17/09/2023 17:22 GMT+7

Đứt bán phần dây chằng chéo trước và sụn chêm ở người bệnh thoái hóa khớp gối

Nhiều bệnh nhân thắc mắc tại sao chẩn đoán thoái hóa khớp gối mà khi chụp MRI thì lại đọc đứt bán phần dây chằng chéo trước.

Dây chằng chéo trước bị đứt bán phần trên bệnh nhân bị thoái hóa gối. Tuy nhiên gối còn rất vững và bệnh nhân có chỉ định thay khớp gối vì hư sụn rất nhiều.

Dây chằng chéo trước bị đứt bán phần trên bệnh nhân bị thoái hóa gối. Tuy nhiên gối còn rất vững và bệnh nhân có chỉ định thay khớp gối vì hư sụn rất nhiều.

Cũng như, nhiều bệnh nhân không có tiền căn chấn thương, do đau khe khớp gối bên trong hoặc góc sau ngoài lúc ngồi xổm, nên khi đi khám đã được chỉ định, hoặc tự yêu cầu bác sĩ cho chụp MRI khớp gối thường nhận được kết quả đọc là đứt bán phần dây chằng chéo trước.

Đứt bán phần dây chằng chéo trước trong thoái hóa khớp gối có cần phải mổ?

Một số bệnh nhân được đưa đi mổ tái tạo dây chằng. Một số cứ lăn tăn tại sao các bác sĩ không làm gì dây chằng nên lại đi từ bệnh viện này qua bệnh viện khác.

Thoái hóa khớp gối nguyên phát là tình trạng lão hóa theo thời gian của tất cả các thành phần trong khớp gối bao gồm sụn khớp, sụn chêm, dây chằng và tình trạng viêm của bao khớp.

Hình chụp minh họa ở trên là của một bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối và đã được thay khớp gối. Chúng ta có thể thấy bằng mắt thường dây chằng chéo trước bị rách bán phần bao gồm bao hoạt dịch bao quanh dây chằng và một phần sợi dây chằng. Tuy nhiên vì chỉ có một số sợi bị đứt nên gối vẫn vững.

Bệnh nhân được mổ thay khớp gối do khớp gối bị hư rất nhiều sụn khe bên trong.

Dây chằng rách bán phần có thể giải thích một phần do gối bị vẹo trong làm tăng áp lực, một phần do lão hóa. Như vậy nếu MRI đọc đứt bán phần dây chằng chéo trước thì nó cũng chỉ là một phần trong bệnh cảnh thoái hóa khớp gối và không có chỉ định mổ tái tạo dây chằng.

MRI chưa bao giờ là tiêu chuẩn để chẩn đoán thoái hóa gối. Xét nghiệm đơn giản, rẻ tiền, hiệu quả là X-quang gối tư thế đứng ở vị trí gối thẳng và gập nhẹ 30 độ đã bị bỏ qua.

Nếu bạn trên 35 tuổi, không có tiền căn chấn thương, đau khe khớp gối bên trong hoặc bên ngoài hoặc góc sau ngoài khi ngồi xổm, kết quả chụp MRI có kết quả đứt bán phần dây chằng chéo trước thì chẳng nên lăn tăn về sợi dây chằng.

Thay vào đó, nên tuân thủ việc điều trị thoái hóa khớp gối.

Rách sụn chêm trong thoái hóa gối

Chắc chắn nhiều độc giả sẽ gặp trường hợp bệnh nhân không bị chấn thương, đau gối, tuổi trung niên. MRI khớp gối sẽ có phần đọc rách sụn chêm thoái hóa độ một hoặc hai, đường rách không thông với mặt khớp.

Bệnh nhân cầm kết quả này sẽ rất hoang mang khi thấy bác sĩ không xử trí gì với tổn thương này. Nhưng có bệnh nhân được tư vấn mổ cắt sụn chêm. Kết quả sau mổ có khi đau nhiều hơn.

Thoái hóa khớp gối là tình trạng lão hóa của cả khớp gối. Tất cả thành phần trong khớp gối ít hay nhiều sẽ bị thoái hóa và dĩ nhiên sụn chêm cũng không thể trẻ mãi không già. Cá biệt có một số ca sụn chêm rách và gây kẹt khớp gây đau. 

Vậy chúng ta sẽ phải hiểu từ rách sụn chêm trong bệnh cảnh thoái hóa gối như thế nào?

Theo thiển ý của chúng tôi, thoái hóa gối nói chung và sụn chêm nói riêng là tiến trình tự nhiên. Chúng ta chỉ can thiệp khi nó gây triệu chứng. Đau khe khớp bên trong đa số do hư sụn khớp, viêm màng bao khớp và kích thích màng xương gây đau.

Sụn chêm rách thoái hóa mà không di lệch không gây kẹt khớp thì sẽ không gây đau. Bằng chứng là nếu điều trị thoái hóa khớp bệnh nhân hết đau và không phải làm gì trên sụn chêm.

Nếu sụn chêm rách rõ ràng có di lệch và gây kẹt khớp khi vận động lại là câu chuyện khác. Lúc này chỉ định mổ làm gì sẽ tùy thuộc vào tình trạng hư hại của khớp gối. Tức là phải trở lại vấn đề hư sụn, trục khớp gối...

Để kết luận rách sụn chêm thoái hóa trên MRI cũng chưa có chỉ định ngoài khoa trừ một vài ca hiếm hoi rách có di lệch gây kẹt khớp. Điều trị vẫn tập trung vào thoái hóa khớp.

Từ trái qua, từ trên xuống: (1) Sụn chêm đại thể trong một ca thoái hóa gối nặng. Hình dáng bình thường, rách thoái hóa rìa sụn chêm; (2): Sụn chêm được cắt ra từ một gối thoái hóa, nhìn đại thể vẫn không thấy đường rách; (3) Sụn chêm cắt đôi để thấy đường rách thoái hóa; (4) MRI rách thoái hóa sừng sau sụn chêm, đường rách không thông vào mặt khớp. Đây là kiểu rách thoái hóa và không có chỉ định mổ.

Rách sụn chêmRách sụn chêm

Sụn chêm là một trong những thành phần quan trọng của khớp và dễ bị tổn thương nhất. Rách sụn chêm thường gặp trong tai nạn giao thông, chấn thương thể thao.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên