01/07/2023 09:19 GMT+7

Đừng để 'sụp lở' quy tắc quản trị và nhân văn!

Vụ sụp lở nhà trên đồi ở Đà Lạt là một tai nạn chấn động lòng người, không chỉ với người dân tại chỗ. Chia sẻ nỗi đau, chúng ta không thể không nhớ tới những tai nạn kinh hoàng từng diễn ra và vẫn lặp lại tại các đô thị và ngay cả nông thôn.

Một khối lượng lớn bê tông, đất đá đổ từ trên cao xuống gây hậu quả nghiêm trọng ở Đà Lạt - Ảnh: M.V.

Một khối lượng lớn bê tông, đất đá đổ từ trên cao xuống gây hậu quả nghiêm trọng ở Đà Lạt - Ảnh: M.V.

Đó là vụ sụp đổ nhà cổ hơn 100 tuổi ở Hà Nội làm 2 người chết và 6 người bị thương vào năm 2015. Hay như vụ cháy tiệm karaoke ở Bình Dương năm 2022 làm 32 người chết. 

Trước đó, vụ cháy thương xá ITC tại TP.HCM năm 2002 khiến 60 người tử vong và hơn 100 người bị thương là một chứng tích phải trả bằng máu về chuyện bất cẩn trong sử dụng vật liệu dễ cháy và thiếu vắng phương tiện thoát hiểm, cũng như cứu hỏa tại các nhà cao tầng.

Không chỉ cháy nổ hay sụp đổ nhà cửa, nhiều thành phố và thị trấn còn liên tục bất ngờ chứng kiến các vụ sạt lở ven sông và ven biển. 

Các vụ sụp lở ấy thường do xây cất bừa bãi hoặc thiếu tính toán và dự báo hậu quả. Trong khi ấy, tại những công trình cầu cống, đường sá, nhà cửa và nhà máy đã xảy ra không ít tai nạn nghiêm trọng, để lại những bài học xót xa.

Chẳng hạn năm 2001, cầu Bình Điền bị sập do sà lan đụng vào, cho thấy nhiều cây cầu lớn nhỏ đều không có phương tiện chống va đập. 

Năm 2007, vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ làm 54 người chết, đặt ra nhiều câu hỏi về phương án kỹ thuật và quá trình thi công. 

Ngày cuối năm 2022, cả nước đau lòng vì một bé trai 10 tuổi ở Đồng Tháp rơi vào ống cọc tại một công trường xây dựng. Càng nghiêm trọng hơn, vụ Nhà máy thép Formosa "xả trộm" nước thải ra biển, gây ra thảm họa môi trường và đời sống của miền Trung.

Những tai nạn thảm khốc như vậy đều có nguyên nhân ở con người, chứ không phải do "thiên tai" hay "địch họa".

Qua đó, điều thấy rõ nhất là nhiều quy tắc, quy định và luật pháp cụ thể trong quy hoạch, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, hay quản trị đô thị và doanh nghiệp đã bị coi thường. Tệ hơn nữa, chúng bị phớt lờ bởi người thực hiện cũng như người giám sát và kiểm tra.

Trong đó, ngoài lý do "vô trách nhiệm", "thiếu trách nhiệm" với cộng đồng và chính bản thân, còn có lý do phổ biến là "đồng bạc đâm toạc tờ giấy". 

Lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm đã làm lương tâm con người và lương tâm chức nghiệp bị phai mờ hay tan biến. Chúng dẫn đến những hậu quả khôn lường mà đến khi hối lỗi hay phải ra tòa thì tay người không những "dính chàm" mà còn dính máu của đồng loại.

Ở nhiều nước phát triển, vẫn có những tai nạn thảm khốc không kém mà nguyên nhân là những điều tương tự. Huống chi ở một đất nước đang trên đường công nghiệp hóa, hẳn nhiên sẽ phải đối mặt với nhiều tai nạn và vấn nạn mới. 

Các thử thách ấy đã và đang đòi hỏi trình độ quản trị nhiều mặt của các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp, sự hiểu biết rộng rãi và đầy đủ của toàn xã hội về các quy tắc, cũng như luật pháp trên tất cả các lĩnh vực phải được nâng cấp và cập nhật.

Tuy nhiên, chính các yếu tố nhân văn và nhân ái mới là nền tảng và cũng là mục tiêu cho trình độ quản trị và mọi sự hiểu biết. 

Chúng ta cần "gia cố" chứ không để "sụp lở" thêm nữa nền tảng nhân văn và nhân ái của một xã hội văn minh, ngay trong giáo dục thế hệ trẻ và huấn luyện cán bộ!

Đà Lạt xây dựng dồn nén quá mức, sạt lở nghiêm trọngĐà Lạt xây dựng dồn nén quá mức, sạt lở nghiêm trọng

Vụ sạt lở kinh hoàng mới đây tại đường Hoàng Hoa Thám (Đà Lạt) khiến hai người chết, bốn người bị thương là đỉnh điểm của việc xây dựng dồn nén quá mức ở nội ô Đà Lạt.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên