12/01/2023 10:32 GMT+7

Khởi nghiệp: Chọn đường dài hay đi lối tắt? - Con đường không trải hoa hồng

Để đi đến đoạn đường tạm gọi là thành công, không ít gương mặt khởi nghiệp trẻ đã bầm giập, "lên bờ xuống ruộng".

khởi nghiệp: Chọn đường dài hay đi lối tắt? - Con đường không trải hoa hồng - Ảnh 1.

Thí sinh thuyết trình dự án tại vòng chung kết cuộc thi khởi nghiệp Start-up Wheel - Ảnh: Q.L.

Mỗi khi nhắc lại, nhiều bạn trẻ vẫn chưa quên được khoảng thời gian đầy ám ảnh, nỗi buồn và thậm chí nước mắt trên con đường khởi nghiệp.

Đụng COVID-19, khởi nghiệp ê chề...

Từng được gọi tên cho giải cao nhất tại cuộc thi khởi nghiệp do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP.HCM tổ chức, rồi được Liên Hiệp Quốc chọn là một trong chín start-up quốc tế vì môi trường 2020, Trần Nguyễn Duy Tuấn (24 tuổi) trình làng sản phẩm tiết kiệm điện Airiot được kỳ vọng "bùng nổ" vì góp phần giải quyết vấn đề cấp thiết của xã hội.

Đơn hàng nhận về tăng vọt, cả những khoản vốn từ các quỹ và nhà đầu tư thiên thần. Nhưng cơn ác mộng COVID-19 ập đến, hàng loạt khách hàng và quỹ đầu tư hủy hết hợp đồng, đơn hàng, cuộc hẹn. Airiot "toang" hai tháng sau đó. Duy Tuấn thừa nhận trong các yếu tố khiến start-up này thất bại có lý do quản lý tài chính chưa vững.

Anh lao vào dự án khác mang tên Coolbrace (ra đời vào tháng 7-2021). Nhưng khi sản phẩm được cộng đồng đón nhận, anh lại bị "cuốn" vào thị trường tiền mã hóa. Tuấn tạo ra Coinclock, một thiết bị phục vụ thị trường tiền mã hóa. Nhưng cũng vì dịch, nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc giãn cách xã hội nghiêm ngặt, khách lại hủy đơn. "Đến giờ tôi vẫn đang phải trả số nợ vì sự tham lam của bản thân", Duy Tuấn nói.

Số nợ lớn, chuỗi khởi nghiệp thất bại khiến Tuấn trầm cảm nặng. Anh thậm chí từng nghĩ việc kết thúc cuộc đời nhưng phải tự vực dậy tinh thần, phải lấy lại niềm tin của người thân và nhà đầu tư từng tin mình. Anh lại tiếp tục và hiện khá thành công với start-up khung tranh kỹ thuật số, có những tín hiệu ban đầu khả quan. "Chúng tôi đang nắm giữ hoàn toàn các khâu song mô hình này dễ bắt chước nếu đối thủ có tiềm lực tài chính mạnh, nên chúng tôi phải xây dựng chiến lược bảo hộ và cạnh tranh để hạn chế điều này", bạn chia sẻ.

Suýt phá sản khi khởi nghiêp

Cũng lận lưng giải nhì một cuộc thi khởi nghiệp, được quỹ đầu tư rót vốn, Lương Công Gia Huy (34 tuổi) - đồng sáng lập flashcard BlueUp và chuỗi bún cá Ninh Hòa - kể năm 2016 mọi thứ đều phát triển nhanh, doanh thu tốt đến mức "tiền nhiều không biết phải làm gì".

Nhưng bức tranh start-up nhanh chóng đổi màu. Năm 2018, hầu hết khách hàng quan tâm đến các sản phẩm online hơn sản phẩm giấy (sản phẩm chủ lực của flashcard BlueUp). Chưa kể kênh bán hàng truyền thống từ nhà sách quay vòng vốn chậm, kênh tiếp thị online "ngốn" nguồn tiền lớn, thu không đủ bù chi, doanh thu lao dốc.

Số tiền tích góp được bung hết để xoay xở. Những tài sản quý giá nhất lần lượt rời đi vẫn chưa đủ trả các khoản nợ từ khởi nghiệp. Chuỗi dài áp lực tài chính, nhân sự biến Huy như thành người mất hồn, cộng với nhiều căn bệnh hành hạ. Gia Huy buộc phải bán bản quyền, cắt giảm nhân sự, luân chuyển dòng tiền qua lại giữa hai start-up mới vực dậy phần nào. Bạn sau đó nhận được học bổng thạc sĩ quản trị kinh doanh và hiện quản lý start-up từ Canada với hy vọng kiến thức học được ít nhiều hỗ trợ con đường start-up sắp tới.

Từng xa lánh mọi người

Tốt nghiệp đại học rồi cao học tại hai trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM, Lê Minh Tuấn (39 tuổi), đồng sáng lập start-up Graphene, có thu nhập cao tại một tập đoàn của Hoa Kỳ. Nên khi nghe anh quyết định khởi nghiệp, gia đình phản đối quyết liệt.

Toàn bộ thí nghiệm đều không cho kết quả như mong đợi. Số tiền vay mượn khắp nơi không có khả năng thanh toán. Mất tiền, Tuấn mất luôn niềm tin của những người yêu thương nhất. "Tôi thậm chí xa lánh bạn bè, người thân do phải... trốn nợ!", Tuấn nhớ lại khoảng thời gian bĩ cực.

Sau nhiều sóng gió, anh mới có được chút niềm vui khi start-up với phương pháp chế tạo vật liệu graphene giá rẻ so với thị trường. Sản phẩm đoạt giải "Ý tưởng sáng tạo nhất" tại cuộc thi khởi nghiệp Start-up Wheel 2018 và có ba quỹ đầu tư, dần trở nên lớn mạnh.

Khởi nghiệp: Chọn đường dài hay đi lối tắt? Vào app để... bỏ rácKhởi nghiệp: Chọn đường dài hay đi lối tắt? Vào app để... bỏ rác

GRAC - ứng dụng thu gom rác thải - do một hợp tác xã thu gom rác dân lập tại TP.HCM tự mày mò phát triển, hướng dẫn và thúc đẩy người dân phân loại rác mà đích đến là một... đô thị không rác. Ý tưởng khởi nghiệp này đã ra đời từ năm 2018.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên