02/02/2024 12:05 GMT+7

Chuyện lạ Tân Hóa, làng du lịch tốt nhất thế giới - Kỳ 5: Dưới tán rừng lim ông Đô

SƠN LÂM
và 1 tác giả khác

Người dân Tân Hóa, cũng như những người dân lâu đời ở các vùng núi khác, ngày xưa vốn rất giỏi làm gỗ từ rừng. Những dãy núi vôi xanh thẳm bao quanh Tân Hóa một thuở bạt ngàn các cây gỗ nằm trong nhóm 'tứ thiết' như đinh, lim, sến, táu...

Ông Đô bên hai thân lim mọc lên từ một gốc lim từng được cưa ngang để lấy gỗ làm hầm trú bom từ hơn 50 năm trước - Ảnh: SƠN LÂM

Ông Đô bên hai thân lim mọc lên từ một gốc lim từng được cưa ngang để lấy gỗ làm hầm trú bom từ hơn 50 năm trước - Ảnh: SƠN LÂM

Lim mọc tới đâu, bảo vệ tới đó

Đến khi việc bảo vệ rừng được Nhà nước chú trọng, việc khai thác gỗ chấm dứt thì rừng cũng đã mất hết cây lớn. Chỉ còn cánh "rừng ông Đô" ở cuối thôn Năm (xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình) vẫn giữ được dáng vẻ nguyên sinh với vô số cổ thụ mà nhiều nhất là lim tuyệt đẹp.

Đặc biệt hơn cả là chính nhờ cánh rừng này mà ý thức bảo vệ rừng của người dân được nâng cao, giữ thiên nhiên bền vững cho muôn đời sau.

"Tên thật là Trương Xuân Đô, sinh ngày 5-2-1951, con trai út trong nhà có ba người chị gái", ông già vui vẻ nói bằng giọng sang sảng toát ra từ lồng ngực, vừa nói vừa phe phẩy quạt, vừa nói vừa than trời nóng, trong khi chúng tôi mặc thêm áo khoác vì ngoài trời mưa phùn.

Thấy thân hình vạm vỡ và nghe giọng ông Đô nói mới hiểu vì sao người dân Tân Hóa vẫn hay nói hồi trẻ ông thuộc hàng khỏe nhất vùng. Kể chuyện đời mình, ông Đô hay nói rất rõ cả ngày, tháng, năm như để chứng minh trí nhớ của mình rất tốt.

Ông được 4 tuổi thì mẹ mất, đến năm 14 tuổi thì cha cũng mất nên ở với chị gái. "Trên thôn Cổ Liêm hồi nớ mở trường học, mình đi học trễ, học tới hết lớp 5 vào năm 1968 thì bỏ học để ra ở riêng chứ chị hay đau yếu không còn nuôi cho ăn học được.

Lúc đó ở đây có một trạm giao liên, có y sĩ Luân trưởng trạm gửi mình lên thị trấn Quy Đạt học y tá", ông Đô kể tiếp. Thời chiến tranh, ông Đô học hết khóa y tá ba tháng thì quay lại trạm giao liên, trở thành "thầy y" của làng.

Rồi phụ trách luôn phần chèo đò đưa khách qua lại giữa làng với con đường đi lên Quy Đạt, lúc ấy vẫn chưa có cầu và còn nhiều cách trở vì các nhánh từ sông Rào Nan len lỏi qua nhiều vùng trũng.

Thôn Năm bây giờ cũng đã đông nhà hơn trước, chứ lúc ông Đô lên đây dựng nhà từ mảnh rẫy cha ông để lại từ thời kháng chiến, nơi đây còn là chốn thâm sơn cùng cốc không ai dám ở. Thậm chí người làng còn đồn khu vực này... có ma, rất hạn chế qua lại.

"Hồi năm 1982, công ty lâm sản tỉnh có về đây khai thác gỗ. Cây mô to thì khai thác. Sau đó tới năm 1995, Nhà nước có chủ trương cấm khai thác rừng mới phân cho mình giữ gần 50ha. Chừ nhiều lim to, họ gọi luôn là Cồn Lim. Chớ hồi xưa ở núi Đá Giăng ni chỉ có một cây thôi.

Cây nớ bán kính gốc của hắn thôi cũng đã hơn 2 thước", ông Đô kể làm chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về gốc tích khu rừng lim. Vị trí cây lim cổ thụ đó chỉ cách nhà ông Đô hiện nay chừng 500 mét, nay đã không còn.

Dẫn chúng tôi vào rừng, ký ức của ông Đô trải dài qua lời kể từ những ngày kháng chiến chống Pháp, thi thoảng ông cùng các anh chị phải theo mẹ và người dân đi vào núp dưới tán cây lim duy nhất của rừng Đá Nhăng để tránh bom.

"Về sau hắn già, bị gió mạnh gãy rồi chết. Mà chung quanh đây toàn là cây con của hắn, hạt bay khắp nơi rồi mọc lên như ri. Cây ni hồi năm 1973 gốc cũng to, người ta xẻ sát gốc lấy gỗ để làm hầm trú bom. Sau hắn mọc lên hai nhánh mới sống tốt tới chừ nì, đúng hơn 50 năm", ông Đô vừa nói vừa vỗ vỗ vào hai thân lim, mỗi thân cây to hơn một vòng ôm người lớn, cao vút lên trời.

Ông Đô không nói, thật khó mà biết hai thân lim nằm cạnh nhau vươn lên từ mặt đất này là từ một gốc. Cả khu rừng này hình như ông Đô đều quen thuộc từng cây.

"Hạt lim bay tới mô thì cứ ủ trong đất rồi mọc cây tới đó, mình cũng bảo vệ theo tới đó, nói nhiều thì nhiều chớ thiệt tình cũng không biết là mấy cây nữa tề", ông Đô cười ha hả.

Người dân Tân Hóa giờ đã bỏ hẳn tập quán khai thác rừng, nhiều vạt rừng được khôi phục hùng vĩ giữa thung lũng sông Rào Nan - Ảnh: THÁI LỘC

Người dân Tân Hóa giờ đã bỏ hẳn tập quán khai thác rừng, nhiều vạt rừng được khôi phục hùng vĩ giữa thung lũng sông Rào Nan - Ảnh: THÁI LỘC

"Ăn là hết, để rừng là còn"

Khu rừng lim nằm trên dãy núi Đá Giăng sau nhà ông Đô năm qua vừa được cấp phép để khai thác vòng chạy xe địa hình 1,6km cho du khách trải nghiệm. Điều khiển chiếc xe địa hình đi theo lối mòn xuyên rừng, đâu đâu chúng tôi cũng thấy những cây cổ thụ cao vút che lấp ánh mặt trời.

Những dốc cao gần như dựng đứng, những triền suối uốn lượn xanh biếc đều lọt thỏm trong sự trầm tịch ngàn năm của rừng nguyên sinh. Nhiều nhất vẫn là lim, với đủ loại thân kích cỡ từ bằng bắp tay người lớn đến to quá vòng ôm, mọc lộn xộn chen lẫn giữa thảm rừng thường xanh.

Mất khoảng nửa tiếng vất vả cho một vòng xe địa hình đi hết 1,6km, chỉ là một khoảnh nhỏ trong phần "rừng của ông Đô", chúng tôi thật sự khâm phục công sức giữ rừng của ông già trong bao nhiêu năm qua.

Thực ra sức người cũng có hạn, ngoài khu vực rừng gần nhà thì những vạt rừng xung quanh cũng từng bị lâm tặc phá hoại nhiều vào khoảng 20 năm trước, ông Đô khó mà cản xuể. "Hồi nớ hắn phá dữ lắm, toàn người chỗ khác tới. Nhiều bữa đang ăn cơm ở nhà nghe tiếng cưa máy là vội băng theo hướng tiếng cưa máy mà chạy đuổi bọn hắn", ông Đô kể.

Lâm tặc không trộm được thì ngã giá để mua. Nhưng tất thảy đều nhận được cái lắc đầu kiên quyết của ông Đô.

"Như cây trầm ni, tới năm ngoái còn có người tới năn nỉ mua mà mình nhất quyết không bán", ông Đô nói khi chỉ cho chúng tôi một cây trầm gió to bằng thân người lớn rồi nói thêm: "Ăn là hết, để là còn. Mình thì ăn chi nhiều, đem sức ra cày trỉa mấy sào ngô là đủ ăn quanh năm rồi. Thi thoảng lấy mật ong rừng đem bán là đủ tiền dầu, tiền điện. Mình giữ rừng để rứa cho con cháu sau ni còn có rừng, còn biết cây gỗ lim ra răng".

Việc giữ rừng chủ yếu là đối phó với lâm tặc từ phương xa, còn người dân ở đây thì đã quá quen với việc cứ đi ngang nhà là nghe ông Đô dặn với theo đừng cưa cây, đừng chặt gỗ. "Dân đây họ thật thà, nói là họ nghe. Hồi xưa cũng có nhiều người tới xin lấy gỗ làm nhà. Mà mình không cho là họ không lấy", ông Đô lý giải đơn giản việc rừng của mình không bị người dân Tân Hóa xâm phạm.

Anh Trương Văn Binh, người cháu họ ông Đô và cũng là hướng dẫn tour chạy xe địa hình, nghe vậy thì nói tếu táo: "Ông Đô có một dàn con trai ai cũng to khỏe như ông, ông nói người làng nghe là phải rồi chớ có ai dám cãi".

Lối mòn trong rừng lim ông Đô được làm đường chạy xe địa hình phục vụ du lịch, đặc biệt là khách quốc tế - Ảnh SƠN LÂM

Lối mòn trong rừng lim ông Đô được làm đường chạy xe địa hình phục vụ du lịch, đặc biệt là khách quốc tế - Ảnh SƠN LÂM

Nói vậy là vì ông Đô có đến 17 người con. Ngoài 3 người bị mất từ nhỏ thì đến nay còn 8 người con trai, 5 người con gái. Những người con trai ông Đô sau này cũng được ông cho đất, dựng nhà lân cận ở mé rừng này, cùng tham gia bảo vệ rừng với ông.

"Con út của ông Đô là Trương Xuân Nguyên thuộc đội tuyển đua thuyền truyền thống của Việt Nam. SEA Games 2023, Nguyên cùng đồng đội giành được 2 huy chương vàng, 1 huy chương bạc. Năm 2001, mẹ sinh Nguyên xong thì mất. Lúc đó anh cả Nguyên cũng mới có con. Nguyên ở với anh cả, được chị dâu cho bú rồi nuôi như con luôn.

Cách ông Đô giữ rừng bao năm qua dần dần cũng ảnh hưởng đến toàn bộ người dân Tân Hóa, bây giờ ngoài thỉnh thoảng vào rừng lấy củi, vài sợi dây mây, mật ong... thì không còn ai đi làm gỗ nữa. Cả săn thú rừng cũng bỏ", anh Trương Văn Binh tâm sự.

------------------------------

Người Nguồn ở vùng núi Tây Quảng Bình này vốn có ngôn ngữ riêng. Qua bao trăm năm chia cách bởi núi non hiểm trở, ngay cả người ở những thôn khác nhau trong cùng xã Tân Hóa cũng phân hóa nhiều âm khác nhau...

Kỳ cuối: Giữ nụ cười cho làng du lịch

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên