01/09/2023 11:08 GMT+7

Bẫy tuyển dụng online lừa đảo người tìm việc: Kỳ cuối: Săn thông tin nạn nhân để bán cho 'trùm cuối'

Chỉ cần chiếc điện thoại, ngồi ở đâu cũng có thể lấy được thông tin khách hàng. Yêu cầu là lấy được số điện thoại, Zalo, Facebook chính chủ rồi gửi thông tin cho đầu mối thu mua. Mỗi thông tin khách hàng, kẻ săn tìm sẽ được trả 25.000 đồng.

Trần Văn Hùng cho biết cách lấy thông tin của khách hàng không khó - Ảnh: TÂM LÊ

Trần Văn Hùng cho biết cách lấy thông tin của khách hàng không khó - Ảnh: TÂM LÊ

Mỗi ngày lấy cắp thông tin 30 người

Là chủ một quán net ở huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, Hà Văn Hùng cho biết do thường xuyên vào mạng, biết một chút về công nghệ nên đã tiếp cận làm cộng tác viên đường dây lừa đảo online của người Trung Quốc ở Campuchia.

Công việc của Hùng là lấy thông tin khách hàng, gồm số điện thoại, Zalo chính chủ của khách độ tuổi từ 23 tuổi trở lên. Sau đó chụp màn hình lại thông tin và gửi đi. Thời gian đầu, bên mua còn yêu cầu Hùng lấy thêm tài khoản ngân hàng của khách, bây giờ đã thôi đòi hỏi.

Mỗi thông tin khách hàng, Hùng sẽ được trả 25.000 đồng. Danh sách thông tin Hùng lấy phải được chuyển sang Campuchia luôn trong ngày và sẽ được tất toán thù lao sau khi được duyệt.

Hỏi vì sao phải cần độ tuổi từ 23 trở lên? Hùng giải thích: "Đây là độ tuổi lao động, bắt đầu kiếm được tiền".

Hùng tìm tới hội nhóm mới như "Chợ Đông Sơn", "Chợ bản Yên Định", rồi Hội chơi xe, Hội làm đẹp... để tiếp cận khách hàng.

"Cứ đăng mức lương cao thì ai cũng ham, mức 300.000 - 500.000 đồng/ngày. Làm các việc như bóc hành tỏi tại nhà, đan lát chổi quét nhà, làm kế toán, chốt đơn hàng, đan thêu tranh...". Đó là kinh nghiệm lừa đảo của nhóm Hùng.

Vào trang Chợ bản Yên Định, những tin tuyển dụng để lấy thông tin khách hàng kiểu như "Làm bưu điện (nữ từ 23 tuổi), công việc sắp xếp, phân loại hàng cho shipper mang đi giao. Lương 7,5 triệu đồng/tháng, nghỉ bốn ngày, bao ăn trưa. Ưu tiên các chị em khó tìm việc làm. Quan tâm inbox trực tiếp cho mình". Nội dung tuyển dụng việc nhẹ lương cao như Hùng nói.

Người này khoe: "Trung bình một ngày có thể kiếm được 30 khách. Nếu chạy quảng cáo tuyển dụng thì sẽ kiếm được nhiều hơn". Anh ta cho biết nhìn qua các bài đăng thì có nhiều nhóm tìm kiếm thông tin khách hàng.

Nhưng họ làm độc lập, không gặp công khai để bảo mật thông tin của nhau. Đây là bước đầu của đường dây lừa đảo, còn giai đoạn đưa khách hàng vào app, dẫn dụ nạp tiền thì là của nhóm khác.

Mua tài khoản Facebook, ngân hàng giả để hành nghề

Những hình đại diện toàn trai xinh, gái đẹp, ăn diện lịch sự, bảnh bao giống nhân viên đa cấp, nhưng đều là tên giả, hình đại diện giả. Tên là Nguyễn Hồng Nhung nhưng khi chát Hùng lại xưng anh.

Theo Hùng, làm việc này đa số là con trai, rành công nghệ hơn con gái. Tất cả số điện thoại, tài khoản Zalo, Facebook, ngân hàng giao dịch dùng để tìm kiếm thông tin đều là ảo, được mua hoặc thuê. Dùng nhiều tài khoản để đăng tuyển nhiều nơi, để khách hàng nghĩ không cùng một người.

Việc có nhiều tài khoản không khó, Hùng cho biết: "Muốn mua bán thông tin tài khoản Zalo, Facebook, ngân hàng giờ quá đơn giản, chỉ cần gõ vào tìm kiếm Facebook thì các hội nhóm mua bán tài khoản thì loại nào cũng có hết".

Mỗi tài khoản Facebook ảo có giá 50.000 - 60.000 đồng. Ai biết công nghệ thông tin thì có thể tăng lượng like, comment ảo để tăng độ tin tưởng cho khách.

"Nhận mở tài khoản ngân hàng theo tên, bank ảo theo yêu cầu. Khách hàng chỉ cần cung cấp số điện thoại, họ và tên. Giá bao đẹp từ 60k - 200k... Không cần mặt chính chủ, chỉ mất 5 - 10 phút có tài khoản bank nhanh gọn". Một tin trong nhóm mua bán tài khoản rao.

"Muốn tài khoản ngân hàng tên ai cũng được, tài khoản ngân hàng mang tên công ty nào cũng được. Phí làm hết 100k, tiền phí để trả cho người ta viết code", Hùng nói.

Đầu mối nhóm Hùng cung cấp thông tin và nhận tiền đều không biết tên và địa chỉ thật của họ vì chưa bao giờ gặp nhau. Tài khoản của họ dùng là tài khoản ảo, luôn thay đổi.

Các tài khoản mạng xã hội, ngân hàng... được rao bán tràn lan trên mạng

Các tài khoản mạng xã hội, ngân hàng... được rao bán tràn lan trên mạng

"Trùm cuối" bên nước thứ ba

"Theo chúng tôi tìm hiểu, phần lớn đối tượng chính là người Trung Quốc cầm đầu các hoạt động lừa đảo này ở Campuchia, bên nước thứ ba. Chúng hoạt động giao dịch qua các tài khoản Facebook, Zalo, ngân hàng rác nên việc ngăn chặn gặp rất nhiều khó khăn", anh Lê Hữu Toàn, đội trưởng đội hình sự Công an huyện Như Xuân, Thanh Hóa, cho biết.

Để thực hiện mục đích kiếm tiền, họ thuê người Việt đăng tin tuyển dụng, rồi lấy thông tin cá nhân của người làm, cung cấp cho chúng và nhận hoa hồng. 

Khi có thông tin, chúng sẽ liên lạc trực tiếp với người lao động để lừa đảo. Sau đó, một vài người Việt trở về từ Campuchia cũng học cách làm, lập nhóm lừa đảo trong nước, khiến hoạt động lừa đảo qua mạng trở nên phức tạp hơn bao giờ hết.

Tháng 5-2023, sau gần một năm truy vết tội phạm công nghệ, đội của anh Toàn đã thu "mẻ lưới" lớn. Bắt 32 đối tượng người Việt đang tiếp tay cho đường dây lừa đảo, lấy thông tin khách hàng để bán.

"Hình thức hoạt động của nhóm này khá tinh vi, sử dụng số điện thoại, tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, Zalo đều là "rác" để giao dịch. Chúng hoàn toàn giấu tung tích, không gặp trực tiếp, tên tuổi, hình ảnh đều giả mạo. Chúng tôi từng điều tra một đối tượng nghiện ma túy, sở hữu tới 20 tài khoản công ty, ngân hàng giả", anh Toàn bức xúc việc các hội nhóm mua bán data, tài khoản giả đang diễn ra tràn lan trên mạng xã hội.

Ngoài việc tạo ra các tài khoản ảo, app ảo giá rẻ, còn có tình trạng cho thuê tài khoản. Tài khoản cho thuê theo tiếng, hoặc được mua với giá 2 triệu đồng. App game bài, chứng khoán, tuyển dụng việc làm, được bán với giá khoảng 50 triệu đồng.

Theo anh Toàn, app giả được nhóm đối tượng lừa đảo mua để dụ người chơi nạp tiền. Khi đã có quyền sử dụng, nhóm này sẽ kiểm soát các lệnh hoạt động của app. Khi người tham gia nạp tiền vào, đợi khi nào số tiền lớn sẽ đánh sập app. Chúng sẽ đổ lỗi cho khách hàng, nói do đặt sai lệnh, chậm lệnh, do sự cố đường truyền...

Nạn nhân muốn liên lạc để đòi lại tiền thì bị ngắt giao dịch, kích ra khỏi nhóm.

Ngay công an cũng rất vất vả để truy vết, vì các đối tượng hoạt động độc lập, liên lạc với nhau qua tài khoản rác, tìm cách giấu tung tích của nhau. Khi làm việc với đối tượng này không thể khai báo ra các đối tượng đứng phía sau vì chính chúng cũng không biết thật sự làm việc với ai.

Sự phối hợp của bên nhà mạng chậm, khi vào cuộc thì đối tượng lừa đảo đã di chuyển, thay đổi hình thức hoạt động mới. Đây cũng là đặc điểm của tội phạm công nghệ cao. "Nếu nhà nước quản lý tốt việc các ngân hàng "chạy đua" mở tài khoản như hiện nay, thì sẽ giảm được nạn lừa đảo", đội trưởng Toàn khẳng định.

Theo anh, người dân cần cảnh giác với các đối tượng không rõ nhân thân gọi điện, nhắn tin mời tuyển dụng, kinh doanh, nhận quà tặng online đều là hoạt động lừa đảo. Người dân không nên ham rẻ, không tham gia hoạt động chuyển tiền trên mạng cho bất kỳ ai khi chưa xác minh đầy đủ thông tin về nhân thân, lai lịch của họ.

Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông trong sáu tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82% so với sáu tháng cuối năm 2022.

Bị lừa hơn 900 triệu đồng chỉ trong 10 ngày

Ngày 11-8-2023, P.Q.N. (sinh năm 1994, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết bị khủng hoảng tinh thần khi bị lừa mất số tiền 948 triệu đồng chỉ trong một thời gian ngắn. Đối tượng làm quen trong nhóm Facebook một thời gian, khiến N. rất tin tưởng. Sau đó gửi link độc vào iPhone của N. chiếm quyền kiểm soát, rồi mời N. tham gia sàn chứng khoán để lừa đảo và rửa tiền.

Chúng mua tên miền và thanh toán qua thẻ visa quốc tế nên N. không thể lấy lại số tiền đã nạp. Qua sự việc, N. khẳng định nhóm lừa đảo có thủ thuật thao túng tâm lý đưa nạn nhân vào tình thế muốn lấy lại tiền thì phải nạp số tiền lớn hơn.

Bẫy tuyển dụng online lừa đảo người tìm việc - Kỳ 3: Vét đồng bạc cuối cùng của nạn nhânBẫy tuyển dụng online lừa đảo người tìm việc - Kỳ 3: Vét đồng bạc cuối cùng của nạn nhân

Dựa vào tâm lý muốn lấy lại tiền đã mất của các nạn nhân, đối tượng lừa đảo giả danh Cục An ninh mạng, luật sư, kỹ sư công nghệ cao (IT) tiếp tục lừa đảo các nạn nhân một lần nữa qua 'dịch vụ giúp lấy lại tiền bị lừa'.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên