14/10/2023 22:24 GMT+7

Ảnh Trèo Cây Lưng Đen quý hiếm giành giải nhất Chim hoang dã Việt Nam 2023

Chiều 14-10, lễ trao giải và khai mạc triển lãm Chim hoang dã Việt Nam 2023 diễn ra tại SC VivoCity (quận 7, TP.HCM) với sự góp mặt của nhiều nhiếp ảnh gia và cộng đồng người yêu thiên nhiên, đặc biệt là chim hoang dã.

Tác phẩm Trèo Cây Lưng Đen đoạt giải nhất của anh Huỳnh Thanh Danh

Tác phẩm Trèo Cây Lưng Đen đoạt giải nhất của anh Huỳnh Thanh Danh

Bắt đầu phát động từ cuối tháng 7-2023, cuộc thi Chim hoang dã Việt Nam được tổ chức nhằm tìm kiếm những bức ảnh chụp về chim hoang dã quý hiếm, đẹp, sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.

Loài chim quý hiếm ít người chụp được

Vượt qua nhiều bức ảnh chim hoang dã khác, tác giả Huỳnh Thanh Danh (TP.HCM) đoạt giải nhất cuộc thi với khoảnh khắc chụp loài Trèo Cây Lưng Đen (tên tiếng Anh: Beautiful Nuthatch).

Đây là loài chim ở cấp độ bảo tồn dễ bị tổn thương (VU). Thông tin từ ban tổ chức, từ khi được phát hiện bởi các nhà điểu học Pháp hơn trăm năm trước, gần như không ai bắt gặp lại loài chim này.

Cho đến gần đây, những người yêu chim mới phát hiện ra sự hiện diện của Trèo Cây Lưng Đen tại Việt Nam, cụ thể là ở Mù Cang Chải và Nghệ An.

Phần thưởng mà anh Huỳnh Thanh Danh nhận được là 10 triệu đồng và một thẻ nhớ SD LEXAR - Ảnh: THÁI THÁI

Phần thưởng mà anh Huỳnh Thanh Danh nhận được là 10 triệu đồng và một thẻ nhớ SD LEXAR - Ảnh: THÁI THÁI

Theo nhà điểu học Nguyễn Hoài Bảo - thành viên ban giám khảo, loài Trèo Cây Lưng Đen có vùng phân bố hẹp, chỉ xuất hiện trên những vùng núi cao. Trên thế giới, số nhiếp ảnh gia chụp được loài chim này chỉ khoảng 100 người. Chính vì vậy, tác phẩm của anh Huỳnh Thanh Danh đoạt giải.

"Để tìm được Trèo Cây Lưng Đen thì phải leo những ngọn núi cao như dãy Trường Sơn đoạn gần Nghệ An, vùng núi phía bắc dãy Himalaya... 

Để chụp được nó, người chụp phải khăn gói, cắm trại trên núi cao vài ba ngày, phải canh những lúc có ánh sáng tốt. 

Chụp được bức ảnh như anh Danh ngoài đam mê, cố gắng thì còn có sự may mắn", ông Bảo nói.

Bên cạnh Trèo Cây Lưng Đen, những loài chim quý hiếm khác nằm trong sách đỏ cũng được các nhiếp ảnh gia ghi nhận như Hồng Hoàng (Great Hornbill), Trèo Cây Mỏ Vàng (Yellow-billed Nuthatch), Gà Lôi Tía (Temminck's Tragopan), Hạc Cổ Trắng (Woolly-necked Stork), Rẽ Mỏ Thìa (Spoon-billed Sandpiper)...

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, anh Huỳnh Thanh Danh cho biết mình hoàn thành tác phẩm dự thi trong một lần tình cờ đến Mù Cang Chải (Yên Bái).

"Đó là vào tháng 5-2023, ban đầu tôi có dự định chụp ảnh ở Fansipan nhưng vì thời tiết xấu. Sau đó chúng tôi đổi địa điểm sang Mù Cang Chải, tôi bắt gặp được một loài chim rất đẹp, chụp xong người bạn đi cùng cho tôi biết đó là loài Trèo Cây Lưng Đen rất quý hiếm", anh Danh chia sẻ.

Bạn Kim Hương (19 tuổi, quận 8, TP.HCM) chăm chú xem bức ảnh Oanh Cổ Đỏ (Siberian Rubythroat) của tác giả Dương Đức Khánh - Ảnh: THÁI THÁI

Bạn Kim Hương (19 tuổi, quận 8, TP.HCM) chăm chú xem bức ảnh Oanh Cổ Đỏ (Siberian Rubythroat) của tác giả Dương Đức Khánh - Ảnh: THÁI THÁI

Đánh giá về chất lượng thí sinh, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hồng Nga - chủ tịch hội đồng ban giám khảo - nhận thấy rất mừng khi có nhiều tác phẩm chất lượng.

"Các anh em nhiếp ảnh từ Bắc chí Nam đã rất bám sát vào mùa di cư của các loài chim vào Việt Nam. Có những con rất hiếm, nhìn thấy đã khó rồi nhưng các anh em lại chụp được.

Đây là điều khiến chúng tôi rất phấn khởi, điều đó chứng tỏ rằng những nhà nhiếp ảnh Việt Nam đã rất tâm huyết bảo tồn thiên nhiên, cũng như loài chim quý, loài chim di cư đến Việt Nam", bà Nga nhận định.

Bên cạnh top 10 tác phẩm đoạt giải, ban tổ chức đã chọn ra hơn 50 tác phẩm khác để trưng bày. Triển lãm sẽ kéo dài đến hết ngày 16-10-2023 tại TP.HCM.

Ngoài phần trao giải và khai mạc triển lãm, sự kiện còn công bố quyết định thành lập Câu lạc bộ Nhiếp ảnh thiên nhiên hoang dã Việt Nam.

Ông Nguyễn Hoài Bảo cho biết câu lạc bộ được lập ra với mong muốn quy tụ những nhiếp ảnh gia yêu thiên nhiên, sau đó cùng nhau thực hiện các công tác tuyên truyền, bảo vệ chim và các loài động vật hoang dã.

"Nhiều người tham gia sẽ tạo nên trào lưu, bởi đây cũng là một hướng nhiếp ảnh mới, tạo ra động lực rất lớn làm cho công chúng hiểu được thiên nhiên đẹp như thế nào. Sau này sẽ làm những hoạt động như tổ chức những buổi tìm hiểu thiên nhiên, xuất bản những ấn phẩm về thiên nhiên, tạo ra những cuộc thi, triển lãm...".

Một số tác phẩm nổi bật tại cuộc thi:

Tác phẩm Công (Indochinese Green Peafowl) đoạt giải nhì của tác giả Nguyễn Mạnh Hiệp, đây là loài thuộc cấp độ bảo tồn nguy cấp

Tác phẩm Công (Indochinese Green Peafowl) đoạt giải nhì của tác giả Nguyễn Mạnh Hiệp, đây là loài thuộc cấp độ bảo tồn nguy cấp

Bức ảnh về Hồng Hoàng (Great Hornbill) đoạt giải nhì. Đây là loài chim có kích thước khá to, thường sống ở các cánh rừng nguyên sinh có nhiều cây cổ thụ lớn. Loài này trước khá phổ biến ở một số vườn quốc gia như Phú Quốc, Cát Tiên, Bù Gia Mập nhưng hiện nay thì rất hiếm gặp ở Việt Nam.

Bức ảnh về Hồng Hoàng (Great Hornbill) đoạt giải nhì. Đây là loài chim có kích thước khá to, thường sống ở các cánh rừng nguyên sinh có nhiều cây cổ thụ lớn. Loài này trước khá phổ biến ở một số vườn quốc gia như Phú Quốc, Cát Tiên, Bù Gia Mập nhưng hiện nay thì rất hiếm gặp ở Việt Nam.

Khoảnh khắc chụp bồ câu Nicoba của tác giả Nguyễn Ngọc Vinh thắng giải Chim quý hiếm (có tên trong danh lục đỏ IUCN) ấn tượng.

Khoảnh khắc chụp bồ câu Nicoba của tác giả Nguyễn Ngọc Vinh thắng giải Chim quý hiếm (có tên trong danh lục đỏ IUCN) ấn tượng.

Tác phẩm Trèo Cây Mỏ Vàng (Yellow-billed Nuthatch) đoạt giải chim đặc hữu, cận đặc hữu ấn tượng.

Tác phẩm Trèo Cây Mỏ Vàng (Yellow-billed Nuthatch) đoạt giải chim đặc hữu, cận đặc hữu ấn tượng.

Chờ ngắm khoảnh khắc hiếm có của chim hoang dã Việt NamChờ ngắm khoảnh khắc hiếm có của chim hoang dã Việt Nam

Cuộc thi và triển lãm ảnh chim hoang dã Việt Nam 2023 được tổ chức để tìm kiếm những bức ảnh chụp về chim hoang dã quý hiếm, đẹp, sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên