29/04/2023 13:42 GMT+7

Gương mặt phụ nữ của chiến tranh Việt Nam

Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ, tác phẩm của nhà văn Svetlana Alexievich đoạt giải Nobel văn chương 2015 đã khẳng định và chứng minh như vậy. Nhưng điều đó lại không đúng với chiến tranh Việt Nam.

Ảnh: P.VŨ

Ảnh: P.VŨ

Chiến tranh Việt Nam có rất nhiều khuôn mặt phụ nữ, những người yêu, người vợ, người mẹ, người bà... 

Bao nhiêu người thật chuyện thật, bao nhiêu tác phẩm văn học đã vẽ nên chân dung người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh, và Hồi ức Đỗ Duy Liên - Cuộc đời của mẹ do NXB Trẻ phát hành vào cuối tháng 4 này là một trong số đó.

Rất nhiều người ở TP.HCM đã nhiều năm quen thuộc với bà - dì Tư Duy Liên hiền hậu của Ủy ban thành phố, của Sở Thương binh - Xã hội, của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, của báo Phụ Nữ... 

Bà đã từng có mặt ở mọi nơi cần bàn tay và gương mặt người mẹ, người bà, lúc nào cũng với giọng miền Nam nhỏ nhẹ "Để Tư nói con nghe...".

Nhiều năm nay vì tuổi cao, bệnh tật, bà không còn xuất hiện nữa và hôm nay, cuốn hồi ức mà bà đã viết dành cho các con được xuất bản như thay cho sự có mặt, lại một lần nữa đưa dì Tư Duy Liên đến trước mặt mọi người, và "để Tư nói cho nghe...".

Vì là viết cho các con nên dì Tư đã dốc lời gan ruột: "Mẹ viết và gửi gắm vào đây một ước mơ - các con hiểu mẹ, thương mẹ hơn và hãy sống, làm việc thật tốt cho xã hội, cho hạnh phúc của con người, đừng một đứa nào trong các con được ươn hèn, tha hóa. 

Nếu trong cuộc đời có một lúc nào đó bị xao động, hãy nghĩ đến mẹ, đọc "cuộc đời của mẹ", các con sẽ được tiếp sức, sẽ vượt qua mọi cám dỗ, mọi trở lực để đủ nghị lực mà tiếp tục phấn đấu...". 

Những lời ấy không chỉ là dành cho Liên Hoan, Thái Hỷ, Duy Hiệp - ba người con yêu quý của bà - mà có thể là dành cho tất cả mọi người. Xuất bản cuốn sách, các con của bà chắc cũng có ý gửi gắm những lời của mẹ mình đến mọi người, đến sự nghiệp cách mạng mà bà đã hy sinh cả đời để đấu tranh, xây dựng.

Dì Tư Duy Liên đã kể về mình, tái hiện để các con và độc giả theo dõi được từng bước cô thiếu nữ Duy Liên ngây thơ "cấm cung" trở thành người cách mạng. 

Trưởng thành qua hoạt động, tôi luyện qua lao tù nhưng ngạc nhiên thay, trong con người cách mạng mỗi lúc mỗi lớn ấy, tấm tình của cô gái Duy Liên vẫn còn đó - nguyên vẹn.

Những lá thư viết cho chồng, bắt đầu từ ngày linh tính một người yêu - người vợ tự mách bảo cho bà biết tin dữ trước khi giấy báo tử của chồng đến nơi, là phần bí mật mà hôm nay các con mới được biết, được đọc và quyết định mang đến cho độc giả cùng thưởng thức. 

Trong những lá thư ấy, Tư Duy Liên trở lại thành một cô gái ngây ngất tình yêu, nũng nịu đòi quà, giận hờn từng cơn, tủi thân từng lúc... 

Gương mặt phụ nữ không mờ phai chai sạn trong gian nguy, trong thiếu thốn mà cứ ngời ngời say đắm yêu thương, cứ tinh tế sâu đằm hạnh phúc. Gương mặt của chiến tranh ở Việt Nam cũng chính là gương mặt hòa bình là như thế.

Xuất bản vào dịp TP.HCM kỷ niệm 48 năm hòa bình, NXB Trẻ cùng các con của bà Tư Duy Liên gửi đến độc giả lời bà đã viết trước khi trí nhớ về cõi mênh mông:

"Mẹ yêu quý thành phố này vô cùng vì chính trên đường phố mẹ đã giác ngộ cách mạng, biết yêu nước và cả ba mẹ đã thực sự đổ máu, góp một phần nhỏ bé vào sự nghiệp giải phóng và xây dựng thành phố. Mẹ gắn bó với thành phố gần hết cuộc đời, nay cả ba và mẹ mất đi, các con nối tiếp mà bảo vệ, xây dựng thành phố. Đây là mệnh lệnh".

Hành trình thám hiểm Đông Dương: Kết nối với tổ tiên thông qua sách sửHành trình thám hiểm Đông Dương: Kết nối với tổ tiên thông qua sách sử

Doanh nhân Lê Đăng Khoa cho rằng nếu đọc sách lịch sử như đọc một quyển tiểu thuyết, sẽ giúp người đọc dễ tiếp cận với lịch sử hơn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên