12/02/2023 05:31 GMT+7

Bắt chó thả rông: Sao chỉ làm ở phường Hiệp Bình Chánh?

Việc lập đội bắt chó thả rông tại phường Hiệp Bình Chánh (Thủ Đức, TP.HCM) nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân. Vì sao chưa thể nhân rộng cách làm này?

Đội bắt chó thả rông tại phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức - Ảnh: CHÂU TUẤN

Đội bắt chó thả rông tại phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức - Ảnh: CHÂU TUẤN

Mong có thêm những đội bắt chó chuyên nghiệp ở đô thị, việc này được xem là chuyện cần làm ngay ở đô thị.

Đội bắt chó được hỗ trợ nghiệp vụ

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh - cho biết thành viên của đội chuyên trách bắt chó thả rông là những cán bộ, công chức của UBND phường. Đội đã được một trung tâm huấn luyện chó tại TP hỗ trợ và đào tạo nghiệp vụ.

Chó thả rông sau khi bắt sẽ được tạm giữ ở điểm cách xa khu vực dân cư để không ảnh hưởng đến môi trường. Chủ nuôi muốn nhận lại chó phải nộp phạt vi phạm hành chính (khoảng 1-2 triệu đồng). Sau 48 giờ, nếu chó không có người đến nhận sẽ giao cho trường trung cấp nông nghiệp, đơn vị thú y để nghiên cứu khoa học và xử lý theo quy định.

Ông Tuấn cho biết thêm, sau thời gian thực hiện kế hoạch, tình trạng chó thả rông, không rọ mõm trên địa bàn phường đã giảm đi.

Ủng hộ thành lập đội bắt chó

Ông Tạ Thanh Khiêm - chủ tịch UBND phường 13 (quận Bình Thạnh) - cho biết phường cũng ủng hộ lập đội bắt chó thả rông, không đeo rọ mõm. Tuy nhiên, TP.HCM cần có quy định cụ thể về vấn đề này với đầy đủ cơ sở pháp lý.

"Khi đội nghiệp vụ đi bắt chó có thể sẽ gặp một vài khó khăn, thậm chí xảy ra xích mích với người nuôi chó. Do đó, cần có một đơn vị chủ trì đứng ra thành lập, quy định cách hoạt động của các đội nghiệp vụ. Hiện tại phường chưa có đội bắt chó thả rông, không đeo rọ mõm. Tuy nhiên, nếu TP.HCM có chủ trương thì phường rất ủng hộ thành lập đội. Bên cạnh đó, nếu người dân có hình ảnh, video ghi lại cảnh chó cắn người, không đeo rọ mõm và phóng uế thì phường sẽ có cơ sở xử lý vi phạm của chủ chó" - ông Khiêm nói.

Đại diện phường 13, quận Gò Vấp cho hay hầu như có rất ít phản ảnh của người dân về việc chó thả rông, không đeo rọ mõm trên địa bàn phường. Nhưng nếu có thì người dân có thể gửi video, hình ảnh cho phường. Phường sẽ gửi cho tổ hòa giải cơ sở và công an khu vực để nhắc nhở, xử lý.

Phường cũng phối hợp với đơn vị thú y tổ chức tiêm ngừa cho chó trên địa bàn. Chó thả rông, không đeo rọ mõm có thể gây nguy hiểm đến người khác.

Nơi khác tại sao không?

Một vài phường, xã tuyên chiến quyết liệt với nạn nuôi chó thả rông. Nhưng những "phát súng" lẻ tẻ chưa đủ để thay đổi nhận thức và hành vi của "người trong cuộc".

Vẫn còn bao nhiêu hệ lụy khác do "thích thì nuôi" nhưng chẳng mấy khi quan tâm đến lợi ích chung.

Mong ai đó đừng bao giờ lặp lại câu: "Chó nhà tôi hiền lắm". Chó nuôi bỗng nhiên giở chứng thì không ai lường hết hậu quả. Lập những đội bắt chó thả rông, muộn vẫn còn hơn không. Yếu tố đóng vai trò quyết định nằm ở nỗ lực vào cuộc với tinh thần kiên quyết của cấp cơ sở. Phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức, TP.HCM) làm được, những nơi khác tại sao không?

Việc này có thể phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng đây là việc không thể chần chừ, trì hoãn. Dẹp ngay bây giờ, còn chờ gì nữa? Chậm một ngày có thể lại xuất hiện thêm hậu quả về tính mạng, sức khỏe con người.

Bạn đọc TRẦN VINH

Nên lập đường dây nóng xử lý chó thả rông

Việc UBND phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức) thành lập đội bắt chó thả rông đã nhận được sự đồng tình. Bạn đọc Tuổi Trẻ Online mong muốn mô hình này cần được nhân rộng nhiều nơi và đề xuất thêm những giải pháp để duy trì cách làm này.

Bạn đọc Hanh Nguyen cho rằng nên xử lý nạn chó thả rông bằng xe bắt chó cơ động và phạt tiền thật nặng gấp 3-5 lần chi phí tiêm thuốc dại.

Nhiều bạn đọc đồng tình với việc các quận huyện nên thành lập đội bắt chó thả rông có công an phường đi kèm nhằm tránh việc chủ chó chống đối. Bạn đọc Toàn Nguyễn đề xuất phải có số đường dây nóng (qua điện thoại hoặc qua mạng) để người dân cung cấp thông tin, hình ảnh.

Về kinh phí duy trì hoạt động của đội bắt chó thả rông từng phường, bạn đọc Hải Trần nghĩ rằng "nếu kêu gọi dân đóng góp thêm để trả thù lao cho đội này chắc sẽ không ai phản đối". Lâu dài hơn, bạn đọc Taro đề xuất: "Lấy tiền phạt chủ chó mỗi lần vi phạm quy định (chó không rọ mõm, không có người dắt...) để góp phần trả lương cho đội săn bắt chó thả rông của phường".

Bạn đọc Le To Ngoc cho rằng chính quyền địa phương cần bắt buộc người nuôi chó, mèo đóng tiền phí hằng năm để xử lý vấn đề vệ sinh môi trường, một phần kinh phí này dành cho đội bắt chó thả rông.

CÔNG DŨNG tổng hợp

Thấy đội bắt chó thả rông, chủ ôm chó ‘tháo chạy’Thấy đội bắt chó thả rông, chủ ôm chó ‘tháo chạy’

Sáng 11-2, đội bắt chó thả rông của phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức, TP.HCM) đã tuần tra trên nhiều tuyến đường và các khu vực đông dân cư sinh sống.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên