện.

Tìm hiểu lý do mới thấy do giá thành hạ kèm theo chính sách chiết khấu kê đơn cũng hạ theo, chính sách hậu mãi như mời bác sĩ đi học tập, thực hành ở nước ngoài (như nhiều hãng dược châu Âu, Mỹ hay áp dụng) lại không có.

Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Ngọc Hiền nói rằng “mặc dù rất ủng hộ hàng nội nhưng nhiều khoa phòng của Bệnh viện Bạch Mai như nội tiết, tim mạch hầu hết phải sử dụng thuốc ngoại”. Theo ông Hiền, bốn tiêu chí bác sĩ cần xem xét khi kê đơn thuốc bao gồm tính an toàn, hiệu quả, tiện dụng và kinh tế, song đáng tiếc là nhiều bác sĩ chưa chú ý đến yếu tố kinh tế khi kê đơn cho bệnh nhân, khiến họ gặp nhiều khó khăn. “Một bệnh nhân nghèo mà kê đơn toàn thuốc ngoại, làm sao người ta chịu được”.

Theo ông Hiền, dự thảo thông tư thay thế thông tư 10 về đấu thầu thuốc vào bệnh viện có những điểm tiến bộ hơn so với hiện hành, trong đó chia nhóm thuốc và tính điểm theo nhóm như nhóm thuốc có nguồn gốc châu Âu - Mỹ, thuốc do các nước châu Á sản xuất, nhóm thuốc của các DN đạt GMP WHO, thay cho việc đánh đồng “cá mè một lứa”.

Các sản phẩm của DN trong nước đạt GMP WHO, đã thử tương đương sinh học thì chất lượng không thua kém gì thuốc ngoại nhập. Nhưng thị trường thuốc bệnh viện với doanh thu cả chục ngàn tỉ đồng/năm có đầy những lắt léo, khiến ngay cả trường hợp DN đã trúng thầu cũng chưa bán được thuốc, chưa nói đến khâu dự thầu hết sức gian nan.

Giám đốc một DN dược trung ương cho hay công ty ông cũng đi dự thầu và trúng thầu khá nhiều sản phẩm vào bệnh viện, nhưng vì bác sĩ không kê đơn nên bệnh viện cả năm không gọi lấy thuốc lần nào!

Theo một cán bộ thanh tra y tế, ở nhiều bệnh viện, bác sĩ cứ kê đơn và trình dược viên sẽ tính hoa hồng trên đơn tại nhà thuốc, chuyển tiền vào tài khoản bác sĩ, “hai bên chả cần gặp gỡ nhau làm gì cho vi phạm quy định Bộ Y tế”. Theo vị thanh tra này, mức hoa hồng thông thường là 20%/giá thuốc và thu nhập từ hoa hồng mức 5 triệu đồng/ngày không phải là hiếm ở Hà Nội.

Những mục tiêu to tát

Bộ Y tế mới đây khẳng định sẽ hoàn thiện và triển khai đề án “Quy hoạch chi tiết phát triển công nghiệp dược VN đến năm 2015, tầm nhìn 2020” nhằm quy hoạch, phân bố các nhà máy sản xuất thuốc trong nước hợp lý hơn theo định hướng chuyên môn hóa, khuyến khích sản xuất thuốc gốc để giảm giá thành sản phẩm...

Đề án này đặt ra những mục tiêu to tát: phát triển công nghiệp bào chế để thuốc sản xuất trong nước đạt 70% so với tổng trị giá (vào năm 2015) và 80% (vào năm 2020), bảo đảm thuốc có nguồn gốc từ dược liệu và thuốc đông y chiếm 30% (vào năm 2015) và 40% (vào năm 2020), thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu, thuốc phục vụ các chương trình y tế quốc gia đáp ứng được 90% nhu cầu sử dụng, đáp ứng 50% nhu cầu nguyên liệu phục vụ công nghiệp bào chế (đều vào năm 2020).

Sáu năm trước, tháng 7-2005, trong một hội nghị ngành dược, Bộ Y tế với vai trò là cơ quan quản lý về dược và với mục tiêu giảm thiểu chi phí cho người bệnh từng khẳng định: sẽ mở cửa hết cỡ để tạo điều kiện cho DN đưa thuốc nội vào bệnh viện, Bộ Y tế cũng sẽ đặt hàng sản xuất thuốc trong nước để cung ứng thuốc cho các bệnh viện, mục đích là đến năm 2010 thuốc nội đáp ứng 60% nhu cầu điều trị.

Và nếu như trước đây, Cục Quản lý dược cấp số đăng ký thuốc với tỉ lệ “4 thuốc ngoại, 1 thuốc nội” thì đến năm 2010 phải phấn đấu đảo ngược tỉ lệ này thành “4 nội, 1 ngoại”, rằng Cục Quản lý dược đang trình Bộ Y tế quyết định ưu tiên 70% kinh phí nhà nước cấp mua thuốc là để mua thuốc nội với điều kiện thuốc nội bảo đảm chất lượng điều trị. Trong số những mục tiêu này, rất ít trở thành hiện thực đúng hạn.

__________

(*) Nhiều thuốc generic (còn gọi là thuốc phiên bản) cùng loại xuất hiện và được sử dụng song không cho tác dụng điều trị và hiệu quả lâm sàng giống như biệt dược gốc (thuốc được phát minh đầu tiên và được cấp phép lưu hành trên thế giới), dù có thể tương đương bào chế (cùng công thức, hàm lượng dược chất, dạng bào chế, cùng cách dùng, liều lượng). Do vậy để đạt độ tin cậy cần thiết trong thị trường dược phẩm, một thuốc generic cần phải được chứng minh tính hiệu quả và an toàn trong điều trị của nó bằng thử nghiệm chứng minh tương đương sinh học (bioequivalence) với biệt dược gốc.

__________

Các bác sĩ, các bệnh viện nói gì về dược phẩm sản xuất trong nước và lý giải câu chuyện thuốc nội khó tìm đường vào bệnh viện ra sao?

Phóng to
Phát thuốc chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Hòa (Long An). Theo ban giám đốc bệnh viện, tỉ lệ thuốc nội dùng ở đây khoảng 60% - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

* Bác sĩ TRẦN NGUYÊN HÀ (trưởng khoa nội 4 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM):

Chúng tôi luôn muốn sử dụng thuốc sản xuất trong nước điều trị cho bệnh nhân. Nhưng khi kê toa, bác sĩ nào cũng rất quan tâm đến nguyên liệu sản xuất thuốc có nguồn từ đâu, thuốc có đạt chuẩn GMP hay không. Tôi biết có rất nhiều thuốc sản xuất trong nước mới chỉ có giấy phép đầy đủ, giấy tờ hợp lệ, việc thử tương đương sinh học để chứng minh chất lượng thuốc thì không có.

Thuốc ngoại có rất nhiều tài liệu nghiên cứu giúp bác sĩ có thêm thông tin, kinh nghiệm sử dụng thuốc cho bệnh nhân. Còn thuốc nội chỉ đơn thuần thông tin thuốc này trị bệnh này, thuốc kia trị bệnh kia nên chưa thuyết phục được bác sĩ kê toa. Chúng tôi cũng ít được biết thông tin về các công ty sản xuất thuốc trong nước, nhà máy sản xuất thuốc chất lượng thế nào, quy trình sản xuất ra sao, ứng dụng trên lâm sàng chưa...

* Bác sĩ PHẠM XUÂN DŨNG (phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM):

Nếu nói thuốc nội không có hiệu quả là không đúng. Tuy nhiên, người dân, kể cả bác sĩ, chưa tin tưởng thuốc nội do các công ty dược phẩm VN chưa biết quảng bá, tiếp thị sản phẩm. Chúng ta không thể đứng trước tiệm thuốc tây hô hào người bệnh dùng hàng VN được.

Đối với ngành y, phải có các nghiên cứu khoa học về loại thuốc mới đó, phải gửi cho bác sĩ những tài liệu, tạp chí khoa học đăng nghiên cứu đó thì mới tạo được sự tin cậy về chất lượng thuốc. Nếu các công ty trong nước tạo được niềm tin ấy với thầy thuốc, với người bệnh thì bác sĩ sẽ kê toa, người bệnh sẽ sử dụng.

Không phải vì hoa hồng mà bác sĩ kê toa thuốc ngoại. Số bác sĩ được hưởng hoa hồng ít thôi. Nhìn chung, các bác sĩ luôn có nguyên tắc là kê toa thuốc phải có hiệu quả và giá thành hợp lý. Ai chịu trách nhiệm trước người bệnh? Chắc chắn không phải là các công ty dược mà là bác sĩ kê toa! Tôi nghĩ không có bác sĩ nào đang tâm tới độ biết có một loại thuốc nội chất lượng, rẻ tiền mà không kê toa cho bệnh nhân.

* Bác sĩ HUỲNH VĂN ÂN (trưởng khoa hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhân dân Gia Định):

Cá nhân tôi ủng hộ thuốc nội. Nhưng theo chủ quan của tôi, trong 10 bác sĩ kê toa chỉ 1-2 người kê toa thuốc nội. Thứ nhất, vì tâm lý chuộng ngoại, thứ hai là các công ty dược VN chưa biết quảng bá thương hiệu. Do đó, các bác sĩ không biết nhiều về chất lượng thuốc nội và họ có thể vẫn hiểu sai như cách đây mười năm là thuốc VN không tốt. Các công ty dược VN cũng chưa quan tâm, chăm sóc khách hàng (bệnh viện, bác sĩ, bệnh nhân) chu đáo. Các công ty dược nước ngoài làm tốt ba điều này nên người dân, bác sĩ bị ràng buộc hoài vào thuốc ngoại là vậy.

Chỉ có thuốc chích là VN sản xuất chưa đầy đủ và tốt lắm. Còn thuốc viên, chất lượng khá tốt, thể hiện qua thực tế ở các phòng mạch, bác sĩ kê toa cho bệnh nhân sử dụng 80-90% là thuốc nội. Cần lưu ý bác sĩ muốn giữ được bệnh nhân đến phòng mạch phải chú ý cả hiệu quả điều trị và giá rẻ. Để có chi phí điều trị thấp thì chỉ có thuốc nội mới có giá rẻ. Các hãng thuốc lớn không thể sống được ở các phòng mạch tư.

* Dược sĩ LÊ VĂN NGHĨA (trưởng khoa dược Bệnh viện Q.Thủ Đức):

Dịch vụ chăm sóc khách hàng của DN dược nội địa rất không chuyên nghiệp, còn phảng phất cơ chế xin cho, bao cấp. Nhiều công ty dược VN bỏ ra rất nhiều tiền để làm nhà máy đạt đủ thứ tiêu chuẩn GMP, GSP, GLP nhưng lại không biết quảng bá những gì mình có.

Chúng tôi nhiều khi muốn hỗ trợ thuốc nội bằng việc mời công ty dược trong nước đến dự hội thảo chuyên đề tại bệnh viện để nghe công ty giới thiệu về thuốc của họ nhưng rất khó mời, thậm chí bị từ chối với lý do... bận! Quan điểm kinh tế thị trường bây giờ không thể “hữu xạ tự nhiên hương” được.

Là trưởng khoa dược, tôi thường lên mạng tìm kiếm thông tin thuốc và thấy hầu hết các công ty trong nước như Mekophar, Savipharm, Vidipha, Hậu Giang, Phú Yên... có công nghệ sản xuất rất hiện đại, nhiều dây chuyền sản xuất hiện đại nhất được nhập từ châu Âu. Nhưng ngay cả những dược sĩ như tôi biết được điều này cũng đã khó, nếu không tự mày mò tìm kiếm, đừng nói là các bác sĩ, người bệnh lại càng thiếu thông tin về thuốc nội.

Một chuyện đáng nghĩ từ sản phẩm thuốc Naturenz

Mất 20 năm nghiên cứu và cho kết quả tốt, Naturenz - một sản phẩm dược từ đề tài nghiên cứu cấp nhà nước (KC0417/KHCN 2001 - 2005) của Viện Công nghệ sinh học - mới ra được thị trường một cách rộng rãi nhờ cái bắt tay giữa đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp sản xuất dược.

Loại thuốc này đã được thử lâm sàng trên 600 lượt cựu chiến binh nhiễm dioxin, thông qua Ủy ban điều tra hậu quả chiến tranh và chất độc hóa học ở Việt Nam. “Chúng tôi bắt tay vào nghiên cứu, tìm kiếm từ thiên nhiên những chất có thể giải độc, tăng cường sức khỏe cho những cựu chiến binh bị nhiễm dioxin từ năm 1986.

Sau khi nghiên cứu thành công Naturenz, với kinh phí ban đầu ít ỏi, chúng tôi sản xuất và cấp phát miễn phí cho các cựu chiến binh này. Kết quả rất tốt. Nhưng vì kinh phí ít ỏi, chúng tôi phải tạm ngưng” - PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dao, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, kể. Những cựu chiến binh này đã tiếp tục kiến nghị được cấp phát Naturenz thay vì được cấp tiền.

Năm 2006, Dược Hậu Giang tìm đến viện đề nghị hợp tác. “Bắt tay cùng Dược Hậu Giang, năm 2010 sản phẩm này được đưa đến người tiêu dùng rộng rãi hơn. Tạm thời chúng tôi cung cấp nguyên liệu để họ sản xuất và mượn tên sản phẩm để kinh doanh. Việc hợp tác lâu dài hơn như hợp đồng nhượng quyền sử dụng nhãn hiệu và công thức chế biến vẫn đang tiếp tục bàn thảo, sẽ gút lại trong năm nay” - bà Dao nói.

Theo bà Dao, để sản phẩm thuốc nội đến được tay người dân nhiều hơn, DN cần tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học ngay từ giai đoạn đầu. “Thật sự chưa nhiều DN tha thiết với các đề tài khoa học, với các nghiên cứu ở phòng thí nghiệm. Trong khi nhà nghiên cứu lại thiếu kinh phí... Vì thế cần tạo điều kiện để kênh thông tin giữa doanh nghiệp và nhà nghiên cứu được thông suốt” - bà Dao nói.

Theo TS Phạm Thị Việt Nga - tổng giám đốc Công ty CP Dược Hậu Giang, từ nghiên cứu của Viện Công nghệ sinh học đến sự ra đời của chế phẩm Naturenz là một chặng đường quá dài. Trước khi được chuyển giao cho Dược Hậu Giang, đề tài nghiên cứu về chế phẩm này đã có thời gian thai nghén gần 20 năm. 20 năm cho một nghiên cứu không phải là dài nhưng để nghiên cứu ấy được ứng dụng vào sản xuất phục vụ người bệnh thì “cần phải rút ngắn”.

Sự chọn lựa lẫn nhau của Viện Công nghệ sinh học và Dược Hậu Giang có thể được xem như một cái bắt tay vì cộng đồng người Việt trong giai đoạn Nhà nước đang vận động các tổ chức, cá nhân, DN ưu tiên dùng hàng Việt, nhất là chủ đích tăng cường việc “người Việt dùng thuốc Việt”.

__________

“Thuốc có tốt người dân mới dùng - chủ tịch Hiệp hội Sản xuất kinh doanh dược VN ĐỖ VĂN DOANH trao đổi với TTCT - Nhưng hội nhập rồi, không thể bảo nhau thuốc của tôi là hàng nội, anh ưu tiên cho được”.

Phóng to
Ông Đỗ Văn Doanh - Ảnh: vnpca.org.vn

Ông Doanh nói: Bài toán tổng thể của DN dược hiện nay là DN đầu tư sản xuất, xây dựng hệ thống phân phối, có thuốc có chất lượng tốt rồi thì đẩy mạnh tiếp thị, thuốc kê đơn vào bệnh viện thì thầy thuốc cũng cần biết thông tin cụ thể có thuốc tên như vậy, tác dụng như vậy, chất lượng như vậy...

Đối với thị trường thuốc không kê đơn thì cần quảng cáo truyền thông để người dân biết. Bảo thuốc của tôi tốt lắm, nhưng tốt như thế nào thì phải nói cho người ta biết. Không nâng cao chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh thì sẽ khó khăn vì bây giờ hội nhập rồi, không thể bảo nhau “cái này của tôi là hàng nội, anh ưu tiên cho” được.

* Một trong những vấn đề mà thầy thuốc và bệnh nhân e ngại là chất lượng thuốc nội. Đại diện cho giới DN dược, ông nói gì về chất lượng thuốc nội hiện nay?

- Hiện thuốc nội chiếm 50% thị phần nhưng chúng tôi đang mong cố gắng nâng lên, làm sao bằng Trung Quốc, Hàn Quốc - những nước mà 80% thuốc chữa bệnh là sản phẩm nội địa.

Tôi cho rằng nói về chất lượng thuốc nội, rất cần nói có cơ sở rõ ràng. Phần lớn thuốc đã được cấp số đăng ký lưu hành đạt chất lượng, do nguyên liệu sản xuất thuốc trong nước hơn 90% là nhập khẩu từ châu Âu, Ấn Độ, Hàn Quốc và một số từ Trung Quốc. Cứ theo tư duy logic thì thấy: nguyên liệu tốt, bào chế tốt thì thuốc tốt, mà hiện nay nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP mới được sản xuất tân dược.

Nhiều doanh nghiệp cũng đã đầu tư khâu nghiên cứu và phát triển (R&D) về bào chế thuốc, mua các phát minh sáng chế thuốc mới. Trong kiểm nghiệm, bảo quản, hiện nay các nhà máy đều có phòng kiểm nghiệm thực hành tốt, phòng bảo quản thực hành tốt, nhà thuốc thì đang trong lộ trình thực hiện thực hành nhà thuốc tốt.

* Tuy nhiên vẫn có những thắc mắc có cơ sở về chất lượng thuốc nội, ông có thể giải thích vấn đề này?

- Thuốc có cấu tạo từ hóa chất nên bảo quản không tốt có thể ảnh hưởng đến chất lượng. Hiện nay hệ thống nhà thuốc chưa đạt chuẩn GPP vẫn còn nhiều. Các DN dược VN cũng chưa đầu tư vào nghiên cứu chuyên sâu. Nhiều loại thuốc chuyên khoa, đặc trị, thuốc mới... DN trong nước chưa sản xuất được, chưa chia sẻ được thị trường mà DN nước ngoài đang nắm giữ, một phần do thiếu vốn, lại chưa có nhiều chuyên gia được đào tạo bài bản trong nghiên cứu thuốc mới.

Tuy nhiên về chất lượng những thuốc đã có trên thị trường, rõ ràng ngày nay thuốc tốt người dân mới dùng, không thể có chuyện làm giả ăn thật.

* Ông đánh giá ra sao về tỉ trọng thuốc nội trên thị trường? Thuốc nội có tiến lên được hay không trong tình hình thị trường dược phẩm hiện nay?

- Thuốc nội được sử dụng nhiều hơn ở tuyến bệnh viện huyện, tỉnh, lên bệnh viện trung ương thì tỉ trọng có hạ xuống, nhưng bình quân toàn quốc thì thuốc nội cũng chiếm được 50% tiền thuốc được sử dụng. Như tôi đã nói ở trên, mơ ước của các DN nội còn nhiều lắm, chúng tôi muốn nâng thị phần thuốc nội lên 70-80% như Trung Quốc, Hàn Quốc đã làm được. Nhưng rõ ràng muốn làm được điều này, chúng tôi cần phải nỗ lực hơn, từ sản xuất, nghiên cứu, phát triển, đầu tư, tiếp thị, phân phối...

* Ở các nước, vai trò của hiệp hội rất mạnh. Nhưng ở VN, vai trò của hiệp hội trong thúc đẩy ngành dược trong nước hình như chưa được như mong muốn.

Hiệp hội là tổ chức tự nguyện, hoạt động dựa vào hội phí của DN thành viên nên chúng tôi rất khó hỗ trợ DN. Chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ DN tham gia hội chợ triển lãm có cấp chỉ vài triệu đồng cho mỗi DN nhưng cũng đã chuyển thẳng về cho họ. Tham gia hiệp hội, quan trọng là tìm tiếng nói chung trong những người cùng làm nghề dược, cùng có mơ ước phát triển ngành dược trong nước và phối hợp cùng phát triển.

Trước đây, thuốc trong nước chỉ chiếm được 30%/tổng tiền thuốc được sử dụng, nay đã nâng lên 50%, như vậy là có bước tiến nhất định.

Tôi bị bệnh tiểu đường từ năm 2004. Có khi bác sĩ kê toa cho tôi toàn thuốc ngoại nhưng tôi luôn hỏi có thuốc nội nào rẻ hơn và chất lượng tương đương không. Nếu bác sĩ nói có thuốc VN cùng công thức, rẻ tiền hơn thì tôi đổi sang thuốc VN.

Cách đây khoảng hai năm, thuốc trị tiểu đường (viên uống) của nước ngoài có giá khoảng 4.000đ/viên. Một người bạn dược sĩ giới thiệu với tôi một loại thuốc nội giá 1.000đ/viên. Thế là tôi đổi sang thuốc nội. Uống thuốc thấy sức khỏe rất tốt, đường huyết ổn định mà lại đỡ tốn kém. Tại sao phải uống thuốc ngoại, mắc tiền mà giá thì cứ tăng thường xuyên?

Theo tôi, người dân có tin và sử dụng thuốc nội hay không phụ thuộc khá nhiều vào bác sĩ kê toa và dược sĩ phụ trách nhà thuốc. Nếu bác sĩ, nhà thuốc tư vấn, giới thiệu cho bệnh nhân biết có thuốc nội chất lượng, giá rẻ thay thế thuốc ngoại thì chắc chắn bệnh nhân sẽ tin dùng. Nhưng chúng tôi luôn thiếu thông tin về thuốc nội.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận