12/04/2023 18:41 GMT+7

Có cần phải cấp thẻ căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi?

Nhiều ý kiến băn khoăn về mục đích, hệ quả pháp lý về nội dung dự thảo Luật căn cước khuyến khích cấp thẻ căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi, tại hội thảo lấy ý kiến góp ý của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM chiều 12-4.

Có cần phải cấp thẻ căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi? - Ảnh 1.

Nhiều đại biểu băn khoăn về tính cần thiết của nội dung cấp thẻ căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi của dự thảo Luật căn cước - Ảnh: THÁI AN

Trẻ dùng thẻ căn cước, ai chịu trách nhiệm?

Đại tá Trần Chiến Thắng (Đại học Cảnh sát nhân dân) cho rằng trẻ dưới 6 tuổi không thể tự mình dùng thẻ căn cước thực hiện các giao dịch, thủ tục như đi máy bay, du lịch, mà phải thông qua cha mẹ, người giám hộ. 

"Căn cước là giấy tờ có giá trị pháp lý. Trẻ em sử dụng căn cước, nếu có hệ quả xảy ra thì ai chịu trách nhiệm?", đại tá Thắng nêu vấn đề.

Đồng tình, đại diện Phòng tư pháp huyện Nhà Bè cho rằng sẽ khó kiểm soát việc trẻ là đối tượng chưa đủ năng lực hành vi, nhận thức sử dụng thẻ căn cước.

Tương tự, bà Ung Thị Xuân Hương - phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM - đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần thiết đánh giá thêm việc cấp thẻ căn cước cho trẻ. 

"Trẻ dùng căn cước tham gia các giao dịch dân sự được không, quản lý thế nào? Có làm phát sinh thủ tục hành chính không?...", bà Hương phân tích.

Bổ sung thêm, thượng tá Huỳnh Thị Thu Trang - phó trưởng Công an quận 8 - cho rằng khi làm căn cước cho trẻ thì phải tính toán có cần thiết thu dữ liệu sinh trắc (vân tay, hình ảnh của trẻ) hay không vì vân tay của trẻ không rõ ràng và hình ảnh khuôn mặt trẻ thay đổi theo từng năm.

Nơi đăng ký khai sinh và nơi cư trú có cần?

Có cần phải cấp thẻ căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi? - Ảnh 2.

Đại biểu góp ý không cần in thông tin nơi cư trú lên thẻ căn cước vì người dân sẽ thường xuyên thay đổi nơi cư trú thực tế - Ảnh: THÁI AN

Bà Xuân Hương cũng thắc mắc về quy định ghi thông tin nơi cư trú lên căn cước thì ghi thông tin thường trú hay tạm trú. Bởi lẽ cơ quan chức năng căn cứ vào thông tin thường trú, tạm trú để xác định thẩm quyền giải quyết theo lãnh thổ các thủ tục cho dân.

Đồng tình băn khoăn này, đại tá Thắng cho rằng không cần thiết ghi nơi cư trú lên căn cước vì người dân có thể thường xuyên thay đổi nơi cư trú. 

Trong khi nếu in lên căn cước, khi người dân mang căn cước thực hiện thủ tục thì thông tin trên căn cước với cư trú thực tế người dân sẽ mâu thuẫn.

Đồng thời, ông Thắng cũng góp ý bỏ quy định người dân phải mang theo thẻ căn cước khi ra đường, vì họ có thể dùng tài khoản định danh cá nhân (VNeID) để chứng minh thông tin cư trú, nhân thân với cơ quan chức năng.

Về quy định ghi thông tin nơi đăng ký khai sinh trên căn cước, thạc sĩ Lưu Đức Quang, giảng viên Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho rằng cơ quan chủ trì soạn thảo cần giải trình, đánh giá thêm. 

Theo ông Quang, nên ghi thông tin "nơi sinh" thay vì "nơi đăng ký khai sinh". 

"Ghi nơi sinh phù hợp với xu thế hội nhập với các quốc gia tiến bộ và thống nhất với hộ chiếu...", ông Quang nêu.

Chỉ "khai tử" chứng minh nhân dân 9 số?

Tại hội thảo, ông Đức Quang cũng đánh giá cao việc cơ quan chủ trì soạn thảo bỏ thông tin "quê quán", đưa vào quy định quản lý người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch.

Tuy nhiên, ông Quang cũng góp ý rằng cần đánh giá lại quy định dự thảo về việc "khai tử" chứng minh nhân dân 9 số và 12 số vào cuối năm 2024. Bởi lẽ theo ông Quang, căn cước công dân 12 số đã chứa số định danh, chỉ cần bỏ chứng minh nhân dân 9 số. 

"Chỉ chưa tới 10 năm mà căn cước đã đổi liên tục từ chứng minh nhân dân 9 số sang 12 số, rồi căn cước mã vạch, đến căn cước gắn chip, sắp tới là mẫu căn cước gắn chip mới theo luật mới. 

Việc này gây ra xáo trộn tâm lý cho người dân, lãng phí thời gian, tiền của. Cơ quan chịu trách nhiệm quản lý cần xem lại khả năng dự liệu, đánh giá việc ban hành chính sách...", ông Quang nói.

Góp ý này cũng nhận được ý kiến đồng tình của nhiều đại biểu khác.

Quy định giá trị pháp lý của thông tin đã chuẩn hóa

Ông Nguyễn Triều Lưu, trưởng phòng hộ tịch - quốc tịch (Sở Tư pháp TP.HCM), góp ý dự thảo luật cần bổ sung quy định giá trị pháp lý của dữ liệu thông tin về dân cư, cư trú đã được chuẩn hóa.

Ông Lưu chỉ ra việc hiện nay dữ liệu thông tin dân cư, cư trú của Bộ Công an với dữ liệu hộ tịch chênh lệch gây khó cho cán bộ giải quyết thủ tục.

"Phải có quy định giá trị của dữ liệu thông tin đã chuẩn hóa làm căn cứ giải quyết thủ tục...", ông Lưu đề xuất.

Đến nay, toàn TP.HCM cấp được 9,9 triệu căn cước, trong đó có 2,7 triệu là căn cước mã vạch, còn lại là gắn chip. Đã cấp được 1,6 triệu tài khoản định danh.

Bộ Công an nói về lo lắng đưa thêm thông tin vào căn cước dễ lộ nhân thânBộ Công an nói về lo lắng đưa thêm thông tin vào căn cước dễ lộ nhân thân

Đại diện Cục C06 - Bộ Công an nêu rõ thông tin của người dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và lưu trữ trong căn cước công dân là thông tin cần bảo vệ.





Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên