Trung Quốc và nền kinh tế gấu trúc

NGUYỄN THÀNH TRUNG 05/12/2023 09:47 GMT+7

TTCT - Hoạt động ngoại giao gấu trúc của Trung Quốc là một bước đi khôn ngoan nhất cử lưỡng tiện: vừa có thêm nguồn lực để bảo tồn loài động vật dễ thương này vừa giúp họ quảng bá hình ảnh đất nước.

Khi đi học sau đại học Trung Quốc gần 20 năm trước, một trong những mục tiêu tôi tự đặt ra là phải nhìn thấy... gấu trúc ngoài đời thực. 

Loài vật ngộ nghĩnh với cái đầu xù lông trắng tinh, đôi mắt viền đen nhìn y như cả năm thiếu ngủ là loài mà tôi tin là hầu như mọi sở thú đều muốn sở hữu, bởi rất nhiều người yêu dáng vẻ cục mịch, hài hước đáng yêu của chúng. Khu vực nhà gấu trúc ở Sở thú Thượng Hải hay Hong Kong luôn đông kín người xem.

Ảnh: Politico

Ảnh: Politico

Không chỉ ở nội địa, gấu trúc, vốn là động vật bản địa chỉ ở tỉnh Tứ Xuyên, miền tây nam Trung Quốc, còn là sức hút lớn với các vườn thú khắp thế giới và mang lại doanh thu đáng kể. Sở thú Edinburgh ở Scotland báo cáo lượng du khách tăng thêm 4 triệu và tổng doanh thu tăng hơn 5 triệu bảng Anh (6 triệu USD) trong hai năm sau khi nhận nuôi gấu trúc vào năm 2013.

Ngoại giao gấu trúc

Tất nhiên, chính quyền Trung Quốc không phải không biết điều này. Ngay từ thời Đường, sử liệu đã ghi chép chuyện hai cặp gấu được tặng cho triều đình Nhật Bản dưới thời Hoàng đế Võ Tắc Thiên (624-705). 

Từ đó tới nay, gấu trúc đã trở thành một biểu tượng được nhận biết nhất Trung Quốc. Việc Chính phủ Trung Quốc tặng hoặc cho các nước khác mượn gấu trúc là biểu tượng cho tình hữu nghị, thiện chí, là cử chỉ trân trọng tới mức đã được báo chí gọi là "ngoại giao gấu trúc". 

Những chú gấu đen trắng dáng vẻ hiền lành được coi là những đại sứ dễ thương, nhưng câu chuyện đằng sau mang tính chính trị nhiều hơn.

Trước hết, việc một quốc gia được thuê gấu trúc hay không có thể tiết lộ nhiều điều về tình trạng mối quan hệ của nước đó với Trung Quốc.

Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm đầu tiên tới Liên minh châu Âu với tư cách nguyên thủ quốc gia vào đầu năm 2014, ông đã khánh thành khu gấu trúc ở Pairi Daiza, một vườn thú cách Brussels khoảng 60km cùng Vua Philippe của Bỉ.

Trong chuyến thăm cấp nhà nước lần thứ hai của ông Tập tới Hamburg (Đức) để tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 7-2017, ông và phu nhân Bành Lệ Viên đã chào đón hai chú gấu trúc Trung Quốc đến Vườn thú Berlin cùng thủ tướng Đức lúc bấy giờ Angela Merkel và phu quân. 

Khi ông Tập thăm Phần Lan tháng 4-2017, quốc gia Bắc Âu này đã ký thỏa thuận mượn của Trung Quốc hai con gấu trúc. Danh sách các quốc gia nhận gấu trúc rất phong phú, từ Đan Mạch, Hà Lan, Nga cho đến Qatar và Malaysia.

Tuy nhiên, kể từ khi ông Tập lên nắm quyền từ năm 2012 tới nay, không có con gấu trúc mới nào tới Mỹ. Trừ khi Bắc Kinh sớm cho Washington mượn một số gấu trúc, nước Mỹ sẽ không còn con nào vào cuối năm nay, khi hợp đồng thuê những gấu trúc cuối cùng ở Mỹ đáo hạn. Tình hình trùng với thời kỳ quan hệ Trung - Mỹ có lẽ đang ở mức thấp nhất trong hơn 50 năm qua.

Ảnh: Spiegel.com

Ảnh: Spiegel.com

Phải tới chuyến thăm Mỹ dự Hội nghị APEC vào giữa tháng 11 vừa rồi, ông Tập mới phát đi tín hiệu Trung Quốc sẽ gửi những chú gấu trúc mới đến Mỹ, và gọi chúng là "sứ giả của tình hữu nghị giữa nhân dân Trung Quốc và Mỹ". 

Ông Tập nói: "Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục hợp tác với Mỹ về bảo tồn gấu trúc và cố gắng hết sức để đáp ứng mong muốn của người dân California nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc chúng ta". Lần cuối cùng mà Sở thú San Diego, tiểu bang California có gấu trúc là năm 2019.

Câu nói của ông Tập diễn ra trong bối cảnh những "nhà ngoại giao" gấu trúc của Trung Quốc đang được "triệu hồi" trên toàn thế giới. 

Theo tờ The Washington Post, ba con gấu trúc: Mỹ Hương (Mei Xiang, 25 tuổi, cái), Thiêm Thiêm (Tian Tian, 26 tuổi, đực) và gấu con Tiểu Kỳ Tích (Xiao Qi Ji, 3 tuổi) tại Vườn thú quốc gia Washington, D.C. dự kiến trở về Trung Quốc trước ngày 7-12 năm nay, khi hợp đồng cho mượn hết hạn. 

Bốn con gấu trúc ở Sở thú Atlanta, tiểu bang Georgia, cũng sẽ trở về Trung Quốc vào năm tới nếu thỏa thuận gia hạn không được ký kết.

Nước Anh cũng sẽ không còn hai con gấu trúc cuối cùng vào tháng 12, Úc cũng vậy vào năm tới nếu thỏa thuận hiện tại không được gia hạn. Trước đó, gấu trúc đã rời Sở thú thành phố Memphis, tiểu bang Tennessee tháng 4 năm nay.

Những con gấu từ lâu đã trở thành biểu tượng của tình hữu nghị Mỹ - Trung kể từ khi Bắc Kinh tặng một cặp gấu trúc cho Vườn thú quốc gia ở Washington sau cuộc gặp lịch sử giữa tổng thống Mỹ Richard Nixon và lãnh đạo Trung Quốc lúc bấy giờ là Mao Trạch Đông vào năm 1972, trước khi bình thường hóa quan hệ song phương vào đầu năm 1979. 

Bà Pat Nixon và con gấu trúc Trung Quốc tặng cho Mỹ. Ảnh: Richard Nixon Foundation

Bà Pat Nixon và con gấu trúc Trung Quốc tặng cho Mỹ. Ảnh: Richard Nixon Foundation

Hai con gấu trúc Linh Linh (Ling Ling) và Hưng Hưng (Hsing Hsing) được chào đón tới Vườn thú quốc gia Mỹ vào ngày 20-4-1972 trong một buổi lễ có bà Pat Nixon, đệ nhất phu nhân Mỹ cùng khoảng 20.000 người. Tờ The New York Times lúc bấy giờ giật tít: "Những con gấu trúc mới làm tan chảy trái tim ở Vườn thú quốc gia".

Kinh tế gấu trúc

Từ năm 1957 đến 1982, Trung Quốc đã tặng tổng cộng 23 con gấu trúc lớn cho 9 quốc gia: Liên Xô, Triều Tiên, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Tây Ban Nha và Mexico. Đến năm 1984, chính sách ngoại giao gấu trúc của Trung Quốc thay đổi. Những con gấu không còn được tặng làm quà nữa, mà thay vào đó được cho mượn trong 10 năm, có thể được gia hạn.

Đổi lại, các nước tiếp nhận sẽ phải trả một khoản phí hằng năm thường là 500.000 - 1 triệu USD cho mỗi con gấu, một phần số tiền này được dùng cho mục đích bảo tồn gấu trúc, nghiên cứu và triển lãm. 

Ngoài ra theo thỏa thuận cho mượn, những chú gấu trúc con sinh ra ở nước ngoài vẫn là tài sản của Trung Quốc và sẽ phải được trả về Trung Quốc trước sinh nhật lần thứ tư của chúng. Điều đó đồng nghĩa nước nhận gấu trúc phải bỏ chi phí nhiều hơn.

Những "nhà ngoại giao" gấu trúc này vốn đã rất tốn kém cho nước tiếp nhận. Trong hơn 20 năm qua, các nước từ Phần Lan đến Mỹ được cho là đã tốn gần 300 triệu USD cho những con gấu trắng đen dễ thương. 

Chi phí không chỉ bao gồm tiền thuê mà còn tiền thức ăn, bảo hiểm và tu sửa chuồng trại. Theo ước tính, chi phí trung bình để xây dựng một ngôi nhà cho gấu trúc ở vườn thú khoảng 10 triệu euro (11,82 triệu USD).

Dave Towne, chủ tịch Quỹ Bảo tồn gấu trúc lớn ở Bắc Mỹ, cho biết việc chăm sóc một con gấu trúc có thể tiêu tốn hơn 1 triệu USD mỗi năm. Ngoài tiền trả cho người huấn luyện và chăm sóc y tế, tiền ăn cho gấu trúc cũng là một khoản chi lớn. 

Đấy là những con vật hết sức kén chọn thức ăn nhưng lại ăn rất nhiều. Theo tờ Telegraph, tuy gấu trúc là loài có thể ăn tạp và được xếp vào bộ ăn thịt, thực tế chúng chỉ ăn tre, trúc. Mỗi con gấu trúc trưởng thành có thể ăn tổng cộng 38kg tre, trúc mỗi ngày. Hai con gấu trúc ở Scotland hiện ăn khẩu phần tre hữu cơ nhập khẩu giá trị hơn 100.000 USD mỗi năm.

Ảnh: Finavia

Ảnh: Finavia

Canada từng phải từ bỏ gấu trúc vì gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung cấp tre cho chúng. 

Còn sở thú ở Ahtari, một thị trấn nhỏ với dân số khoảng 5.400 người ở Phần Lan, cho biết họ không còn đủ khả năng để nuôi gấu trúc nữa khi mới hoàn thành 5 năm trong hợp đồng trị giá hàng triệu đô la kéo dài 15 năm. 

Vườn thú Ahtari đã tiêu tốn 8,2 triệu euro (8,7 triệu USD) cho chi phí xây dựng ngôi nhà cho gấu trúc, chưa kể chi phí nuôi dưỡng lên tới 1,5 triệu euro (1,6 triệu USD) mỗi năm nữa.

Nuôi nấng tốn kém thế nhưng lại không dễ mà được Trung Quốc cho mượn gấu trúc. Đó thường phải là những nước mà Bắc Kinh thật sự muốn gây ảnh hưởng hay có các thỏa thuận thương mại quan trọng. 

"Tại sao Sở thú Edinburgh có gấu trúc trong khi Sở thú London thì không? Có lẽ vì Scotland có nguồn tài nguyên thiên nhiên mà Trung Quốc muốn có cổ phần" - Kathleen Buckingham ở Trường Địa lý và Môi trường Đại học Oxford, một chuyên gia về gấu trúc, nêu câu hỏi. 

Quả thật, những chú gấu trúc đã được gửi đến Scotland vào năm 2011 sau khi Trung Quốc ký một thỏa thuận dầu mỏ với Scotland. ■

Năm 2014, Quỹ Bảo vệ thiên nhiên thế giới cho biết hiện còn khoảng 1.864 con gấu trúc sống ở vùng núi nhiều tre trúc ở các tỉnh Tứ Xuyên, Thiểm Tây và Cam Túc, được theo dõi chặt chẽ và bảo vệ trước bọn săn trộm. Hơn 300 con nữa đang sống trong các trung tâm nuôi nhốt và vườn thú, chủ yếu ở Trung Quốc.

Năm 2016, Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế đã chuyển tình trạng gấu trúc từ "có nguy cơ tuyệt chủng" sang "dễ tổn thương", nhằm ghi nhận những nỗ lực bảo tồn của Trung Quốc suốt nhiều thập niên.

Một phần thành công của Trung Quốc trong công tác bảo tồn là từ nguồn tiền mà các quốc gia khác trả cho thỏa thuận cho mượn gấu nên cho mượn gấu trúc là những động thái "nhất tiễn hạ song điêu". Trung Quốc vừa được lợi trong việc có kinh phí bảo tồn gấu trúc vừa quảng bá được hình ảnh đất nước qua các đại sứ bốn chân dễ thương.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận