13/01/2024 14:55 GMT+7

Bộ Giao thông vận tải phản hồi cử tri TP.HCM về mở rộng quốc lộ 1

Cử tri TP.HCM đề nghị sớm mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua huyện Bình Chánh, nhằm giảm ách tắc giao thông.

Lượng xe luôn đông trên quốc lộ 1 đoạn qua huyện Bình Chánh - Ảnh: CHÂU TUẤN

Lượng xe luôn đông trên quốc lộ 1 đoạn qua huyện Bình Chánh - Ảnh: CHÂU TUẤN

Quốc lộ 1 đã bàn giao cho TP.HCM quản lý từ năm 2004

Bộ Giao thông vận tải vừa có công văn gửi Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM trả lời kiến nghị của cử tri về xem xét đầu tư mở rộng quốc lộ 1, đoạn từ trạm 2 (TP Thủ Đức) đến hết huyện Bình Chánh (TP.HCM). Lý do bởi đoạn quốc lộ 1 qua nơi này thường xuyên kẹt xe.

Trả lời kiến nghị, Bộ Giao thông vận tải cho hay các tuyến quốc lộ 1, 1K, 13, 22 và quốc lộ 50 đã được bàn giao cho UBND TP quản lý từ năm 2004.

Vì vậy, công tác quản lý bảo trì, khai thác và đầu tư mở rộng các tuyến quốc lộ trên thuộc thẩm quyền của TP.

Quốc lộ 1 qua địa bàn TP.HCM từ cầu Đồng Nai đến ranh tỉnh Long An dài khoảng 51km. Đoạn tuyến có hiện trạng mặt đường rộng 4-6 làn xe. Theo quy hoạch, tuyến này có quy mô 8-10 làn xe tùy từng đoạn.

Theo Bộ Giao thông vận tải, hiện UBND TP đang tổ chức lập quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ đang phối hợp chặt chẽ với TP.HCM trong quá trình lập, hoàn thiện hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch.

"Trong đó sẽ rà soát, xác định quy mô quy hoạch của quốc lộ 1 đoạn từ trạm 2 đến hết huyện Bình Chánh, đảm bảo phù hợp với nhu cầu vận tải. Việc này làm cơ sở để TP.HCM huy động nguồn lực đầu tư mở rộng quốc lộ 1 trên địa bàn theo thẩm quyền", Bộ Giao thông vận tải cho hay.

Kế hoạch mở rộng quốc lộ 1 từ An Lạc đến ranh tỉnh Long An

Quốc lộ 1 đoạn qua Bình Chánh là cửa ngõ phía tây của TP. Đây là một trong những điểm nghẽn ùn tắc, mở rộng càng sớm càng tốt. Song nhiều năm qua, vì thiếu nguồn lực nên TP.HCM chưa thể triển khai.

Vậy khi nào sẽ khơi thông cửa ngõ phía tây này? Mới đây, UBND TP.HCM ban hành kế hoạch triển khai đầu tư 5 dự án xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu áp dụng loại hợp đồng BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao).

Cơ chế này áp dụng theo nghị quyết 98. 5 dự án BOT có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 44.592 tỉ đồng.

Theo đó, quốc lộ 1 đoạn từ An Lạc đến giáp ranh tỉnh Long An dài 9,6km. Dự án được đề xuất mở rộng lên 52m, với mức vốn khoảng 12.900 tỉ đồng. 4 dự án còn lại gồm nâng cấp mở rộng quốc lộ 13 từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương. Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22 đoạn từ nút giao An Sương đến vành đai 3 TP.HCM. Dự án nâng cấp trục Bắc - Nam từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành. Cuối cùng là xây dựng cầu đường Bình Tiên đoạn từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh.

Theo kế hoạch, tới quý 2 và quý 3-2024, TP sẽ hoàn thành lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; quyết định chủ trương đầu tư dự án.

Trong quý 4-2024, dự án sẽ được khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư. Vào quý 1 và quý 2-2025, công tác lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt dự án sẽ được hoàn thành. Tới quý 3-2025, các dự án BOT sẽ lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng BOT. Các công trình được đặt mục tiêu sẽ khởi công vào quý 4-2025.

Gỡ "nút thắt cổ chai" cho cửa ngõ TP.HCMGỡ 'nút thắt cổ chai' cho cửa ngõ TP.HCM

Trong danh mục đã được Sở GTVT TP.HCM xây dựng theo cơ chế mới từ nghị quyết 98, TP.HCM sẽ ưu tiên đầu tư nâng cấp và mở rộng năm tuyến đường hiện hữu theo phương thức BOT, với tổng vốn 37.000 tỉ đồng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên