09/12/2018 07:58 GMT+7

Hạnh Phúc của thầy Trai

CÔNG TRIỆU
CÔNG TRIỆU

TTO - Suốt 31 năm qua, lớp học tình thương mang tên 'Hạnh Phúc' của thầy Nguyễn Trai, 54 tuổi, ở thôn nghèo Thanh Lam, xã Phú Đa, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thực sự mang đến hạnh phúc cho cả người đứng lớp và người học.

Hạnh Phúc của thầy Trai - Ảnh 1.

Thầy Trai luôn chỉ dẫn tận tình cho từng em nhỏ - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Vốn là một thanh niên khỏe mạnh, năm lên 18, thầy Trai không may mắc phải căn bệnh viêm đa khớp. Sức khỏe yếu dần, cứ hễ bước đi là hai đầu gối lại chụm vào nhau. Sau đó vài năm thì hai người thân của thầy là cha và mẹ lần lượt mắc bạo bệnh rồi qua đời. 

Không có nhiều điều kiện, thầy chấp nhận sống chung cùng bệnh tật. Tuy vậy, 31 năm cùng lớp học của thầy giáo tật nguyền ấy có biết bao nhiêu chuyện để kể.

Mong mọi người có được con chữ

Lớp học thường có từ 20 đến 40 em tham gia học nhưng chỉ do một mình thầy Trai đứng lớp. "Vì học sinh đông nhưng lại có đủ từ lớp 1 đến lớp 5 nên tui phải chia ngày để dạy. Ngày chẵn thì lớp 2 và 4. Ngày lẻ thì lớp 3 và 5. Riêng lớp 1 các em rảnh ngày nào thì tui dạy ngày đó" - thầy Trai cho biết.

Năm 1987, khi thấy thôn phát động chiến dịch xóa mù chữ, dù đang bị bệnh và chỉ học đến lớp 9 nhưng thầy Trai đã chủ động xin đứng lớp. Được chừng vài năm thì lớp xóa mù chữ dừng lại, thầy mở liền một lớp học mới mang tên Hạnh Phúc. Lớp học này hướng đến vài em nhỏ không được đến trường, không biết chữ. 

Nhưng người nghèo nhiều, "tiếng lành" của lớp học thì ngày càng đồn xa nên cứ thế ngày một đông hơn. Cái duyên, tình yêu với nghề giáo của thầy Trai đã bắt đầu từ đó. "Khó thì cũng rồi, nhưng lớp học thì không thể không hoạt động. Nhìn mấy đứa đọc được chữ, làm được toán thì dù có ăn khoai tui cũng thấy hạnh phúc" - thầy Trai chia sẻ.

Mục đích ban đầu của lớp học chỉ là "dạy cho mọi người biết chữ". Nhưng sau một thời gian, thầy Trai dần "nâng cấp" chương trình dạy của mình lên. Chương trình dạy học cho lớp xóa mù chữ không áp dụng được cho lớp học này. Thầy Trai đã bỏ công soạn riêng từng bài giáo án cho từng lớp học từ lớp 1 đến lớp 5 sao cho đúng với chương trình dạy học phổ thông hơn.

Sau 31 năm, có thể xem lớp học Hạnh Phúc cũng hái được quả ngọt khi hiện lớp học Hạnh Phúc đã được xem là điểm trường lẻ trong hệ thống các điểm trường tiểu học của xã Phú Đa. Học sinh sau khi "tốt nghiệp" ở lớp học Hạnh Phúc sẽ được làm bài dự thi tuyển sinh và xét chọn vào các lớp từ 1 đến 5.

Có con đang theo học ở lớp học được ba năm nay, chị Nguyễn Thị Bé - phụ huynh em Nguyễn Phú Quý (học sinh lớp 1) - nói rằng với tâm huyết, lòng nhiệt thành của thầy Trai, không chỉ Quý mà nhiều học sinh khác đã tiến bộ rất nhanh qua từng ngày. "May nhờ có thầy Trai, có lớp học Hạnh Phúc này chứ không chắc chúng cũng bỏ học theo bố mẹ làm thuê thôi" - chị Bé chia sẻ.

31 năm, thầy Trai xem công việc dạy học này chỉ như một người anh đang chỉ bày cho em út nên "thầy - trò" của lớp học thật gần gũi. "Tui chỉ xem học trò như những đứa em trong nhà. Phận làm anh, biết gì thì tui chỉ nấy. Nhờ rứa mà hầu như tất cả các em học sinh sau khi học ở lớp học này mà tham gia ứng tuyển vào các trường tiểu học chính quy thì luôn đạt kết quả cao" - thầy Trai tự hào nói.

Hạnh Phúc của thầy Trai - Ảnh 2.

Hình ảnh lớp học những năm đầu còn khó khăn được thầy Trai lưu giữ và cất kỹ - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Cả nhà là học trò cũ

Lớp học được "dựng lên" từ chính cái nghèo, cái khó của người dân trong thôn. Vì vậy, học sinh của lớp đều là con em của các gia đình chẳng mấy khá giả. Tùy theo điều kiện gia đình mà mỗi học sinh sẽ trả phí cho thầy Trai theo một kiểu khác nhau. 

Cũng là hộ nghèo trong thôn, từ trước đến nay ông Sang trả công cho người thầy của cả bốn đứa con mình là gạo, cá, nước mắm, ngày công. Những người khác thì trả bằng bịch muối, ký đường, chai dầu... "Vì biết rõ gia cảnh của một số học trò nên tui chủ động từ chối nhận bất kỳ thứ gì" - thầy Trai cười nói.

Ngăn ngôi nhà nhỏ xíu của mình làm hai, gian nhỏ được thầy chọn làm nơi sinh hoạt của gia đình, gian lớn dành để dạy học. Bàn ghế là những thanh gỗ được thầy cùng mọi người trong thôn gom góp, đóng ghép cao thấp. Đơn sơ, khó khăn vậy nhưng vì đã tồn tại hơn 31 năm qua nên nhiều gia đình có nhiều thế hệ gồm bố mẹ, con và cháu ở xã Phú Đa đã trở thành trò cũ của thầy.

Từng tham gia học ở lớp xóa mù chữ, chị Lê Thị Thảo (43 tuổi) hiện có con là em Trương Thị Yến Nhi (học lớp 1) cũng đang học ở lớp học Hạnh Phúc được 2 năm nay. Với gia đình ông Đặng Văn Sang, bốn người con gái là Đặng Thị Thanh Thúy (19 tuổi), Đặng Thị Thanh Thủy (18 tuổi), Đặng Thị Thanh Thùy (lớp 9) và em út Đặng Thị Phi Nhung (4 tuổi) đều đã và đang là học trò của thầy Trai. 

Gia đình chị Thảo, ông Sang chỉ là hai trong rất nhiều gia đình khác ở xã Phú Đa có cha mẹ, con cái là học trò cũ của thầy Trai. Suốt 31 năm dạy học, thầy Trai không nhớ nổi mình đã dạy tất cả bao nhiêu trẻ nhỏ trong thôn, xã.

Ông Vương Quốc Trung - trưởng thôn Thanh Lam - cho biết vì lớp học được mở từ lâu nên học trò của thầy Trai nhiều cũng là lẽ thường. "Tuy nhiên, điều đáng tự hào vẫn là có rất nhiều học trò cũ của thầy Trai đang là cán bộ ở xã, huyện; cử nhân đại học các ngành công an, sư phạm, luật, kinh tế... nhiều vô kể" - ông Trung cho biết thêm.
CÔNG TRIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên