15/06/2023 12:44 GMT+7

Chuyến xe than cuối cùng của đêm trước đổi mới

Những người đứng tuổi chắc vẫn chưa quên cảnh chực chờ ở bến xe để có tấm vé hiếm hoi xuôi về miền Tây hay lên Tây Nguyên, ra miền Trung nắng gió. Có cả chuyến xe than...

Một chuyến xe đò cũ kỹ qua núi rừng miền Trung - Ảnh tư liệu

Một chuyến xe đò cũ kỹ qua núi rừng miền Trung - Ảnh tư liệu

Thời hậu chiến khó khăn, bến xe có mùi không lẫn vào đâu của rác rưới, bùn lầy, dầu nhớt và cả than củi khét lẹt để chạy xe.

Nhưng có lẽ ký ức khó quên nhất vẫn là những đêm nằm đợi qua bắc (phà) Cần Thơ và Mỹ Thuận, rồi những chiều gió mưa mà đứng tim với chiếc xe cũ nát rền rĩ leo đèo Rù Rì, Hải Vân...

Một ngày, ba mẹ tôi cuốn gói rời vùng quê Vĩnh Thái (Cam Hiệp, Cam Ranh, Phú Khánh mà nay thuộc tỉnh Khánh Hòa) để đi tìm "đất hứa" - nơi được hiểu có trường học gần nhà cho con cái theo đuổi chuyện học hành, có điện sáng ban đêm thoát cảnh tù mù của đèn dầu xóm quê, gần đường quốc lộ để gia đình có thêm cơ hội đổi đời...

Xe than thời khó

Xe than thời khó ra sao? Tủ, giường, heo, gà, đủ thứ hằm bà lằng... được chất lên một chiếc xe đò có cái bình than phía sau. Chiếc xe ì ạch như một gã hen già nua kéo chúng tôi đi về một "đất hứa" ở xứ thừa nắng thiếu mưa...

Một đứa trẻ 6 tuổi ở trong làng quê heo hút vào thời bao cấp sẽ không thể hiểu nổi vì sao một chiếc xe đò lại có thể vận hành bằng cái thùng than nóng như vạc dầu phía sau. Trong đầu nó, đó là một điều kỳ diệu đi cùng với cảm giác khủng khiếp.

Người lớn như ba mẹ tôi, những người trưởng thành và học hành ở các đô thị miền Nam, vào lúc ấy chắc cũng không thể hiểu vì sao có sự chuyển tiếp từ chiếc xe chạy xăng trước 1975 sang chiếc xe chạy than sau 1975. Tâm trí họ có lẽ chỉ nghĩ tới một hành trình để thoát khổ. Và hành trình đó phải nhờ đến cái phương tiện giao thông rơi rớt lại từ nền "văn minh cơ khí vận tải" có từ Thế chiến thứ hai.

Những chiếc xe đò cũ kỹ được "độ" lại từ xe tải ở một bến xe miền Trung thập niên 1980  Ảnh tư liệu

Những chiếc xe đò cũ kỹ được "độ" lại từ xe tải ở một bến xe miền Trung thập niên 1980 Ảnh tư liệu

Sau này, người ta coi chiếc xe chạy than là một sáng kiến về kỹ thuật vận tải trong thời bao cấp. Đó là thời kỳ Nhà nước quản lý giao dịch xăng dầu theo chế độ tem phiếu, xăng là mặt hàng được mua bán theo chỉ tiêu khắt khe. 

Các nhà xe lúc bấy giờ vẫn dùng những chiếc xe chạy xăng thời cũ, nhưng chỉ đổ xăng ít ỏi đủ để khởi động máy. Động cơ không đổi là mấy, nhưng thay vì vận hành bằng nhiên liệu khí đốt xăng thì bộ máy những chiếc xe đò được "độ" lại để chuyển sang nhiên liệu đốt than củi. Than củi được cho vào một thùng than kín, treo phía sau để đốt cháy thường xuyên nhưng lửa không bén thành ngọn.

Cái "buồng than" đó tạo nhiệt lượng chuyển vào bộ hòa khí, giúp máy xe vận hành. Thường thì mất hơn một giờ đốt, xộc khơi than thì nguồn nhiệt lượng mới đủ cho xe lăn bánh. Vận tốc xe than chỉ đạt tới khoảng 20 - 30 km/h. 

Hồi hộp nhất là khi bình than giảm nhiệt lượng mà xe đến đoạn dốc sẽ nhiều nguy cơ xe bị đuối máy. Những lúc đó, anh lơ xe miệng la oang oang cảnh báo, tay cầm hai cái gối gỗ nhảy xuống chèn vào hai bánh sau để xe không bất ngờ hụt hơi, tuột dốc.

Năm 1986, khoảng giao thời bao cấp và đổi mới, ở một tuyến đường liên tỉnh của miền Trung nắng gió, tem phiếu vẫn chưa đi qua, tự do mua bán vẫn còn đầy bỡ ngỡ. Cả gia đình tôi lắc lư, sặc sừ trên chiếc xe nóng như hỏa diệm sơn dưới cái nắng nung trời và tiếng la oang oang của anh lơ xe, tiếng văng tục và khạc nhổ qua cửa lái của bác tài.

Càng đi, chúng tôi thấy những làng quê càng hoang vắng, những đồi xương rồng càng trải dài, những trảng cát càng cô quạnh, những đồi gai càng hoang vu. Thùng xe bốc lên một thứ mùi không sao quên được. Mùi của phân gà phân heo, mùi mật xanh mật vàng của mẹ tôi, em tôi ực ra trong những trận ói kéo dài. Mùi ngờm ngợp khói thuốc lá vấn của bác tài hòa với khói than thi thoảng xì ra từ cái bình "trung tâm hỏa ngục" cứ nghiến cót két ở cửa sau xe...

Muội than bay mù mịt mỗi khi anh lơ leo lên mui xe tạt mấy ca nước chống nóng rồi dùng một cây sắt xọc vào thùng cời cho củi than cháy tạo thêm nhiệt lượng cho chiếc xe rệu rã lăn bánh về phía trước. Chiếc xe đi tới đâu, những viên than cháy đỏ rơi rớt xuống đường đến đó.

Xe chạy than thời bao cấp khó khăn - Ảnh tư liệu

Xe chạy than thời bao cấp khó khăn - Ảnh tư liệu

Bánh xe chạy trước... xe

Xe đi từ Đồng Bà Thìn, qua những vườn dừa xứ biển. Tôi thấy biển như kẻ chơi trốn tìm, lúc ẩn lúc hiện, màu xanh lóa nắng ngoài ô cửa.

Khi đến những đồng lúa có vành đai xương rồng rậm rạp ở vùng Gò Đền, Hộ Diêm thì chiếc xe lại cà khật cà khật và chao đảo xuôi về phía một bờ đê. Anh lơ xe đu ở cửa phụ kêu lên hốt hoảng: "A, tấp vô, tấp vô. Cái bánh chạy đằng trước rồi kìa!". Cả xe nháo nhác. Người lớn ôm chầm con cái chuẩn bị cho một cú lăn tròn xuống lòng ruộng. Còn bọn trẻ thì la hét hỗn loạn.

Bác tài xế vẫn mặt lạnh như tiền, đánh lái vô lăng để cố "dìu" cái xe lảo đảo chỉ còn ba bánh cho đến khi nó tấp vào được một gốc cây và đứng khựng. Cả nhà rồng rắn bồng bế nhau bước xuống đường, mặt mũi bơ phờ bám đầy muội than. Không ai buồn nói với ai câu gì. Mẹ tôi ngồi bệt bờ cỏ và làm dấu thánh giá. Ba tôi thì lau mặt cho tụi nhỏ rồi hít một hơi thở sâu, cố an ủi: "Không sao đâu, sắp tới nơi rồi...". Trong khi đó, anh lơ xe thì vần cái bánh xe lên khỏi một bờ ao đầy sình lầy...

Trưa đó, chúng tôi nghỉ lại trong một ngôi làng nhỏ ven đường chờ gắn lại bánh xe và đốt lại một thùng than mới. Dân nghèo thấy người lỡ đường liền rộng cửa đón tiếp. Tài xế và lơ xe nằm lăn ra dưới tán cây keo ngáy khò khò.

Chiếc xe lại lăn bánh, ì ạch đi trên con đường quốc lộ tiến về hướng Nam. Tới bến xe Phan Rang thì chiều xuống, xe phải đứng bến nghỉ lại đêm. Ngày nay thật khó hình dung con đường từ Cam Ranh (Khánh Hòa) tới huyện miền núi Ninh Sơn (Ninh Thuận, nơi chúng tôi sẽ đến) chỉ trên dưới 80 cây số mà phải đi trong hai ngày chỉ vì tài xế lo lắng cái xe "trở chứng" lần nữa khi qua chặng đường dốc, hai bên là rừng cây thưa nhà của quốc lộ 27.

Ở bến xe Phan Rang, những chiếc xe đò xếp theo hàng dọc phơi trong nền chiều những màu sơn rợ cũ, những chiếc mui đầy nhóc hàng hóa của người buôn chuyến và các thùng than gỉ sét cồng kềnh còn hừng hực nóng sau các lộ trình nhọc nhằn liên tỉnh miền Trung. Đất dậy mùi khai của nước tiểu, của dịch ói mà hành khách đi xe đựng trong bọc ni lông và quăng vô tội vạ, của mùi rau quả hư mà thương lái lọc bỏ vứt ở mấy đống rác ở ngay lối vào...

Len lách giữa những chiếc xe đò còm cõi còn hừng hừng hơi nóng từ bình đựng than là tiếng rao chao chát cuối ngày: "Ai nước chì đây" (Ai nước chè đây) của những đứa bé mặt mày đen nhẻm đi bán nước rong.

Thuở bao cấp xe cộ thiếu thốn, hàng hóa và người chồng chất trên mui xe là bình thường  Ảnh tư liệu

Thuở bao cấp xe cộ thiếu thốn, hàng hóa và người chồng chất trên mui xe là bình thường Ảnh tư liệu

Đêm đến, một manh chiếu được trải ra ngay dưới bình than, chiếc mùng lính bằng vải dù - kỷ vật mà ông ngoại tặng ba mẹ tôi khi xa quê Cam Ranh - được giăng bốn góc. Bọn trẻ sau bữa cơm tạm bợ ôm nhau đánh giấc mê mệt. Còn người lớn, có lẽ đã thức canh cho đến khi trời sáng, chờ thùng than được khơi lên cho chặng còn lại của hành trình đến "đất hứa"...

Cứ chạy một đoạn, tài xế lại phải tấp vào bên con đường đầy xương rồng và ruộng cạn để anh lơ xe châm thêm than củi. Mỗi bình than nung đốt sẽ duy trì nhiệt lượng cho chiếc xe chạy được chừng ba bốn mươi phút, rồi xe lại cà khật cà khật chạy rì rì như người đã kiệt sức.

*************

Cha tôi nhấc bổng chiếc xe đạp cà tàng để anh lơ kéo nó lên buộc trên mui xe chất đầy những thúng tre và lu đựng cá mắm, trái cây từ duyên hải chở lên cao nguyên Đà Lạt. 

>> Kỳ tới: Chuyến xe đò nối biển với núi rừng

Ấm áp trên chuyến xe đò về quêẤm áp trên chuyến xe đò về quê

TTO - Trên chuyến xe đưa những người con tha hương về tổ ấm vui vầy ngày tết cũng chuyển chở bao nhiêu câu chuyện, nỗi niềm, tâm trạng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên