15/08/2023 18:28 GMT+7

Chàng trai 18 tuổi cạo trọc đầu để đóng nhạc kịch dân tộc

Để chuẩn bị tốt nhất cho vai diễn trong vở nhạc kịch 'Đồng dao cổ tích' diễn ra vào dịp Tết Trung thu 2023, Phạm Đức Anh (18 tuổi, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) quyết định cạo trọc đầu cho phù hợp với tạo hình nhân vật.

Phạm Đức Anh trong tạo hình ông Bụt cho vở nhạc kịch Đồng dao cổ tích - Ảnh: MAI THƯƠNG

Phạm Đức Anh trong tạo hình ông Bụt cho vở nhạc kịch Đồng dao cổ tích - Ảnh: MAI THƯƠNG

Chiều 15-8, tại Hà Nội đã diễn ra buổi lễ ra mắt cuốn sách và vở nhạc kịch cùng tên Đồng dao cổ tích dự kiến sẽ công chiếu vào Tết Trung thu này. 

Tại buổi họp báo, nhiều nhân vật của vở nhạc kịch cũng được ra mắt như Cám, Sơn Tinh, Thủy Tinh, Mai An Tiêm... Điều đáng nói là các diễn viên trong vở nhạc kịch đều không phải diễn viên chuyên nghiệp và trải đều nhiều độ tuổi. 

Đặc biệt, nhiều khán giả bất ngờ với câu chuyện của nhân vật đóng vai Bụt, bạn Phạm Đức Anh (18 tuổi, Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

Sẵn sàng cạo trọc đầu cho buổi nhạc kịch

Giới thiệu cho sự ra mắt của nhân vật Bụt trước công chúng, chủ nhiệm chương trình Đồng dao cổ tích Quyên Trần - đồng thời là tác giả cuốn sách - cho biết: "Những người tổ chức vở nhạc kịch rất xúc động khi một ngày trước buổi họp báo, Đức Anh đã đề xuất với chúng tôi cho em được cắt bỏ mái tóc của mình, cạo trọc đầu để phù hợp với tạo hình của nhân vật". 

Được biết, chàng trai 18 tuổi đảm nhận vai Bụt trong vở nhạc kịch Đồng dao cổ tích. Đây cũng là nhân vật truyền cảm hứng cho nội dung xuyên suốt của tác phẩm. 

Theo đó, hình tượng ông Bụt được xây dựng trong vở nhạc kịch có khả năng nhìn thấy cả hai thế giới: thế giới đời thực và cổ tích. Ông lang thang khắp chốn tìm người để hỏi "Vì sao con khóc?" ở thế giới cổ tích, nhưng ở đời thực, trước những đứa trẻ đủ đầy mà lại thờ ơ với mọi sự, dần trở thành cỗ máy thuận theo sự sắp đặt của người lớn, ông Bụt ngơ ngác hỏi "Vì sao con không khóc?".

Đức Anh trước và sau khi "xuống tóc" - Ảnh: MAI THƯƠNG

Đức Anh trước và sau khi "xuống tóc" - Ảnh: MAI THƯƠNG

"Chúng tôi xây dựng chân dung ông Bụt dựa trên nghiên cứu rằng Bụt chính là Budda, là Phật, chứ không dùng hình ảnh một tiên ông râu tóc bạc phơ tay cầm phất trần cưỡi mây đạp gió như nhiều truyện mô tả" - chủ nhiệm chương trình Quyên Trần chia sẻ. 

Ban đầu, với tạo hình nhân vật này, ban tổ chức dự định sẽ hóa trang cho Đức Anh bằng dụng cụ chuyên dụng. Nhưng chính Đức Anh đã đề xuất để được cạo trọc đầu. 

"Em muốn có được một tạo hình tốt nhất, chân thực nhất cho vai diễn của mình. Tất nhiên, mới ngày hôm qua thôi em vẫn còn "tóc tai vuốt vuốt các thứ" còn hôm nay với cái đầu trọc, cảm giác khác lạ và xúc động là điều dĩ nhiên sẽ đến. 

Nhưng trên tất cả, em hy vọng vai diễn của mình cũng như vở nhạc kịch sẽ nhận được sự công nhận, ủng hộ và yêu mến từ phía khán giả. Điều đó đối với em quan trọng hơn tất thảy" - Phạm Đức Anh chia sẻ với Tuổi Trẻ Online. 

Nhạc kịch lấy cảm hứng từ nhân vật cổ tích, âm nhạc dân gian 

Mở ra một thế giới cổ tích đầy mơ mộng nhưng Đồng dao cổ tích cũng là một sự đối thoại với người lớn, để họ có cơ hội soi chiếu lại nhân sinh quan trong thế giới cổ tích, gỡ đi những ẩn ức và định kiến từ những câu chuyện ngày xửa ngày xưa. 

Đồng dao cổ tích kể về hành trình đi lạc vào thế giới siêu thực của hai chị em Thi Ca và Thi Họa mà ở đó, những nhân vật cổ tích Việt Nam quen thuộc xuất hiện với những kiến giải mới. 

Đó là một Cám xinh đẹp, hát hay nhưng lại bị giày vò bởi định kiến là kẻ ác. Cám không ác. Cám chỉ là kết quả của một phương pháp giáo dục vị kỷ, nhưng từ đó giúp chúng ta nhìn ra hố đen của chính mình. Đồng thời, nhân vật này cũng là niềm khao khát mãnh liệt được hướng về ánh sáng sau những lỗi lầm.

Hay đó là một trong tứ bất tử Thánh Gióng cô độc trên ngọn núi cao bất lực nhìn đám cháu con mải mê sức mạnh ảo của Iron Man mà quên rèn luyện thể lực chính mình, là Sơn Tinh và Thủy Tinh trong cuộc chiến khởi nguồn từ sự bất công bằng...

Nhân vật Cám được "viết lại" câu chuyện bằng góc nhìn bao dung và gạt bỏ định kiến - Ảnh: MAI THƯƠNG

Nhân vật Cám được "viết lại" câu chuyện bằng góc nhìn bao dung và gạt bỏ định kiến - Ảnh: MAI THƯƠNG

Quyên Trần - người khởi xướng và dẫn dắt dự án Đồng dao cổ tích, đồng thời là tác giả sách và chủ nhiệm dự án nhạc kịch - chia sẻ tại buổi họp báo - Ảnh: MAI THƯƠNG

Quyên Trần - người khởi xướng và dẫn dắt dự án Đồng dao cổ tích, đồng thời là tác giả sách và chủ nhiệm dự án nhạc kịch - chia sẻ tại buổi họp báo - Ảnh: MAI THƯƠNG

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online tại buổi họp báo, Quyên Trần - người khởi xướng và dẫn dắt dự án Đồng dao cổ tích, đồng thời là tác giả sách và chủ nhiệm dự án nhạc kịch - cho biết: "Suốt quãng thời gian thai nghén ý tưởng cho kịch bản, trong lòng tôi luôn có một sự nhất quán rằng: nhất định sẽ làm sống lại những hình tượng cũ, những không gian cũ, những bài học cũ, những định kiến cũ… bằng góc nhìn mới. 

Quá trình làm mới đó sẽ là cách để đưa âm nhạc cổ truyền đến với công chúng một cách dung dị, nhẹ nhàng nhưng cũng thật tươi mới, trữ tình và hào hùng".

Đồng dao cổ tích quy tụ khá nhiều bộ môn nghệ thuật cả truyền thống và hiện đại vào một vở kịch trên nền âm nhạc hoàn toàn là nhạc cụ dân tộc. Những bài đồng dao, những làn điệu dân ca và cả những sáng tác hoàn toàn mới vô cùng đặc sắc được biên soạn riêng cho vở diễn. 

Chương trình nhạc kịch sẽ công diễn lần đầu vào ngày 16 và 17-9-2023 tại Nhà hát Âu Cơ cho dịp Tết Trung thu 2023. 

Khán giả nhí Hà Nội vào hè với nhạc kịch ‘Ông lão đánh cá và con cá mập’Khán giả nhí Hà Nội vào hè với nhạc kịch ‘Ông lão đánh cá và con cá mập’

Tiếp nối thành công từ lần ra mắt đầu tiên với hơn 8.000 khán giả nhí, vở nhạc kịch 'Ông lão đánh cá và con cá mập' vừa quay trở lại mùa hè này nhân dịp 1-6.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên