04/07/2023 09:42 GMT+7

CEO nói chuyện du thuyền

Đỗ Bình Dương từng du học Mỹ về khoa học máy tính, về nước lại theo nghề hàng hải của cha rồi bây giờ trở thành CEO của Saigon Yacht & Marina JSC chuyên cung cấp các giải pháp về du thuyền.

Anh Đỗ Bình Dương trên một du thuyền ở nước ngoài - Ảnh: NVCC

Anh Đỗ Bình Dương trên một du thuyền ở nước ngoài - Ảnh: NVCC

Đỗ Bình Dương khiến nhiều người không khỏi thắc mắc về hành trình đã chọn.

Vốn được xem là "con nhà nòi", vậy mà du học Mỹ về anh lại đi làm "cu ly" lắp đặt thiết bị, loa, cứu sinh, cứu hỏa, rồi hệ thống hộp đen cho tàu thuyền lớn bé. 

Anh cũng đi khắp nơi từ giàn khoan đến nhà giàn, còn đang ấp ủ đăng ký cuộc thi người vượt Thái Bình Dương của thế giới vào cuối năm 2024. Anh mở đầu câu chuyện:

- Đi học ở Mỹ từ 20 năm trước nhưng tôi theo học nghề trong công ty của bố (kỹ sư hàng hải Đỗ Thái Bình). Tôi nhờ ơn người cha "khắc nghiệt" của mình, đã hướng dẫn thị phạm, dạy biết gốc của vấn đề, chi tiết và thực tế.

Ông khởi nghiệp nghề dịch vụ hàng hải, sửa chữa thuyền bè, làm những trạm bảo dưỡng đầu tiên, viết và nghiên cứu nhiều sách về hàng hải. 

Tôi làm nhiều mảng, công ty thiết bị kỹ thuật trước phục vụ tàu thương mại, giàn khoan dầu khí, nay thêm mảng du thuyền và tư vấn bến du thuyền.

Tôi theo câu nói khiêm nhường mà bản lĩnh của bà nội tôi: "Ai hay kệ họ, tôi hèn nhưng chăm", rồi cứ vậy bước đi.

ĐỖ BÌNH DƯƠNG

Vượt khó mà đi

* Kinh tế khó khăn, đời sống đang xuống, nhiều doanh nghiệp rút khỏi thị trường mà người ta vẫn nghĩ du thuyền dành cho giới nhà giàu. Sao anh dám?

- Việt Nam nhiều bến đẹp nhưng chưa chuẩn về kỹ thuật và thẩm mỹ nên chúng tôi tư vấn cho đúng chuẩn. Chúng tôi còn mua thiết kế của nước ngoài về đóng du thuyền rồi xuất khẩu. Nhân viên của chúng tôi cũng gọn nhẹ, có thuê ngoài.

Chúng tôi xuất khẩu cho Mỹ hai chiếc du thuyền chạy điện đóng tại Việt Nam, tháng 10 tới tham gia triển lãm tại Mỹ. 

Tôi đọc và biết từng có người phương Tây (Jacques Cousteau - cha đẻ ngành hải dương học hiện đại, ngành lặn scuba) làm nên sự nghiệp lẫy lừng của họ khi khởi nghiệp từ Hòn Ông (Nha Trang, Khánh Hòa). Điều này truyền cảm hứng và giúp tôi tự tin hơn khi làm du thuyền du lịch.

* Với "nghề lạ" như vậy, anh kiếm đâu ra thợ giỏi nghề trong nước?

- Cái hay là các sản phẩm cần cho sản xuất lại có ở nước ta rất nhiều và có thợ giỏi đáp ứng được hết. Ví dụ các khung đỡ bằng cột inox ở Bắc Ninh đã sản xuất, đồ ngoại sản phẩm nhiều ngành nghề đã làm ở Việt Nam. 

Đóng du thuyền chủ yếu bằng tay, không theo dây chuyền, máy móc hiện đại. Thợ hàn nhôm sắt dân mình có tay nghề chuẩn.

Tập đoàn đóng tàu Hà Lan Damen Yachting với công ty con là Amels có trụ sở ở sông Cấm (Hải Phòng). Rồi các nhà máy chuyên phục vụ làm tàu hàng trong nước cũng nhiều.

Đó là yếu tố không có gì cao xa khi chúng tôi làm sản phẩm dù thiết kế tổng thể và nội thất mua từ nước ngoài.

Không chỉ chuyện du thuyền

* Nhưng du thuyền vẫn là chuyện của giới nhà giàu xa xỉ nhỉ?

Đỗ Bình Dương - Ảnh FB nhân vật

Đỗ Bình Dương - Ảnh FB nhân vật

- Thật ra thế giới từ lâu vẫn quan niệm đó là du lịch. Cả Mỹ, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ... là dành cho giới trung lưu khám phá. 

Họ không đi kiểu du lịch thuê khách sạn mà thuê du thuyền riêng, lái đi một vùng tự chọn. 

Thế giới đã thay đổi hành vi, ba năm sau COVID-19, xu hướng này vẫn tăng mạnh. Các xưởng tàu kín việc hết.

Tôi rất muốn phát triển mô hình du lịch - văn hóa - lịch sử. Người có tiền giờ đây không lạ gì khách sạn và bể bơi. 

Du thuyền sẽ đi môi trường sạch, yên lành trên "villa biết đi". Quần áo cũng xu hướng tinh tế, sang trọng mà không phô trương.

* Đi nhiều, cộng với mắt nhà nghề, anh quan sát các vùng giàu tiềm năng du lịch - văn hóa - lịch sử như anh nói trên đây ở nước ta thế nào?

- Đặc thù sông nước mình chưa được khai thác tốt. Thế mạnh nghỉ dưỡng có Huế và Phú Yên hiện môi trường ít bị phá hủy, khá hoang sơ. Nhiều câu chuyện hay trên đất nước ta chưa được khám phá. 

Chẳng hạn nhà thờ Mằng Lăng đang giữ cuốn sách quốc ngữ đầu tiên của giáo sĩ Alexandre Rhodes, hay vịnh đẹp nhất cho neo thuyền Vũng Rô bao nhiêu câu chuyện tàu không số mà nhiều du khách Tây muốn lặn xem những con tàu chìm...

Rồi Rừng Sác, Bà Rịa vùng đất đỏ chiến đấu. Nhiều người Mỹ, Úc... rất mong đến Việt Nam. Tôi từng gặp cặp vợ chồng 60 tuổi ở Miami (Mỹ) còn du lịch bằng thuyền. 

Khi họ biết tôi từ đâu đến đã xuýt xoa khen, nói về bao vùng đất họ đã đi qua và ao ước sẽ trở lại bằng thuyền đi những nơi lừng danh của Việt Nam.

Trả lương cao mà tìm không ra người

* Làm du thuyền khó nhất ở khâu nào, anh khắc phục ra sao? Có bạn trẻ nào tham khảo thông tin nghề này không?

- Không kể những khó khăn về môi trường kinh doanh như các quy định, đăng kiểm, giấy phép... có lẽ khó nhất là tìm người quản lý dự án nên chúng tôi phải thuê nước ngoài. Rồi thuyền viên cũng khó tìm.

Lương cao nhưng chúng ta phần lớn chỉ đào tạo lái tàu, trong khi tàu du lịch du thuyền cần biết kiêm nhiệm. 

Chẳng hạn một tàu ba thuyền viên phục vụ 8 - 10 khách, ngoài nghiệp vụ hàng hải còn cần biết làm hướng dẫn du lịch kiêm nấu ăn. Những tàu lớn phải 30 - 50 nhân viên và chúng tôi phải hợp tác với nhiều trường nghề tư nhân.

Nhân sự phải biết tiếng Anh lại vừa đa nhiệm nên càng khó. Tôi nghĩ ngành giáo dục chắc phải tham khảo nhu cầu thực tế khi đào tạo. Nghịch lý là nhiều bạn trẻ rất khó tìm việc trong khi thị trường nhân lực cao cấp vẫn rất thiếu.

Hướng đi riêng của Mỹ AnhHướng đi riêng của Mỹ Anh

TT - Năm 2001, tốt nghiệp ngành Báo chí Trường Đại học Khoa học xã hội & nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), Phan Thị Mỹ Anh tự tin khoác balô lên núi rừng Đắc Min (Đắc Lắc) công tác tại Trường GD-ĐT và giải quyết việc làm số 1 Lực lượng TNXP.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên