Trồng đúng cây, gây đúng rừng

TỊNH ANH 28/10/2020 07:10 GMT+7

TTCT - Trồng thêm cây xanh khắp thế giới vẫn thường được nhắc đến như một trong những giải pháp hàng đầu để chống biến đổi khí hậu, giữ gìn đa dạng sinh học. Nhưng có nhiều thứ đáng lo đằng sau những con số hàng triệu cây, tỉ cây trồng thêm cho hành tinh này.

Ảnh: UNEP

Năm 2011, Chính phủ Đức và Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế phát động mục tiêu Bonn Challenge khôi phục 150 triệu ha đất suy thoái và đất rừng bị phá cho đến năm 2020, và nâng lên 350 triệu ha đến năm 2030. Diễn đàn kinh tế thế giới Davos 2020 vừa rồi cũng công bố dự án The Trillion Tree Campaignvới tham vọng trồng 1.000 tỉ cây xanh trên khắp hành tinh trước khi thập kỷ này kết thúc.

Thế nhưng, những cam kết phủ xanh như vậy có thể “sẽ không tạo ra rừng tự nhiên mà chúng ta cần”, như tít bài viết trên E360, chuyên trang môi trường của Trường Môi trường Đại học Yale, hồi tháng 4-2019. Lý do là vì đa số rừng trồng thêm theo cam kết tăng độ che phủ rừng ở nhiều quốc gia trên thế giới là cây độc canh, và chúng “sẽ sớm bị chặt, và do đó không giúp gì nhiều cho việc chống biến đổi khí hậu hay bảo tồn đa dạng sinh học”.

Vấn đề của rừng cây công nghiệp

Tác giả bài viết, Fred Pearce, nhà báo khoa học nổi tiếng với nhiều cuốn sách về môi trường và biến đổi khí hậu, khẳng định trồng lại rừng trên Trái đất là một trong những thách thức sinh thái học lớn nhất của thế kỷ 21. Dựng lại rừng là cần thiết để đạt các mục tiêu về khí hậu, là con đường duy nhất để thoát khỏi một đợt tuyệt chủng mới và gần như là cách tốt nhất để giữ lượng mưa trên hành tinh này.

Vấn đề là, theo kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí uy tín Nature vào tháng 9-2019, số rừng được cam kết trồng mới đa số là cây có giá trị thương mại, như keo, bạch đàn, cây ăn trái, vốn sẽ được thu hoạch sau thời gian ngắn rồi trồng lại. Những rừng cây này có lợi về kinh tế, song xét về mặt bảo tồn đa dạng sinh học và bắt nhốt carbon, chúng lại không phải là loại rừng mà hành tinh này cần.

“Việc thu hoạch và dọn dẹp rừng sẽ đưa số CO2 được lưu giữ trở lại khí quyển sau 10-20 năm; trái lại, rừng tự nhiên sẽ tiếp tục bắt nhốt carbon trong nhiều thập niên” - hai tác giả chính của nghiên cứu, nhà địa lý Simon Lewis (Đại học Leeds) và nhà nghiên cứu rừng nhiệt đới Charlotte Wheeler (Đại học Edinburgh), viết trên Nature.

Một trong những điểm khác nhau cơ bản giữa rừng tự nhiên và rừng trồng là rừng trồng gồm các loài đơn lẻ, mật độ trồng và cấp tuổi đồng đều, thời gian luân canh ngắn, so với đặc điểm cây cối đa dạng, nhiều tầng, có nhiều loài động vật của rừng tự nhiên, theo định nghĩa của FAO.

Theo hai nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách đã diễn dịch sai khái niệm tái trồng rừng (forest restoration) và khiến công chúng hiểu lầm về các cam kết trồng rừng của họ. Lewis, Wheeler và các cộng sự phân tích các cam kết trồng rừng của các chính phủ, phát hiện 45% chỗ rừng được cam kết trồng mới sẽ là cây độc canh và 21% là cây ăn trái. Chỉ có 31% là được quy hoạch theo kiểu tái sinh tự nhiên (natural regeneration), tức giữ cho các khu đất khỏi các nguy cơ cháy hay bị con người xâm hại, và điều này sẽ giúp cây cối tự mọc trở lại và “rừng sẽ nên xanh”.

Hai nhà nghiên cứu cho rằng rừng trồng là cây độc canh vẫn có thể trồng, nhưng không nên được tính vào phần “rừng đã trồng được” và xem là thành quả của việc thực thi các cam kết như Bonn Challenge. Nói cách khác: nếu cam kết phủ xanh thêm X hecta, hãy để toàn bộ diện tích đó là rừng tự nhiên. Phần rừng trồng độc canh nếu có sẽ xem là phần cộng thêm, chứ không bao gồm trong X.

Ảnh: Yale E360

Để rừng tự tái sinh?

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra lợi ích của giải pháp để rừng tự tái sinh như Lewis có nhắc đến. Chẳng hạn, một nghiên cứu cũng đăng trên Nature vào tháng 9-2020 cho thấy cứ để rừng mọc lại tự nhiên mà không can thiệp gì chính là cách khôi phục rừng, cùng với đó là các cây bản địa và động vật hoang dã, rẻ hơn trồng rừng truyền thống.

Trưởng nhóm nghiên cứu, Susan Cook-Patton, thuộc Tổ chức Nature Conservancy, cho rằng để rừng tự tái sinh là một công cụ chống biến đổi khí hậu mạnh mẽ nhưng đơn giản: chỉ cần lùi lại và để rừng phục hồi trên những vùng đất đã bị chặt phá trước đó. “Điều cần làm là ngưng việc sử dụng đất có thể ngăn rừng không mọc lại; chẳng hạn nếu bãi đất đó đang dùng để chăn thả gia súc thì hãy “dẹp” lũ bò đi và dựng hàng rào lên” - nhà khoa học về tái tạo rừng nói với báo The Guardian.

Nhóm nghiên cứu cho rằng những khu rừng tự mọc lại có thể thu giữ carbon và tạo môi trường sống cho đa dạng sinh học với chi phí thấp hơn cho việc trồng cây. Tuy nhiên, Cook-Patton cũng lưu ý không phải lúc nào cũng có thể áp dụng giải pháp này. Với các điểm rừng suy thoái cao, cần có can thiệp của con người, chẳng hạn trồng cây ban đầu để tạo “cú hích” để cây cối mọc lại, chim chóc và thú vật tìm về.

Trong bài viết trên E360, Fred Pearce cũng dẫn lời các chuyên gia lâm nghiệp và biến đổi khí hậu cho rằng một phần không kém quan trọng trong tái tạo rừng là hỗ trợ các chính sách giúp các khu rừng suy thoái tái sinh tự nhiên. Theo Pearce, có một thực tế ít được chú ý là “đã có nhiều khu rừng suy thoái đang mọc lại với phần lớn đa dạng sinh học cũ được giữ lại”.

Lạc quan hơn, Philip G. Curtis, chuyên gia của Tổ chức Sustainability Consortium, ước tính rằng chỉ có khoảng 1/4 số rừng bị phá mỗi năm là mất đi vĩnh viễn. Đa số phần còn lại, dù là nạn nhân của cháy rừng hay khai thác gỗ trái phép, rồi sẽ tự khôi phục.

Tuy nhiên, nhà địa lý Matthew Fagan (Đại học Maryland) cho rằng để rừng tái sinh tự nhiên sẽ không cứu được hành tinh chúng ta, do lẽ rừng non dễ bị chặt hay cháy hơn rừng già, và vì thế dễ thành nạn nhân của nông dân phá rừng làm rẫy hay lâm tặc.

Fagan dẫn chứng các khoảnh rừng thứ sinh (đã khôi phục sau khi bị tàn phá) ở Amazon thường chỉ tồn tại 5-8 năm. Ngay cả ở Costa Rica, quốc gia nổi tiếng về tái tạo rừng khi độ che phủ rừng tăng gấp đôi trong những thập niên gần đây, một nửa số rừng thứ sinh cũng tiếp tục mất đi sau 20 năm.

Rõ ràng để tái tạo rừng không phải là việc đơn giản, dù chọn cách trồng cây gây rừng hay để rừng tự tái sinh. Có một điều chắc chắn rừng là một phần quan trọng để giải bài toán khí hậu. “Bí quyết thành công là xác định được khi nào nên trồng cây và khi nào để rừng tự mọc lại” - Cook-Patton chia sẻ.■

Một nghiên cứu do Trường Khoa học trái đất, năng lượng và môi trường (Đại học Stanford) thực hiện, công bố trên tập san Nature Sustainability ngày 22-6-2020 cũng cho thấy những nỗ lực trồng cây diện rộng lại có thể dẫn đến mất đa dạng sinh học và đóng góp ít ỏi vào việc chống biến đổi khí hậu.

Chẳng hạn, nhóm nghiên cứu chỉ ra gần 80% diện tích khôi phục rừng được cam kết tham gia chiến dịch Bonn Challenge là rừng trồng cây độc canh, hoặc là một tập hợp hạn chế gồm cây lấy quả hoặc cây cao su, thay vì khôi phục rừng tự nhiên.

Nghiên cứu cũng nhấn mạnh rừng trồng thường có ít khả năng bắt và nhốt carbon, tạo ra môi trường sống và chống xói mòn đất như rừng tự nhiên. Tác dụng ngược của các chiến dịch trồng cây sẽ còn rõ ràng hơn nếu trồng cây mới trên đất rừng tự nhiên, đồng cỏ hoặc thảo nguyên - các hệ sinh thái có vai trò quan trọng với tính đa dạng sinh học bản địa độc đáo.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận