“Tôi không thấy lý do Mỹ sẽ rời bỏ châu Á”

VĨNH QUYỀN THỰC HIỆN 20/12/2016 23:12 GMT+7

Nhân dịp Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành bản tiếng Việt Tương lai của Trung Quốc, tác giả David Shambaugh đã có cuộc trao đổi dành riêng cho bạn đọc Tuổi Trẻ Cuối Tuần.

Giáo sư David Shambaugh
Giáo sư David Shambaugh

 

Trong China's Future, giáo sư viết: Quan hệ của Trung Quốc với Mỹ, Nga và châu Âu cho thấy ba mô hình khác biệt, tất cả các mô hình này có thể sẽ tiếp tục trong 10 năm tới.

Mối quan hệ với Hoa Kỳ ngày càng căng thẳng và cạnh tranh, quan hệ với Nga gần gũi và vụ lợi, còn quan hệ với Liên minh châu Âu đang chín muồi.

Tuy nhiên, kết quả bầu cử tổng thống Mỹ 2016 có thể dẫn đến những thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Giáo sư có nghĩ điều đó sẽ làm thay đổi vai trò quốc tế hiện nay của Trung Quốc, một nước đang trỗi dậy mạnh mẽ và nhiều tham vọng? Và cán cân quốc tế mới ấy sẽ tác động thế nào đến định hướng tương lai của nước này?

- Lúc này còn quá nhiều điều chưa chắc chắn để xác định chính sách đối ngoại của ông Donald Trump rồi sẽ như thế nào với thế giới, nhưng ở châu Á đang lan truyền đồn đoán Mỹ dưới thời ông Trump cầm quyền sẽ có thể rời bỏ châu Á.

Riêng tôi, tôi không tin điều đó. Nước Mỹ đã can dự sâu sắc khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tôi không thấy lý do để mối quan hệ gắn kết ấy sẽ suy giảm.

Vì vậy, khác một số người, tôi càng không nghĩ rằng các nước châu Á sẽ nghiêng về phía Trung Quốc. Tất cả các nước châu Á (trừ Bắc Triều Tiên) luôn tìm cách duy trì quan hệ mật thiết với cả Mỹ lẫn Trung Quốc.

Và nhiều nước trong khu vực này rất ngại tham vọng của Trung Quốc. Đó là lý do vị thế của Mỹ được đề cao khắp châu Á những năm gần đây. Tôi không thấy có thay đổi cơ bản nào.

Vài quốc gia, như Philippines dưới thời ông Duterte, có thể định hướng lại quan hệ với Trung Quốc, nhưng việc đó sẽ giống như các quốc gia khác trong khu vực đang làm, là duy trì quan hệ chặt chẽ với cả hai, Bắc Kinh và Washington.

Tuy nhiên, với tất cả những điều đó, tôi thấy khả năng ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ tăng đáng kể suốt dải duyên hải từ châu Á đến Ấn Độ Dương, thuộc một phần “sáng kiến” của Trung Quốc: Một vành đai, một con đường (Nhất đới nhất lộ).

Nhưng Mỹ sẽ tiếp tục là nước đứng ra đảm bảo an ninh và ổn định cho châu Á - Thái Bình Dương. Nếu Nhật Bản, Hàn Quốc và những đồng minh khác của Mỹ, cùng các đối tác an ninh có phải chi một phần lớn hơn để hưởng lợi từ chiếc dù an ninh của Mỹ, thì tôi tin là họ sẽ làm như vậy.

Không cách nào Trung Quốc có thể cung cấp các loại hình hỗ trợ an ninh cho khu vực như Mỹ đã thực hiện trong 75 năm qua.

Ông Donald Trump tuyên bố sẽ rút Mỹ khỏi TPP. Theo ông, Trung Quốc sẽ hưởng lợi gì từ quyết định này?

- Trung Quốc sẽ hưởng lợi cả hình ảnh cũng như thực chất từ việc Mỹ rút khỏi TPP. Về hình ảnh, điều đó sẽ xói mòn cảm nhận về trách nhiệm của Mỹ trong lĩnh vực kinh tế đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương (nhưng không đúng trong thực tế); và nó sẽ thổi phồng việc thay thế TPP bởi RCEP (Regional Comprehensive Economic Partnership - Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực) do Trung Quốc đề xướng.

Đó cũng là đòn chí tử cho hình ảnh chính sách xoay trục sang châu Á của Tổng thống Barack Obama. Về thực chất, việc Mỹ rút khỏi TPP có thể biếu cho Trung Quốc những cơ hội kinh tế rất lớn tại các nước Đông Nam Á.

Nhưng, dù Mỹ không tham gia TPP, chúng ta không nên quên rằng Mỹ đã hưởng lợi 1.620 tỉ USD trong thương mại với châu Á trong một năm (2014). Vì vậy, Mỹ khó trở thành một đối tác thứ yếu trong đời sống kinh tế khu vực này. Điều này sẽ không thay đổi bởi sự thất bại của TPP.

Giáo sư có thể cho bạn đọc TTCT biết đôi điều về công trình nghiên cứu mới về Trung Quốc của giáo sư tiếp sau China’s Future?

- Hơn 40 năm nghiên cứu Trung Quốc, tôi đã xuất bản hơn 30 cuốn sách và hơn 200 bài báo về đất nước này. Tất cả, chủ yếu liên quan đến các chính sách đối nội, đối ngoại và quốc phòng của Trung Quốc.

Về nhiều phương diện, China’s Future là tác phẩm “đỉnh cao” trong sự nghiệp nghiên cứu Trung Quốc của tôi. Và tôi dự tính công trình sắp tới sẽ khảo về lịch sử đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc hơn 40 năm qua. Tôi cũng sẽ đến Singapore vào tháng 1-2017, dành sáu tháng nghiên cứu cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung tại khu vực Đông Nam Á. Tôi hi vọng sẽ thăm Việt Nam trong thời gian này.

Cảm ơn giáo sư. ■

Tôi rất hào hứng khi cuốn sách quan trọng nhất của tôi cho đến nay được dịch và xuất bản tại Việt Nam! Điều này mang lại cho tôi hạnh phúc nghề nghiệp. Tôi đã hai lần đến Việt Nam, tại Hà Nội và tại TP.HCM, và có cảm nhận rất lạc quan về đất nước các bạn. Như một thiên định, các bạn sống sát bên Trung Quốc, vì vậy, hi vọng bạn đọc Việt Nam có thể tìm thấy thêm những thông tin hữu ích về Trung Quốc từ một nhà nghiên cứu người Mỹ.

Giáo sư DAVID SHAMBAUGH

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận