Từ cái nắp chai đến dự án 1 tỉ USD

TTCT - Câu chuyện cuối năm của tôi với Đỗ Duy Thái, tổng giám đốc Công ty TNHH Thép Việt, không hề là một câu chuyện kinh doanh. Chúng tôi bắt đầu và kết thúc buổi nói chuyện về một “giấc mơ”: làm thế nào để từ cái nắp chai, người ta tiến đến dự án 1 tỉ USD?

Phóng to
Ông Đỗ Duy Thái, tổng giám đốc Công ty TNHH Thép Việt
TTCT - Câu chuyện cuối năm của tôi với Đỗ Duy Thái, tổng giám đốc Công ty TNHH Thép Việt, không hề là một câu chuyện kinh doanh. Chúng tôi bắt đầu và kết thúc buổi nói chuyện về một “giấc mơ”: làm thế nào để từ cái nắp chai, người ta tiến đến dự án 1 tỉ USD?

1. Giấc mơ Đỗ Duy Thái bắt đầu kể:

- Nhân viên của tôi đi làm chương trình “Ngôi nhà mơ ước” về kể chuyện: có một bà mẹ, buổi sáng quảy gánh xôi đi bán, trưa về quăng gánh xôi, cầm xấp vé số đi khắp đường phố Sài Gòn, đến giờ xổ số, bà quày quả trở về với gánh bún bò Huế. Cứ vậy, từ ngày này qua ngày khác để nuôi bốn đứa con học đại học. Nhân viên của tôi lắc đầu: không thể ngờ trên đời này còn có những người cực khổ đến tận cùng vậy. Tôi hỏi: Ai cực? Bà mẹ đó cực hay chúng ta cực? Bạn có biết người phụ nữ ấy đang sống trên một thiên đường nơi trần thế không? Bạn có biết bà đang thực hiện một sứ mạng vĩ đại nhất với một giấc mơ mà hàng triệu bà mẹ khác không hề có được: giấc mơ về những đứa con thành đạt. Hỏi có giấc mơ nào lớn và đẹp như thế không? Tôi ngưỡng mộ những người có giấc mơ như thế...

Đỗ Duy Thái sinh năm 1953, bắt đầu công việc kinh doanh từ năm 26 tuổi với cơ sở sản xuất các sản phẩm cao su những năm 1980. Bảy năm sau, ông chuyển qua kinh doanh thép và sau bảy năm nữa, năm 1992, Công ty Thép Việt ra đời. Năm 1995, Thép Việt liên doanh mở hai công ty Thép Tây Đô và Công ty sản xuất sản phẩm mạ Vigal. Năm 1999, thành lập thêm Công ty thép Pomina với số vốn 68 triệu USD. Năm 2004 xây dựng Nhà máy Thép Việt tại Khu công nghiệp Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) công suất luyện 1 triệu rưỡi tấn/năm và 1 triệu tấn cán và cảng biển... với số vốn 300 triệu USD. Kế hoạch từ năm 2010, Thép Việt sẽ đầu tư một khu công nghiệp thép hoàn chỉnh, một “thành phố thép” với diện tích 1.000ha và vốn đầu tư là 1 tỉ USD.

* Ông có vẻ rất say sưa khi nói về “giấc mơ”. Trong chuyện lập nghiệp của ông, “giấc mơ” có thống trị không?

- Khi làm được cái nắp chai cao su đầu tiên, tôi thấy như thiên đường đến với mình. Mỗi khi bước vào xưởng sản xuất, nghe tiếng máy chạy là thấy mình như tiên. Tôi bắt đầu mê, quên ăn quên ngủ vì xưởng máy. Và bắt đầu một giấc mộng của nhà sản xuất lớn. Năm 1995, khi sản xuất thép, đi tham quan Malaysia, Thái Lan, Đài Loan... tôi mê tới mức cứ đổi lịch trình, ngủ đêm lại ngay tại nhà máy thép lớn. Ở đó, tôi nhìn ngó, nói chuyện với những giám đốc, những công nhân, kỹ sư... mà đầu óc lúc nào cũng nghĩ tới viễn cảnh sẽ có được những thứ như vậy tại VN mình.

Nhà tư sản ở VN lớn lên theo quá trình đổi mới. Tôi sống, làm và đo vận nước. “Vận nước” thật ra chính là cơ hội để nhà doanh nghiệp “làm ăn được”. Ít ai biết tôi ngồi trước tivi hằng đêm không sót một bản tin thời sự nào chỉ để xem động thái của Chính phủ, chính sách của Chính phủ có gì thay đổi không. Đối với nhà công nghiệp, điều họ sợ nhất là chính sách thay đổi.

Ngày thành lập Công ty thép Pomina, các vị chuyên gia cản tôi: “Coi chừng Chính phủ thay đổi chính sách”. Thách thức lớn nhất của tôi là phải thuyết phục mọi người đi cùng mình. Sau khi thành lập Nhà máy thép Pomina cùng với kế hoạch đưa người đào tạo ở Ý, tôi đã khẳng định: “Cái đúng rồi sẽ đến và đất nước sẽ được điều chỉnh theo hướng tích cực!”.

Một người làm thương mại có thể thiên về chiến thuật hơn về chiến lược nhưng một người làm công nghiệp phải nghĩ nhiều về chiến lược. Kinh doanh ngành khác, bạn có thể tính tháng, tính năm, nhưng với ngành công nghiệp nặng, đó là câu chuyện vài chục năm. Trong phòng tôi chỉ treo duy nhất bức tranh về một quảng trường ở Ý mà để hoàn thành nó, người ta phải mất ba thế kỷ, tức là rất nhiều đời để làm. Câu chuyện trong bức tranh tôi nhìn ngắm hằng ngày là câu chuyện thế kỷ.

* Nếu có một câu hỏi của những người trẻ tuổi dành cho ông: thời buổi này làm cách nào để đi từ cái nắp chai đến dự án 1 tỉ USD?, ông sẽ trả lời sao?

- Đi từng bước. Lúc đầu, tôi chỉ tìm đường để có một hướng đi. Rồi tôi sản xuất được những cái nắp chai, vỏ xe cao su và thấy mục đích của cuộc đời là phải trở thành một nhà sản xuất lớn. Mục đích đó nung nấu mãnh liệt trong tôi ngay từ thời làm nghề buôn thép: Tại sao VN không có những nhà công nghiệp nặng tầm cỡ thế giới như Hàn Quốc hay Nhật Bản? Rồi càng đi tôi càng ngộ ra những con đường. Tôi có thói quen là qui mọi việc phức tạp thành những điều cơ bản nhất để hỏi mình muốn gì và đang làm gì? Mình đi tới đâu trong mục đích lớn của mình? Tôi học từng ngày, thay đổi từng ngày bởi tôi có lòng tự trọng. Đừng tưởng ngồi chiếc ghế tổng giám đốc là sướng: tiền của cổ đông đó, một cuộc họp mà anh không vạch ra được một chiến lược, không chứng minh được anh có kiến thức, năng lực và đang xài đúng đồng tiền của họ cho một giấc mơ chung thì... vui lòng bước ra khỏi ghế.

2. Nền tảng cơ bản của quốc gia

Khi hỏi về tâm trạng của ông với ngành công nghiệp thép quốc gia, ông bật dậy như lò xo:

- Ở VN, chiến lược cho ngành công nghiệp thép, theo tôi, là chưa được phù hợp lắm. Tôi thường nói thép chính là lương thực cho ngành công nghiệp nặng, đã là lương thực thì phải có an ninh lương thực, nếu không, mãi mãi công nghiệp nặng VN chỉ là con số 0, phụ thuộc nước ngoài.

Tại sao cả nước hoan nghênh khi Intel đầu tư vào VN? Bởi đó là thứ ta không làm được. Còn bây giờ, tổng lượng thép tiêu thụ cho xây dựng và thép tấm lá là 8 triệu tấn, trong đó một nửa là thép xây dựng thì công suất đã vượt cầu khoảng 40%, chỉ còn lại là thép tấm lá với tiêu thụ hằng năm chưa đến 4 triệu tấn nhưng chỉ cần hai khu liên hợp thép là đủ nhưng nay tỉnh này duyệt dự án thép, mai tỉnh kia đồng ý cho nước ngoài mở khu công nghiệp sản xuất thép...

Nó làm nhà đầu tư trong nước ngồi trên lửa mà không biết kêu ai! Khi chúng ta mở cửa thị trường vốn, tiền tỉ USD không còn là vấn đề. Thậm chí bây giờ doanh nghiệp tiền rất nhiều, nhưng “sân chơi” quá hẹp và việc đầu tư tạo những thương hiệu lớn của VN để vươn ra thế giới thì chưa ai bàn cả. Họ ôm tiền nhiều quá nhưng không biết làm gì, quay ra đầu tư vào đất, khiến giá đất tăng vọt ngang bằng đất ở Hong Kong. Hậu quả là người nghèo, người hưởng lương mãi mãi không bao giờ có thể mua được nhà bằng đồng lương của chính mình.

Trong khi ở nhiều ngành (ví dụ: ngành điện, điện thoại...) có tình trạng Nhà nước “tranh làm ăn với dân”. Nước ta đang thiếu cái gì? Phải xây dựng được một nền tảng quốc gia rằng chúng ta muốn A, B, C... gì đó rồi biến nó thành một mục tiêu chung đẩy xã hội tiến về phía trước. Đó là làm cho mọi người thấy vị trí của mình trong giấc mơ lớn của VN. Làm sao để người trong nước mạnh lên và ra thế giới? Chính vì người Nhật kiên định trên đôi chân mình nên họ thành nền kinh tế số 2 thế giới.

Tôi ngưỡng mộ cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt vì ông là người biết lấy nền tảng cơ bản để thúc đẩy xã hội phát triển. Chỉ có người sản xuất cao su như tôi mới thấy ý nghĩa cực kỳ lớn khi ông quyết định kéo đường dây 500kV vào Nam, đó là con đường chuẩn bị cho công nghiệp nặng VN đi lên. Ông kêu gọi đoàn kết xã hội sau ngày chiến tranh là để chuẩn bị nội lực cho đất nước thăng hoa.

Câu chuyện giữa chúng tôi lại kết thúc bằng một chuyện không liên quan gì lắm đến việc kinh doanh. Đỗ Duy Thái nói tiếp:

- Lâu lâu ra ngoài uống cà phê với bạn bè, tôi thấy xã hội hôm nay thay đổi nhiều quá, ngồi cà phê sáng chủ nhật, kế bên tôi là 7-8 doanh nghiệp nào đó, họ khoe với nhau om sòm rằng mới kiếm được cái nền này, miếng đất kia. Tôi cảm thấy mình hơi vô lý khi cứ bực chuyện thiên hạ, nhưng thú thật tôi không hiểu sao trong xã hội lại có những người khoe chuyện mánh mung như một niềm tự hào chính đáng. Giá trị vật chất lên ngôi, đồng ý, nhưng xã hội về đâu khi ai cũng lao vào mánh mung và khoe của? Cái gì sẽ làm nền tảng cho xã hội này phát triển? Tôi đến những cửa hàng nổi tiếng trên thế giới và thấy ở những nơi đó, người ta đều thuê người Nhật và người Hàn Quốc đứng bán. Điều đó nói lên điều gì vậy? Nói rằng người Nhật và người Hàn đã trở thành những khách hàng đáng kính trên toàn thế giới này. Còn người Việt chúng ta, tại sao không có nhiều người ước mơ được nể trọng như vậy?

Phóng to

Tiến Hùng trong chuyến caravan xuyên Đông Dương năm 2006

Về với “cái làng mình”...Tôi có niềm đau cay đắng khi được điều động về viết phóng sự trong sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, khi ấy tôi mới phát hiện quê mình là nơi nghèo thê thảm sau những vườn cây trĩu trái ngọt đầu mùa...Tôi hứa với lòng rằng dù có đi năm châu bốn biển, tôi cũng sẽ vác balô lên đường... về “cái làng” của mình để sống, để lắng nghe và ghi chép về nó. Đâu phải cứ đi xa là khôn lớn, là trưởng thành!...

Nguyễn Văn Tiến Hùng

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận