11/01/2023 09:28 GMT+7

Hợp tác công - tư vào lĩnh vực thể thao, văn hóa: Có luật sẽ khai thác hiệu quả

Chia sẻ cùng Tuổi Trẻ, đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn, phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, cho hay TP sẽ xây dựng cơ chế đầu tư hợp tác công - tư áp dụng trong lĩnh vực thể thao, văn hóa vào dự thảo nghị quyết thay thế cho nghị quyết 54.

Hợp tác công - tư vào lĩnh vực thể thao, văn hóa: Có luật sẽ khai thác hiệu quả - Ảnh 1.

Ở trận tiếp Malaysia tại vòng bảng AFF Cup 2022, mặt sân Mỹ Đình cỏ cháy nhiều mảng - Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Câu chuyện gắn với thời sự về sự vận hành sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) thời gian qua cũng như các công trình văn hóa, thể thao khác có thể xem là chìa khóa đổi mới về huy động nguồn lực, quản lý, vận hành các công trình này? Cần cơ chế nào để thu hút đầu tư tư nhân hiệu quả?

Ông Tuấn chia sẻ Luật đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) hiện nay chỉ được áp dụng cho một số lĩnh vực và lĩnh vực thể dục - thể thao, văn hóa, công viên... không nằm trong diện điều chỉnh của luật. Đây là lý do trong quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết mới thay thế nghị quyết 54, TP.HCM có đưa vào nội dung thu hút nguồn lực xã hội vào đầu tư các lĩnh vực như văn hóa, trung tâm thể dục - thể thao và công viên... để các lĩnh vực này sẽ nằm trong diện điều chỉnh theo quy định của luật, mở ra cơ chế để thu hút nhà đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này khi thực tế cho thấy nhu cầu nhà đầu tư trong lĩnh vực này là có.

* Nhìn nhận từ cách vận hành của sân vận động quốc gia Mỹ Đình thời gian qua, theo ông, việc áp dụng cơ chế này có ý nghĩa như thế nào?

- Chúng tôi đánh giá rằng khi có sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân, của xã hội vào các dự án, công trình công trong lĩnh vực thể thao, văn hóa thì việc vận hành sẽ đạt được kết quả tốt hơn. Tất nhiên, nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc rất nhiều khi bỏ tiền ra để đầu tư nhưng nếu có một cơ chế tốt, hiệu quả, tôi cho rằng sẽ mang lại hiệu quả chung cho cả Nhà nước và tư nhân.

Ví dụ với sân vận động Mỹ Đình, nếu như nhà đầu tư tư nhân phối hợp với Nhà nước, khi họ bỏ tiền ra đầu tư, với cơ chế quản lý của tư nhân, nhà đầu tư sẽ quan tâm, chăm sóc tốt hơn. Tôi nghĩ là chất lượng phục vụ của sân Mỹ Đình có thể được cải thiện nếu có sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân vào.

* Nhưng với những lĩnh vực thể thao, văn hóa thì việc thu hồi vốn sẽ có hạn chế. Ông có nghĩ rằng cơ chế này khi triển khai sẽ thành công?

- Tôi cho rằng khi nhà đầu tư đã tính toán kỹ lưỡng về phương án đầu tư, dòng tiền, các chi phí đầu tư bỏ ra để họ có thể thu được những khoản tiền từ khai thác công trình, hạ tầng, nhà đầu tư sẽ phải chăm chút cho dự án đầu tư, công trình hạ tầng tốt hơn. Điều này có nghĩa khi nhà đầu tư bỏ ra một lượng tiền, bỏ vốn để được quyền khai thác sân thì họ sẽ được cho phép khai thác, trừ những khi Nhà nước khai thác. Theo cơ chế trong hợp đồng hợp tác công - tư, sẽ có sự thương lượng giữa Nhà nước và tư nhân thông qua hợp đồng. Nhà nước sử dụng sân vào những sự kiện trong năm, còn lại nhà đầu tư sẽ khai thác. Từ đó, quá trình khai thác, việc chăm sóc, quản lý vận hành sẽ tốt hơn, nên sẽ hiệu quả hơn.

Hợp tác công - tư vào lĩnh vực thể thao, văn hóa: Có luật sẽ khai thác hiệu quả - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn

* Thực tế hiện nay việc phát huy, khai thác cơ chế PPP còn nhiều bất cập ở nhiều lĩnh vực. Với lĩnh vực thể thao, văn hóa có đặc thù hơn, thì theo ông có khó khăn gì khi áp dụng cơ chế này và giải pháp thế nào?

- Việc triển khai theo hình thức PPP trong lĩnh vực thể thao, văn hóa là chưa bao giờ diễn ra, vì luật hiện nay chưa cho phép. Do đó, thực tế triển khai là chưa có. Theo quy định của Luật PPP, ngưỡng quy định hiện nay về vốn cho các lĩnh vực là 200 tỉ đồng, với y tế - giáo dục là 100 tỉ đồng nên khi áp dụng cơ chế thí điểm cho lĩnh vực thể thao, văn hóa, không thể cứng nhắc giữ quy định số vốn lớn như vậy để thu hút rộng rãi hơn.

Bên cạnh đó, cơ chế khai thác cũng phải thay đổi. Nếu chỉ đầu tư và dịch vụ thu tiền vé thì không thể đủ bù đắp chi phí đầu tư theo hình thức PPP. Vì vậy, phải kết hợp với các lĩnh vực khác như thương mại, dịch vụ kèm theo. Ví dụ, tại các công trình này có thể cho phép khai thác nhà hàng, thương mại thì dòng tiền nhà đầu tư thu về mới tối ưu. Thời gian thu hồi vốn nhanh hơn mới có thể tạo được sự hấp dẫn cho nhà đầu tư.

Chẳng hạn như trong năm lĩnh vực được cho phép thực hiện theo Luật PPP mà TP.HCM đang triển khai, cũng cần phải như vậy. Với lĩnh vực giao thông, TP.HCM đang xây dựng bãi đậu xe ngầm. Nếu chỉ thu tiền vé thôi thì không thể nào đủ bù đắp chi phí cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư phải mất thời gian rất dài vài chục năm mới thu hồi vốn. Do đó, phải tháo gỡ cho cơ chế này, tức là cho nhà đầu tư khai thác thêm trên cơ sở vật chất, hạ tầng đó, mở rộng thêm dịch vụ thương mại, ăn uống, nhà hàng... thì mới tạo lực hút hấp dẫn hơn khi triển khai.

Vì thế, chuyện hợp tác công - tư không phải là bổ sung lĩnh vực nào mà phải bổ sung chức năng thương mại dịch vụ để phối hợp giao thông, hạ tầng trong lĩnh vực PPP mới hiệu quả. Điều quan trọng là cơ chế chưa có, nên cần sửa đổi cơ chế thì mới có thể thực hiện được.

Hợp tác công - tư vào lĩnh vực thể thao, văn hóa: Có luật sẽ khai thác hiệu quả - Ảnh 3.

Hình ảnh một góc tập kết rác tại sân Mỹ Đình vào ngày 22-12-2022, thời điểm hai ngày trước khi tổ chức các trận AFF Cup - Ảnh: HOÀNG TÙNG

Ông Trần Văn Lâm (đại biểu Quốc hội Bắc Giang, ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội):
Cơ chế cần mở ra cho tư nhân, luật đang siết quá

Từ câu chuyện sân vận động Mỹ Đình, lấy ví dụ như tại Bắc Giang có Tập đoàn T&T thuê lại sân phục vụ cho công tác đào tạo trẻ, đầu tư nâng cấp chất lượng hạ tầng, mặt cỏ tốt. Khi tỉnh tổ chức đại hội thể thao thì lại giao về cho tỉnh, còn bình thường nhà đầu tư sẽ thuê lại, trông nom, chăm sóc, tiết kiệm khoản kinh phí hơn rất nhiều mà không phải bỏ ngân sách ra duy trì hoạt động.

Tôi tin tưởng mô hình quản trị tư nhân, các lĩnh vực tư nhân quản trị hiệu quả hơn quản trị công. Nguồn lực nếu chỉ trông chờ ngân sách là luôn luôn khó, tư nhân đầu tư có nhiều kênh huy động và sử dụng đồng vốn hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông:
Thí điểm cho TP.HCM, hướng đến sửa luật

Khi ban hành Luật đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện rà soát và chưa kiến nghị đưa lĩnh vực văn hóa, thể thao vào lĩnh vực hợp tác công - tư. Tuy nhiên, thực tiễn luôn thay đổi liên tục và qua đề xuất của TP.HCM, Hà Nội thời gian gần đây, thấy rằng các địa phương có nhu cầu rất lớn, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của việc phát triển. Do đó cần nghiên cứu, sửa Luật PPP và quy định rất rõ ngành nghề với các quy định hợp lý. Trong việc sửa nghị quyết 54 về cơ chế, chính sách đặc thù, TP.HCM đang đề nghị bổ sung thí điểm thực hiện hợp tác công - tư trong lĩnh vực văn hóa, thể thao. Bộ Kế hoạch và Đầu tư thấy rằng đây cũng là một quy định phù hợp và đang nghiên cứu, phối hợp với các bộ, ngành sẽ báo cáo Chính phủ vấn đề này để kiến nghị Quốc hội. Trước mắt có thể thí điểm với TP.HCM trước để chúng ta có cơ sở sửa đổi Luật PPP trong thời gian tới.

N.AN - T.CHUNG ghi

Hợp tác công - tư vào lĩnh vực thể thao, văn hóa: Có luật sẽ khai thác hiệu quả - Ảnh 5.

HLV Park Hang Seo nhặt những mẩu rác nhỏ trên sân Mỹ Đình trước một buổi tập của đội tuyển Việt Nam - Ảnh: N.K.

Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương:
Hãy mạnh dạn chuyển giao quyền quản lý

Có điều kiện đi nhiều nước, tôi nhận thấy rằng phần lớn các sân vận động đều được nhà nước giao quyền quản lý khai thác cho các CLB hoặc tư nhân. Tất nhiên, quyền quản lý, khai thác ấy phải chịu sự ràng buộc bởi những quy định pháp lý.

Khi được trao quyền, CLB hoặc tư nhân luôn có kế hoạch khai thác hết công năng của sân một cách hiệu quả. Ngoài việc tổ chức thi đấu, họ còn khai thác mặt bằng cơ sở với đa dạng các loại hình dịch vụ như bán quà lưu niệm, tổ chức các loại hình thể thao cộng đồng để người dân tới sinh hoạt có thu phí, nhà hàng, tổ chức sự kiện, các buổi biểu diễn ca nhạc. Thậm chí như sân Nou Camp (Tây Ban Nha) còn xây dựng khu nhà riêng để lưu giữ tro cốt của người hâm mộ bóng đá.

Thông qua việc tổ chức đa dạng các loại hình kinh doanh như vậy, nguồn thu được dùng vào việc tu bổ cơ sở vật chất, đóng thuế cho nhà nước mà không phải chi phí cho bộ máy quá cồng kềnh nếu cơ sở ấy do các đơn vị nhà nước quản lý.

Cựu trung vệ Cảng Sài Gòn Lưu Ngọc Hùng:
Đồng tiền đi liền khúc ruột

Với tư cách là người trong cuộc, tôi khẳng định rằng mọi chuyện sẽ tốt hơn nếu các cơ sở vật chất của thể dục thể thao nói chung, bóng đá nói riêng, được giao cho tư nhân hay doanh nghiệp quyền vận hành, quản lý, khai thác.

Đây là bài học rút ra từ hơn một năm qua khi tôi vận hành sân bóng đá trung đoàn Gia Định (trực thuộc Bộ tư lệnh TP.HCM). Bộ mặt của sân được chỉnh trang toàn diện rất bắt mắt với nhiều tiện ích đi kèm. Mặt sân cỏ tự nhiên dành cho sân chơi 11 người luôn xanh tươi. Sự bắt mắt ấy giúp phụ huynh mạnh dạn đăng ký cho con em mình đến tập luyện thường xuyên ở các lớp năng khiếu, bóng đá cộng đồng. Tiếng lành đồn xa, CLB tiếp nhận thêm nhiều hình thức quảng cáo của các doanh nghiệp. Tổng hợp các nguồn thu, sau khi làm nghĩa vụ đầy đủ, chúng tôi đủ sức chi trả lương cho nhân viên sân bãi, đội ngũ HLV và trọng tài, nhân viên quản lý.

Khi đổ tiền đầu tư, doanh nhân hay doanh nghiệp luôn đau đáu tới việc làm sao khai thác tốt nhất để có nguồn thu, trang trải chi phí và dần thu hồi vốn. Đơn giản chỉ vì "đồng tiền đi liền khúc ruột" như người xưa đã nói. Tuy nhiên, nếu chỉ nhăm nhăm thu hồi vốn, không quan tâm đến quyền lợi cộng đồng thì mọi chuyện có khác gì cách vận hành của bộ máy nhà nước quản lý lâu nay. Cần phải rạch ròi, hài hòa với mục tiêu - trong cái chung có cái riêng. Được vậy mới mong mang lại sự tốt đẹp hơn cho cuộc sống.

SĨ HUYÊN ghi

Hợp tác công - tư vào lĩnh vực thể thao, văn hóa: Có luật sẽ khai thác hiệu quả - Ảnh 7.

Có khá nhiều ghế ngồi trên sân Mỹ Đình bám bụi bẩn không thể lau chùi sạch bằng nước thông thường - Ảnh: Hoàng Tùng

Ông Lý Đại Nghĩa (phó giám đốc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT TP.HCM):
Ít nhất đủ cho phí bảo trì

Việc phối hợp cùng các đơn vị tư nhân, cùng tham gia xây dựng, quản lý sân bãi thể thao là xu hướng tất yếu của ngành thể thao và nhiều nước đã đi theo mô hình này để mang lại nguồn thu, ít nhất là đủ chi phí bảo trì.

Một ví dụ là sân vận động quốc gia do Nhật xây dựng nhằm phục vụ Olympic Tokyo. Mới đây, lãnh đạo ngành thể thao Nhật Bản đã thông báo rao bán quyền sử dụng sân vận động này trong vòng 30 năm, sau khi không thể một mình gánh chi phí duy trì hằng năm quá lớn. Được biết chi phí vận hành sân vận động quốc gia Nhật Bản lên đến 1,84 tỉ yen (khoảng 14 triệu USD), trong khi thời gian qua, doanh thu của sân chỉ là 550 triệu yen (4,2 triệu USD).

Để khắc phục tình trạng thua lỗ, Tổng cục Thể thao Nhật Bản quyết định đẩy nhanh quá trình tư nhân hóa - vốn đã được lên kế hoạch từ năm 2022 nhưng bị muộn vì nhiều lý do. Ngoài ra, chính quyền Nhật còn dự định bán tên sân.

Tiến sĩ Nguyễn Trà Giang (viện trưởng Viện Khoa học và Quản lý thể dục thể thao UMT):
Không để lãng phí cơ sở hạ tầng

Năm 1998, Thái Lan tổ chức Asiad 1998, họ phải xây dựng dàn cơ sở vật chất với chi phí lên đến 167 triệu USD, trong đó khu phức hợp thể thao ở Đại học Thammasat là một trong những địa điểm chính.

Người Thái thường xuyên tổ chức những sự kiện thể thao lớn, và họ luôn xác định điều quan trọng là không được để lãng phí cơ sở hạ tầng. Với khu thể thao ở Đại học Thammasat, Tổng cục Thể thao Thái Lan cho các CLB thuê lại, mở cửa cho người dân vào tập luyện. Từ đó nhà trường có doanh thu để duy trì khu thể thao này nhằm phục vụ những sự kiện lớn, lại có thêm sân chơi cho phong trào thể thao sinh viên.

Đến SEA Games 2007, Thái Lan tiếp tục có hình thức tư nhân hóa khá thú vị khu làng VĐV ở Nakhon Ratchasima - thường được gọi là khách sạn 700 phòng. Họ đem nơi này làm địa điểm chuyên tiếp đón các đoàn VĐV trong và ngoài nước đến tập huấn, qua đó vừa phát triển thể thao vừa thúc đẩy du lịch, và lại thu được lợi nhuận đủ để duy trì hoạt động.

Cá nhân tôi - với vai trò thư ký cho Liên đoàn Khúc côn cầu trên băng (Ice Hockey) Thái Lan cũng từng xoay xở để tiết kiệm chi phí sân bãi. Liên đoàn chúng tôi không hề xây sân vận động nào cả vì chi phí xây một sân băng như vậy lên đến hàng chục triệu USD. Thay vào đó, chúng tôi đề nghị với CLB Thailand International Ice Hockey Arena cho chúng tôi sử dụng sân bãi của họ. Đổi lại, sân đấu này sẽ được gắn logo của liên đoàn, được liên đoàn quảng bá là sân đấu chính thức, và họ thậm chí còn có tiếng nói trong các sự kiện thể thao lớn. Điều này mang lại lợi ích lớn cho họ, các đội hockey nước ngoài thậm chí cũng biết và tìm đến họ.

Giao sân Mỹ Đình cho tư nhân quản lý: Sân sẽ đẹp lung linh ngay...Giao sân Mỹ Đình cho tư nhân quản lý: Sân sẽ đẹp lung linh ngay...

Bạn đọc Tuổi Trẻ Online cho rằng nếu để doanh nghiệp tư nhân vào khai thác, đầu tư cho sân Mỹ Đình sẽ giải quyết được tình trạng sân vận động quốc gia như ruộng, lợi cả đôi đường. Tuy nhiên, có không ít ý kiến lại lo ngại.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên