11/08/2023 11:32 GMT+7

'Đám cưới thạch xương bồ' độc đáo ở vườn Thành Nội

Loài cỏ thơm tên là 'thạch xương bồ' không chỉ là loài cây trong truyền thuyết về sông Hương. Nhiều người đã thấy tận mắt thạch xương bồ ngay trên bàn tiệc cưới vừa diễn ra tại Huế ngày 6-8.

Cỏ thơm thạch xương bồ trong truyền thuyết dòng Hương Giang - Ảnh: M.TỰ

Cỏ thơm thạch xương bồ trong truyền thuyết dòng Hương Giang - Ảnh: M.TỰ

Thạch xương bồ - một đám cưới thật độc đáo. Không chỉ vì công phu của chú rể bay từ TP.HCM ra, cô dâu từ Hà Nội bay vô, bạn bè các nơi bay về, mà còn vì nhiều điều thú vị khác.

Cô dâu là giảng viên một trường đại học lớn ở Hà Nội. Chú rể là nhiếp ảnh gia ở TPHCM. Cả hai đều đang thành công với công việc của mình.

Bố mẹ họ tuổi trung niên và có nhiều bạn bè. Gia đình hai bên cũng có đông đảo bà con cô bác nội ngoại. Nếu đám cưới của họ tổ chức tại TP.HCM và Hà Nội thì sẽ có cả ngàn khách, như rất nhiều đám cưới vẫn tổ chức lâu nay. Nhưng họ không chọn cách làm đám cưới như thế.

Họ muốn tổ chức một đám cưới thật trang trọng nhưng nhẹ nhàng, sâu lắng, mang cốt cách truyền thống nhưng phù hợp với thời hiện đại. Đám cưới không có những "thủ tục" cắt bánh, rót rượu, bắn hoa giấy, đặc biệt không có những màn "zô zô trăm phần trăm" và hát hò inh ỏi khiến khách không thể nào trò chuyện.

Đám cưới diễn ra trong một khu vườn xanh mướt Thành Nội Huế - Ảnh: M.TỰ

Đám cưới diễn ra trong một khu vườn xanh mướt Thành Nội Huế - Ảnh: M.TỰ

Rất đồng tình với suy nghĩ đó của đôi uyên ương, nhóm bạn của họ đã quyết định cùng thực hiện một đám cưới thật nhẹ nhàng mà mang nhiều ý vị, rất truyền thống mà không rườm rà, sang trọng mà không phải nhiều tốn kém. Và họ đã sáng tạo ra một kịch bản rất độc đáo: đám cưới thạch xương bồ.

Cô dâu tên là Phương Thảo, nghĩa là loài cỏ thơm. Chú rể tên Hoàng Giang, nghĩa là dòng sông lớn. Họ ghép lại với nhau thì gợi đến hình ảnh một loài cỏ thơm bên dòng sông. Cả hai đều yêu Huế, có nhiều kỷ niệm với thành phố thơ mộng này.

Họ quyết định tổ chức đám cưới tại đó. Nơi đó truyền thuyết kể rằng, do đầu nguồn sông có một loài cỏ thơm nên dòng nước thơm phức. Và người dân gọi tên con sông chảy qua giữa xứ sở là Hương Giang - dòng sông thơm.

Loài cỏ thơm nơi đầu nguồn dòng Hương đã được các nhà thực vật học xác định là thạch xương bồ. Đây là một loài thực vật thân thảo có mùi thơm đặc biệt, tên khoa học là Acorus gramineus, một thứ dược liệu quý, chữa bá bệnh.

Hình ảnh thạch xương bồ bên dòng nước đã được nhóm bạn trẻ thiết kế thành biểu trưng của đám cưới.

Thạch xương bồ là “món đặc biệt” trên bàn tiệc cưới - Ảnh: M.TỰ

Thạch xương bồ là “món đặc biệt” trên bàn tiệc cưới - Ảnh: M.TỰ

Đám cưới thạch xương bồ trong vườn Thành Nội

Đám cưới thạch xương bồ được tổ chức trong khu vườn Thành Nội, có dòng nước và những cây cỏ thơm.

Đôi uyên ương đi giữa hành lang có trưng bày bộ ảnh Huế do nhiếp ảnh gia Hoàng Giang thực hiện. Ban nhạc cùng ca sĩ cất lên bài hát Lý mười thương. Mọi người cùng hát theo "một thương tóc xõa ngang vai...".

Khi họ bước lên chiếc cầu cổ, ban nhạc tấu khúc Lưu thủy, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ - những bản nhạc mang âm điệu vui tươi, rộn ràng.

Cô dâu và chú rể nói lời tri ân cha mẹ. Rồi họ cùng thực hiện nghi thức kết nút đồng tâm trước sự chứng kiến của người thân và bạn bè.

Đám cưới chỉ mời hơn 80 khách, nên ngôi nhà rường cổ đủ chỗ cho một bữa tiệc đậm hương vị Huế.

Đám cưới không trang trí bằng những lẵng hoa đắt tiền. Thay vào đó là những chậu thạch xương bồ rất tinh tế và đầy ý vị.

Trên mỗi bàn tiệc đều có một chậu thạch xương bồ, phảng phất mùi cỏ thơm. Tiệc cưới không có hát hò, chỉ có âm thanh nhẹ nhàng của những nhạc cụ cổ truyền hòa tấu.

Đám cưới không có hát hò, chỉ có âm thanh nhẹ nhàng của những nhạc cụ cổ truyền hòa tấu - Ảnh: M.TỰ

Đám cưới không có hát hò, chỉ có âm thanh nhẹ nhàng của những nhạc cụ cổ truyền hòa tấu - Ảnh: M.TỰ

Đám cưới phải là ngày vui

Tác giả của kịch bản "đám cưới thạch xương bồ" là một nhóm bạn trẻ đam mê nghiên cứu văn hóa, có tên là Hiếu Văn Ngư - Cultura Fish.

Hình ảnh "thạch xương bồ bên dòng nước" là ý tưởng của Lục Phạm Quỳnh Nhi - điều phối viên của Hiếu Văn Ngư, một cô gái Bình Định. Người quản lý của nhóm thực hiện là Hà Thúc Đức Tùng, một chàng trai Huế làm việc tại TP.HCM.

Giám đốc nghệ thuật là Uyên Phương và thiết kế mỹ thuật cho đám cưới là Josh Trombley. Họ cũng là đôi vợ chồng trẻ.

Họ nhận thấy đám cưới ở nước mình hiện nay không còn là đám cưới truyền thống của người Việt xưa, cũng không phải là đám cưới hiện đại như thế giới vẫn làm. Rườm rà lễ nghi, nặng nề lễ vật, tốn kém nhiều tiền bạc. Lòe loẹt màu sắc, ồn ào âm thanh, và tràn ngập bia rượu.

Những người trẻ thực hiện “đám cưới thạch xương bồ” - Ảnh: HIẾU VĂN NGƯ

Những người trẻ thực hiện “đám cưới thạch xương bồ” - Ảnh: HIẾU VĂN NGƯ

"Đám cưới là ngày vui mà sao ai cũng phải mệt mỏi? Vì vậy, chúng tôi muốn tổ chức một đám cưới không phải mệt mỏi như vậy. Một đám cưới thật đậm truyền thống mà vẫn rất hiện đại, thật nhẹ nhàng mà mang ý nghĩa sâu sắc", Quỳnh Nhi nói.

Và họ cùng một số bạn trẻ đồng cảm với suy nghĩ này, từ Hà Nội, TP.HCM về Huế để cùng thực hiện "đám cưới thạch xương bồ".

Nghe các bạn trẻ trình bày, nhà thơ Võ Quê - chủ nhiệm câu lạc bộ Ca Huế thính phòng - đã cảm thấy hết sức hứng khởi với "đám cưới thạch xương bồ". Ông đã cùng với các nghệ sĩ ca Huế thực hiện phần âm nhạc cho đám cưới rất độc đáo đó.

Nhà thơ nói: "Tôi rất bất ngờ trước những suy nghĩ sâu sắc và đầy trách nhiệm của các bạn trẻ này. Họ còn trẻ mà nghĩ suy rất già dặn, thực hiện thì rất trẻ trung và sáng tạo!".

Cuối tiệc cưới, khách được mời chơi “đầu hồ”, một trò chơi cổ xưa của Huế - Ảnh: HỒNG NHẬT

Cuối tiệc cưới, khách được mời chơi “đầu hồ”, một trò chơi cổ xưa của Huế - Ảnh: HỒNG NHẬT

Hiếu Văn Ngư được thành lập vào tháng 12-2020, với vai trò trung gian giữa giới học thuật và công chúng. Nhóm gồm những người trẻ có nhiều chuyên ngành (sư phạm, truyền thông, IT, kế toán, hội họa), đó là lợi thế để tiếp biến di sản văn hóa thành sản phẩm phù hợp với cuộc sống đương đại.
Các dự án nổi bật của Hiếu Văn Ngư: Hát Bội 101, Phong Hoa Ca Vịnh, các chương trình giáo dục, các sự kiện có ứng dụng yếu tố văn hóa và di sản như “đám cưới thạch xương bồ”.
Đám cưới truyền thống Huế: trọng lễ nghi, khinh tài vậtĐám cưới truyền thống Huế: trọng lễ nghi, khinh tài vật

TTO - Những hình ảnh về đám cưới xưa ở Huế đã gợi nhớ lại cho người xem nét đẹp thuần phong mỹ tục không lẫn với vùng miền nào khác.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên