20/04/2024 11:04 GMT+7

Giải mã huyền thoại Tạ Đình Đề - Kỳ 7: Vụ 'phá án' kỳ lạ của Tạ Đình Đề

Khoảng cuối năm 1970, một chuyến tàu cập cảng Hải Phòng. Trong các container hàng hóa, có một thùng nhỏ nhưng chứa đựng hàng đặc biệt của quốc phòng.

Ông Tạ Đình Đề (bên phải) có rất nhiều bạn bè, đồng đội thân thiết - Ảnh gia đình cung cấp

Ông Tạ Đình Đề (bên phải) có rất nhiều bạn bè, đồng đội thân thiết - Ảnh gia đình cung cấp

Ông Đề hay giúp người, bất kể thiệt thòi, thậm chí ảnh hưởng đến chính trị của mình. Ông nhận vào làm cả những người từng tù tội hay thành phần nghi có vấn đề thời kháng Pháp. Chính vì thương người mà cuối đời ông bị xét lại, điều tra cả những việc này.
Ông LƯU TUẤN GIAO

Giã từ vũ khí nhưng tiếng tăm Tạ Đình Đề vẫn còn rất lớn trong nhân dân. Cùng bao niềm vui, nỗi buồn nó theo ông mãi đến cuối đời. Và ông đã có nhiều vụ "ra tay" kỳ lạ chỉ bằng mỗi uy tín mình.

Truy tìm vật dụng quốc phòng

Thời kỳ máy bay Mỹ đánh phá cảng Hải Phòng, tàu bè cập cảng rất khó khăn vì phải đối phó cả không quân, hải quân lẫn thủy lôi của Mỹ phong tỏa dày đặc. 

Tuy nhiên, nhiều chuyến hàng được bốc dỡ khỏi tàu rồi vẫn tiếp tục gặp khó khi bị máy bay Mỹ bám đuổi, quyết đánh phá bằng được. Nhiều khi người ta phải vất hàng, che giấu tạm ở các làng mạc, rừng cây, ao đầm ven đường 5 đợi bầu trời tạm yên mới chuyển đi tiếp.

Người bạn Hoàng Giáp của Tạ Đình Đề nhớ khoảng cuối năm 1970, một chuyến tàu cập cảng Hải Phòng. Trong các container hàng hóa, có một thùng nhỏ nhưng chứa đựng hàng đặc biệt của quốc phòng.

Đó là sáu chiếc cốc màu xám trắng bằng bạch kim (platin) xuất xứ từ Liên Xô. Nhìn chúng như những chiếc cốc uống nước quý giá, nhưng sự thật đó là vật chuyên dụng của ngành quốc phòng dùng để điều chế hóa chất làm đầu nổ nhờ tính chất chống ăn mòn, chịu nhiệt cao và dẫn điện tốt của bạch kim. Chuyến hàng này vừa được bốc dỡ khỏi tàu thì lại bị máy bay Mỹ đánh phá, nên phải bỏ xuống ven đường 5 để tránh bom.

Cùng thời điểm này, Tạ Đình Đề về Hải Phòng. Trên đường đi, ông gặp một trung tá quân đội có vẻ rất lo lắng, đang tìm kiếm thứ gì đó bên đường. Tạ Đình Đề hỏi chuyện, vị sĩ quan biết danh ông nên nói thật ngay:

"Tôi đang đi tìm một thùng hàng đặc biệt của Bộ Quốc phòng để trong các container ven đường, nhưng giờ không thấy đâu nữa". Tạ Đình Đề yêu cầu quân nhân này mô tả kỹ hình dạng những chiếc cốc bạch kim và số hiệu container, rồi tự tin nói: "Anh yên tâm, để tôi giải quyết cho. Cứ vào quán uống nước chè giải khát đi. Ba giờ sau, tôi báo kết quả".

Ngay sau đó, Tạ Đình Đề tức tốc ghé cảng Hải Phòng, gặp Bí thư Đảng ủy Bùi Sơn Vinh từng là trung đoàn phó, chiến hữu của mình ở Liên khu 3. Ông nói ngay: "Anh kiểm tra giúp container số hiệu này được chuyển đi đâu? Ai là tài xế?".

Biết được chuyến xe phải dừng lại, dỡ hàng tránh bom cách Hải Phòng chỉ 10km, Tạ Đình Đề tức tốc xuống tọa độ này tìm gặp thanh niên ở làng và nói thẳng: "Bọn mày xem nhà nào mới có bộ cốc màu xám trắng rất đẹp, uống nước mà không cần rửa vẫn sạch không?".

Đám thanh niên nhìn mặt ông ngờ ngợ, rồi ồ lên: "Ối, bác có phải là Tạ Đình Đề không? Nghe tài thiện xạ bác từ bé rồi mà bây giờ mới được gặp. Bác bắn thử cho chúng cháu xem nhé?". Đề phì cười, nhưng vẫn nghiêm giọng: "Chúng mày cứ đi tìm giúp tao ngay, rồi tao bắn cho xem cả băng đạn cũng được".

Đám thanh niên túa vào làng. Chỉ lát sau, một cậu hổn hển quay ra báo thấy một nhà đang có bộ cốc giống mô tả. Gặp Tạ Đình Đề, ông chủ nhà sợ hãi, mếu máo mình nhặt được bộ cốc này ngoài đồng, chứ không ăn cắp trong thùng hàng nào cả. Tạ Đình Đề kiểm tra chính xác thì ra container chở thùng cốc bạch kim này bị trúng bom Mỹ.

Vì vậy hàng hóa cái hư hỏng, cái văng tung tóe. Bên vận chuyển hàng đã thu dọn lại, nhưng không phát hiện bộ cốc bị văng ra đồng nên bỏ sót. Ông chủ nhà đi câu lươn vô tình nhặt được, đem về sử dụng mà chẳng hề biết đó là thứ đồ đặc biệt của quốc phòng. Tạ Đình Đề vỗ vai chủ nhà an ủi: "Thôi, chẳng việc gì phải sợ. Anh giao trả ngay cho quân đội, rồi tôi sẽ tặng lại anh bộ cốc uống trà bằng sứ khác".

Chưa đầy ba giờ, anh trung tá nhận lại được thùng hàng đúng như Tạ Đình Đề hứa. Anh này cảm ơn rối rít, hứa hẹn sẽ có dịp đền ơn. Nếu không tìm được, chắc chắn sẽ có án kỷ luật nghiêm trọng với một số người. 

Ông Hoàng Giáp còn kể thêm một chuyện vui là sau đó có hỏi người bạn Tạ Đình Đề có trổ tài thiện xạ cho bọn trẻ giúp tìm đồ không. Đề tếu táo trả lời: "Tao chỉ bắn nửa băng đạn mà được cả bao ổi nặng cả tay". Thì ra Tạ Đình Đề đã bắn rụng mấy trái ổi, nhưng bọn trẻ thích quá hái tặng thêm cho ông cả bao.

Giải tỏa hàng hóa ở miền Bắc thời máy bay Mỹ đánh phá - Ảnh tư liệu

Giải tỏa hàng hóa ở miền Bắc thời máy bay Mỹ đánh phá - Ảnh tư liệu

Cứu kho tránh bom

Có một câu chuyện khác được chính nhân chứng trong cuộc là ông Lưu Tuấn Giao, nhân viên của ông Tạ Đình Đề hồi làm giám đốc Xưởng cao su đường sắt, kể lại rằng khoảng năm 1969, dân quân Đức Giang (quận Long Biên, Hà Nội) bắt được viên phi công Mỹ bị cháy máy bay, phải nhảy dù. Khai thác tay lái, lực lượng quân báo nắm được thông tin các kho hàng quân - dân sự ở khu vực đã bị phát hiện và đang là trọng điểm oanh tạc.

Hôm đó, Tạ Đình Đề cũng có việc phải qua kho lấy thiết bị về làm ở Xưởng cao su đường sắt. Trưởng kho biết tiếng tăm Tạ Đình Đề, than thở: "Bọn em đang lo quá. Khu vực này sắp bị đánh bom rồi, mà không thể nào sơ tán kịp hàng hóa". Ông Đề hỏi hàng gì. Anh trưởng kho thật thà trả lời hàng quân sự thì đã được chuyển đi hết rồi, chỉ còn hàng dân sự nên không đủ người chuyển đi.

Tạ Đình Đề cười nói chuyện này thì dễ thôi, để ông giải quyết. Sau đó, ông lại gọi thanh niên trong làng ra. Gặp ông, nghe giới thiệu đây là bác Tạ Đình Đề, nhiều cậu cứ tròn xoe mắt trầm trồ. Tạ Đình Đề nói thẳng: "Bọn mày vào làng, gọi tất cả thanh niên trai gái ra đây để tao có tí việc nhờ".

Mọi người tập trung đầy đủ, Tạ Đình Đề mới yêu cầu cấp tốc dọn kho tránh bom. Ông nói: "Tất cả xắn tay vào dọn hết. Có cái gì dùng được thì đem về dùng". Thế là, mọi người ào vào kho. Chỉ hai giờ sau, kho hàng sạch bóng. Anh trưởng kho cảm ơn rối rít nhưng cũng lo vì người ta cầm đồ về nhà nhiều quá. Tạ Đình Đề biết ý, bảo chẳng có gì phải ngại, đến xương máu nhân dân còn không tiếc cho Tổ quốc, xá gì ba cái chăn màn. Cứ để đấy ông lo.

Vài ngày sau, Tạ Đình Đề quay lại Đức Giang. Ông lại gọi thanh niên ra và nói thẳng: "Cái gì dùng được thì dùng, không thì trả lại Nhà nước". Ấy vậy mà chỉ trong ngày, dân làng đã đem hoàn trả lại gần hết đồ đạc bị thất thoát. Trong đó có 20.000 chăn len mùa đông thì thu hồi được 18.500 cái... Trưởng kho và những người trong cuộc hiểu rằng Tạ Đình Đề đã cứu được kho hàng. Nhưng về sau, ông lại khổ vì chuyện này. Người ta điều tra ông làm thất thoát tài sản xã hội chủ nghĩa.

Tính Tạ Đình Đề ngang tàng, hiếm khi nhắc lại chuyện một thời ngang dọc. Tuy nhiên, tiếng tăm ông lại lan xa và lâu đến mức chính người trong cuộc là ông cũng phải bất ngờ. Nhắc kỷ niệm bạn mình, ông Hoàng Giáp bần thần: "Năm 1985, chỉ vài tháng trước khi anh Đề bị bắt. Chúng tôi có cuộc vào Nam và gặp một chuyện mà ngay tính ngang tàng cỡ anh Đề cũng phải rớm nước mắt xúc động".

Một buổi sáng, Hoàng Giáp, Tạ Đình Đề cùng tướng Bắc Việt và một người bạn nhà báo kéo ra quán phở trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Chỉ có một chiếc xe máy, tướng Bắc Việt và anh nhà báo đi chung. Hoàng Giáp và Tạ Đình Đề ngồi xích lô. Họ kè nhau trên đường, thỉnh thoảng lại nói chuyện vọng qua lại ...

Anh xích lô cần mẫn đạp xe, lắng nghe hai vị khách giọng miền Bắc chuyện trò. Bất ngờ đến quán phở, anh ta khom xuống khoanh tay: "Thưa bác, bác có phải Tạ Đình Đề không ạ?". "Vâng, tôi đây" - Tạ Đình Đề trả lời, ngạc nhiên không hiểu sao người Sài Gòn này lại biết ông. "Cháu nghe tiếng bác lâu lắm rồi, bây giờ mới được gặp mặt. Xin bác cho cháu được ăn phở, ngồi nghe chuyện các bác một lần nhé", anh xích lô lễ phép. Đề vui vẻ nắm tay anh xích lô vào quán.

Đây là lần đầu tiên trong đời Hoàng Giáp thấy mắt bạn mình, tay súng biệt động kiêu hùng một thời, ngấn đỏ vì xúc động. Trước đó, ông đã ngồi tù không án 2 năm ở Hà Nội, và dù sau được minh oan vẫn có người từng là bạn bè, đồng đội đã tránh mặt ông vì sợ liên lụy.

-------------------

Tay súng biệt động rẽ bước làm "vui vẻ, trẻ khỏe" nhưng để lại dấu ấn đặc biệt với đội bóng Tổng cục Đường sắt danh tiếng. "Bầu" Tạ Đình Đề phá luật, tìm mọi cách lo anh em cầu thủ để rồi lại chịu oan...

Kỳ tới: Đội bóng Tạ Đình Đề

Giải mã huyền thoại Tạ Đình Đề - Kỳ 6: Giã từ vũ khíGiải mã huyền thoại Tạ Đình Đề - Kỳ 6: Giã từ vũ khí

"Bọn mày ra sân xếp hàng một đi. Mày biết làm việc gì? Hàn à? Vậy ôm đồ xuống tổ hàn ngay đi?". Nhiều năm nhắc nhớ lại người bạn cũ không còn nữa, nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường sắt Lê Minh Đức ngày còn khỏe vẫn phì cười.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên