Tôi, nghề viết và "nửa kia" công nghệ

ĐẶNG HOÀNG GIANG 04/07/2022 17:05 GMT+7

TTCT - Một tường thuật của một tác giả sách về cách anh sử dụng công nghệ trong quá trình viết lách.

 Tôi vô cùng khâm phục những tác giả viết sách của các thế hệ trước, khi những công nghệ duy nhất mà họ có là cây bút hay cái máy chữ và những cuốn sách giấy trong thư viện. Trong điều kiện làm việc như vậy, tôi sẽ cần gấp nhiều lần thời gian tôi đã cần cho mỗi cuốn sách của mình, và bỏ ra nhiều lần số chi phí tôi đã bỏ ra.

Công cụ chủ đạo cho quá trình viết của tôi là Scrivener, một phần mềm của Công ty Literature & Latte. Sự khác biệt giữa Scrivener và MS Word cũng lớn như sự khác biệt giữa Word và viết tay trên giấy. Với Scrivener, tôi có một hệ thống lưu trữ tư liệu, tôi cấu trúc cuốn sách, tái cấu trúc nó, dịch chuyển giữa các chương, nhập hay tách chúng, thay đổi thứ tự của chúng và chuyển các mảng nội dung từ chương này qua chương kia một cách dễ dàng. Tôi có thể “đính” các ghi chép hay ảnh lên trên “bảng đen”, lưu lại các phiên bản cũ của thứ tôi đang viết, trong trường hợp tôi không hài lòng với phiên bản mới. Tất cả những thao tác đó tôi làm với sự mượt mà và nhanh chóng mà Word không có.

Công cụ quan trọng không kém với tôi là Google và Google Scholar. Các cuốn phi hư cấu của tôi đều yêu cầu tôi tiếp cận một lượng thông tin khổng lồ, các bài báo phổ thông, các video, các công trình nghiên cứu, các diễn đàn trên các mạng xã hội. Ba mươi năm trước, tôi sẽ phải chăm chỉ đọc rất nhiều báo giấy, cắt ra những bài tôi quan tâm, và dán chúng vào các cuốn vở theo các chủ đề khác nhau rồi tìm lại chúng, chỉ hình dung ra đã thấy khó nhọc.

Amazon là một công cụ quan trọng khác. Tôi có thể “nhìn” vào các cuốn sách để xem chúng có thực sự hữu ích cho mối quan tâm của tôi, và chỉ 3 giây sau khi ấn nút “Mua”, tôi đã có thể đọc chúng trên laptop của mình. Trước kia, khi học đại học (lúc đó chưa có Internet), tôi sẽ phải mất nửa ngày để tới thư viện, đặt sách, phát hiện ra là cuốn đó tôi không quan tâm, đặt cuốn khác. Nhiều lúc tôi sẽ phải đợi cả tuần lễ để cuốn sách được chuyển tới từ một thư viện khác.

Tôi cũng dựa nhiều vào các trang mạng cung cấp sách hay bài báo chuyên môn “miễn phí”. Chữ miễn phí được để trong ngoặc kép bởi các trang này thực ra đang vi phạm bản quyền. Tôi biết điều này không công bằng với các tác giả của những cuốn sách hay bài báo mà tôi sử dụng, nhưng sống ở một quốc gia có hệ thống thư viện công yếu kém, tôi không có lựa chọn nào khác nếu như không muốn bỏ ra hàng ngàn USD để tiếp cận những cuốn sách hay bài báo chuyên môn mà tôi cần. 

Mặt khác, tôi tự nhủ nếu một sinh viên Việt thu nhập thấp hay một ai đó ở châu Phi muốn đọc sách của tôi theo dạng “chùa” thì tôi cũng sẽ thông cảm. Thực tế, tôi biết có nhiều bản pdf các cuốn sách của tôi đang trôi nổi trên mạng.

Khi chuyện trò với các nhân vật, tôi cũng dùng máy ghi âm để không phải cố gắng ghi chép đuổi theo câu chuyện; qua đó tôi có thể rảnh rang quan sát ngôn ngữ cơ thể, nét mặt, cảm xúc của họ cũng như môi trường xung quanh. Trước kia, tôi dùng một cái máy ghi âm nhỏ hạng bán chuyên nghiệp, có hai micro chĩa ra hai hướng để thu âm stereo nhưng giờ đây smartphone đã tốt lên rất nhiều, mà các file của chúng lại có dung lượng nhỏ hơn nhiều.

Một phần lớn các trao đổi của tôi với các nhân vật được thực hiện qua Zalo hay Messenger và có thể xảy ra lúc nửa đêm, điều tôi sẽ không thể làm được trước kia khi tôi và họ bắt buộc phải trực tiếp gặp mặt để có thể chuyện trò.

Ngoài ra, tôi còn có hai công cụ công nghệ gián tiếp quan trọng cho việc viết lách của mình. Hằng ngày, tôi chỉ có thể lướt qua các tin tức, ví dụ cái tát của Will Smith, chứ không có thời gian đọc các bài phân tích sâu sắc (chủ yếu của báo chí nước ngoài), ví dụ về mối liên quan giữa cái vung tay này của Smith và văn hóa mà chúng ta đang sống, về khía cạnh giới hay bạo lực gia đình của nó. Những bài này, tôi sẽ lưu lại trong một ứng dụng tên là Pocket. Đến cuối một dự án sách của tôi thì số lượng các bài tôi muốn đọc mà tồn đọng trên Pocket lên tới cả ngàn.

 
 

 Sau một cuốn sách, thường tôi sẽ dành vài tháng để đọc những bài này. Khi đó, tôi nhìn lại những gì đã xảy ra, nghệ sĩ làm từ thiện, nhân quyền trong đại dịch, chính nghĩa và phi nghĩa trong chiến tranh Ukraine… với độ lùi thời gian và có thể suy ngẫm kỹ hơn về những cơ chế xã hội, quyền lực, chính trị nằm đằng sau chúng. Đây là cách tôi trau dồi hiểu biết và suy nghĩ của mình và lấy nó làm nền tảng cho các viết lách của bản thân.

Công cụ thứ hai là DayOne, một phần mềm để viết nhật ký. Tôi viết nhật ký vừa để rỗng đầu, tĩnh tâm vừa như một sự luyện tập, như người nhạc công piano chơi những bản etude chạy lên chạy xuống trên phím đàn, hay một cầu thủ bóng đá tập chuyền bóng. Hiển nhiên người ta có thể viết nhật ký bằng Word hay trên giấy nhưng DayOne cho phép tôi dễ dàng đính kèm một cái ảnh, đọc lại ngày này các năm trước tôi đã viết gì, lúc đó tôi ở đâu, hoặc tìm những trang nhật ký của tôi theo một từ khóa. Tôi cũng có thể bắt đầu trang nhật ký trên laptop và viết tiếp nó trong taxi, trên điện thoại.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận