07/02/2023 09:53 GMT+7

Đường phố Sài Gòn - Những ký ức thân thương - Kỳ 5: Con kinh xưa, nhịp đời nay...

Con đường ven kinh Tẻ ngày ngày leng keng tiếng nhạc ngựa. Mặt này đường là con kinh thuyền ghe tấp nập, mặt kia là đầm lầy và đồng ruộng với những chòm xóm thưa thớt...

Kỳ 5: Đường Trần Xuân Soạn, con kinh xưa, nhịp đời nay... - Ảnh 1.

Trần Xuân Soạn, con đường bên trái song hành với kinh Tẻ - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Khung cảnh đó chỉ mới đây, già nửa thế kỷ trước...

Trên bến dưới thuyền

Năm 1906-1908, khi đời sống giao thương Sài Gòn - Chợ Lớn với vùng đồng bằng miền Tây phát triển mạnh, kinh Tàu Hủ quá tải, chính quyền thuộc địa cho đào con kinh từ sông Sài Gòn đến Rạch Cát dài gần 13km để nối thêm tuyến vận chuyển hàng hóa. Trong đó có 4,4km kinh Tẻ, tính từ sông Sài Gòn đến điểm giao các dòng kinh Đôi, rạch Bến Nghé và kinh Tàu Hủ. Lưu ý, ban đầu gọi là kinh Tẽ hàm ý con nước bị chia dòng.

Cho đến thập niên 1950, ta có thể hình dung như vầy: ghe thuyền miền Tây trao đổi hàng hóa với Sài Gòn sẽ có một hướng đi vào Chợ Lớn, Bến Nghé, và một hướng đi qua kinh Tẻ. Bởi thế, nên kinh Tẻ thuộc một trong ba mạng lưới giang cảng Sài Gòn - Chợ Lớn (Port Fluvial de Saigon - Cholon) dài trên 26,5km - qua các con kinh Bến Nghé, Tàu Hủ, Lò Gốm, kinh Tẻ và kinh Đôi - và những tuyến kinh nối (theo cuốn Hạ tầng đô thị Sài Gòn buổi đầu của Trần Hữu Quang, NXB Tổng Hợp TP.HCM, 2012).

Con đường Trần Xuân Soạn được hình thành tự nhiên, gắn với sự hình thành của dòng kinh Tẻ; ban đầu có tên Route Sud de Canal de Dérivation (tức, đường nam kinh Tẻ). Có thuyền thì có bến, có khách thương hồ thì có chốn dừng chân lưu trú, vựa mua bán trao đổi thổ sản. Bên kia con kinh là quận 4 với những dãy nhà kho cũ tập kết hàng hóa, bên này cũng là bến thuyền ghe buông neo trên chuyến thương hồ, tạo nên những chợ tạm "ngoại ô". Về địa lý thì không xa trung tâm, nhưng khoảng cách tâm lý thì khá xa xôi, bởi trong tâm thức người Sài Gòn, khu kinh Tẻ thường gắn với Nhà Bè.

Anh Minh (nhân viên giao báo, nhà ở khu Xóm Chiếu, quận 4) thời niên thiếu thường theo bạn bè bơi qua con kinh Tẻ sang xóm ghe trên đường Trần Xuân Soạn để bắt dế, câu cá vì khu này nhiều đầm lầy và ruộng cạn. Chuyện của những năm đầu thập niên 1970 mà như đã xa thăm thẳm. Nay ngồi cà phê trước một chung cư mới xây ở đường Bế Văn Cấm, đoạn giáp Trần Xuân Soạn, người đàn ông tuổi ngoài 60 nói rằng: "Nhiều khi đi giao báo cho khách ở khu này, mình cứ hình dung đến những bụi dừa nước, con rạch sình lầy, khu mồ mả với những ngôi mộ um tùm cỏ dại ở đây, ở kia...".

Ngày rằm tháng giêng, dưới gốc bồ đề trăm tuổi cạnh miếu Bà Cố trên đường Trần Xuân Soạn, bà Ba - người chăm sóc miếu - kể với khách về con đường này: "Ngày trước nhà ven kinh san sát, dân tứ xứ thương hồ neo đậu. Bên kia đường là ruộng, cái ao lớn và nghĩa địa. Tui sanh ra, lớn lên ở đây. Tui đi lội rạch bắt tôm bắt cá tá lả. Chồng tui cũng ở trên con đường này, sau giải phóng ở nhà phụ tui buôn bán ngoài chợ, rồi bán cà phê bám theo con đường này mà sống. Chú biết không, ngày trước khi tui còn nhỏ đường này vắng hoe, xe thổ mộ chạy ngược chạy xuôi thồ hàng đi các chợ. Mình đi đâu qua quận Nhứt, Chợ Lớn cũng vẫy xe ngựa mà đi...".

Vợ chồng bà Ba không nghĩ có lúc căn nhà nhỏ của mình cũng phải bán đi bởi lâm cảnh khó khăn, bệnh tật. Họ giăng bạt tạm bợ, nương nhờ bóng mát gốc cây bồ đề ở cạnh miếu Bà Cố mà sống qua ngày. Ông bà trông coi lau chùi ngôi miếu và mua nhang đèn cho khách thăm viếng, rồi sống bằng tiền khách phát tâm từ bi.

Khách đến nhang đèn lễ cúng miếu Bà Cố đông nhất vào rằm tháng 2 hằng năm. Bà Ba nói: "Ngôi cổ miếu này có tuổi đời hàng trăm năm rồi". Khách thương hồ, người ly hương xứ chọn đây làm chốn dừng chân mưu sinh thường lui tới đốt hương vì tin rằng linh thiêng và được độ trì.

Kỳ 5: Đường Trần Xuân Soạn, con kinh xưa, nhịp đời nay... - Ảnh 2.

Vẫn còn cảnh trên bến dưới thuyền - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sống cùng nhịp nước lớn, nước ròng

Thập niên 1960 có một sự kiện hình thành khu dân cư ở ven đường Trần Xuân Soạn: trận hỏa hoạn tháng 3-1963 tại khu Vĩnh Hội khiến 3.000 căn nhà lụp xụp bị thiêu rụi. Tòa Đô chánh lúc bấy giờ có chính sách đưa cư dân tay trắng sang định cư ở xã Tân Quy Đông, tức vùng ven kinh Tẻ kéo từ Rạch Ông đến cầu Tân Thuận. Người dân Công giáo trong số đó lập được hai xứ đạo Thuận Phát và Mẫu Tâm. Những chi tiết này còn được nhắc lại trong các trang kỷ yếu của những giáo xứ này. Một cư xá được quy hoạch khá kiểu mẫu với không gian sống đặc trưng Sài Gòn (gọi là cư xá Ngân Hàng) với đường bàn cờ, những lô và nếp nhà toát lên tinh thần sống hòa đồng dễ chịu cho dân nghèo và công chức tái lập cuộc sống.

Nơi đây còn là con đường đậm chất Sài Gòn sông nước, vì cho đến nay, tuy tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng trên toàn khu Nam Sài Gòn, nhưng đây vẫn là một con đường giữ được nhiều sắc thái sinh hoạt ngày cũ: các ghe thương hồ miền Tây vẫn ngày ngày chở nông sản lên xếp hàng dọc tuyến kinh, đặc biệt đến những ngày giáp Tết, tuyến kinh từ cầu Tân Thuận kéo dài đến dạ cầu kinh Tẻ rực rỡ hoa, kiểng Tết từ các miệt vườn đồng bằng Nam Bộ...

Đường phố Sài Gòn - Những ký ức thân thương - Kỳ 5: Con kinh xưa, nhịp đời nay... - Ảnh 3.

Những chiếc tàu ghe vẫn còn neo đậu theo con nước trên dòng kinh dọc theo đường Trần Xuân Soạn, quận 7 ngày nay- Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sau khi những dãy nhà ổ chuột ven kinh được giải tỏa để xây kè công viên, thì nhiều gia đình quen sống đời thương hồ vẫn tiếp tục chọn chiếc ghe làm nơi mưu sinh buôn bán và trú ngụ. Có lẽ đời sống xã hội sông rạch Sài Gòn - TP.HCM không đâu rõ nét hơn ở dọc con đường này. Có những chiếc ghe không còn lênh đênh sông nước nữa, chủ cho thả neo cố định và biến thành quán cà phê (như quán The Coffee Ship ở phường Tân Hưng) để khách yêu sông nước có thể chọn một chỗ ngồi, nhâm nhi ly cà phê và ngắm thuyền ghe qua lại...

Khi đêm buông, con đường ven kinh Tẻ như một dãy phố ẩm thực tự nhiên để tôi có thể cùng bạn bè kéo ghế ngồi thưởng thức các món tôm cá, hải sản miền Tây mà ghe vừa chở lên trong ngày. Có lẽ nhà văn Vũ Bằng cũng đã từng lê la những quán xá bình dân ở đây trong những năm dấn thân vào nghề báo Sài Gòn nên ông mới viết về các món từ cháo cá chìa vôi Nhà Bè đến tôm càng nướng Tân Thuận Đông tỉ mỉ như vậy trong cuốn Món lạ miền Nam (1969).

Nhắc tới Vũ Bằng, tôi chợt nhớ những dòng đầy cám cảnh của Tạ Tỵ: "Khi nhìn thẳng vào đời sống của Vũ Bằng dưới mái nhà nhỏ bé bên chân cầu Tân Thuận, tự nhiên trong lòng tôi thấy xót xa... Chính vì cần tiền nên cứ vào khoảng 3 giờ sáng, Vũ Bằng một mình một bóng vừa viết... vừa ngồi hứng từng chậu nước đổ vào bể chứa cho vợ nấu cơm và giặt giũ. Trời vừa hửng sáng, mặc quần áo đi làm, mang theo bản thảo..." (Mười khuôn mặt văn nghệ, 1970).

Căn nhà nhỏ dưới chân cầu Tân Thuận của Vũ Bằng cụ thể là đâu, nhất thời tôi chưa dò thấy. Nhưng tôi đã nghĩ ông từng hòa mình vào một cộng đồng trôi dạt đến đây trong hoạn nạn và tiếp tục sống cùng nhịp lớn ròng của con kinh để tìm ra chất văn của một chặng đời mình.

Một chiều trên quán cà phê ghe, tôi và cậu con trai dõi nhìn lại con đường từ dòng kinh, tôi sẽ kể ký ức, lai lịch nơi chôn nhau cắt rốn của cậu bé bằng một sự ghép nối ký ức của những người thương hồ và cư dân cũ vào ký ức, trải nghiệm sống của riêng mình.

Sẽ phản cảm biết mấy khi chỉ nói về vẻ thơ mộng sông nước, bởi Trần Xuân Soạn đang là con đường ngập nổi tiếng thành phố trong những năm gần đây, khi đô thị hóa khiến những cái tên phường mà con đường này chạy qua: Tân Thuận Đông, Tân Thuận Tây, Tân Kiểng, Tân Hưng và toàn bộ khu Nam Sài Gòn gần như đã chật nêm nhà cửa và dự án đô thị. Nhưng bà Ba ở gốc đa cạnh miếu Bà Cố nói với tôi rằng, vậy mà nhiều khi nhắm mắt lại còn nghe tiếng nhạc ngựa vang những sáng sương mù tỏa lên từ dòng kinh.

Song hành với một thành phố hoa lệ vẫn có một thành phố lam lũ. Đan xen giữa những con đường thơ mộng hay nguy nga vẫn có những con đường phong trần hay dân dã.

Kỳ tới: Nguyễn Đình Chiểu - con đường hai sắc màu thành phố

Đường phố Sài Gòn - Những ký ức thân thương Kỳ 4: Lý Tự Trọng "đường giờ đây đã sống bao thăng trầm"Đường phố Sài Gòn - Những ký ức thân thương Kỳ 4: Lý Tự Trọng 'đường giờ đây đã sống bao thăng trầm'

Những cây me già trên con đường đẹp Gia Long (nay là Lý Tự Trọng) của Sài Gòn từng chứng kiến cuộc dậy sóng chính biến vào ngày 1-11-1963...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên