'Tôi chưa từng thấy người trẻ nào bỏ dở Hoàng tử bé'

LINH THOẠI - DU LÊ 08/10/2023 08:52 GMT+7

TTCT - Tuổi Trẻ Cuối Tuần trò chuyện với ông Jean-Marc Probst, chủ tịch Quỹ Jean-Marc Probst vì Hoàng tử bé và cũng là chủ nhân bộ sưu tập lớn nhất thế giới về Hoàng tử bé.

Jean-Marc Probst và bộ sưu tập Hoàng tử bé của mình. Ảnh: DARRIN VANSELOW/L’ILLUSTRE

Jean-Marc Probst và bộ sưu tập Hoàng tử bé của mình. Ảnh: DARRIN VANSELOW/L’ILLUSTRE

Tại Việt Nam, tác phẩm Hoàng tử bé của nhà văn Pháp Antoine de Saint-Exupéry (1900 - 1944) vừa có thêm bản dịch bằng tiếng Chăm sau hơn 10 bản dịch tiếng Việt, do Quỹ Jean-Marc Probst vì Hoàng tử bé (Quỹ JMP) tài trợ in. Tuổi Trẻ Cuối Tuần trò chuyện với chủ tịch quỹ - ông Jean-Marc Probst, cũng là chủ nhân bộ sưu tập lớn nhất thế giới về Hoàng tử bé - nhân ông đến thăm Việt Nam.

Ông Jean-Marc Probst hiện sở hữu bộ sưu tập hơn 6.500 ấn bản Hoàng tử bé bằng hơn 500 ngôn ngữ, cùng hàng ngàn vật phẩm liên quan. Ông đọc Hoàng tử bé năm 15 tuổi, nhưng phải 9 năm sau đó (năm 1980), chuyến du hành 7 tháng vòng quanh thế giới mới khơi dậy trong ông sự hứng thú dành cho các ấn bản Hoàng tử bé thuộc các ngôn ngữ khác nhau.

Bên cạnh bản Hoàng tử bé tiếng dân tộc thiểu số đầu tiên của Việt Nam, tác phẩm này đang được chuyển ngữ sang ít nhất 14 ngôn ngữ khác: tiếng Bhasa (còn gọi là tiếng Newar hay Newari) ở Nepal, tiếng Jèrriais vùng eo biển Jersey ngoài khơi nước Pháp, tiếng Kuna của huyện ven biển Kuna Yala (CH Panama)...

Gìn giữ ngôn ngữ là bảo tồn văn hóa

Ông có những kỳ vọng nào khi tới Việt Nam lần này?

Mục đích chuyến sang Việt Nam của tôi là gặp các dịch giả bản Hoàng tử bé tiếng Việt và tiếng Chăm mà tôi từng trò chuyện qua rất nhiều tin nhắn, nhưng chưa bao giờ có dịp trực tiếp gặp gỡ. St-Exupéry từng viết trong hồi ký Terre Des Hommes (bản dịch tiếng Anh mang tên Wind, Sand and Stars, bản dịch tiếng Việt mang tên Cõi người ta/ Xứ con người), "chỉ có một điều xa xỉ chân chính thôi, và điều đó thuộc mối quan hệ giữa con người với con người". Hiện thực hóa lời St-Exupéry chính là lý do tôi bay chặng đường dài từ Thụy Sĩ sang đây, để gặp gỡ những bằng hữu người Việt Nam của mình.

Trong cuộc trò chuyện trực tuyến với độc giả Việt trước đây, ông nhận định yếu tố quan trọng của tác phẩm Hoàng tử bé chính là giá trị của tình bạn và sự cảm hóa. Câu thoại, hình ảnh hay lời văn nào ông thích nhất ở tác phẩm liên quan đến chủ đề này?

Chương 21 của Hoàng tử bé, viết về cuộc gặp giữa con cáo và Hoàng tử là minh họa hoàn hảo cho các giá trị của tình bạn. Cụ thể, câu "Bạn có trách nhiệm mãi mãi với những gì bạn đã cảm hóa", tức với những ai mà ta thật sự quan tâm, cha mẹ, bạn bè thân thiết xung quanh... 

Nhưng chúng ta cũng chớ nên quên rằng còn rất nhiều giá trị khác được khơi gợi trong Hoàng tử bé, chứ không chỉ riêng tình bạn, chẳng hạn trách nhiệm, sự tôn trọng, sự khoan dung, lòng tin và ý thức về nghĩa vụ.

Món yêu thích nhất trong bộ sưu tập của ông có thay đổi theo những bổ sung mới hơn hay không, nhất là khi ông cũng như Quỹ JMP đã góp phần tạo ra chúng?

Rất khó để có câu trả lời chính xác đâu mới thật sự là quyển sách yêu thích của mỗi người, khi ta sở hữu hàng ngàn quyển sách và hàng chục ấn bản trong số đó thuộc nhóm cực kỳ đặc biệt, quý hiếm. Đó là lý do vì sao tôi thường trả lời bản dịch phương ngữ Ticino - vùng duy nhất ở Thụy Sĩ nói tiếng Ý - mà ba cậu con trai Nicola, Andrea và Luca tặng tôi nhân sinh nhật 50 tuổi của tôi mang một giá trị tinh thần vô cùng đặc biệt. 

Nhưng trong bộ sưu tập của tôi còn có những ấn bản Hoàng tử bé là độc bản, và giá trị không kém. Chẳng hạn ấn bản năm 1947 mà nhà lãnh tụ kháng chiến Nam Mỹ Che Guevara tặng một đồng đội trong cuộc cách mạng Cuba. Ngoài ra tôi còn sở hữu nhiều ấn bản đề tặng bà Consuelo - phu nhân của Saint-Exupéry. Trong các ấn bản này, việc bà ký tên là Nữ bá tước Saint-Exupéry chẳng phải là một chi tiết hết sức lý thú đó sao!

Ấn bản tiếng Ticino, phát hành năm 2006, NXB Lugano, được 3 người con tặng ông nhân dịp sinh nhật thứ 50, ảnh chụp gia đình, lấy từ web của Quỹ JMP

Ấn bản tiếng Ticino, phát hành năm 2006, NXB Lugano, được 3 người con tặng ông nhân dịp sinh nhật thứ 50, ảnh chụp gia đình, lấy từ web của Quỹ JMP

Đâu là thước đo cho sự thành công của Quỹ JMP - phải chăng là số lượng? Việc ông đến một quốc gia đa văn hóa, sắc tộc như Việt Nam liệu có tạo điều kiện để Hoàng tử bé tìm đến thêm nhiều độc giả nữa?

Hiện hằng năm sẽ có khoảng 150 ấn bản Hoàng tử bé mới được phát hành. Tuy nhiên, riêng năm 2015 đã có hơn 550 ấn bản mới. Lý do chính nằm ở chỗ, kể từ ngày 1-1-2015, Hoàng tử bé trở thành tài sản công, không chịu bảo hộ bản quyền từ bất cứ bên nào. Năm đó có cực kỳ nhiều bản dịch mới ra đời.

Một trong những mục tiêu của Quỹ JMP là trao cho người trẻ (và rõ là cả những người không còn trẻ) cơ hội được thưởng thức Hoàng tử bé bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ. Do đó, tôi sẽ không từ chối bất kỳ nỗ lực nào để góp phần cho ra đời những bản dịch mới, cũng vậy với các ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số sinh sống tại Việt Nam. Chúng ta hãy nhớ rằng, gìn giữ một ngôn ngữ sống cũng đồng nghĩa với việc bảo tồn văn hóa của dân tộc sử dụng ngôn ngữ đó.

Theo ông, điều gì làm nên sự bất tử của tác phẩm nghệ thuật, giá trị cốt lõi hay sự tái diễn giải dành cho nó?

Rõ ràng, Hoàng tử bé là một tác phẩm vượt ra ngoài dòng chảy thời gian. Điều này một phần nào đó giải thích cho sự thành công vô bờ bến của tác phẩm. Trong năm 2023, dịp kỷ niệm 80 năm lần đầu sách ra mắt độc giả, dự kiến sẽ có hơn 5 triệu quyển Hoàng tử bé được bán ra trên toàn thế giới. Những cách diễn giải mới mẻ dành cho các thông điệp trong quyển sách cũng góp phần làm nên thành công này. Hơn hết thảy, đó là sự đa dạng của các ấn bản trên khắp thế giới: hơn 40 ấn bản chữ nổi Braille cho người khiếm thị trên thế giới, hơn 50 ngôn ngữ ở các bộ phim hoạt hình, hơn 20 ngôn ngữ ở các bản rút gọn…

Ấn bản tiếng Mali (NXB Editions Jamana, 2003) - ấn bản duy nhất tới giờ Hoàng tử bé có màu da đen.

Ấn bản tiếng Mali (NXB Editions Jamana, 2003) - ấn bản duy nhất tới giờ Hoàng tử bé có màu da đen.

Chờ đợi một ngôi nhà Hoàng tử bé

Giữa nền văn hóa đang tự nó có nhiều biến đổi và chuyển dịch nhanh chóng sang kỹ thuật số, một tác phẩm kinh điển như Hoàng tử bé sẽ nắm giữ vai trò gì, theo ông?

Đây là một câu hỏi tôi không ngừng đặt ra cho bản thân suốt nhiều năm qua, và câu trả lời của tôi dành cho nó hầu như không hề thay đổi. Trên thực tế, nó đưa tôi đến một câu trả lời cho câu hỏi khác: Vì sao quyển sách bé nhỏ này vẫn còn quá đỗi thành công sau 80 năm, tính từ ngày 6-4-1943 tại New York? 

Năm yếu tố tôi từng đề cập ở nhiều cuộc phỏng vấn hay gặp gỡ trước đây, chẳng hạn chiêm nghiệm về bản thể và sự tồn tại của con người, hay thông điệp về hy vọng khi đứng trước chia ly, mất mát, cũng là những đúc kết tinh gọn nhất về Hoàng tử bé của riêng tôi, những giá trị cốt lõi không bao giờ thay đổi của tác phẩm này. 

Đặt giữa bối cảnh ngày nay, những giá trị mà mỗi người có thể rút ra từ quyển sách, "những bài học trọn đời", còn phản ánh sự thay đổi trong xã hội gần đây, sự chuyển dịch về những điều mang chiều hướng tinh thần, và do vậy bớt vụn vặt, vật chất hơn.

Giả sử phải chọn một tác phẩm khác không phải Hoàng tử bé cho một bộ sưu tập có quy mô tương tự, ông sẽ chọn tác phẩm hay tác giả nào?

Thật sự tôi không thể nghĩ tới một tác phẩm văn học nào khác thế chỗ nếu đó không phải là Hoàng tử bé. Sưu tập đương nhiên không phải là mục tiêu duy nhất. Với tôi, vấn đề nằm ở sự đọc: liệu người trẻ có tiếp tục chọn việc đọc hay không? 

Nếu không, làm sao chúng ta có thể tiếp tục phát triển thế giới? Vì nếu không đọc, chúng ta cũng không còn khả năng tưởng tượng, không sáng tạo, và tôi đang kiềm chế không muốn nói là không có cả trí thông minh. Không một nhà nghiên cứu hay một nhà khởi nghiệp nào lại thờ ơ với sách vở, với sự đọc. 

Do đó câu hỏi trở thành: làm sao chúng ta có thể tiếp tục làm cho những bạn trẻ vị thành niên ham muốn đọc sách? Chắc chắn Hoàng tử bé không phải là câu trả lời duy nhất, nhưng tôi chưa từng biết bất kỳ một người trẻ tuổi nào bỏ dở quyển sách này một khi đã bắt đầu. Đó, có lẽ, đã là bước đầu tiên.

Trong bộ sưu tập của JMP, ấn bản tiếng Thổ Nhĩ Kỳ năm 1953 có một đoạn thay đổi bắt buộc so với bản gốc ở Chương IV, trở thành "Tạ ơn Thượng đế đất nước Thổ có một vị tổng thống tử tế và người dân có thể chọn Âu phục để mặc".

Trong bộ sưu tập của JMP, ấn bản tiếng Thổ Nhĩ Kỳ năm 1953 có một đoạn thay đổi bắt buộc so với bản gốc ở Chương IV, trở thành "Tạ ơn Thượng đế đất nước Thổ có một vị tổng thống tử tế và người dân có thể chọn Âu phục để mặc".

Ấp ủ của ông về việc cùng gia đình nhà văn Exupéry xây dựng một ngôi nhà Hoàng tử bé đã được thực hiện đến đâu, thưa ông?

Dự án đầu tiên của tôi ở vùng Lausanne, nơi Quỹ JMP đặt trụ sở, rủi thay không thành hiện thực như mong đợi vì thiếu sự ủng hộ từ các cơ quan hữu trách. Một dự án khác hiện đang được tiến hành ở tổng Solothurn, tây bắc Thụy Sĩ, một tiểu trấn Baroque tráng lệ ngay giữa đất nước chúng tôi. 

Ngôi nhà Hoàng tử bé sẽ được đặt tên theo hành tinh B612, dành trọn cho Hoàng tử của chúng ta cũng như cha đẻ của cậu. Tại sao lại ở Thụy Sĩ? Chúng ta nên nhớ rằng St-Exupéry từng theo học ở đây, cùng cậu em vắn số François, trong vòng hai năm khi cả hai đang trong độ tuổi thiếu niên (cũng là giữa Thế chiến 1). Đây là giai đoạn ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời và thế giới quan của St-Exupéry.

Ấn bản Hoàng tử bé siêu nhỏ, chụp từ triển lãm Những ấn bản Hoàng tử bé tổ chức tháng 1-2021 ở Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ). Ảnh: ANADOLU AGENCY VIA GETTY IMAGES

Ấn bản Hoàng tử bé siêu nhỏ, chụp từ triển lãm Những ấn bản Hoàng tử bé tổ chức tháng 1-2021 ở Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ). Ảnh: ANADOLU AGENCY VIA GETTY IMAGES

"Jean-Marc Probst là một người có tình yêu vô bờ bến với tác phẩm Hoàng tử bé, ngoại trừ con cháu nhà văn, tôi chưa thấy ai thể hiện tình yêu lớn với tác phẩm như ông. Bộ sưu tập của ông có một không hai, ông sưu tập cả những ấn bản khác nhau của cùng một dịch giả. Quỹ của ông đóng góp nhiều trong việc khuyến khích, hỗ trợ phát hành các bản dịch thuộc các ngôn ngữ chưa có trong danh mục các sách đã xuất bản, mà bản tiếng Chăm in ở Việt Nam là một trường hợp... Tác phẩm Hoàng tử bé chứa đựng nhiều giá trị, thông điệp cần được nghiên cứu, đào sâu không ngừng; bộ sưu tập của ông thêm đáng quý vì vậy. Nếu bất kỳ ai muốn tìm hiểu mọi chi tiết về tác phẩm - tác giả; bộ sưu tập này sẽ cung cấp nguồn thông tin tư liệu quý quá. (dịch giả Nguyễn Tấn Đại)

Quà tặng cho độc giả Chăm

Hoàng tử bé đã được dịch ra hơn 100 ngôn ngữ và hiện mỗi năm vẫn bán ra hàng triệu bản in. Tác phẩm chinh phục được nhiều thế hệ độc giả toàn cầu vì chạm tới các giá trị cốt lõi của việc làm người, những vấn đề triết học về sự tồn tại và biến mất của mỗi chúng ta bằng cái nhìn thuần khiết, nhẹ nhõm, tràn đầy thương yêu và thi tính.

Tại Việt Nam, Hoàng tử bé bản tiếng Chăm vừa được NXB Phụ Nữ Việt Nam ấn hành 1.000 bản in, do anh Inrawira Indrajaya - một người Chăm đang sinh sống ở An Giang - dịch. Anh Inrawira Indrajaya chỉ cho biết điều thôi thúc anh dịch tác phẩm sang tiếng Chăm là vì muốn lưu giữ kỷ niệm và để làm quà tặng cho độc giả yêu quý chữ viết truyền thống của dân tộc Chăm.

Hai ấn bản tiếng Việt và tiếng Chăm.

Hai ấn bản tiếng Việt và tiếng Chăm.

Nhận được thư ngỏ của anh Inrawira Indrajaya từ hơn 3 năm trước, ông Jean-Marc Probst đã kiên trì hậu thuẫn cho dịch giả, tìm người thẩm định lần hai cho tác phẩm và qua sự kết nối của nhà nghiên cứu về giáo dục và truyền thông khoa học, dịch giả Nguyễn Tấn Đại; ông ngỏ ý tài trợ cho NXB Phụ Nữ Việt Nam in 800 cuốn sách để tặng cho người Chăm ở Việt Nam.

Theo NXB Phụ Nữ Việt Nam, chị Gia Trang - hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, người biên tập tiếng Chăm cho tác phẩm, nhận định: Bản dịch đóng góp tích cực trong việc phát huy gìn giữ ngôn ngữ, chữ viết truyền thống trong cộng đồng Chăm, kích thích giới trẻ học hỏi và nâng cao tiếng mẹ đẻ.

Nhân 80 năm Hoàng tử bé, NXB Phụ Nữ Việt Nam cũng tái bản lần 3 bản dịch Hoàng tử bé của dịch giả Nguyễn Tấn Đại. Trước đó, năm 2021, Quỹ JMP tài trợ NXB Phụ Nữ in 2.000 bản dịch Hoàng tử bé (dịch giả Nguyễn Tấn Đại) để tặng học sinh Lâm Đồng.

Bản dịch của anh in kèm bộ ảnh gốc do Quỹ JMP cung cấp, cũng là bản có đoạn trích được dùng làm ngữ liệu cho sách giáo khoa Ngữ văn 6 - Tập 1 (bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, NXB Giáo Dục Việt Nam) và sách giáo khoa Ngữ văn 8 - Tập 2 (bộ sách Cánh diều, NXB Đại Học Sư Phạm TP.HCM).

Sinh tại Lausanne (Thụy Sĩ) năm 1956, Jean-Marc Probst theo học ngành kỹ thuật cơ khí, từng là phóng viên mảng quốc tế của Đài truyền hình quốc gia Thụy Sĩ, chủ tịch và giám đốc điều hành Tập đoàn Probst Holding, chủ tịch Tập đoàn AERIA+ tại Geneva... Cùng với vai trò chủ tịch Quỹ Jean-Marc Probst vì Hoàng tử bé (Fondation Jean-Marc Probst pour Le Petit Prince), ông còn là chủ tịch Hội những người bạn Thụy Sĩ của Antoine de Saint-Exupéry.

Ông cùng dịch giả Nguyễn Tấn Đại có cuộc giao lưu với độc giả trẻ Việt Nam tại Trường tiểu học Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) vào ngày 26-9 vừa qua trong sự kiện mang tên Theo dấu chân Hoàng tử bé do Viện Pháp, NXB Phụ Nữ Việt Nam, Trường tiểu học Nghĩa Tân và dự án Sách nhà mình đồng tổ chức.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận