29/07/2010 04:25 GMT+7

Để học sinh bớt hành xử thô bạo

TRịNH VĨNH HÀ
TRịNH VĨNH HÀ

TT - Hội thảo đi tìm giải pháp phòng ngừa từ xa và ngăn chặn học sinh đánh nhau vừa được Bộ Giáo dục - đào tạo tổ chức hôm 28-7 tại Hà Nội.

yo3DGIVZ.jpgPhóng to
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

Gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài nhà trường đã xảy ra trong năm học 2009-2010, trong đó có những vụ nghiêm trọng: học sinh đánh “hội đồng”, học sinh nữ đánh bạn, quay clip tung lên mạng, học sinh sử dụng hung khí đánh nhau, đánh bạn dẫn đến tử vong... Đã có trên 3.000 học sinh phải chịu các mức kỷ luật, trong đó hơn 700 học sinh bị buộc thôi học.

Thiếu sự quan tâm của người lớn

Thiếu tướng Phạm Thanh Đàm, cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an, cho biết: Từ năm 2003 đến nay, trung bình mỗi năm xảy ra 10.000 vụ phạm tội trong lứa tuổi vị thành niên, trong đó khoảng 1/4 số vụ có học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật.

Phân tích nguyên nhân dẫn đến sự bùng phát học sinh đánh nhau và đánh nhau gây hậu quả nghiêm trọng, nhiều ý kiến cho rằng: có liên quan đến sự thiếu quan tâm, hoặc quan tâm không đúng mức của các bậc cha mẹ, sự tác động bởi mặt trái của xã hội, sự thiếu hụt trong giáo dục đạo đức, lối sống của các nhà trường... Như vậy, học sinh đánh nhau có phần lỗi từ người lớn. Và việc khắc phục sẽ phải bắt đầu từ những chuyển biến ở các bậc cha mẹ, thầy cô và môi trường sống xung quanh các em.

Cần có giáo viên tâm lý

Thầy Trần Thanh Đức, TS Nguyễn Tùng Lâm và một số thầy cô giáo khác cho rằng: Trước tình hình hiện nay, Bộ GD-ĐT cần kiến nghị để bổ sung cho mỗi nhà trường một biên chế giáo viên tâm lý. Trong tương lai các trường cần có phòng tư vấn tâm lý, hỗ trợ học sinh ngoài giờ lên lớp. Đây là việc cần thiết để “gỡ rối” tâm lý cho những học sinh ở lứa tuổi nhạy cảm, lứa tuổi dễ tổn thương, dễ bị tác động, lôi kéo bởi các yếu tố khách quan.

TS Đinh Phương Duy nhận xét: chứng kiến những điều trái tai gai mắt nhưng không được xử lý nghiêm khắc, nhiều học sinh cho rằng người có tiền có thể mua được nhiều thứ, thậm chí mua được sự an toàn cho mình, vậy nên họ biết cậy thế, ỷ vào sự “bảo kê” của một ai đó và cứ hành động theo sở thích, cảm xúc của mình.

Điều này làm nhiều bạn trẻ mất niềm tin về điều thiện và thử đi tìm một cách ứng xử khác thường. “Không có những sân chơi lành mạnh nên học sinh sa đà vào những thú vui khác như nghiện game online, tụ tập ngoài đường phố... Và sự tác động của chính những môi trường vui chơi đó đã khiến các em làm quen với lối hành xử thô bạo” - TS Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng - Hà Nội, nói thêm.

Tạo dựng niềm tin và động lực sống

Trao đổi về giải pháp ngăn chặn học sinh đánh nhau, TS Đinh Phương Duy nhấn mạnh: Bạo lực học đường không chỉ là vấn đề riêng của ngành giáo dục mà là hiện tượng có tính chất cảnh báo toàn xã hội về một xu hướng sống, xu hướng tâm lý bất thường đang âm ỉ, hình thành tự phát theo hướng tiêu cực.

Vì vậy các nhà quản lý giáo dục cần nhận thức rõ về hiện tượng này như một nguy cơ tiềm ẩn sự thay đổi giá trị, định hướng giá trị của lớp trẻ. Và để xoay chuyển tình thế, chỉ có những tấm gương thật tốt của người lớn trong cách sống, trong lối sống mới có thể giáo dục lớp trẻ một cách hiệu quả.

Cô giáo Phạm Thúy Vĩnh cho rằng Bộ GD-ĐT cần bớt đi những chương trình dạy học quá chuyên sâu ở bậc phổ thông để tăng thời gian cho việc phổ biến pháp luật, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Đây là điều thống nhất với ý kiến của một số người tại hội thảo. Một số thầy cô giáo cho rằng: Đến lúc cần phải dành thời gian thích đáng hơn, với những hình thức thuyết phục, hiệu quả hơn để dạy người thay vào việc chỉ lo dạy chữ để đi thi, để lấy bằng cấp như thời gian qua.

TRịNH VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên