30/08/2023 09:40 GMT+7

Giấy chứng sinh ghi nhầm giới tính, mẹ con chạy ngược xuôi không ai chịu sửa giùm

Bệnh viện nói hồ sơ đã bị hủy không có cơ sở cấp lại giấy chứng sinh, lên Sở Tư pháp thì sở chỉ đi nơi khác..., đến nay cháu Hồng vẫn không làm được căn cước công dân.

Nhiều cơ quan cho rằng nhầm lẫn giới tính của cháu Hồng là sự việc hy hữu. Kỳ lạ hơn, ngày 4-12-2010, bà Trần Thị Liễu, phó chủ tịch UBND phường Nghĩa Chánh, thời điểm đó ký cùng lúc vào giấy khai sinh bản gốc giới tính nam và bản sao lại giới tính nữ - Ảnh: TRẦN MAI

Nhiều cơ quan cho rằng nhầm lẫn giới tính của cháu Hồng là sự việc hy hữu. Kỳ lạ hơn, ngày 4-12-2010, bà Trần Thị Liễu, phó chủ tịch UBND phường Nghĩa Chánh, thời điểm đó ký cùng lúc vào giấy khai sinh bản gốc giới tính nam và bản sao lại giới tính nữ - Ảnh: TRẦN MAI

Giấy chứng sinh ghi giới tính nam, giấy khai sinh ghi giới tính nam, dù thực tế cháu là nữ. Trường hợp hy hữu này khiến cháu Nguyễn Hồ Kim Hồng (14 tuổi, phường Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi) không làm được căn cước công dân.

Bà Hồ Thị Phượng (48 tuổi, mẹ cháu Hồng) đã đưa con đi gõ cửa khắp nơi nhưng nhiều tháng trôi qua, chưa có cơ quan nào "gỡ khó" để xác định đúng giới tính cho cháu. 

Thiếu tá Võ Thành Phương, phó trưởng Công an phường Nghĩa Chánh, người giúp đỡ hai mẹ con từ những ngày đầu ngán ngẩm: "Những cơ quan liên quan đều nêu lý do khác nhau, nhưng chẳng ai đề xuất phương án trả lại giới tính thật cho cháu. Nếu không tháo gỡ, cháu không làm được căn cước công dân, nhiều quyền lợi sẽ không có".

Bản chính giấy khai sinh là nam, bản sao là... nữ

Những ngày cuối tháng 8, bà Phượng đưa con đến Trung tâm hành chính công TP Quảng Ngãi để "tìm lại" giới tính cho con. Gần ba tháng từ khi phát hiện giới tính của con từ nữ bỗng thành nam, bà Phượng bảo đã đi rất nhiều cơ quan.

Kể về sự việc hy hữu này, bà Phượng cho biết sinh cháu Hồng vào ngày 16-1-2009 tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi. Lúc sinh xong, bà Phượng không trực tiếp cầm giấy chứng sinh mà một người thân cầm hộ. 

Sau khi từ bệnh viện về nhà, giấy chứng sinh do anh trai bà Phượng giữ. Đến ngày 4-12-2010, anh trai bà Phượng cầm giấy chứng sinh lên UBND phường Nghĩa Chánh làm giấy khai sinh cho cháu Hồng.

Ngoài giấy khai sinh (bản chính), trong ngày 4-12-2010, UBND phường Nghĩa Chánh cũng soạn và ký nhiều giấy khai sinh (bản sao) đưa cho gia đình. Tuy cùng được cấp một ngày, cùng một người ký nhưng bản chính ghi giới tính nam còn bản sao ghi nữ.

"Lúc anh tôi làm giấy khai sinh về, tôi cất bản chính, chỉ sử dụng bản sao giấy khai sinh làm thủ tục nhập học và các thủ tục khác cho con. Cuộc sống khó khăn, tôi lo làm ăn, nuôi con không để ý lỗi sai này. Nhầm lẫn giới tính chỉ được phát hiện khi đi làm căn cước công dân cho con", bà Phượng nói.

Thiếu tá Võ Thành Phương kể ngày 30-5, ông liên hệ với gia đình, gửi văn bản mã định danh của cháu Nguyễn Hồ Kim Hồng để gia đình đưa cháu đến Công an TP Quảng Ngãi làm căn cước công dân. Ngày 2-6, ông Phương liên hệ xem gia đình đã đưa Hồng đi làm căn cước công dân chưa.

"Lúc này mẹ cháu mới nói giới tính cháu là nữ mà giấy khai sinh ghi nam, không làm căn cước công dân được. Tôi liên hệ UBND phường Nghĩa Chánh để lục giấy chứng sinh, làm căn cứ cấp lại giấy khai sinh cho cháu. Lúc này mới biết, trong giấy chứng sinh do Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi cấp, phần giới tính ghi "trai". 

Vì sai sót giới tính khởi đầu từ giấy chứng sinh nên tôi nói chị làm đơn đề nghị bệnh viện cấp lại giấy chứng sinh để làm lại giấy khai sinh", thiếu tá Phương nói.

Xin cấp lại giấy chứng sinh lại "được" giải quyết lòng vòng

Ngày 8-6, bà Phượng có đơn gửi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi, trình bày sự việc, đề nghị cấp lại giấy chứng sinh cho con. Bệnh viện có đơn trả lời "Hiện hồ sơ bệnh án của bà Phượng sinh con năm 2009 đã được hủy theo quy định về quy chế lưu trữ hồ sơ bệnh án (thời gian lưu trữ 10 năm), vì vậy bệnh viện không có cơ sở để cấp lại giấy chứng sinh cho bé Nguyễn Hồ Kim Hồng theo yêu cầu".

Bệnh viện từ chối cấp lại giấy chứng sinh, mẹ con bà Phượng "bí rị", về UBND phường Nghĩa Chánh thì được giới thiệu lên Sở Tư pháp, sở lại giới thiệu qua phòng tư pháp TP Quảng Ngãi. Cứ lòng vòng như thế nhưng không cơ quan nào giải quyết được. 

Thiếu tá Phương phải liên hệ khắp nơi, tìm cách tháo gỡ, để cháu Hồng được làm căn cước. Nhưng nơi nào cũng né ca khó này. 

"Sai sót hành chính từ đầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của cháu. Các cơ quan liên quan phải tìm hướng tháo gỡ, không thể nói khó, lấy lý do này kia được", ông Phương nói.

Bà Phượng bảo không có căn cước, cháu Hồng không thể có các quyền công dân bình thường khác. Năm nay cháu bước vào lớp 9, bà Phượng lo hết năm học, cháu thi vào lớp 10 sẽ gặp rắc rối vì không làm được căn cước. 

"Từ nhỏ đến lớn, con tôi đi học hay bất kỳ thủ tục gì đều làm giới tính nữ, chỉ có giấy chứng sinh và giấy khai sinh bản chính là giới tính nam, tưởng không rắc rối, ai dè rắc rối không tưởng", bà Phượng nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Văn Thiều, giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, nói hồ sơ đã bị hủy, không có gì đối chiếu thông tin, bệnh viện không có căn cứ để cấp lại giấy chứng sinh. Theo ông Thiều, trách nhiệm xác minh thông tin thuộc về ngành tư pháp. 

"Cháu sinh từ năm 2009, y bác sĩ thời điểm đó đã nghỉ hưu, giờ không ai còn nhớ để xác định cháu là nam hay nữ. Tôi ví dụ như cháu được sinh ở nhà, lấy gì có giấy chứng sinh. Vậy có nhầm lẫn, phải thẩm tra từ gia đình, hàng xóm để xác định giới tính cho cháu, phần bệnh viện bó tay không dám cấp lại giấy chứng sinh cho trường hợp này", ông Thiều nói.

Trong khi đó, bà Lê Hải Yến, phó trưởng phòng hành chính tư pháp và hỗ trợ pháp lý (Sở Tư pháp Quảng Ngãi), cho rằng: "Theo quy định, thông tin tư pháp không đúng sẽ dựa vào hồ sơ gốc (giấy chứng sinh) để cấp lại chính xác giới tính nữ cho cháu. Bệnh viện phải có trách nhiệm cấp lại giấy chứng sinh. Nhưng hiện bệnh viện không lưu hồ sơ, từ chối cấp lại. Trong khi giấy chứng sinh và giấy khai sinh bản chính lại sai sót hành chính (giới tính nam) giống nhau, rắc rối là ở chỗ đó".

Về việc "gỡ khó" bằng cách thành lập tổ xác minh thông tin từ địa phương, trường học, người thân, hàng xóm... để có cơ sở sửa giới tính cho cháu Hồng, bà Yến nói đó cũng là giải pháp được tính đến, nhưng lại không tìm được văn bản pháp lý nào để áp dụng. 

"Nói thật, trường hợp của cháu Hồng, có gửi lên Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực cũng không giải quyết được. Vụ việc quá hy hữu, chưa từng có tiền lệ. Nhầm lẫn giới tính như cháu Hồng lần đầu tiên tôi tiếp nhận. Vụ này còn khó hơn nhầm lẫn họ tên, năm sinh, quê quán", bà Yến nói.

Phải làm hết sức vì dân

Thiếu tá Võ Thành Phương nói: "Các cơ quan phải vào cuộc, làm hết sức vì người dân. Đây là sai sót đã xảy ra và đang ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cháu Hồng. Cháu là trường hợp duy nhất tại phường không làm được căn cước công dân. Lúc này không thể nói lỗi do ai, mà phương án nào để giải quyết nhầm lẫn hành chính từ 14 năm trước để lại".

Quảng Ngãi bí lối ra, thiếu tá Phương hỏi đồng nghiệp của mình ở nhiều nơi và tìm được phương án là vào Bệnh viện Nhi đồng 2 để xác định giới tính cho cháu Hồng. Ngày 31-7, hai mẹ con bà Phương đùm túm vào TP.HCM. Sau khi làm việc với mẹ con bà Phượng, Bệnh viện Nhi đồng 2 từ chối thành lập hội đồng xác định giới tính.

"Bác sĩ nói cháu Hồng phát triển bình thường, thực tế là nữ. Theo quy định, không có cơ sở gì để thành lập hội đồng xác định giới tính. Việc xử lý nhầm lẫn hành chính này các cơ quan tại tỉnh Quảng Ngãi phải thực hiện", bà Phượng rầu rĩ.

Chỉnh giới tính nhầm cho thiếu nữ không cần xét nghiệm ADNChỉnh giới tính nhầm cho thiếu nữ không cần xét nghiệm ADN

TTO - Đó là khẳng định của lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên - Huế về trường hợp bị nhầm lẫn giới tính trong khai sinh khiến thiếu nữ 17 tuổi phải mang tên Trần Văn Hải, phải dở dang việc học hành.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên