“Điêu khắc về lịch sử và chiến tranh là một đặc ân”

NGUYỄN KHÁNH 30/04/2017 17:04 GMT+7

TTCT - Đó là khẳng định của họa sĩ, nhà điêu khắc 77 tuổi Lê Đình Quỳ, người đã có 17 tác phẩm tượng đài về chủ đề chiến tranh cách mạng được xây dựng ở khắp Việt Nam.

Tượng đài Khát vọng thống nhất tại Hiền Lương, Quảng Trị, sáng tác năm 2005 -Ảnh nhân vật cung cấp
Tượng đài Khát vọng thống nhất tại Hiền Lương, Quảng Trị, sáng tác năm 2005 -Ảnh nhân vật cung cấp

 “Khó” nhưng tại sao ông vẫn cố gắng theo đuổi nó trong hàng chục năm qua, thưa ông?

- Đó là một tình yêu rất khó lý giải của tôi với thể loại đặc biệt này. Một tác phẩm điêu khắc về chiến tranh cách mạng và lịch sử có tính biểu tượng và giáo dục rất lớn.

Vì vậy phải rất hiểu về nó, hiểu về hoàn cảnh, bối cảnh và câu chuyện xung quanh. Nó đòi hỏi nhà điêu khắc phải đọc, phải học, mất rất nhiều thời gian. Một bức tượng mà không có giá trị thông tin thì là một bức tượng “vô hồn”. Đó là chưa kể đến những khó khăn về ý thức hệ, khó khăn về tiền bạc khi thực hiện...

Khó khăn về “ý thức hệ và tiền bạc”? Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

- Năm 1980, tôi được chính quyền xã Hoằng Phượng (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đề nghị làm một bức tượng để kỷ niệm 10 năm vụ tàn sát bằng bom B52 mà Mỹ gây ra, khiến rất nhiều người thiệt mạng (năm 1972).

Tôi còn nhớ khi đó đồng chí bí thư và chủ tịch xã có nói với tôi rằng: “Chỉ có anh mới có thể giúp nhân dân địa phương, người dân trong xã rất mong mỏi có một bức tượng để khắc ghi một phần lịch sử và là nơi nhân dân đến tưởng nhớ, tri ân những người đã khuất”. Tôi rất xúc động về lời đề nghị đó và bắt tay vào thực hiện.

Tuy nhiên, thời điểm đó khi làm lại nảy sinh ba cái khó lớn: Thứ nhất là chính quyền huyện Hoằng Hóa kiên quyết không cho xã làm, lý giải vì đó là một vụ tàn sát rất đau thương và không nên khơi gợi lại nỗi đau.

Thứ hai là tiền bạc, nhân dân trong xã quá nghèo (tôi nhớ chi phí thực hiện bức tượng khoảng 55.000 đồng mà cả xã đóng góp được có 35.000 đồng. Số tiền còn lại tôi phải bán đồ dùng trong gia đình để có tiền làm tiếp).

Và cái khó lớn nhất đối với tôi là nghĩ được một hình tượng để thực hiện vì nó là một vụ tàn sát nên rất bi thương, phải làm một bức tượng vừa đúng chủ đề vừa không được quá rùng rợn. Tôi phải mất một năm lên ý tưởng và gần một năm thi công “chui”.

“Chui” vì chính quyền huyện không cho làm nên chúng tôi phải đào xuống đất thi công và đắp tượng. Không có tiền mua thép để làm cốt thì chúng tôi tận dụng ray đường sắt cũ, khó khăn đủ bề. Năm 1982, vượt qua nhiều khó khăn, bức tượng được khánh thành đúng ngày kỷ niệm 10 năm thảm sát, đó là ngày giỗ chung của cả xã.

Nhìn thấy bức tượng, nhiều người dân đã bật khóc. Chính quyền tỉnh cũng đến và đánh giá rất cao về bức tượng này. Tôi rớm nước mắt và hạnh phúc vô cùng!

Họa sĩ, nhà điêu khắc -Lê Đình Quỳ -Nguyễn Khánh
Họa sĩ, nhà điêu khắc -Lê Đình Quỳ -Nguyễn Khánh

 Làm tượng đài về lịch sử và chiến tranh cách mạng để giáo dục truyền thống yêu nước là điều cần thiết, nhưng có một thực trạng đau lòng là số lượng không đi kèm chất lượng và nảy sinh nhiều bất cập, đặc biệt là sự lãng phí. Ông nghĩ sao về điều này?

- Đó là một thực tế rất đau lòng. Xây dựng tượng đài nhiều không phải là một thành tích, mà nó là một sự nhắc nhở, giáo dục về lịch sử và tri ân các vị tiền nhân.

Gần đây, báo chí có nhắc nhiều đến công trình tượng đài vua Đinh Tiên Hoàng tại Ninh Bình bị bỏ hoang.

Người ta nói nhiều đến nguyên nhân, nhưng bản chất của nó có thể do bức tượng được xây dựng không đúng nguyên mẫu, nôm na là chưa được đẹp về mặt thẩm mỹ, chất lượng và khiến nó chưa được nghiệm thu. Mà tượng vua đã dựng lên rồi chẳng nhẽ lại đập đi để xây lại cho đẹp hơn? Khó lắm vì rất nhạy cảm.

Đó không phải là một trường hợp cá biệt ở Việt Nam. Cách khắc phục hiện trạng “đau lòng” này là gì, theo ông, để một tác phẩm điêu khắc hài hòa được tính mỹ thuật và chất lượng?

- Thứ nhất, bản thân nhà điêu khắc phải thực sự hiểu mình đang làm gì. Muốn hiểu thì anh phải đọc, phải học và phải nghiên cứu sâu về nó. Đó là sự tích lũy năng lượng để sáng tạo.

Thứ hai là bất kỳ một công trình nào đều phải có một hội đồng chuyên gia tư vấn, nghiệm thu thực sự giỏi và có đạo đức.

Họ phải tự chịu trách nhiệm trước nhân dân và thời đại. Mọi sự dễ dãi trong nghệ thuật điêu khắc đều phải trả một cái giá rất đắt, đặc biệt là điêu khắc với chủ đề lịch sử và chiến tranh cách mạng.

Tượng đài Thanh niên xung phong Thanh Hóa, sáng tác năm 2004  -Ảnh nhân vật cung cấp

Điêu khắc về lịch sử và chiến tranh cách mạng dường như đã có một chỗ đứng tại Việt Nam, tuy nhiên điêu khắc đương đại có vẻ chưa được quan tâm xứng tầm?

- Mỗi thể loại có một chỗ đứng riêng và một đối tượng công chúng riêng. Chúng ta có nhiều nghệ sĩ điêu khắc đương đại giỏi, nhưng đầu ra cho những sản phẩm của họ thực sự chưa ổn định.

Công chúng và ngay cả những nhà điêu khắc cần phải cởi trói tư duy để tiếp nhận những dòng chảy văn hóa mới. Tôi cũng không phải ngoại lệ. Nghệ thuật phải luôn trau dồi và làm mới mình. Sự hài lòng và dễ dãi sẽ giết chết những ý tưởng sáng tạo mới.

Kỷ lục “Nhà điêu khắc có nhiều tượng đài về chủ đề chiến tranh cách mạng nhất Việt Nam” được ghi nhận có khiến ông hạnh phúc?

- Tôi tự hào vì điều đó, nhưng số lượng nhiều sẽ chẳng có nghĩa lý gì nếu tác phẩm không được trân trọng và bị đánh giá thấp.

Trước khi bắt tay thực hiện một tác phẩm, tôi luôn nhớ đến câu nói của ông bí thư xã Hoằng Phượng cách đây đã gần 40 năm: “Anh phải tự chịu trách nhiệm trước nhân dân”. Khi đã tâm niệm như vậy, người nghệ sĩ phải nỗ lực và cố gắng hết sức mình.

Được chính quyền và người dân kỳ vọng giao phó làm ra một tác phẩm điêu khắc về chiến tranh cách mạng hay lịch sử đối với tôi là một đặc ân - một đặc ân lớn mà không phải một nhà điêu khắc nào cũng có được.■

Họa sĩ, nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ sinh năm 1940. Ông học Trường trung cấp Mỹ thuật công nghiệp khóa I, học điêu khắc tại Trường đại học Mỹ thuật quốc gia Kiev (Liên Xô). 

Ông đã thiết kế nhiều tượng đài về chủ đề chiến tranh cách mạng được xây dựng ở nhiều tỉnh, thành phố Việt Nam với nhiều tác phẩm được đánh giá cao như: tượng đài Không quân Việt Nam, tượng đài Ngã ba Đồng Lộc, Lão dân quân Hoằng Trường, Thảm họa B52 Hoằng Phượng (Thanh Hóa)…

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận